Các biện pháp phòng ngừa xã hội trong phòng ngừa tội phạm và đấu tranh chống tội phạm

TS. LÝ VĂN QUYỀN (Khoa Pháp luật Hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Phòng ngừa tội phạm và đấu tranh chống tội phạm (ĐTCTP) đòi hỏi nhà nước, tổ chức xã hội cùng mọi công dân phải thực hiện đồng bộ hai nhóm biện pháp là các biện pháp phòng ngừa (BPPN) và chống tội phạm. Trong hệ thống PNTP gồm có các biện pháp phòng ngừa xã hội (BPPNXH) tức là các biện pháp hướng tới loại trừ các nguyên nhân của tội phạm trong môi trường xã hội và các biện pháp này có quan hệ chặt chẽ với BPPN tác động đối với người phạm tội nhằm loại trừ những “phẩm chất tiêu cực”, bao gồm các biện pháp trách nhiệm hình sự được áp dụng cho người bị kết án và các biện pháp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời tội phạm tức là các biện pháp chống tội phạm. Bài viết này phân tích các biện pháp phòng ngừa xã hội trong phòng ngừa tội phạm và đấu tranh chống tội phạm.

Từ khóa: biện pháp phòng ngừa xã hội, đấu tranh chống tội pham, phòng ngừa xã hội.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam hiện nay, ĐTCTP và phòng ngừa tội phạm được tiến hành đồng thời trên cả hai phương diện hình pháp và tội phạm học. Phương diện hình pháp (chống tội phạm) được thể hiện trong trường hợp khi một hành vi cụ thể nào đó được pháp luật hình sự coi là tội phạm được thực hiện và người thực hiện hành vi đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị trừng phạt. Phương diện tội phạm học (phòng ngừa tội phạm) được thể hiện trong quá trình nghiên cứu tìm tòi phát hiện được những thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm và toàn bộ những hoạt động nhằm loại trừ dần, hạn chế nguyên nhân của tội phạm ngăn ngừa tội phạm xảy ra. ĐTCTP và phòng ngừa tội phạm là hai mặt không thể tách rời của thể thống nhất. “Chống tội phạm tuy có vai trò quan trọng trong phòng ngừa tội phạm nhưng vai trò này chỉ có ý nghĩa khi đặt trong tổng thể các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung. Chỉ trong tổng thể các BPPNTP thì chống tội phạm mới có thể góp phần phòng ngừa tội phạm và được xem là một loại BPPN đặc biệt. Tóm lại, chống tội phạm và phòng ngừa tội phạm tuy là hai hoạt động có tính độc lập tương đối nhưng có quan chặt chẽ với nhau. Do vậy, chúng ta có thể nói ghép hai hoạt động với nhau là phòng, chống tội phạm”. Theo quan điểm này thì phòng ngừa tội phạm có nội hàm rất rộng bao hàm cả hoạt động ĐTCTP nói cách khác ĐTCTP là bộ phận không thể thiếu của phòng ngừa tội phạm nhưng đồng thời cũng là mặt khác của phòng ngừa tội phạm. Vì vậy, để đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm cần phải áp dụng tổng hợp các biện pháp khác nhau, trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ đề cập về BPPNXH.

2. Nhận thức chung về phòng ngừa tội phạm và các biện pháp phòng ngừa xã hội trong phòng ngừa tội phạm

Trong các giáo trình tội phạm học và các sách chuyên khảo ở nước ta định nghĩa về phòng ngừa tội phạm được đưa ra tương đối thống nhất, trong đó nhấn mạnh nội dung phòng ngừa và mục đích phòng ngừa. Theo đó, phòng ngừa tội phạm được hiểu là “phòng ngừa tội phạm bao hàm toàn bộ những hoạt động nhằm khắc phục, loại trừ nguyên nhân của tội phạm và các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tội phạm đã xảy ra”. Tuy nhiên, các BPPN vẫn chưa được gọi tên hợp lý thống nhất, xuất hiện trong các sách tội phạm học là những thuật ngữ: phương pháp phòng ngừa, hình thức phòng ngừa, hoạt động phòng ngừa và trong trường hợp thống nhất tên gọi là BPPN thì việc phân loại các BPPN cũng không thống nhất. Chúng tôiviện dẫn một số sách về tội phạm học ở nước ta để minh chứng cho nhận định trên như sau:

