TÓM TẮT:

Vấn đề về bảo vệ quyền con người luôn được Nhà nước chú ý quan tâm và xem trọng, đặc biệt là Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cũng được xây dựng dựa trên cơ sở này. Trên cơ sở giới thiệu, phân tích ngắn gọn theo các nhóm điều luật, bài viết dưới đây nhằm giúp độc giả dễ dàng hình dung và hệ thống các quy định liên quan đến vấn đề về bảo vệ quyền con người quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

Từ khóa: bảo vệ, quyền con người, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bồi thường.

 1. Đặt vấn đề

Pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) ở Việt Nam có sự hình thành từ rất sớm. Ngay từ thời phong kiến, pháp luật của Nhà nước phong kiến đã có những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do quan lại gây ra. Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay, pháp luật về TNBTCNN cũng đã có một quá trình hoàn thiện và phát triển tương đối lâu dài.

Ngày 18/6/2009, Luật TNBTCNN năm 2009 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII. Đây là lần đầu tiên, TNBTCNN được quy định một cách đầy đủ, toàn diện nhất và ở một văn bản tầm Luật. Thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN năm 2009 cho thấy, Luật đã đi vào cuộc sống và cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, hoàn thành được vai trò, sứ mệnh được nêu trong Luật[1].

Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn cho thấy, Luật TNBTCNN năm 2009 đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, thiếu sót lớn mà những khiếm khuyết, thiếu sót này là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng lớn đến quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại, việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng như gây khó khăn cho chính hoạt động giải quyết bồi thường. Những thiếu sót này thể hiện ở một số điểm chủ yếu, bao gồm: Một là, chưa cập nhật kịp thời các quy định mới về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013; Hai là, không còn phù hợp với các Bộ luật, Luật mới được ban hành như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015,…; Ba là, nhiều quy định nội tại của Luật TNBTCNN đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.

Từ thực tiễn đó, ngày 20/6/2017, Luật TNBTCNN năm 2017 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các nội dung của Luật TNBTCNN năm 2009, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các Bộ luật, Luật mới ban hành, có kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật TNBTCNN năm 2009, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật năm 2009, qua đó, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013[2].

2. Tổng quan nghiên cứu

Bảo vệ quyền con người trong các quy định của Luật TNBTCNN là một nội dung quan trọng và thường xuyên được đề cập khi nghiên cứu về lĩnh vực dân sự nói chung và vấn đề bồi thường nói riêng. Cho nên từ trước đến nay có không ít bài báo, tạp chí hay những quyển sách chuyên khảo đề cập về vấn đề này. Tuy nhiên, mỗi bài viết hay một công trình nghiên cứu khoa học lại nói đến một khía cạnh khác nhau, nhưng tựu chung đều chỉ đề cập những khái niệm và phân tích cơ bản về vấn đề trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, không đi sâu vào một vấn đề cụ thể như vấn đề về bảo vệ quyền con người. Mặt khác, những bài viết đã có hiện hành hầu như chưa làm rõ cho người đọc những yếu tố cụ thể về vấn đề bảo vệ quyền con người được nêu lên trong Luật TNBTCNN. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung vào nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn đề này qua cách phân tích từng nhóm quy định của luật có liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền con người. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả có kế thừa những thành tựu khoa học từ những bài nghiên cứu khoa học của các tác giả đã được công bố trước đó.

3. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp đánh giá, phương pháp mô tả giúp tác giả tìm hiểu về chế định liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền con người trong các quy định của Luật TNBTCNN. Tác giả cũng dùng phương pháp tổng hợp được sử dụng trong việc tổng hợp các vấn đề đã nghiên cứu nhằm đưa ra những nhận định và kết luận.

Ngoài những biện pháp trên, tác giả còn sử dụng một số phương pháp khác như: phương pháp nghiên cứu lịch sử để nắm rõ quá trình hình thành, phát triển của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ở Việt Nam; hay phương pháp khảo sát thực tế để từ đó đưa ra những điểm chưa được áp dụng đúng thực tế, phù hợp với yêu cầu dân sự của cá nhân, cơ quan tổ chức hay những vướng mắc bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật.

