Cuộc đua nâng lãi suất kiềm chế lạm phát

Ngày 26/6, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã kêu gọi các ngân hàng trung ương nhanh chóng hành động và chấp nhận những chi phí trước mắt để giải quyết vấn đề lạm phát cao khi rủi ro nền kinh tế toàn cầu mắc kẹt trong tình trạng “đình lạm” (lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng chậm) ngày càng hiện hữu. BIS là tổ chức quốc tế của 63 ngân hàng trung ương, đại diện cho 95% tổng GDP toàn cầu.

Tuyên bố của BIS đã lần nữa khẳng định một quan điểm đang dần trở nên phổ biến ở nhiều ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, đó là cần ưu tiên các nguồn lực cho cuộc chiến chống lạm phát.

FED tăng lãi suất

Trên thực tế, chống lạm phát đang trở thành ưu tiên số một ở rất nhiều ngân hàng trung ương lớn, nổi bật là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI). Làn sóng tăng lãi suất bắt nguồn từ các nền kinh tế lớn đang có tác động lan toả trên phạm vi toàn cầu.

Hãng tin Bloomberg cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 50 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng lãi suất ít nhất 0,5% nhằm kiềm chế lạm phát. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì mà các ngân hàng trung ương thể hiện trong nửa cuối năm ngoái khi cho rằng lạm phát tăng chỉ là hiện tượng nhất thời với lập luận tỷ lệ lạm phát trước dịch Covid-19 ở mức thấp dẫn đến hiệu ứng cơ số (base effect), giá năng lượng đột ngột tăng và các lĩnh vực của nền kinh tế mở cửa trở lại

  • FED dự kiến tăng lãi suất thêm 50 đến 75 điểm cơ bản trong các phiên họp chính sách định kỳ tới đây; dự kiến, lãi suất cơ bản của Hoa Kỳ trong năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt ở mức 3,4% và 3,8%. FED đang có những động thái siết chặt tiền tệ mạnh tay nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
  • BOE cũng được nhận định có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong những tháng tới nếu như lạm phát tại Anh không có dấu hiệu hạ nhiệt. Dự báo lãi suất của BOE có thể đạt đỉnh 3,5% vào tháng 8/2023 và sau đó giảm dần.
  • ECB cũng đã siết chặt chính sách tiền tệ và dự kiến sẽ tăng lãi suất lần đầu vào tháng 7. Đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong hơn 10 năm trở lại đây. ECB cũng nhấn mạnh mọi quyết định tăng lãi suất của ECB sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến của lạm phát và lãi suất có thể tăng thêm một đợt nữa với mức tăng 0,25% hoặc cao hơn vào tháng 9 nếu như lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn tiếp diễn hoặc xấu đi.

Rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Hàng loạt tổ chức kinh tế lớn và nhiều nhà kinh tế học cảnh báo, quyết tâm chống lạm phát là đúng đắn nhưng sẽ rất khó để đưa nền kinh tế toàn cầu “hạ cánh mềm” hay giảm lạm phát mà không tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Hai nền kinh tế đầu tàu của thế giới là Hoa Kỳ và Eurozone đều được dự báo sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao suy thoái kinh tế trong thời gian tới khi các ngân hàng trung ương tại đây mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong năm nay sẽ chỉ đạt 2,9%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo tăng 3,7% được đưa ra hồi tháng 4. IMF cũng hạ mạnh triển vọng tăng trưởng của Hoa Kỳ trong năm 2023 và 2024. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết: "Chúng tôi (IMF) nhận thấy khả năng để nền kinh tế Hoa Kỳ tránh khỏi suy thoái đang ngày càng giảm xuống.”

Theo tập đoàn tài chính Citigroup (Hoa Kỳ), xác suất nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái hiện đã lên đến 50%. Nhiều chuyên gia phân tích và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Ngoài ra, một số ý kiến hiện cho rằng đợt suy thoái này sẽ ở mức nhẹ như hồi năm 2021 và kỳ vọng mức tiết kiệm cao hiện nay của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.

Kinh tế Eurozone cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi được dự báo có tới 33% nguy cơ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Mức lạm phát của khu vực này hiện ở mức cao kỷ lục 8,1% và được dự báo có thể tăng lên mức 8,3% trong quý 3/2022 khiến ECB không có nhiều lựa chọn trong việc đánh đổi tăng trưởng kinh tế với việc kiềm chế lạm phát.  

Theo một khảo sát vừa mới công bố của tạp chí Wall Street Journal (Hoa Kỳ) với một nhóm 53 nhà kinh tế thì kết quả cho thấy xác suất xảy ra suy thoái trong vòng 12 tháng lên đến 44%, trong khi con số này vào tháng 4 và tháng 1 năm nay lần lượt là 28% và 18%. Trước đây, vào tháng 12/2007 - khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu, thì xác suất xảy ra được dự đoán là 38%.

Tại châu Á, mặc dù nhiều quốc gia vẫn đang có mức lạm phát tương đối ổn định và thấp hơn đáng kể so với các nước phương Tây, tác động của cuộc đua nâng lãi suất cũng đang bắt đầu “phả nhiệt” vào một số nền kinh tế, như Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc). Bộ Tài chính Hàn Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 3,1% xuống 2,6% - mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và nâng dự báo lạm phát từ 2,2% lên 4,7% - mức cao nhất kể từ năm 2008. Nền kinh tế Hàn Quốc vốn phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động thương mại quốc tế.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ đạt 2,9%, sụt tốc mạnh so với mức tăng 5,7% của năm 2021. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 4,1% được WB đưa ra hồi tháng 1. WB cũng cảnh báo tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì quanh ngưỡng thấp này cho đến hết năm 2023 và 2024, trong khi đó, lạm phát sẽ ở mức cao hơn mục tiêu tại nhiều nền kinh tế. Điều này gợi nhớ đến tình trạng tăng trưởng ì ạch và lạm phát cao như những năm 1970.

Tăng trưởng kinh tế của các nhóm nền kinh tế

Đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, WB đưa ra mức dự báo tăng trưởng 3,4% trong năm nay, so với mức tăng 6,6% trong năm ngoái và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 4,8% trong thời kỳ 2011-2019.

Theo WB, tình trạng kinh tế thế giới hiện nay và hồi thập niên 1970 có những điểm tương đồng rõ rệt, bao gồm nguồn cung bị đảo lộn, triển vọng tăng trưởng xấu đi, và sự mong manh của những nền kinh tế mới nổi trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt.

Tuy nhiên, môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay cũng có những điểm khác biệt so với trước kia, bao gồm đồng USD đang mạnh, giá dầu (nếu tính đến yếu tố lạm phát) thấp hơn, và bảng cân đối kế toán vững mạnh tại các định chế tài chính lớn. Tất cả những yếu tố này tạo ra dư địa tương đối rộng rãi để các nhà hoạch định chính sách hành động.

Hiện vẫn còn những khe hẹp để nền kinh tế toàn cầu có một cú “hạ cánh mềm”. Đó là lạm phát đã được kiểm soát và giảm xuống từ từ, chính sách tài khoá của các chính phủ và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương tiếp tục hỗ trợ những công ty lành mạnh, một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, và Trung Quốc sớm chấm dứt các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19, giúp đưa hoạt động kinh tế về bình thường.