1.1. Giáo trình Tội phạm học của Khoa Luật Đại học Quốc gia phân loại các biện pháp PNTP để thấy được trong hoàn cảnh, điều kiện như thế nào thì áp dụng BPPN cho phù hợp với vai trò của mỗi chủ thể tham gia vào hoạt động phòng ngừa nhằm đạt được mục đích phòng ngừa. Có nhiều cách phân loại khác nhau, thông thường có thể chia các BPPN theo các nhóm sau đây: 1) nhóm các BPPN chung; 2) nhóm các biện pháp quản lý hành chính nhà nước về an ninh trật tự đất nước; 3) nhóm các BPPNXH bao gồm: các biện pháp phát động quần chúng tham gia vào phong trào bảo vệ ANTQ, các biện pháp giáo dục bắt buộc những đối tượng thường xuyên có biểu hiện xấu, có tiền sự mà nhiều lần bị xử lý hành chính tại cộng đồng không có kết quả. 4) nhóm các BPPN theo chức năng; 5) nhóm những BPPN riêng bao gồm các BPPN theo nhóm tội hoặc loại tội phạm cụ thể.

1.2. Giáo trình tội phạm học của Trường Đại học Luật Hà Nội, GS. TS.  Nguyễn Ngọc Hòa phân loại các biện pháp phòng ngừa tội phạm theo các tiêu chí khác nhau. Trong đó, tiêu chí xét theo tính chất tác động của biện pháp phòng ngừa tội phạm phân thành 2 nhóm sau: các BPPN cơ bản - gián tiếp và các biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ cấp trực tiếp.

1.3. Sách Tội phạm học Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn của Viện Nghiên cứu nhà nước và pháp luật, TS. Nguyễn Mạnh Kháng cho rằng phòng ngừa tội phạm có thể được phân thành nhiều loại khác nhau dựa vào các căn cứ khác nhau. Trong đó có phân loại theo nội dung (lĩnh vực của đời sống xã hội), theo căn cứ này các BPPN được chia thành: biện pháp kinh tế, biện pháp chính trị - tư tưởng, biện pháp xã hội - văn hóa - giáo dục, biện pháp tổ chức - quản lý, biện pháp pháp luật và phân loại theo tính chất và mục đích của hoạt động phòng ngừa có thể chia các BPPN thành: BPPN và BPPN riêng.

1.4. Sách Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm của GS. TS. Nguyễn Xuân Yêm, chia các BPPN thành 2 nhóm các BPPN chung (hoặc phòng ngừa xã hội) và phòng ngừa riêng như sau: 1) các BPPN chung là hệ thống các biện pháp kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa - xã hội, giáo dục và pháp luật nhằm phát triển xã hội, góp phần hạn chế hoặc loại trừ những yếu tố có thể trở thành nguyên nhân và điều kiện thực hiện tội phạm. 2) Phòng ngừa riêng là hệ thống các biện pháp pháp luật - nghiệp vụ do các cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,…) tiến hành nhằm mục đích phát hiện, ngăn chặn và loại trừ những nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

3. Nhận thức cần thống nhất về các biện pháp phòng ngừa xã hội trong phòng ngừa tội phạm

 Các BPPN được đề cập trong các giáo trình và sách chuyên khảo tội phạm học nêu trên có một số điểm chung đó là các biện pháp nêu trên có mục đích phòng ngừa tội phạm và để ngăn ngừa tội phạm xảy ra các biện pháp này đều phải tác động hướng tới các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm nhằm hạn chế, loại trừ hoặc trung hòa các thành tố này không làm phát sinh tội phạm. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa tội phạm nêu trên không được đặt tên là các BPPNXH hoặc có được đưa ra là các BPPNXH thì nội dung của các biện pháp này cũng khác nhau. Nguyên nhân của tình trạng này theo chúng tôi giải thích như sau:

Thứ nhất, do tội phạm xảy ra trong đời sống xã hội và nguyên nhân của các tội phạm này rất đa dạng gắn với tất cả các mặt của đời sống xã hội, luôn thay đổi theo sự phát triển kinh tế, xã hội; cơ chế hình thành và sự tác động của các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm cũng rất phức tạp, để loại trừ các nguyên nhân của tội phạm không chỉ bằng một biện pháp mà là tổng hợp các biện pháp và hệ thống các biện pháp này do tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân chủ động thực hiện thường xuyên, liên tục và có sự thay đổi linh hoạt cùng với quá trình phát triển của xã hội thì hoạt động phòng ngừa tội phạm mới đạt được hiệu quả.

