Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tự nguyện áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam

TS. NGUYỄN THỊ KIM CÚC (Khoa Kế toán - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) và NGUYỄN LÊ VÂN KHANH (Học viên Cao học K26 - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tự nguyện áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) tại các doanh nghiệp Việt Nam và mức độ tác động của từng nhân tố đến quá trình tự nguyện áp dụng IFRS. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng là phương pháp định lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhân tố: quy mô doanh nghiệp, lĩnh vực ngành nghề kinh doanh và cơ cấu vốn đầu tư là những nhân tố tác động đến quá trình tự nguyện áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên với loại hình doanh nghiệp lớn còn bị ảnh hưởng bởi nhân tố hình thức sở hữu. Từ kết quả của nghiên cứu này, tác giả đã đưa ra những kiến nghị, hàm ý có liên quan nhằm đẩy nhanh quá trình tự nguyện áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp trước lộ trình bắt buộc áp dụng của Bộ Tài chính.

Từ khoá: Áp dụng IFRS, kế toán tài chính, doanh nghiệp Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Do đó, việc áp dụng IFRS không chỉ gói gọn ở những công ty con của các tập đoàn đa quốc gia mà đã bắt đầu ảnh hưởng đến những công ty ở Việt Nam. Thông qua áp dụng IFRS, nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có thể hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, qua đó tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững hơn.

Áp dụng IFRS tại Việt Nam là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi nhiều chi phí và trình độ về nguồn nhân lực và cần có lộ trình cụ thể. Do vậy, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án đưa IFRS vào Việt Nam và cập nhật, ban hành mới VAS/VFRS với lộ trình đến năm 2025 tuyên bố tuân thủ hoàn toàn IFRS đối với một số doanh nghiệp tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu vì mục tiêu lợi nhuận và phát triển bền vững, vì thế quyết định có áp dụng IFRS trước thời điểm bắt buộc hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự cân đối lợi ích mà IFRS mang lại và chi phí phải bỏ ra. Đồng thời, tự nguyện áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Do vậy, nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tự nguyện áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề cấp bách và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Thông qua kết quả nghiên cứu sẽ biết được những nhân tố nào có ảnh hưởng đến quá trình tự nguyện áp dụng IFRS và mức độ tác động của từng nhân tố, từ đó đề ra các kiến nghị hàm ý phù hợp thúc đẩy nhanh hơn quá trình tự nguyện áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Thuyết hành vi dự định (TPB)

Thuyết hành vi dự định (Ajzen, 1991) là sự phát triển và cải tiến thuyết hành động hợp lý (TRA, Ajzen & Fishbein, 1975). Đây là một thuyết tương đối phổ biến trong nghiên cứu hàn lâm; giả định rằng một hành vi có thể dự báo hoặc giải thích bởi các xu hướng hành vi để thực hiện hành vi đó.

Trong thực tế, mô hình TPB được sử dụng trong dự báo và giải thích hành vi của con người đối với các quyết định cụ thể. Nhận thức kiểm soát hành vi và thái độ có xu hướng quan hệ chặt chẽ nhất với hành vi và ý định ủng hộ môi trường, chuẩn chủ quan có mức độ ít hơn (Armitage & Conner, 2001).

2.2. Xây dựng giả thuyết nghiên cứu

Đa số các nghiên cứu về áp dụng IFRS đã được thực hiện tại Việt Nam dựa trên góc độ của một quốc gia, nghiên cứu về các nhân tố mang tính vĩ mô tác động đến việc áp dụng IFRS, như: văn hóa, pháp lý, chính trị, xã hội…

Tự nguyện áp dụng IFRS là việc các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng IFRS một cách tự nguyện không phải bị bắt buộc. Do đó, các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tự nguyện áp dụng IFRS sẽ tập trung ở những nhân tố vi mô nội tại doanh nghiệp hơn là những nhân tố vĩ mô mang tính quốc gia.

Tự nguyện áp dụng IFRS trong phạm vi nghiên cứu: là các doanh nghiệp chủ động áp dụng IFRS trước thời gian bắt buộc của Bộ Tài chính; với các đối tượng bắt buộc và các đối tượng chưa bắt buộc chủ động áp dụng IFRS cho việc xử lý giao dịch kinh tế phát sinh cũng như lập và trình bày BCTC.

2.2.1. Nhân tố thương mại quốc tế

Xu hướng chung của nền kinh tế là mức độ quốc tế hóa ngày càng tăng và trao đổi kinh tế đã trở thành một vấn đề khi cần so sánh thông tin tài chính từ các quốc gia khác nhau (Marton et al., 2012). Thương mại quốc tế phát triển mạnh kéo theo nhu cầu so sánh thông tin kế toán giữa các quốc gia càng tăng.