3.1. Bảo vệ quyền con người trong các quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

Các trường hợp được Nhà nước được bồi thường - hay phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước - được Luật TNBTCNN năm 2017 quy định tại các Điều từ Điều 17 đến Điều 21, trong đó, quy định các trường hợp được bồi thường trong các hoạt động thi hành công vụ trong các lĩnh vực: (1) quản lý hành chính (Điều 17); (2) tố tụng hình sự (Điều 18); (3) tố tụng dân sự (Điều 19); (4) tố tụng hành chính (Điều 19); (5) thi hành án hình sự (Điều 20) và (6) thi hành án dân sự.

Một điểm cần lưu ý là Nhà nước chấp nhận bồi thường trong 6 lĩnh vực hoạt động thi hành công vụ nêu trên và trong từng lĩnh vực hoạt động. Luật TNBTCNN năm 2017 cũng quy định cụ thể các trường hợp được bồi thường. Theo đó, những trường hợp nào được “liệt kê” trong các Điều từ Điều 17 đến Điều 21 sẽ được Nhà nước bồi thường. Điều này cũng xuất phát từ chính đặc điểm của TNBTCNN là có thể bị hạn chế[3]. Bởi vì, ở góc độ quyền con người nói chung, theo Hiến pháp năm 2013 thì “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013); ở góc độ quyền dân sự nói riêng, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

3.2. Bảo vệ quyền con người trong các quy định về thiệt hại được bồi thường trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

Quy định thiệt hại được bồi thường được Luật TNBTCNN năm 2017 nêu rõ tại các Điều từ Điều 23 đến Điều 28. Trong đó, khi một cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, họ có thể được bồi thường các loại thiệt hại: (1) thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 23); (2) thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 24); (3) thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 25); (4) thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 26); (5) thiệt hại về tinh thần (Điều 27) và (6) thiệt hại là chi phí được bồi thường.

Riêng đối với thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, Luật TNBTCNN năm 2017 còn quy định việc trả lại tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu trái pháp luật ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu đó bị hủy bỏ, đồng thời, dẫn chiếu áp dụng quy định của pháp luật có liên quan về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật về tố tụng và quy định khác của pháp luật có liên quan khi thực hiện việc trả lại tài sản cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.

Ngoài các quy định về thiệt hại được bồi thường và trả lại tài sản, Luật TNBTCNN năm 2017 cũng quy định việc khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Đối với cá nhân bị thiệt hại, có 03 loại quyền, lợi ích được khôi phục là: (1) khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan; (2) khôi phục quyền học tập và (3) khôi phục tư cách thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (khoản 1 Điều 29). Đối với tổ chức bị thiệt hại, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định chung mang tính nguyên tắc, theo đó, ngoài các thiệt hại được bồi thường quy định tại các điều 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật TNBTCNN năm 2017 thì người bị thiệt hại là tổ chức còn được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 29).

3.3. Bảo vệ quyền con người trong các quy định về cách yêu cầu và giải quyết yêu cầu bồi thường trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

Để bảo đảm cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường bồi thường của mình cũng như thiết lập cơ sở pháp lý cho các cơ quan có trách nhiệm thực hiện giải quyết bồi thường, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định các cách thức yêu cầu bồi thường và giải quyết yêu cầu bồi thường như sau:

3.3.1. Trường hợp người bị thiệt hại đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường quy định tại một trong các Điều từ Điều 8 đến Điều 12 Luật TNBTCNN năm 2017

Trong trường hợp này, người bị thiệt hại có quyền lựa chọn 01 trong 02 cách thức sau đây để yêu cầu bồi thường: (1) yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết bồi thường; (2) khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

3.3.2. Trường hợp người bị thiệt hại đồng thời yêu cầu bồi thường khi khởi kiện vụ án hành chính

Trong trường hợp này, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường khi giải quyết vụ án hành chính theo quy định tại Điều 55 Luật TNBTCNN năm 2017 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

3.3.3. Trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường khi Tòa án giải quyết vụ án hình sự mà bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Trong trường hợp này, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường khi giải quyết vụ án hình sự theo quy định tại Điều 55 Luật TNBTCNN năm 2017 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Một điểm cần lưu ý là về nguyên tắc, người bị thiệt hại có quyền lựa chọn yêu cầu bồi thường theo những cách thức như nêu trên. Tuy nhiên, Luật cũng quy định, theo đó, nếu người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường theo một trong các cách thức yêu cầu bồi thường như nêu trên và đã được cơ quan đó thụ lý giải quyết thì không được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường (khoản 3 Điều 4).

