Các giải pháp huy động vốn đầu tư cho doanh nghiệp

LTS: Trong giai đoạn 2006-2010, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành Công nghiệp ước khoảng 900 nghìn tỷ đồng, chiếm 40% nhu cầu vốn của toàn xã hội, tập trung chủ yếu vào các ngành như: Điện lực, Dầu kh

 

Ông Nguyễn Văn Long: Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Muốn huy động được vốn, doanh nghiệp phải hoạt động có hiệu quả.

Để đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2006-2010, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thực hiện 3 giải pháp cụ thể sau đây:

1. Tạo lập vốn chủ sở hữu: Muốn tạo lập được vốn chủ sở hữu đòi hỏi hoạt động của doanh nghiệp phải có lãi. Hoạt động sản xuất – kinh doanh của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam hàng năm luôn đảm bảo được mức lợi nhuận hợp lý. Năm 2005, Tập đoàn có mức lãi khoảng 3.000 tỷ đồng. Sau khi nộp nghĩa vụ nhà nước (28%) chúng tôi trích (50%) lợi nhuận còn lại vào Quỹ đầu tư phát triển. Nguồn vốn chủ sở hữu này chính là cơ sở để chúng tôi gọi vốn đầu tư. Bởi vì mỗi dự án muốn gọi được vốn đầu tư thì bản thân chủ dự án phải có từ 15%-30% vốn, nếu không đạt được tỷ lệ này thì không ai dám cho doanh nghiệp vay vốn.

2. Tích cực thực hiện công tác CPH DNNN theo kế hoạch đã được Bộ Công nghiệp phê duyệt. Năm 2006 dự kiến Tập đoàn sẽ thu được khoảng 300 tỷ đồng từ nguồn bán cổ phiếu của các đơn vị tiến hành cổ phần hóa. Đây cũng là nguồn đầu tư đáng kể của tập đoàn.

3. Thành lập các công ty cổ phần mới, nhằm gọi vốn đầu tư từ nhiều nguồn.

Ngoài ra, Tập đoàn còn có thể sử dụng khả năng uy tín của mình để tín chấp, thế chấp trong vay vốn ngân hàng. Năm 2005, Tập đoàn đã xuất khẩu được 14 triệu tấn than, năm 2006 dự kiến sẽ xuất khẩu 17 triệu tấn than. Đây cũng là cơ sở để Tập đoàn có đủ điều kiện thế chấp khi vay vốn.

Ông Lê Xuân Hãn-Tổng giám đốc Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE): Muốn thu hút nhiều đầu tư, phải nhanh chóng ra nhập WTO và tư nhân hoá các công ty  do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối”. 

   Đó là một việc làm chúng ta cần phải thực hiện ngay trong thời điểm này để các doanh nghiệp trong nước “có đất” dụng võ và phát triển. Thời gian qua, TCT Máy và Thiết bị công nghiệp đã tiến hành cổ phần xong 14 đơn vị, 4 đơn vị còn lại sẽ tiếp tục cổ phần trong thời gian tới. Trong đó, các đơn vị như Công ty CP Đá mài Hải Dương, Công ty CP Cơ khí chế tạo Hải Phòng, Công ty CP A74 đã cổ phần hoàn toàn, Nhà nước chỉ nắm giữ một phần rất nhỏ cổ phiếu. Điều này mang lại rất nhiều thuận lợi cho các đơn vị. Họ được tự chủ trong sản xuất kinh doanh, có tinh thần trách nhiệm cao để xây dựng công ty. Khi đã xây dựng được thương hiệu và có sản phẩm truyền thống, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nguồn đầu tư. Trước đây, TCT có 4 đơn vị liên doanh với nước ngoài. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, các liên doanh đã tách ra do đầu tư không có hiệu quả, lợi nhuận thu về ít. Thời gian tới, để thu hút đầu tư, TCT tập trung thực hiện 5 giải pháp sau:

- Thứ nhất là, ưu tiên sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và có thể xuất khẩu. Giữ vững thị trường trong nước và phát triển thêm thị trường ngoài nước, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng.       

- Thứ hai là, chuyển mạnh sang nhận thầu và cung cấp thiết bị toàn bộ, tổ chức thực hiện tốt các hợp đồng EPC (chú ý khâu thiết kế, chuyển giao và quản lý điều hành các dự án công trình công nghiệp).

- Thứ ba là, thực hiện đúng tiến độ các công trình, đầu tư có hiệu quả và có những thiết bị mang tính “vượt trội”, trên cơ sở tổ chức hợp tác sâu rộng trong và ngoài nước.