Thứ hai, do khó xác định được đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tội phạm, mà chỉ có thể khái quát các nhóm BPPN theo các tiêu chí khác nhau. Đây cũng chính là lý do mà chúng ta thấy các biện pháp phòng ngừa tội phạm trong các sách về tội phạm học nêu trên không thống nhất được cách phân loại BPPN và các biện pháp phòng ngừa tội phạm được đưa ra cũng rất khác nhau. Trong các sách tội phạm học nêu trên chúng ta thấy chỉ có giáo trình tội phạm học của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội và sách tham khảo Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm của tác giả Nguyễn Xuân Yêm có đề cập BPPNXH nhưng nội dung của các BPPNXH không đồng nhất. Các BPPNXH theo GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm tác giả cuốn Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm đưa ra tương đồng với các BPPN chung trong sách Tội phạm học Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn của Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, tương đồng với các BPPNTP cơ bản - gián tiếp theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa trong giáo trình tội phạm học của Trường Đại học Luật Hà Nội. Còn các BPPNXH theo GS.TS. Đỗ Ngọc Quang - tác giả của Giáo trình Tội phạm học của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội nêu trên chỉ là biện pháp tập trung vào công tác vận động quần chúng tham gia đấu tranh chống tội phạm,…

Như vậy, nhận thức về các BPPNXH trong phòng ngừa tội phạm và đấu tranh chống tội phạm ở nước ta của các nhà tội phạm học hàng đầu nước ta được thể hiện trong các sách về tội phạm học nêu trên là không thống nhất và hầu hết không được gọi tên là các BPPNXH, do vậy chúng tôi đề xuất các BPPNXH trong phòng ngừa tội phạm nhận thức cần thống nhất như sau:

Thứ nhất, khái quát lịch sử tội phạm học cho thấy trường phái tội phạm học cổ điển, thuyết sinh học quyết định và thuyết tâm lý quyết định đều tìm hiểu các yếu tố trong con người là nguyên nhân làm phát sinh tội phạm. Và chỉ có các thuyết xã hội quyết định mà Durkheim là người đầu tiên chuyển hướng nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân của tội phạm ở môi trường xã hội và đưa ra biện pháp phòng ngừa tội phạm tương ứng để hạn chế, triệt tiêu các nguyên nhân này ngăn ngừa tội phạm xảy ra. Vì vậy, có thể nói tất cả các BPPNTP do các thuyết xã hội học trong tội phạm học đưa ra là các BPPNXH trong phòng ngừa tội phạm.

Thứ hai, xuất phát từ nhận thức cho rằng tình hình tội phạm là một hiện tượng xã hội tiêu cực, mỗi một tội phạm cụ thể xảy ra mang tính ngẫu nhiên nhưng xuyên suốt các tội phạm đã xảy ra trong không gian và thời gian tạo thành một chỉnh thể thống nhất tồn tại tất yếu trong xã hội được gọi tình hình tội phạm (tội phạm thực) và tội phạm có nguồn gốc từ xã hội, có nội dung xã hội, có nguyên nhân xã hội và phòng ngừa tội phạm cũng phải xuất phát từ xã hội, bằng các biện pháp mang tính xã hội. Giữa tội phạm và các hiện tượng khác trong xã hội có sự tác động qua lại phụ thuộc lẫn nhau vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của nhau, vì vậy tội phạm thường xuyên thay đổi theo thời gian cùng với sự vận động của xã hội.

Ví dụ: tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, cùng với sự ra đời của thị trường chứng khoán là sự xuất hiện tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán dẫn đến các tội phạm trong lĩnh vực này được bổ sung vào Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999. Các tội trong lĩnh vực chứng khoán như: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a), tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b) và tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c) và Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 đã kế thừa và bổ sung thêm một tội mới là tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212).

Việc thực hiện tội phạm của một cá nhân là kết quả của một quá trình tác động qua lại giữa cá nhân và môi trường xã hội. Hành vi của con người kể cả hành vi phạm tội là do xã hội quyết định thông qua cá nhân con người đó. Tính quy định của khách thể (đối tượng), từ quan điểm xem tội phạm là một hiện tượng xã hội và do xã hội quyết định đòi hỏi việc phân công, bố trí giao trách nhiệm phòng chống tội phạm cho mọi lực lượng xã hội, từ cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân sao cho phù hợp với bản chất xã hội của tội phạm.