4. Bảo vệ quyền con người trong các quy định về hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường

Có thể nói rằng, so với Luật TNBTCNN năm 2009 trước đây, Luật TNBTCNN năm 2017 đã có nhiều quy định mới tạo thuận lợi hơn cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Một trong những quy định điển hình là quy định về quyền được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc hỗ trợ, hướng dẫn họ thực hiện quyền của mình.

Trước hết, về quyền thì Luật TNBTCNN năm 2017 quy định người bị thiệt hại có quyền “Được cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường” (điểm đ khoản 1 Điều 13).

Về phía trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định khi cơ quan này giải quyết bồi thường thì có trách nhiệm “Hướng dẫn người yêu cầu bồi thường thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường” (khoản 9 Điều 15).

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định, theo đó, (1) đối với Bộ Tư pháp, cơ quan này có trách nhiệm “Hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường” (điểm đ khoản 2 Điều 73) và (2) đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan này có trách nhiệm “hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong phạm vi địa phương mình” (điểm c khoản 3 Điều 73.

Cụ thể hóa các quy định nêu trên, ngày 10/12/2019, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 09/2019/TT-BTP quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước.

Đối với hỗ trợ thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường, người bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường đối với các nội dung: (1) quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại; (2) trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường; (3) trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; (4) phục hồi danh dự; (5) chi trả tiền bồi thường; (6) đối tượng được bồi thường; (7) thời hiệu yêu cầu bồi thường; (8) căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; (9) phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; (10) thiệt hại được bồi thường; (11) hồ sơ yêu cầu bồi thường; (12) tạm ứng kinh phí bồi thường và các nội dung liên quan khác về thủ tục yêu cầu bồi thường (Điều 4 và Điều 6 Thông tư số 09/2019/TT-BTP).

Bộ Tư pháp (cụ thể là Cục Bồi thường Nhà nước) là cơ quan thực hiện hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước và có trách nhiệm cung cấp thông tin về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu hỗ trợ về vụ việc của cá nhân, tổ chức; cung cấp thông tin về việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của người bị thiệt hại liên quan đến vụ việc yêu cầu bồi thường của mình; có ý kiến bằng văn bản đối với cơ quan có thẩm quyền để việc thực hiện thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường đúng quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo yêu cầu của người bị thiệt hại liên quan đến vụ việc yêu cầu bồi thường của mình (Điều 5 Thông tư số 09/2019/TT-BTP).

Đối với hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường, người bị thiệt hại sẽ được hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường đối với các nội dung: (1) quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại; (2) trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường; (3) trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; (4) phục hồi danh dự và (5) chi trả tiền bồi thường.

Trong phạm vi địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cụ thể là Sở Tư pháp) sẽ hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước trong phạm vi địa phương mình. Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn đối với các vụ việc đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn mà người bị thiệt hại tiếp tục yêu cầu Bộ Tư pháp hướng dẫn và vụ việc yêu cầu bồi thường mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở trung ương có trụ sở tại thành phố Hà Nội giải quyết yêu cầu bồi thường (Điều 7 Thông tư số 09/2019/TT-BTP).

