TÓM TẮT:

Có rất nhiều nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, nhân tố quan trọng nhất và có yếu tố quyết định nhất đến hệ thống thông tin kế toán quản trị chi phí của doanh nghiệp đó chính là nhân tố tổ chức công tác kếtoán quản trị trong doanh nghiệp, mục tiêu, chiến lược phát triển của doanh nghiệp, nhu cầu thông tin kế toán quản trị từ các nhà quản trị, trình độ nhân viên thực hiện công việc kế toán và trình độ trang bị máy móc thiết bị phục vụ cho công tác kế toán quản trị chi phí. Bài viết này phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán chi phí trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ khóa: nhân tố ảnh hưởng, kế toán chi phí, doanh nghiệp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong mọi loại hình doanh nghiệp, kế toán là một công cụ không thể thiếu trong công tác quản lý. Kế toán là công cụ quản lý, giám sát chặt chẽ có hiệu quả mọi hoạt động kinh tế tài chính, cung cấp đầy đủ, trung thực kịp thời, công khai, minh bạch thông tin trong doanh nghiệp. Hệ thống kế toán của doanh nghiệp bao gồm kế toán tài chính và kế toán quản trị. Kế toán tài chính chủ yếu cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp, còn kế toán quản trị chủ yếu cung cấp thông tin cho các đối tượng bên trong doanh nghiệp, nhằm mục đích quản trị trong nội bộ doanh nghiệp, phục vụ cho quá trình lập kế hoạch kiểm soát và ra quyết định.

Theo các tài liệu hiện hành, đã có nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau về kế toán quản trị, do góc độ tiếp cận và mục tiêu khác nhau, đó là:

Robert s.kaplan và Anthony a.atkinson của Mỹ cho rằng: “kế toán quản trị là một bộ phận của hệ thống thông tin quản trị trong các tổ chức mà nhà quản trị dựa vào đó để hoạch định và kiểm soát các hoạt động của tổ chức” [1].

Theo Luật Kế toán Việt Nam 2015, "kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán" [2].

Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/06/2006 hướng dẫn quy định về kế toán quản trị là nhằm cung cấp thông tin về hoạt động nội bộ của doanh nghiệp, như chi phí của từng bộ phận (trung tâm chi phí), từng công việc, sản phẩm; phân tích đánh giá tình hình thực hiện với kế hoạch về doanh thu, chi phí, lợi nhuận; quản lý tài sản, vật tư, tiền vốn, công nợ; phân tích mối quan hệ giữa chi phí với khối lượng và lợi nhuận.

Quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị luôn tạo ra các loại chi phí. Chi phí sản xuất là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ hao phí về lao động sống và lao động vật hóa cùng các chi phí cần thiết khác mà doanh nghiệp bỏ ra có liên quan đến việc chế tạo sản phẩm, lao vụ dịch vụ trong một thời kỳ nhất định. Hoặc, chi phí là khoản tiêu hao các nguồn lực của doanh nghiệp đã sử dụng cho một mục đích, biểu hiện bằng tiền.

Từ sự phân tích trên, theo quan điểm của tác giả, kế toán quản trị chi phí là một bộ phận của hệ thống kế toán quản trị có nhiệm vụ cung cấp thông tin về chi phí của mỗi đơn vị. Kế toán quản trị chi phí thực hiện chức năng quản trị chi phí, xây dựng kế hoạch chi phí, kiểm soát chi phí, từ đó đánh giá hoạt động và ra quyết định hợp lý về các hoạt động của đơn vị.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp Việt Nam

Có rất nhiều nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, nhân tố quan trọng nhất và có yếu tố quyết định nhất đến hệ thống thông tin kế toán quản trị về sau, đó chính là nhân tố tổ chức công tác kế toán quản trị trong doanh nghiệp. Tổ chức công tác kế toán quản trị trong doanh nghiệp sản xuất là công việc mang tính chủ quan của con người, nó thể hiện nhu cầu của nhà quản trị trong việc cung cấp thông tin để ra quyết định. Mọi vấn đề liên quan đến kế toán quản trị không được luật hóa một cách cụ thể, nên việc tổ chức công tác kế toán quản trị không phải doanh nghiệp nào cũng giống nhau, mà nó chịu tác động của các nhân tố như quy mô doanh nghiệp, quy trình công nghệ mà doanh nghiệp đang áp dụng,... Do đó, người làm kế toán quản trị cần chú ý để định hướng cho việc triển khai kế toán quản trị.

