Bất cập xử phạt vi phạm hành chính về điều kiện kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu

NGUYỄN THỊ KIM XUYẾN (Thanh tra viên Sở Công Thương tỉnh Bến Tre)

TÓM TẮT:

Thời gian qua, thực tiễn hoạt động xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã góp phần thiết lập một trật tự kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã dần được hoàn thiện nhưng hiện nay vẫn chưa đầy đủ, còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Bài viết đã phân tích thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Từ khóa: vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính, cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

1. Đặt vấn đề

Những năm qua, mặc dù công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu nói chung và bán lẻ xăng dầu nói riêng đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Hàng năm, các lực lượng chức năng như Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường, Công an kinh tế… đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hàng loạt các vi phạm như kinh doanh xăng dầu kém chất lượng; bán xăng dầu ngoài hệ thống; không có hóa đơn, chứng từ mua bán xăng dầu; không có hợp đồng mua bán xăng dầu theo quy định; không niêm yết giá bán lẻ các loại xăng dầu… nhằm thu lợi bất chính, gây bất bình cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Trong số hàng loạt các vi phạm về kinh doanh xăng dầu, các vi phạm về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu mặc dù không đáng kể, nhưng đang có xu hướng đang dần gia tăng, gây mất trật tự pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

2. Thực trạng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về  điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Hiện nay, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu cũng như xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu được quy định tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP [1]. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện nay trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu vẫn chưa thật sự hoàn thiện, còn tồn tại bất cập, một số quy định chưa rõ ràng, thiếu tính đồng bộ… dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương. Các bất cập quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu cụ thể:

Thứ nhất, đối với các trường hợp vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ tạm giữ Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt [2]. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính thì quy định này không bao gồm việc tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước. Chẳng hạn, đối với trường hợp vi phạm cụ thể tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP): “Thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bám lẻ xăng dầu” thì trong tình huống này, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu để tạm giữ, đồng thời cũng không có tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề nào khác để tạm giữ. Khi đó, quyết định xử phạt vi phạm hành chính rất khó bảo đảm thi hành nếu đối tượng vi phạm không tự nguyện chấp hành.

Thứ hai, tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” và tại điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: b) Kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực”. Việc đối tượng tự ý kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi chưa được cấp phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những thương nhân kinh doanh xăng dầu chân chính; gây nguy cơ cháy, nổ cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nếu xảy ra sự cố, do các trang thiết bị không bảo đảm điều kiện; có hành vi trốn thuế gây thất thoát ngân sách nhà nước, thậm chí đối tượng còn có khả năng kinh doanh nguồn xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến người tiêu dùng…

 Trong khi đó, đối với hành vi vi phạm: “Kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực”, ngoại trừ các trường hợp cố tình vi phạm thì cũng có một số trường hợp do sơ sót, không thường xuyên kiểm tra các giấy tờ liên quan trong quá trình kinh doanh dẫn đến giấy phép kinh doanh xăng dầu hết hạn, không kịp thời thực hiện thủ tục bổ sung theo quy định. Tuy nhiên, đối với hành vi này, thương nhân kinh doanh xăng dầu đã thực hiện một số điều kiện kinh doanh trước đó, về cơ bản vẫn bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ, an toàn về môi trường, doanh nghiệp vẫn khai báo thuế và nộp thuế đúng quy định… Nếu so sánh về tính chất, mức độ nguy hiểm giữa 2i hành vi vi phạm nêu trên, theo tác giả thì hành vi thứ nhất (tại khoản 2 Điều 14) có mức độ nghiêm trọng hơn so với hành vi thứ hai (tại điểm b khoản 3 Điều 20) nhưng mức xử phạt đối với hành vi thứ nhất lại thấp hơn mức xử phạt đối với hành vi thứ hai là chưa phù hợp.

Thứ ba, tại điểm d khoản 3 Điều 20 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định khung phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm: “Kinh doanh xăng dầu không đúng nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp”. Đồng thời, áp dụng hình thức khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, nhưng không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với vi phạm này. Theo quy định tại Mẫu số 4, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP [3] thì các nội dung chính thể hiện trên Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu gồm có: Tên cửa hàng bán lẻ xăng dầu (kèm theo thông tin cửa hàng); thương nhân cung cấp xăng dầu (kèm theo thông tin thương nhân); thời hạn giấy chứng nhận.