Thương mại quốc tế của doanh nghiệp theo những nghiên cứu trước đây của (Dumontier và Raffournier 1998; Murphy 1999; El-Gazzar và cộng sự 1999; Tarca 2004; Cuijpers và Buijink 2005; Gassen và Sellhorn 2006; Wu và Zhang 2009) hoạt động quốc tế đóng vai trò quan trọng có ảnh hưởng tới tiêu chuẩn lựa chọn kế toán.

Giả thuyết được đặt ra là:

H1: Thương mại quốc tế của doanh nghiệp càng cao thì mức độ tự nguyện áp dụng IFRS càng cao.

2.2.2. Nhân tố hình thức sở hữu

Trong nghiên cứu trước đây, cơ cấu sở hữu đã được kết luận như một yếu tố ảnh hưởng trong việc lựa chọn khung kế toán (Matonti & Iuliano, 2012; Johansson & Karlsson, 2013), và sự phân chia của các nhà quản lý và chủ sở hữu đã bị ảnh hưởng đến lựa chọn kế toán (Dhaliwal et al., 1982). Sự bất đối xứng thông tin xảy ra khi tách người quản lý và chủ sở hữu (Deegan, 2013) và sự bất đối xứng có thể được giảm thông qua thông tin do nhóm cung cấp (Watts & Zimmerman, 1978).

Cơ cấu sở hữu tại các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả bên trong và bên ngoài. Bên trong khi chủ sở hữu đồng thời là người quản lý doanh nghiệp, bên ngoài khi chủ sở hữu và người quản lý không đồng thời là một. Mục đích khác nhau nên hai nhóm này có sự khác biệt tiềm năng về nhu cầu thông tin. Do vậy, hình thức sở hữu là một trong những nhân tố tác động đến sự lựa chọn tự nguyện áp dụng IFRS tại doanh nghiệp.

Giả thuyết đặt ra là:

H2: Nhóm chủ sở hữu bên ngoài sẽ tự nguyện áp dụng IFRS hơn.

2.2.3. Nhân tố nguồn tài chính

Tất cả các công ty trên thế giới có các nhà cung cấp vốn khác nhau như chủ sở hữu, ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài mà trong đó nguồn vốn từ ngân hàng được xem là quan trọng nhất.  Do vậy, thông tin BCTC từ các doanh nghiệp là rất quan trọng với việc ra quyết định của nhà cấp vốn. Theo Hill (2014) điều quan trọng là chỉ ra rằng thông tin kế toán là ngôn ngữ mà công ty liên lạc với nhà cấp vốn của mình.

Hơn nữa, trong môi trường cạnh tranh quốc tế như hiện nay việc tự nguyện áp dụng IFRS còn phụ thuộc vào nguồn tài chính trong nước hay ngoài nước. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra IFRS cung cấp lợi thế cho việc tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn nước ngoài hơn (Ball, 2006; Seay, 2014). Các nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm sự thống nhất trong báo cáo tài chính để có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Như vậy, nguồn tài chính trong doanh nghiệp cũng có ảnh hưởng đến quá trình tự nguyện áp dụng IFRS tại Việt Nam.

Giả thuyết được đặt ra là:

H3a: Doanh nghiệp có nguồn tài chính từ chủ sở hữu sẽ tự nguyện áp dụng IFRS hơn.

H3b: Doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài tự nguyện áp dụng IFRS hơn.

2.2.4. Nhân tố ngành

Các công ty trong cùng một ngành công nghiệp cạnh tranh với nhau làm giảm nguy cơ mất tính hợp pháp liên quan đến các đối thủ cạnh tranh trong ngành (Unermen & Bennett, 2004).

Broberg et al (2010) cho kết quả là các công ty niêm yết công khai ở Thụy Điển trong ngành sản xuất tiết lộ nhiều thông tin tự nguyện hơn các công ty trong ngành y tế và viễn thông. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này chú trọng vào xu hướng tự nguyện áp dụng IFRS ở các doanh nghiệp liệu có khác nhau giữa các nhóm ngành.

Giả thuyết được đặt ra là:

 H4: Ngành kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến tự nguyện áp dụng IFRS.

2.2.5. Nhân tố quy mô doanh nghiệp

Quy mô đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiến lược của doanh nghiệp. Quy mô doanh nghiệp bao gồm: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp rất lớn: dựa trên số lao động, tổng tài sản và doanh thu hằng năm… Những doanh nghiệp lớn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn bên ngoài và thường nâng cao chất lượng thông tin BCTC, do vậy có xu hướng tự nguyện áp dụng IFRS hơn.

Trong các nghiên cứu trước đây, quy mô doanh nghiệp là yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn tự nguyện áp dụng IFRS (Senyigit, 2014; Bassemir, 2012; Lilja và cộng sự, 2006; Gassen và Sellhorn, 2006).