5. Bảo vệ quyền con người trong các quy định về quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước

Theo quan niệm truyền thống không chỉ trong khoa học pháp lý mà cả dưới góc độ pháp luật thực định ở Việt Nam,TNBTCNN được xác định là một quan hệ pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Như vậy, theo lẽ thông thường của pháp luật dân sự, bên bị thiệt hại - các tổ chức, cá nhân - có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại - Nhà nước - bồi thường hoặc có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường và bên bị thiệt hại phải có trách nhiệm chứng minh cho yêu cầu của mình. Tuy nhiên, nếu TNBTCNN cũng giống như trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng một cách đơn giản như vậy, liệu có cần thiết phải có một luật riêng để điều chỉnh vấn TNBTCNN hay không? Nếu một người dân gửi yêu cầu bồi thường của mình tới một cơ quan nhà nước để yêu cầu bồi thường mà yêu cầu của họ không được tiếp nhận, giải quyết vậy quyền hạn nào sẽ buộc cơ quan đó phải tiếp nhận, giải quyết? Nếu một yêu cầu bồi thường đã được tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nhưng bị chậm chễ, kéo dài, vậy cơ quan nào sẽ chỉ đạo, đôn đốc cơ quan giải quyết bồi thường để thúc đẩy việc giải quyết bồi thường? Nếu một cơ quan nhà nước khi thương lượng, giải quyết bồi thường đối với một yêu cầu bồi thường mà có vướng mắc, vướng mắc đó sẽ do ai giải đáp, tháo gỡ? Nếu giữa các cơ quan có liên quan có sự đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường, việc xác định trách nhiệm giải quyết bồi thường thuộc về cơ quan nào, sẽ do ai quyết định, trình tự thủ tục quyết định ra sao? Nếu thực tiễn đặt ra yêu cầu phải có sự phối hợp giữa các cơ quan để thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật, giải quyết triệt để các yêu cầu bồi thường của người dân thì cá nhân, cơ quan nào sẽ giữ vai trò đầu mối, chủ trì để các cơ quan thống nhất phối hợp thực hiện? Nếu cá nhân, tổ chức bị thiệt hại mong muốn được hướng dẫn sử dụng pháp luật, được giải đáp những khúc mắc của họ để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình thì cơ quan, tổ chức nào sẽ hướng dẫn, giải đáp cho họ,…? Tất cả những câu hỏi đó đã được đặt ra trong thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và trả lời được những câu hỏi đó chính là sự ra đời của một lĩnh vực quản lý nhà nước mới - quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước[4].

Điều 73 Luật TNBTCNN 2017 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước như sau:

5.1. Về trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước

Chính phủ là cơ quan được Luật giao trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi cả nước.

5.2. Về cơ quan thực hiện thống nhất quản lý nhà nước

Ở Trung ương, Bộ Tư pháp được Luật TNBTCNN năm 2017 giao là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi cả nước và ở địa phương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được Luật giao là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi địa phương mình (Điều 73).

Ngoài những nhiệm vụ quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật nói chung, để bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn mang tính chất chuyên ngành sau:

(1) Giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

(2) Xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong các trường hợp: (1) trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường đã bị giải thể mà cơ quan đã ra quyết định giải thể là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan giải quyết bồi thường;

(3) Hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường;

(4) Theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước;

(5) Yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong trường hợp cần thiết;

(6) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật;

(7) Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ theo quy định.

6. Kết luận

Ghi nhận quyền và bảo đảm quyền luôn là hai vấn đề có mối quan hệ quan lại chặt chẽ trong bất kỳ đạo luật nào. Theo đó, để những quyền được pháp luật ghi nhận trở thành hiện thực trên thực tiễn thì những quy định có tính chất bảo đảm quyền luôn phải song hành tồn tại để bảo đảm tính khả thi của các quyền đó. Trong chế định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, quyền được Nhà nước bồi thường đã được trang trọng ghi nhận và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chính là một đạo luật đã thiết lập nên cơ chế pháp lý cụ thể để bảo đảm quyền đó. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã có nhiều nhóm quy định liên quan đến bảo vệ quyền con người trong thực hiện quyền yêu cầu bồi thường nhà nước, trong đó, chủ yếu và quan trọng nhất là các quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thiệt hại được bồi thường, cách thức yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường và quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Bộ Tư pháp (2016). Tờ trình số 42/TTr-BTP ngày 15/07/2016 trình Chính phủ dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 1.

[2] Cục Bồi thường nhà nước (2017). Những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Nhà Xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, trang 11.

[3] Lê Thái Phương (2020). Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo pháp luật Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, trang 33.

[4] Trần Việt Hưng (2021). Quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, Số chuyên đề “Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Tạp chí Pháp luật về Quyền con người, Hà Nội, trang 24-25.

 

THE HUMAN RIGHTS PROTECTION UNDER VIETNAM’S 2017

LAW ON STATE COMPENSATION LIABILITY

BUI VIET ANH

Sao Thu Do Law Firm

ABSTRACT:

The Government of Vietnam has always paid attention to the human rights protection, especially during the country’s international integration process. The 2017 Law on State Compensation Liability was promulgated ton ensure this task. By briefly introducing and analyzing groups of provisions, this paper is to help readers easily visualize and systematize the 2017 Law on State Compensation Liability’s provisions of human rights protection.

Keywords: protection, human rights, the Law on State Compensation Liability, compensation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2022]