phòng vệ thương mại

Theo ước tính, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần đảm bảo việc làm của gần 150.000 người lao động. Trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài. Đến nay, các nước đã tiến hành điều tra 225 vụ việc PVTM với các mặt hàng xuất khẩu của ta

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính riêng 11 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng mới 10 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (thép dây không gỉ dạng tròn, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, một số sản phẩm ống thép) và 01 vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ. Ấn Độ, Úc và Mê-xi-cô cũng lần lượt khởi xướng 03 vụ việc điều tra chống bán phá giá với tấm trải sàn vinyl, amoni nitrat, thép cán nguội. Ngoài ra, Ấn Độ và Ma-rốc cũng khởi xướng điều tra 02 vụ việc tự vệ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của ta (nhựa PVC; săm lốp xe mô tô, xe máy, xe đạp).

Trước tình hình đó, Bộ đã chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài và đã đem lại những kết quả tích cực, nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường quan trọng (như: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia...) nên doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu/so với các nước cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ: được triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao trong khuôn khổ Đề án 824 Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ.

Về công tác cảnh báo sớm, đã thực hiện tổng hợp thông tin để cập nhật Danh sách các mặt hàng cảnh báo sớm (hiện Bộ đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo gồm hơn 10 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi) gửi các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể. Các hoạt động cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp mới được triển khai nhưng đã thu được một số kết quả tích cực.

Các biện pháp phòng vệ thương mại đã có tác động tích cực đến một số ngành đóng vai trò quan trọng như mía đường, sorbitol..., giúp đảm bảo việc làm và thu nhập cho nông dân, người lao động.

Theo ước tính, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần đảm bảo việc làm của gần 150.000 người lao động. Ngoài ra, trong năm 2022, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước xử lý 16 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Để tiếp tục bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước, Bộ tiếp tục nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật PVTM của Việt Nam đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế, đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp. Tăng cường cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc PVTM giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và hiệp hội; hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu hải quan với cơ sở dữ liệu về PVTM để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các phương án và cách thức hợp tác giữa hai bên để thúc đẩy việc Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án 824 Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; Đề án 316 Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM; Đề án 1659 Nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tiếp tục thực hiện tuyên truyền, đào tạo, phổ biến pháp luật và thực tiễn xử lý vụ việc PVTM của Việt Nam và thế giới cho cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng lực về PVTM; tham mưu các cơ quan có thẩm quyền chủ động sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ hợp lý và hợp pháp ngành sản xuất trong nước theo đúng cam kết quốc tế và pháp luật trong nước, cân bằng giữa lợi ích của các ngành sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội.