Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Quyết tâm khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đến nay cơ bản được kiểm soát, do vậy, chúng ta phải quyết tâm khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất, sớm đưa nền kinh tế phát triển bình thường, dù có rất nhiều khó khăn.
bộ trưởng mai tiến dũng
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, chúng ta phải quyết tâm khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất, sớm đưa nền kinh tế phát triển bình thường, dù có rất nhiều khó khăn

Chiều tối 5/5/2020, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong điều kiện vẫn bảo đảm giãn cách theo quy định phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó, phiên họp báo Chính phủ tháng 3/2020 đã không thể tiến hành do phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống đại dịch.

Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong 3 tháng qua, cả hệ thống tập trung chống dịch. Quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng là chống dịch như chống giặc, lấy phòng dịch là ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch hiệu quả, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe người dân.

Đến nay đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, sau gần 20 ngày không phát sinh ca nhiễm ngoài cộng đồng, chưa có trường hợp tử vong vì dịch.

“Thắng lợi đến thời điểm này rất quan trọng, khẳng định ý chí quyết tâm, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội tháng 4 của Việt Nam, đặc biệt trong 3 tuần giãn cách xã hội.

Theo số liệu của ngành thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 giảm 10,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng chỉ tăng 1,8%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Cùng với đó, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa. 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,3% (riêng tháng 4 giảm 26%).

4 tháng đầu năm, cả nước có 37.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% và giảm 17,9% vốn đăng ký, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6%.

Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu hàng hóa được xem là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế. Tính chung 4 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,4%; trong đó xuất khẩu tăng 4,7%; nhập khẩu tăng 2,1%. Xuất siêu trên 3 tỷ USD.

họp BÁO CHÍNH PHỦ
Tại cuộc họp báo, rất nhiều vấn đề nóng được các phóng viên báo chí quan tâm, trong đó có vấn đề nhập khẩu thịt lợn; công tác phòng, chống dịch khi học sinh đi học trở lại; kịch bản tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất...

Nhắc đến nhiệm vụ thời gian tới, người phát ngôn Chính phủ dẫn lời Thủ tướng khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ là phải quyết tâm khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất, sớm đưa nền kinh tế phát triển bình thường, dù có rất nhiều khó khăn.

“Chúng ta phải có quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu, từ cải cách thế chế, đến thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Đáng chú ý, thông tin về công tác phòng chống đại dịch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, Thủ tướng đã dự nhiều hội nghị cấp cao, các nước đều đánh giá cao thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch.

Vì ở vị trí của Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm là rất lớn, cộng với nền kinh tế có độ mở cao, nhiều khách du lịch, đầu tư... nhưng Việt Nam đã chủ động từ đầu, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nên uy tín, lòng tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế được nâng lên.

Ngày 9/5 tới, Thủ tướng sẽ gặp mặt toàn bộ các doanh nghiệp của cả nước nhằm tháo gỡ khó khăn, động viên doanh nghiệp, tạo ra không khí, niềm tin và quyết tâm bứt phá.

“Khi có lòng tin, có được sự tin cậy của các nước trước kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam, chúng ta phải sẵn sàng các điều kiện để đón các làn sóng đầu tư”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, đồng thời, khẳng định tiếng nói của tất cả cá nhân, tổ chức trong xã hội đều được lắng nghe, để từ đó tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch.

 

Hạ An