Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp công dân

Sáng ngày 18/3/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tổ chức tiếp Đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam (Hiệp hội) và Đại diện doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội theo Lịch tiếp công dân định kỳ tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng.

Buổi tiếp công dân diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cùng sự tham dự của lãnh đạo Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi, Văn phòng Bộ, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp và lãnh đạo Hiệp hội Sắn Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Nghiêm Minh Tiến - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam đã báo cáo tình hình chung về Hiệp hội và ngành sản xuất sắn tại Việt Nam. Hiện nay, thị trường xuất khẩu tinh bột sắn đang gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân như dịch bệnh khảm lá sắn, đại dịch Covid-19, tắc nghẽn ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thay mặt Hiệp hội, ông Nghiêm Minh Tiến cũng đưa ra một số kiến nghị tới Bộ trưởng cụ thể: kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn việc thực hiện thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoàn thuế cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp xuất trình đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật; Kiến nghị các cơ quan chức năng dừng xác minh đối với các đối tác Trung Quốc, tránh gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh thương mại qua biên giới của doanh nghiệp.

Về phía Đại diện doanh nghiệp, ông Đào Quý Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Focecev đề nghị Bộ trưởng có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét lại Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 07 tháng 3 năm 2022 của Tổng cục Thuế.

Ông Đoàn Ngọc Lân, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Rau quả Thanh Hóa cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có lộ trình trong việc áp dụng chính sách để doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh vì hiện nay, các sản phẩm của ngành sắn đang ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc để chờ thông quan, gây khó khăn cho công tác xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Sau khi nghe báo cáo, đề xuất và kiến nghị của Hiệp hội và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn của Hiệp hội và doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẽ phối hợp, hỗ trợ Hiệp hội và các doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật, có kiến nghị với Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét các khó khăn, kiến nghị của Hiệp hội và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để có cơ sở xem xét, giải quyết vấn đề, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp cần phải xuất trình được các giấy tờ, thủ tục đúng theo quy định hiện hành của pháp luật; Tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý, tính chính xác của hồ sơ, tính xác thực của hoạt động kinh doanh thương mại thực tế và tính đối khớp giữa hồ sơ và thực tế.

Trung Quốc hiện là thị trường lớn trên thế giới và là thị trường lâu năm của các doanh nghiệp Việt Nam. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, Trung Quốc đã trở thành Thành viên chính thức của Hiệp định RCEP, Bộ Công Thương ủng hộ các doanh nghiệp kinh doanh thương mại hợp pháp và đúng quy định quốc tế với các nước đối tác. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, rà soát các quy định của pháp luật và kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Bộ sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc phối hợp xử lý, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với kiến nghị về việc dừng xác minh đối tác thương mại nước ngoài, nội dung này không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Đề nghị doanh nghiệp làm việc với Bộ Tài chính để được xem xét, xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Công Thương khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp một số việc sau: Doanh nghiệp nên phối hợp cùng chính quyền địa phương xem xét, đánh giá lại tiềm năng của ngành và nhu cầu của thị trường, từ đó rà soát quy hoạch, điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với thị trường trong tình hình mới; Hạn chế việc xuất khẩu thô các sản phẩm mà chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm tinh chế có giá trị cao; Chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch theo Đề án Bộ Công Thương trình Chính phủ. Bô trưởng cũng giao các đơn vị chức năng có liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát, đề xuất xử lý kiến nghị của Hiệp hội và doanh nghiệp.

 

PV