Thứ ba, tội phạm là kết quả của sự tác động qua lại giữa cá nhân và môi trường sống, do vậy cần tránh quan điểm tuyệt đối hóa nguyên nhân của tội phạm là do môi trường xã hội mà bỏ qua các yếu tố thuộc về cá nhân và ngược lại. Do vậy, các BPPNTP bao gồm 2 nhóm sau: 1) Các biện pháp tác động loại bỏ các yếu tố tiêu cực ở môi trường vĩ mô và đặc biệt là ở môi trường vi mô bao gồm: gia đình, nhà trường, nơi cư trú, nơi làm việc,… tác động dẫn đến sự hình thành nhân cách lệch lạc của cá nhân và các tình huống tiêu cực ở môi trường, trong đó có cả xử sự của chính nạn nhân. 2) Các BPPN tác động đối với người phạm tội nhằm loại bỏ các “phẩm chất tiêu cực” bao gồm các biện pháp trách nhiệm hình sự được áp dụng cho người bị kết án và các biện pháp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời tội phạm có nghĩa là các biện pháp này cũng chính là các biện pháp ĐTCTP và do vậy không được xem là các BPPNXH.

Từ phân tích trên, các BPPNXH trong phòng ngừa tội phạm được định nghĩa như sau:

BPPNXH trong phòng ngừa tội phạm là các biện pháp hướng tới các nguyên nhân của tội phạm ở môi trường xã hội, nhằm khắc phục, hạn chế, loại trừ các nguyên nhân này không để tội phạm xảy ra.

4. Kết luận

Phòng ngừa tội phạm là tổng hợp các biện pháp, là hệ thống phòng ngừa gồm nhiều chủ thể, bộ phận hợp thành có những mối quan hệ ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau giữa các bộ phận hợp thành. Các biện pháp phòng ngừa tội phạm dù đa dạng, phức tạp, có tính chất, phạm vi và mức độ tác động khác nhau, nhưng đều nằm trong một hệ thống. Tính hệ thống được bảo đảm bởi mục đích chung là ngăn ngừa tội phạm xảy ra và bởi mục tiêu chung là hướng tới triệt tiêu nguyên nhân của tội phạm. Từ quan điểm xem tội phạm là một hiện tượng xã hội và do xã hội quyết định đòi hỏi việc phân công, bố trí giao trách nhiệm phòng, chống tội phạm cho mọi lực lượng xã hội, từ cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân sao cho phù hợp với bản chất xã hội của tội phạm. Tuy nhiên, nhận thức về các BPPNXH trong phòng ngừa tội phạm ở Việt Nam của các nhà tội phạm học hàng đầu trong nước được thể hiện trong các sách về tội phạm học nêu trên không thống nhất và hầu hết không được gọi tên là các BPPNXH. Do vậy, chúng tôi đề xuất các BPPNXH trong phòng ngừa tội phạm cần phải được nhận thức thống nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2009). Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009.
  2. Quốc hội (2017). Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.
  3. Đại học Quốc gia Hà Nội (1999). Giáo trình tội phạm học. Hà Nội: NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2012). Giáo trình tội phạm học. Hà Nội: NXB Công an Nhân dân.
  5. Nguyễn Xuân Yêm (2001). Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm. Hà Nội: NXB Công an Nhân dân.
  6. Viện Nhà nước và Pháp luật (2000). Tội phạm học Việt Nam, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hà Nội: NXB Công an Nhân dân.

SOCIAL PREVENTATIVE MEASURES

IN PREVENTION AND COMBATING OF CRIME

LLD. LY VAN QUYEN

Faculty of Criminal Law, Hanoi Law University

ABSTRACT:

Prevention and combating of crime require the State, social organizations and all citizens to implement synchronously two groups of measures, namely preventative measures and combating measures. Social prevention measures aim to eliminate the causes of crime in the social environment. These measures are closely related to preventive measures that act on offenders to eliminate “negative qualities”, including criminal liability measures applied to convicted persons and measures to detect and promptly handle crimes, which are anti-crime measures. This paper, the authors analyze the social preventative measures in prevention and combating of crime.

Keywords: social preventative measures, crime combating, social prevention.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]