Một là, mục tiêu, chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Xây dựng kế hoạch phát triển của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc xác định mục tiêu và xây dựng chiến lược để đạt được mục tiêu đó. Đây chính là điểm mấu chốt mà doanh nghiệp cần tính tới để tổ chức công tác kế toán quản trị. Các mục tiêu phát triển phải được quán triệt ở mọi lĩnh vực chức năng cho tới người có trách nhiệm cao nhất. Mục tiêu và chiến lược sẽ áp đặt việc thích nghi và xác định ra cấu trúc của doanh nghiệp để đạt được các mục đích trong những điều kiện tốt nhất.

Hai là, nhu cầu thông tin kế toán quản trị từ các nhà quản trị.

Công tác kế toán quản trị được tổ chức thực hiện hay không phụ thuộc vào nhu cầu thông tin kế toán quản trị từ nhà quản trị. Trình độ nhận thức của nhà quản trị doanh nghiệp là nhân tố quyết định việc tổ chức công tác kế toán quản trị như thế nào. Với những nhà quản trị có trình độ quản lý cao thì nhu cầu đòi hỏi cung cấp thông tin sẽ đa dạng và phong phú nhằm quản lý tốt doanh nghiệp. Do đó, họ thường có nhu cầu tổ chức công tác kế toán quản trị, nhằm cung cấp thông tin một cách khoa học và kịp thời, trong khi những nhà quản trị có trình độ thấp thường không có nhu cầu nhiều về thông tin kế toán quản trị nên việc tổ chức công tác kế toán quản trị nhiều khi không được đề cập trong doanh nghiệp.

Hiện nay, nhu cầu thông tin kế toán quản trị từ phía các nhà quản trị doanh nghiệp chưa được rõ ràng, do sự giới hạn về quy mô sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam. Hầu hết các nhà quản trị ra quyết định đều dựa vào kinh nghiệm và thói quen quản lý nên khó kiểm soát được chi phí và kết quả kinh doanh. Đây chính là nguyên nhân vì sao việc tổ chức công tác kế toán quản trị trong các doanh nghiệp còn gặp nhiều hạn chế. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hệ thống thông tin kế toán quản trị chi phí trong một doanh nghiệp.

Trong đó, quy mô và đặc điểm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có tác động không nhỏ đến quá trình tổ chức công tác kế toán quản trị. Một doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn, nhiều doanh nghiệp thành viên thì việc tổ chức công tác kế toán quản trị cần phân theo địa bàn, khu vực để quản lý, còn nếu quy mô doanh nghiệp nhỏ, địa bàn hẹp, cần chú trọng đến việc quản lý theo bộ phận trong doanh nghiệp hoặc theo nhóm sản phẩm.

Tổ chức sản xuất trong doanh nghiệp là sự kết hợp chặt chẽ giữa sức lao động và tư liệu sản xuất cho phù hợp với nhiệm vụ, quy mô và công nghệ sản xuất. Tổ chức sản xuất cho thấy rõ hình thức tổ chức của quá trình sản xuất, tính chất phân công lao động giữa các bộ phận sản xuất và phục vụ sản xuất, đặc điểm của sự kết hợp lao động với tư liệu lao động và đối tượng lao động trong quá trình sản xuất. Mặt khác, tổ chức sản xuất còn là việc bố trí các bộ phận sản xuất trong doanh nghiệp. Việc tổ chức công tác kế toán quản trị cần xem xét quy trình công nghệ sản xuất là giản đơn hay phức tạp, sản xuất đơn chiếc hay sản xuất hàng loạt, công nghệ sản xuất sử dụng phương tiện kỹ thuật cao hay thủ công,... để từ đó nhấn mạnh vào các nội dung cần quản trị.

Trong quá trình xử lý thông tin kế toán quản trị, mối quan hệ giữa bộ phận kế toán và các bộ phận quản lý, bộ phận sản xuất - kinh doanh là rất cần thiết vì nó liên quan đến việc thiết lập thông tin phi tài chính và các thông tin hướng về tương lai.

Ba là, trình độ nhân viên thực hiện công việc kế toán.

Trình độ kiến thức và kỹ năng làm việc của nhân viên kế toán quản trị cũng tác động không nhỏ đến việc tổ chức thu nhận và xử lý thông tin kế toán quản trị. Yêu cầu đối với đội ngũ nhân viên kế toán quản trị phải am hiểu về quá trình tổ chức hoạt động sản xuất -  kinh doanh của doanh nghiệp, linh hoạt trong việc xử lý thông tin và phối hợp tốt với các bộ phận chức năng khác trong doanh nghiệp.