Giả sử, cửa hàng bán lẻ xăng dầu kinh doanh không đúng với thời hạn giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu (nghĩa là giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết thời hạn) thì hành vi này vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP). Như vậy, chỉ còn 02 trường hợp vi phạm có thể xảy ra theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 20 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) là trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự ý thay đổi tên cửa hàng hoặc thay đổi thương nhân cung cấp xăng dầu. Khi 2 lỗi vi phạm này xảy ra, nếu không bị phát hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trật tự kinh doanh xăng dầu, cũng như hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thậm chí còn dẫn đến nhiều vi phạm khác như trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại… Do đó, việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với vi phạm quy định tại điểm d khoản 3 Điều 20 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP là rất cần thiết.

Thứ tư, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là “khoảng thời gian do pháp luật quy định trong đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân hay tổ chức thực hiện vi phạm hành chính” [4]. Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây....”. Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu là 01 năm. Trong thời gian 01 năm đó, sẽ có những hoạt động áp dụng thời hạn cụ thể như: Thời hạn lập hồ sơ, đề xuất xử lý vi phạm; thời hạn ra quyết định xử phạt; thời hạn chấp hành quyết định xử phạt…

Giả sử, ngày 30/9/2021, lực lượng chức năng phát hiện một cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không hoạt động kinh doanh xăng dầu. Sau khi xác minh, làm việc với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng biết được cửa hàng xăng dầu chưa được Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định; đồng thời trước đây, cửa hàng xăng dầu này có hoạt động mua bán xăng dầu cho khách hàng trong thời gian khoảng 03 tháng nhưng đã ngừng hoạt động từ ngày 01/01/2021. Sau thời gian xác minh, làm rõ vụ việc, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 15/01/2022, lực lượng chức năng đã xác định được người đại diện theo pháp luật của cửa hàng bán lẻ xăng dầu và củng cố xong hồ sơ. Tuy nhiên, do đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nên không thể xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm “Thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu [5], mà chỉ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”. Như vậy, với quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và ví dụ nêu trên thì dẫn đến một bất cập là không thể xử phạt vi phạm mặc dù đã xác định rõ hành vi vi phạm.

3. Một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Thứ nhất, việc kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh xăng dầu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, ngoài việc gây thiệt hại về kinh tế, còn ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người nếu có sự cố xảy ra. Do đó, kiến nghị đều chỉnh tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm “thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu” cao hơn mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm “Kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực”.

Thứ hai, kiến nghị cần áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là: “Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng” đối với hành vi vi phạm “kinh doanh xăng dầu không đúng với nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp”, nhằm tăng cường tính răn đe của pháp luật đối với hành vi vi phạm này.

Thứ ba, quy định bổ sung về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính cần loại trừ thời gian xác minh, làm rõ tình tiết vụ việc, thời hạn lập hồ sơ, đề xuất xử lý vi phạm… tránh trường hợp sau khi xác minh, hoàn tất hồ sơ thì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ tư, hiện nay công tác quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu đã được tăng cường với quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn còn buông lỏng, tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nói chung và vi phạm về điều kiện kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu nói riêng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Do đó, pháp luật cần hoàn thiện, bổ sung các quy định về công tác quản lý, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong công tác quản lý nhà nước cũng như xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, kiến nghị tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận. Ðồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giảm đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm liên quan lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nói chung và các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu nói riêng.

4. Kết luận

Thời gian qua, pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã dần được hoàn thiện nhưng vẫn chưa đầy đủ, triệt để và tồn tại một số bất cập, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời gian tới, để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm hành chính, cũng như nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu đòi hỏi các lực lượng chức năng phải nỗ lực hơn nữa, tăng cường công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thường xuyên rà soát văn bản, các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu và xử phạt vi phạm hành chính để kịp thời kiến nghị khắc phục các bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, thiết lập một trật tự trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2022), Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
  2. Quốc hội (2020), Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125.
  3. Chính phủ (2021), Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CPngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội (1999), Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học - phần Luật Hành chính và Tố tụng hành chính, NXB. Công an nhân dân, tr. 115.
  5. Chính phủ (2022), Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP). Quy định tại khoản 2 Điều 14.

 Inadequacies in sanctioning administrative violations on petrol

and oil retail business conditions

NGUYEN THI KIM XUYEN

Abstract:

In the past time, the practice of sanctioning administrative violations for violations of regulations on business conditions of petrol and oil retail stores has contributed to establishing a business order in the field of petroleum business. In addition, the law on sanctioning administrative violations for violations against regulations on business conditions of petrol and oil retail stores has been gradually improved but is still incomplete and still exists. some disadvantages and limitations. The article has analyzed the reality, thereby proposing solutions and recommendations to improve the law and apply the law on sanctioning administrative violations for violations of regulations on business conditions of stores retail petroleum.

Keywords: Administrative violations, administrative sanctions, petrol retail stores.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]