Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp cho điều hành xuất khẩu gạo

Sáng ngày 22/4/2020, tại Cục Công tác phía Nam - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã tổ chức hội nghị tiếp tục lấy ý kiến lãnh đạo các tỉnh, thành, hiệp hội, các doanh nghiệp lớn xuất khẩu gạo phía Nam nhằm phục vụ cho công tác điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5.

Mục tiêu của hội nghị nhằm nắm bắt tình hình cung cầu gạo, xuất khẩu (XK) gạo cũng như tình hình tồn đọng gạo tại các cảng, kho bãi của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó Bộ Công Thương đề xuất cơ chế báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/04/2020 như Chính phủ đã chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị đại diện UBND các tỉnh, thành phố cho ý kiến về tình hình sản xuất lúa gạo vụ Đông Xuân, sản lượng lúa gạo hiện còn tồn và đặc biệt là những kiến nghị về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Về phía các thương nhân, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đề nghị báo cáo tình hình hiện nay về việc mở tờ khai XK với hải quan theo; tình hình XK trên thực tế cũng như hàng tồn tại các cảng, và đề xuất kiến nghị với Chính phủ, với Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương về cơ chế điều hành XK gạo trong tháng 5/2020.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Đức Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết tình hình thực tế hiện nay lượng gạo không giảm, chúng ta lúc nào cũng tồn từ 5 đến 6 triệu tấn. Thu hoạch vụ đông xuân và xuống giống vụ hè thu được dự báo nguồn cung lúa gạo tại tỉnh này dồi dào, sản lượng dư cho tiêu dùng và xuất khẩu. Do đó, ông Lê Minh Đức đề nghị Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ cho phép các thương nhân được XK gạo trở lại bình thường.

Tiếp theo, đại diện các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp và một số thương nhân khác cũng đã đồng tình và  thống nhất với đề xuất của tỉnh Long An.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải thích vấn đề hạn chế XK gạo. Theo Thứ trưởng, tất cả các nước trên thế giới, vấn đề an ninh lương thưc luôn phải được đảm bảo chắc chắn, luôn được đặt ra hàng đầu. Riêng chúng ta, Chính phủ còn phải đảm bảo cả nhiệm vụ tiêu thụ hết thóc gạo cho người nông dân Việt Nam.

Trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh phức tạp, người dân ai cũng có tâm lý trữ gạo, dù mỗi gia đình chỉ cần 2kg thêm thì 96 triệu dân Việt Nam hiện nay sẽ gây xáo trộn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại Hội nghị các đại biểu tham dự mong muốn Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương và các tổ chức có liên quan tập trung giải quyết hàng hóa còn tồn đọng ở các cảng, bởi mỗi ngày chi phí để chi trả cho tàu, cho phí lưu kho… rất lớn, quan trọng là liệu chất lượng có còn giữ được như trong hợp đồng đã ký hay không.

Ông Trần Hồ Hiền, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood), cho biết, hiện nay gần 10.000 tấn gạo của Công ty đã nằm tại cảng Mỹ Thới trước ngày 24/3 nhưng vẫn chưa thể xuất khẩu vì tờ khai hải quan đã đăng ký và hiện diện trong hồ sơ của hải quan rồi, nay bỗng nhiên bị mất tích trên hệ thống.

Điều này đồng nghĩa với việc lô gạo này sẽ không được thông quan, trong khi từ ngày 23/3 đến nay, mỗi ngày doanh nghiệp phải chi ra hơn 200 triệu đồng cho các loại phí. Ngoài ra, chủ hai chiếc tàu chở gạo đã có thông báo chính thức phạt công ty 200.000 USD, do còn 9.000 tấn gạo hiện hữu tại đây.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Khánh đã thông báo với ông Mai Văn Thành, đại diện Hải quan có mặt hội nghị, báo cáo gấp với lãnh đạo Tổng cục Hải quan giải quyết ngay và tính số hàng này vào hạn ngạch 100 ngàn tấn đã được Chính phủ cấp ứng trước. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ làm việc với hải quan để giải quyết xuất khẩu gạo nếp, giải quyết các lô hàng gạo tẻ đưa về cảng trước 24/3, cho đến các trường hợp đã mở tờ khai mà bị thất lạc của các doanh nghiệp đã khai báo tại hội nghị.

Trên cơ sở đó, Bộ Công thương sẽ có những đề xuất thích hợp dựa trên ý kiến của các đại biểu góp ý hôm nay để điều chỉnh cơ chế điều hành xuất khẩu gạo tháng 5 và thời gian tới để báo cáo Chính phủ. 

Hồng Lực