- Thứ tư là, tăng cường đào tạo và thu hút đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân có chuyên môn và tay nghề cao.

- Thứ năm là, làm tốt công tác tài chính kinh doanh để tái sản xuất mở rộng Tcty và các doanh nghiệp thành viên.   

Ông Đào Văn Hưng - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam: EVN huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển giai đoạn 2006-2010

Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dự báo, phụ tải giai đoạn 2006-2010 có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 16-17%/năm. Vì vậy, EVN đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành 56 nhà máy điện, với tổng công suất 14.473 MW, trong đó, riêng EVN sẽ đầu tư 27 công trình, bao gồm 20 nhà máy nhiệt điện, 7 nhà máy thuỷ điện (liên doanh 3 nhà máy), còn lại 26 công trình khác do các đơn vị ngoài Tổng công ty đầu tư. Trong giai đoạn này, cũng sẽ phải xây dựng 578 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV, trong đó có 413 trạm biến áp, công suất 29.364 MVA; gần 200 tuyến đường dây các loại, với chiều dài 7.884 km và khoảng 200.000 km đường dây trung, hạ thế với hơn 100.000 MVA trạm biến áp hạ thế... 

Để hoàn thành các mục tiêu trên, cần huy động một nguồn vốn lớn khoảng 355.747 tỷ đồng, trong đó, EVN sẽ huy động vốn khoảng 249.221 tỷ đồng (70%), các nhà đầu tư ngoài ngành cần huy động khoảng 106.527 tỷ đồng. Các nguồn vốn có khả năng huy động hiện nay chủ yếu là từ nguồn vốn tự có (vốn khấu hao cơ bản, vốn bán cổ phiếu, quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận), một phần vốn ngân sách, vốn tín dụng nhà nước, vốn vay ODA, vốn vay thương mại nước ngoài, vay thương mại trong nước, vay tín dụng xuất khẩu ECA, vốn JBIC, WB, ADB... Đồng thời, EVN cũng đang tích cực cổ phần hoá các nhà máy sản xuất điện và đơn vị phân phối điện; phát hành trái phiếu trong nước (trái phiếu công trình); nghiên cứu đề xuất phát hành trái phiếu công ty ra nước ngoài; đưa các nhà máy mới kêu gọi đầu tư theo hình thức IPP và đấu thầu EPC.

Tuy nhiên, với kế hoạch huy động vốn như vậy, hiện tại cân đối nguồn vốn đầu tư của EVN vẫn thiếu khoảng 20.613 tỷ đồng, chưa có nguồn huy động. Vì vậy, giải pháp trước mắt và kịp thời vẫn phải đề nghị Bộ Công nghiệp trình Chính phủ xem xét quyết định sớm tăng giá điện, để Tổng công ty có thêm nguồn bù đắp vào lượng vốn đầu tư còn thiếu.

Ông Hồ Văn Hải – Phó Giám đốc Công ty TNHHNN MTV Rượu Hà Nội: Chúng tôi sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau.

Hiện nay, Công ty đang trong giai đoạn đầu tư nâng công suất và nâng cao chất lượng sản phẩm nên việc đầu tư tập trung vào các hệ thống lên men, chưng cất cồn, đóng chai (máy rửa, máy chiết, hệ thống xử lý nước, máy dán nhãn…) với mức đầu tư 20 tỉ đồng trong năm 2006. Bên cạnh việc đầu tư cho nhà máy đang sản xuất, Công ty đang tích cực chuẩn bị Dự án đầu tư đồng bộ một nhà máy sản xuất rượu, cồn ở Yên Phong (Bắc Ninh), công suất 10 triệu lít cồn và 20 triệu lít rượu/năm. Dự kiến vốn đầu tư cho dự án này là 500 tỉ đồng và đến năm 2009 sẽ đưa vào sản xuất. Để có được số vốn này, Công ty đã lên phương án huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau như: Vốn tự có, vốn hỗ trợ di dời, vốn vay ngân hàng và Tổng công ty Bia-Rượu-NGK Hà Nội, vốn cổ đông.

Một thuận lợi khác của Công ty là đầu năm 2007, Công ty sẽ chuyển hoàn toàn mô hình quản lý sang công ty cổ phần, do vậy, cổ phiếu của Công ty có thể lên sàn giao dịch chứng khoán. Đây là một kênh huy động vốn rất hiệu quả và nhanh chóng mà các doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng. Rượu Hà Nội cũng tin tưởng vào khả năng thu hút vốn đầu tư thông qua kênh huy động vốn mới mẻ này.
  • Tags: