Bộ Công Thương tăng cường triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương tại Quyết định số 1978/QĐ-BCT.

Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương tại Quyết định số 1978/QĐ-BCT ngày 28/7/2020.

truy xuất nguồn gốc
Kế hoạch nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa

Mục tiêu chính của Kế hoạch nhằm xác định, phân công và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất, khoa học và hiệu quả những nhiệm vụ của Bộ Công Thương tại Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.

Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương. Đề xuất Danh mục các nhóm sản phẩm, hàng hóa bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc, nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc. Tuyên truyền, phổ biến về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp để tham gia thực hiện. Hàng năm, báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Đề án gửi Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp.

Bộ Công Thương yêu cầu các Cục, Vụ, Tổng cục và các cơ quan trực thuộc Bộ có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch này, đảm bảo tiến độ đề ra, định kỳ báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện, đồng thời gửi Vụ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp. Trong quá trình thực hiện, nếu có các khó khăn, vướng mắc, báo cáo lãnh đạo Bộ để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

Quyết định cũng nêu rõ, giao Vụ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối, theo dõi, tổng hợp báo cáo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Công Thương.

Về kinh phí thực hiện, sử dụng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học bố trí hàng năm cho Bộ Công Thương theo dự toán được sử dụng. Đồng thời, huy động thêm các nguồn vốn tài trợ từ các nước, các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ thực hiện kế hoạch. Căn cứ nhiệm vụ của kế hoạch, hằng năm, các đơn vị chủ động xây dựng, đề xuất kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ gửi Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp xây dựng dự toán, kế hoạch chi ngân sách hàng năm của Bộ.

Như vậy, việc ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

 

TT