Các hãng giao dịch dầu mỏ lớn nhất thế giới sẽ ngưng mua dầu thô từ Nga

Hãng tin Reuters cho biết các hãng giao dịch dầu mỏ lớn nhất thế giới đang lên kế hoạch giảm thu mua dầu thô và các sản phẩm lọc hoá dầu từ Nga kể từ giữa tháng 5 tới đây.
chủ tịch EU Ursula von der Leyen
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU có thể cấm vận dầu mỏ trong vòng trừng phạt kế tiếp đối với Nga (Ảnh: AP)

Cụ thể, hãng môi giới năng lượng lớn nhất thế giới Vitol (Hà Lan) cho biết sẽ giảm đáng kể mọi giao dịch liên quan đến dầu thô từ Nga kể từ quý 2/2022 tới đây, tiến tới ngưng toàn bộ giao dịch vào cuối năm nay. Tập đoàn năng lượng Shell (Anh) thông báo đã ngưng mua dầu thô từ Nga.

Hãng môi giới hàng hoá Trafigura (Singapore) cũng cho biết sẽ tuân thủ đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga và dự báo khối lượng giao dịch dầu thô của Nga trên thị trường sẽ giảm mạnh sau ngày 15/5 – thời điểm các lệnh trừng phạt của phương Tây có hiệu lực. Mặc dù phương Tây chưa đưa ra biện pháp trừng phạt nào nhắm vào các giao dịch khí đốt và dầu mỏ từ Nga nhưng nhiều doanh nghiệp năng lượng lo ngại các nước phương Tây sẽ ngày càng có thái độ cứng rắn hơn đối với lĩnh vực năng lượng của Nga.

Các biện pháp trừng phạt hiện tại vẫn cho phép các doanh nghiệp năng lượng mua dầu thô từ Gazpromneft hoặc Rosneft, hai doanh nghiệp năng lượng thuộc Chính phủ Nga, nếu như giao dịch là “cần thiết” để duy trì nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, định nghĩa không rõ ràng của từ “cần thiết” khiến nhiều hãng môi giới giao dịch dầu mỏ lo ngại rủi ro vi phạm các cơ chế trừng phạt của phương Tây.

Các quốc gia thành viên EU đã thảo luận về khả năng áp đặt biện pháp cấm vận dầu mỏ đối với Nga trong nhiều tuần gần đây. Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết khối này đang cân nhắc cấm vận dầu mỏ trong vòng trừng phạt kế tiếp lên Nga.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định EU sẽ chỉ có thể từ từ giảm nhập khẩu dầu thô từ Nga chứ không thể ngưng việc nhập khẩu đột ngột. Đặc biệt, Đức – nền kinh tế lớn nhất EU đã cho biết nước này không có khả năng giảm nhập khẩu dầu thô từ Nga.

Trong phiên giao dịch chiều ngày 15/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2022 tiếp tục tăng thêm 2,68% lên 111,70 USD/thùng. Giá dầu thô đang có xu hướng tăng trở lại sau khi chịu áp lực giảm mạnh trong tuần trước, thị trường đang ngày càng lo ngại hơn về việc nguồn cung dầu thô từ Nga sẽ suy giảm mạnh trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Trong một diễn biến khác, một văn bản nội bộ của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 14/4 cho biết, việc các nước Liên minh châu Âu (EU) thanh toán hợp đồng khí đốt của Nga bằng đồng ruble sẽ vi phạm các cơ chế trừng phạt của EU nhằm vào Nga. Hungary hiện đang có kế hoạch thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble để đảm bảo an ninh năng lượng. Trước đó, ngày 31/3, Nga tuyên bố sẽ tạm đình chỉ các hợp đồng chuyển giao khí đốt cho các nước thành viên EU nếu các nước này không thanh toán bằng đồng ruble.

Tường Vy