Bốn là, trình độ trang bị máy móc thiết bị.

Cơ sở vật chất là nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán quản trị  trong doanh nghiệp. Khối lượng thông tin kế toán quản trị cần xử lý là rất nhiều nên cần có sự kết hợp với nhiều phương pháp kỹ thuật phức tạp, trong đó cần có sự hỗ trợ từ hệ thống máy vi tính và các phần mềm xử lý thông tin khác.

3. Một số kiến nghị

Tổ chức công tác kế toán ở Việt Nam về cơ bản gần giống theo mô hình kế toán của Cộng hòa Pháp. Trong đó, hệ thống kế toán bao gồm kế toán tài chính và kế toán quản trị, được tổ chức tách rời nhau, độc lập.

Kế toán tài chính bao gồm kế toán tổng hợp và kế toán chi tiết, sử dụng hệ thống các tài khoản tổng hợp và các tài khoản chi tiết. Kế toán tài chính cung cấp các thông tin về chi phí, thu nhập, kết quả của từng loại hoạt động SX-KD của doanh nghiệp và kết quả là các báo cáo tài chính. 

Kế toán quản trị cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ cho việc kiểm tra, kiểm soát chi phí, lập dự toán chi phí và các loại dự toán khác, kết quả là các báo cáo quản trị. Kế toán quản trị chưa có hệ thống tài khoản để theo dõi. Thích ứng với mô hình này trong việc kiểm soát chi phí, kế toán quản trị phân loại chi phí theo các tiêu thức chủ yếu sau:

Phân loại chi phí theo chức năng hoạt động

 + chi phí sản xuất

 + chi phí ngoài sản xuất

Phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí

 + chi phí khả biến

 + chi phí bất biến

 + chi phí hỗn hợp.

Với mô hình kế toán quản trị tách rời với kế toán tài chính một cách độc lập, có hệ thống báo cáo riêng. Trong việc kiểm soát chi phí, kế toán quản trị theo dõi, phân loại theo các tiêu thức chủ yếu như trên thì kế toán tài chính lại phân loại chi phí chủ yếu theo công dụng kinh tế của chi phí (khoản mục chi phí). Và cũng giống như mô hình kế toán của Pháp, với việc phân loại chi phí như trên, cùng với việc theo dõi chi phí này thể hiện trên 2 hệ thống sổ sách khác nhau, dẫn đến hệ thống sổ sách cồng kềnh, thông tin cung cấp khó so sánh, khó kiểm tra, không thống nhất giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị, không đảm bảo cung cấp thông tin lẫn nhau.

Qua 2 mô hình kế toán của Pháp và Mỹ cũng như thực trạng kế toán quản trị hiện nay ở nước ta, tác giả nhận thấy để đưa kế toán quản trị trở thành công cụ đắc lực cho quản lý, mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp thì cần thiết phải tổ chức kế toán quản trị theo hướng kết hợp cả 2 mô hình kế toán của Pháp và Mỹ. Trong đó, chuyển dịch dần từ mô hình kế toán của Pháp sang mô hình của Mỹ để đảm bảo một mô hình vừa theo hướng ngoại, tuân thủ pháp luật của Pháp, vừa vẫn đảm bảo cung cấp các thông tin bên trong (hướng nội) của Mỹ. Tức là vẫn áp dụng hệ thống tài khoản do Bộ Tài chính ban hành, trên cơ sở đó thiết kế các tài khoản chi tiết phục vụ cho kế toán quản trị và áp dụng mô hình, trong đó kế toán quản trị là một bộ phận của kế toán, sử dụng cùng hệ thống tài khoản, cùng hệ thống sổ sách, đảm bảo có thể cung cấp thông tin lẫn nhau giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị.

Cụ thể đối với kế toán quản trị chi phí cần vận dụng ở các nội dung sau:

Một là, tiêu thức phân loại chi phí.

Ngoài các tiêu thức phân loại hiện nay, cần thiết phải phân loại chi phí theo các chức năng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và theo các yêu cầu quản trị trong nội bộ doanh nghiệp.

Việc phân loại chi phí theo chức năng hoạt động giúp cho doanh nghiệp có thể xác định rõ vai trò, chức năng của từng khoản mục chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp. 

Hai là, hệ thống tài khoản chi phí chi tiết.

Trên cơ sở tài khoản do Bộ Tài chính ban hành thì cần điều chỉnh, bổ sung những tài khoản chi tiết thích hợp với việc phản ánh, cung cấp thông tin chi phí cho mục đích quản trị của doanh nghiệp.

