Bến Tre nỗ lực giữ mức tăng trưởng  

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, mặc dù tình trạng xâm nhập mặn và sự bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Bến Tre, song năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bến Tre vẫn đạt 0,53%, đứng thứ 7 khu vực ĐBSCL; thu ngân sách nhà nước đạt trên 5.700 tỷ đồng, vượt 20,7% kế hoạch Trung ương giao, tăng 8,1% so năm 2020; giải ngân vốn đầu tư công đạt 92,5%.

Hoạt động ngành Công Thương Bến Tre thời gian qua cũng giữ mức tăng trưởng, đến nay gần như 100% doanh nghiệp đã hoạt động bình thường trở lại. Xuất khẩu tuy giảm 10% nhưng đã có nhiều thị trường lớn, ổn định hơn. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các công trình dự án trọng điểm được tập trung thúc đẩy, nhất là dự án Cầu Rạch Miễu 2 đang chuẩn bị các điều kiện để có thể khởi công cuối quý I/2022…

Theo ông Trần Ngọc Tam, Bến Tre có điều kiện phát triển toàn diện cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ và sẽ cố gắng tăng tỷ trọng này. Đặc biệt, tỉnh có điều kiện phát triển năng lượng, công nghiệp phụ trợ, hệ thống kho bãi, cảng biển cảng sông, thương mại dịch vụ logistics thành trung tâm kết nối của vùng ĐBSCL. 

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre
Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Năm 2022, Bến Tre phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 38.300 tỷ đồng, tăng 8,19% so với năm 2021; sản lượng điện thương phẩm đạt 1.860 triệu kWh, tăng 4% so với ước thực hiện 2021, có hơn 140 MW điện gió đưa vào khai thác thương mại; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 56.000 tỷ đồng tăng 14,3% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.500 triệu USD, tăng 15,13%...

Trong giai đoạn 2020-2025 Bến Tre đã định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông, với trọng tâm là phát triển kinh tế biển, hạ tầng giao thông ven biển, kết nối tuyến đường ven biển cả nước, phát triển năng lượng sạch, công nghiệp, đô thị và du lịch. Trong đó, tỉnh xác định phát triển năng lượng sạch là nhiệm vụ đột phá. Mục tiêu đến năm 2025 phát triển ít nhất 1.500MW điện gió.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ Công Thương tháo gỡ một số vướng mắc như: Cho phép và chỉ đạo Viên Nghiên cứu Dầu và cây có dầu chuyển giao dự thảo “Đề án phát triển Trung tâm dừa Đồng Gò - Bến Tre” đồng thời tham gia phối hợp với tỉnh Bến Tre xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Đặc biệt, kiến nghị Bộ Công Thương ủy quyền cho Sở Công Thương Bến Tre được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tỉnh thực hiện những thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian đi lại…  

Liên quan đến cơ chế chính sách trong lĩnh vực điện, Bến Tre kiến nghị Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện các dự án điện gió trên bờ; cơ chế giá điện gió mới; cập nhật danh mục nguồn điện, lưới điện đấu nối các dự án năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Bến Tre vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045…

Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre
Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

Bộ Công Thương đồng hành gỡ khó

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre đạt được trong thời gian qua; tán thành với các nhóm giải pháp tỉnh đã đặt ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo. 

Bộ trưởng cho rằng, để đạt được các chỉ tiêu trên, ngoài sự nỗ lực của địa phương cũng cần có sự giúp đỡ của các bộ, ngành chức năng. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế chung của tỉnh. Trên tinh thần các kiến nghị của tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết về cơ bản những vướng mắc của địa phương liên quan đến Bộ Công Thương sẽ giải quyết, vướng mắc không thuộc thẩm quyền liên quan, Bộ sẽ đề xuất lên Chính phủ. 

Cụ thể Bộ Công Thương đồng ý ủng hộ chuyển giao trung tâm nghiên cứu dừa, đồng ý kiến nghị thành lập Bộ phận cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại tỉnh Bến Tre và  ủy quyền cho Sở Công Thương địa phương được cấp. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bến Tre có chiến lược đề án phát triển rõ ràng nhưng cần xây dựng cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư. Cụ thể, Bến Tre cần xây dựng đề án phát triển ngành, lĩnh vực Công Thương, xây dựng chiến lược phát triển thương mại, dịch vụ gắn trong quy hoạch quốc gia và xu thế phát triển của thế giới. Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng, cập nhật các yêu cầu phát triển của địa phương để đầu tư phát triển. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng nhận định, hiện Bến Tre đang quy hoạch ngành công nghiệp chế biến như dừa, thủy sản rất tốt nhưng vẫn cần phải đầu tư, chú trọng hơn để “cái gì sản xuất ra cũng phải bán được”. 

“Hiện nay chúng ta có 17 Hiệp định thương mại với nhiều FTA đã thực hiện và có thuế suất bằng 0 trong lộ trình từ 5-9 năm. Ngoài ra, hệ thống Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài hoạt động rất tốt. Trong khi đó, địa phương có nhiều sản phẩm vừa tiêu thụ trong nước lại vừa có thể tiêu thụ ở nước ngoài được. Vì vậy sắp tới Bộ Công Thương mong lãnh đạo của Bến Tre có sự hợp tác chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để có thể quảng bá giới thiệu, bán sản phẩm của địa phương. Tuy vậy, để làm được cần tổ chức lại sản xuất, có quy hoạch sản phẩm của địa phương, phải bám sát diễn biến thị trường để biết được tiêu chuẩn, tiêu chí của họ, rồi tổ chức sản xuất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dẫn chứng về việc bám sát diễn biến thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu câu chuyện những ngày qua hàng chục ngàn xe xếp hàng trên biên giới Trung Quốc. Đây là do sản phẩm sản xuất không theo quy hoạch, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa và chuyện này sẽ còn diễn ra nếu chính quyền địa phương không chỉ đạo, vạch định rõ. 

Đối với phát triển công nghiệp năng lượng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, Bến Tre là vương quốc của nắng và gió nên phát triển hoàn toàn phù hợp nhưng việc phát triển phải đảm bảo cân đối. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý Bến Tre cần phải quan tâm đến phát triển hạ tầng của các khu cụm công nghiệp và phải quy hoạch đi trước một bước để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia. Cùng với đó, hạ tầng viễn thông, hạ tầng thương mại logistics, hệ thống chợ… cũng cần được ưu tiên phát triển.