Ví dụ: hiện tại, kế toán tài chính đang phân loại chi phí theo công dụng kinh tế của chi phí (khoản mục chi phí) và phản ánh theo dõi trên các tài khoản sau:

Tài khoản 621 - chi phí nguyên vật liệu trực tiếp

Tài khoản 622 - chi phí nhân công trực tiếp

Tài khoản 627 - chi phí sản xuất chung.

Trên cơ sở đó, thiết kế tài khoản chi phí chi tiết cho kế toán quản trị dựa theo yêu cầu quản trị trong nội bộ doanh nghiệp. Chẳng hạn như trong doanh nghiệp ngành Thép có thể xây dựng tài khoản chi tiết phục vụ yêu cầu kế toán quản trị. (Xem Bảng).

Bảng. Xây dựng tài khoản chi tiết phục vụ yêu cầu kế toán quản trị

Tk cấp 1

Tk cấp 2

Tk cấp 3

Tk cấp 4

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp

Chi tiết theo từng giai đoạn sản xuất

Chi tiết theo từng nhóm sản phẩm

Chi tiết theo từng loại sản phẩm

Với cách xây dựng tài khoản chi tiết phục vụ cho kế toán quản trị dựa trên hệ thống các tài khoản tổng hợp của kế toán tài chính trong bộ máy kế toán như vậy sẽ đảm bảo việc cung cấp thông tin lẫn nhau giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị được thực thi và hệ thống tài khoản kế toán được tinh gọn.

Ba là, quy trình lập hệ thống các báo cáo kế toán quản trị .

Trên cơ sở kế toán quản trị theo dõi theo chức năng hoạt động, sử dụng hệ thống các tài khoản chi tiết và vận hành cùng với kế toán tài chính trong cùng bộ máy kế toán thì hệ thống báo cáo kế toán quản trị sẽ được lập song song cùng với hệ thống các báo cáo tài chính xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật áp dụng cho từng hoạt động. Thiết lập hệ thống chứng từ ban đầu. Kiểm soát giá cả các yếu tố đầu vào nhằm quản trị chi phí. Xây dựng quy trình kiểm soát và luân chuyển từng loại chứng từ. 

Bốn là, xây dựng hệ thống định mức chi phí cho từng hoạt động. 

Xây dựng những phương trình toán học với mô hình hồi quy bội (hay hồi quy đa biến), đơn vị sẽ sử dụng các kỹ thuật trong môn học kinh tế lượng để giải bài toán này. Từ đó, việc phân tích được dựa trên cơ sở các số liệu được tính toán khoa học, chính xác và chi tiết, xác định được những nhân tố trực tiếp làm ảnh hưởng đến sự biến động của chi phí.

Năm là, xây dựng các báo cáo dự toán chi phí cho từng hoạt động

Hệ thống báo cáo dự toán chi phí cho từng hoạt động gồm các báo cáo sau:

+ Bảng định mức chi phí vật liệu, nhiên liệu cho từng hoạt động;

+ Bảng định mức chi phí nhân công cho từng hoạt động;

+ Bảng dự toán chi phí sản xuất chung cho từng hoạt động;

+ Báo cáo chi phí SXKD thực tế và tiềm ẩn;

+ Báo cáo chi phí SXKD theo từng hoạt động.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. Theo gs. Robert s.kaplan và anthony a.atkinson.
  2. Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Kaplan, R. S. and A. A. Atkinson. (1998). Cost-Based Decision Makin. Upper Saddle River, New Jersey: Prentice Hall.
  2. IFS. (2001). Kaizen costing and value analysis. IFS Research and Development.
  3. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC về hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp, Hà Nội.
  4. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT/BTC ngày 22/12/2014 ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp và Thông tư số 53/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 200.

Factors affecting the cost management accounting in Vietnamese enterprises

Ph.D Ngo Tien Dung

Faculty of Accounting - Auditing

Academy of Policy and Development

ABSTRACT:

There are many factors affecting the cost management accounting in Vietnamese enterprises. In which, the most important and decisive factor affecting the information system of an enterprise is the implementation of management accounting in an enterprise’s development goals and strategies. In addition, the cost management accounting approach is also affected by the management accounting information demand from managers, the capacity of accountants and the modernity of equipment which is used for the cost management accounting. This paper analyzes the factors affecting the cost management accounting in Vietnamese enterprises.

Keywords: factors affecting, management accounting, enterprises, Vietnamese.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]