Giả thuyết được đặt ra:

H5: Quy mô doanh nghiệp càng lớn thì mức độ tự nguyện áp dụng IFRS càng cao

2.3. Mô hình nghiên cứu

3. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng. Phân tích dùng kỹ thuật Crosstabs, Fisher exact test và Chi square cũng như logictis nhị phân để phân tích mối tương quan giữa các biến và sự phù hợp của mô hình. Thang đo của biến độc lập và biến phụ thuộc được kế thừa từ các nghiên cứu trước đó theo thang đo Likert 5 mức độ: 1- không ảnh huởng; 2- ảnh hưởng ít; 3- trung bình; 4- ảnh hưởng cao; 5- ảnh hưởng quyết định.

Phương pháp chọn mẫu: Mẫu được lựa chọn theo phương pháp thuận tiện thông qua gửi email khảo sát, số phiếu phát ra là 350 thu về 210 qua gạn lọc thông tin ban đầu thu được 198 mẫu hợp lệ.

Kích thước mẫu: Mẫu của nghiên cứu được xác định thông qua công thức của Tabachnick & Fidell (2007) kích thước mẫu tối thiểu cho một mô hình hồi quy đa biến được tính theo công thức: N=8*var*50.

Dựa vào công thức trên, nghiên cứu này bao gồm 5 biến độc lập có thể suy ra cỡ mẫu thích hợp là 90 mẫu. Mẫu chính thức là 198> 90 mẫu là phù hợp.

4. Kết quả nghiên cứu

Phân tích tương quan giữa các biến:

Thực hiện phân tích tương quan giữa các biến thông qua Crosstabs và kiểm định Fisher exact test và Chi square. Kết quả phân tích cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tự nguyện áp dụng IFRS tại doanh nghiệp bao gồm: quy mô doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và cơ cấu vốn đầu tư; riêng các doanh nghiệp lớn còn bị ảnh hưởng bởi nhân tố hình thức sở hữu.

Đo lường mức độ tác động của những nhân tố ảnh hưởng tác giả chỉ đo lường trên hai nhân tố là nguồn tài chính và hình thức sở hữu. Quy mô doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh là hai nhân tố thêm vào để nghiên cứu ở mức độ có ảnh hưởng đến quá trình tự nguyện áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp hay không.

4.1. Nhân tố nguồn tài chính

Doanh nghiệp lớn

Bảng phân tích logistic nhị phân thể hiện như sau: Nhu cầu thông tin của nhà tài chính đến lựa chọn áp dụng IFRS có sig p= 0.618>0,05 mức ý nghĩa do đó không thể sử dụng được và nguồn tài chính chủ yếu từ đâu đến tự nguyện áp dụng IFRS có sig p = 0.516 > 0.05 mức ý nghĩa, do đó không thể sử dụng được. Tuy nhiên, nguồn tài chính quốc tế lại có kết quả sig là p =  0.001 < 0.05 mức ý nghĩa. Đồng thời có chênh lệch (chỉ số OR) 43.184 có nghĩa là mức độ ảnh hưởng 43.184 lần đến tự nguyện áp dụng IFRS. Do vậy, giả thuyết H3a: Doanh nghiệp có nguồn tài chính từ chủ sở hữu sẽ tự nguyện áp dụng IFRS hơn, bị bác bỏ và giả thuyết H3b: Doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài tự nguyện áp dụng IFRS hơn, được chấp nhận.

Mô hình tác động của nguồn tài chính đến tự nguyện áp dụng IFRS như sau: Ln (p/(1-p)) =  -6,692 + 3,765 * MHTC2

Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bảng phân tích logistic nhị phân thể hiện như sau: Nhu cầu thông tin của nhà tài chính đến lựa chọn áp dụng IFRS có sig p= 0.563>0,05 mức ý nghĩa do đó không thể sử dụng được và nguồn tài chính chủ yếu từ đâu đến tự nguyện áp dụng IFRS có sig p=0.996>0.05 mức ý nghĩa, do đó không thể sử dụng được. Tuy nhiên, nguồn tài chính quốc tế lại có kết quả sig là p= 0.002<0.05 mức ý nghĩa. Đồng thời, có chênh lệch là 0.147 như vậy mức độ tác động của tài chính quốc tế đến tự nguyện áp dụng IFRS là 0.147 lần.

Do vậy, giả thuyết H3a: Doanh nghiệp có nguồn tài chính từ chủ sở hữu sẽ tự nguyện áp dụng IFRS hơn, bị bác bỏ và giả thuyết H3b: Doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài tự nguyện áp dụng IFRS hơn, được chấp nhận.

Mô hình tác động của nhân tố nguồn tài chính như sau: Ln (p/(1-p)) =  2,826 - 1,918 * MHTC2

4.2. Nhân tố hình thức sở hữu

Bảng phân tích logistic nhị phân thể hiện như sau: Nhu cầu thông tin của chủ sở hữu đến lựa chọn áp dụng IFRS có sig p= 0.634>0,05 mức ý nghĩa, do đó không thể sử dụng được. Tuy nhiên, chủ sở hữu và quyền biểu quyết thuộc về cổ đông nước ngoài có kết quả sig lần lượt là p= 0.004<0.05 mức ý nghĩa và p=0.002<0.05 mức ý nghĩa. Đồng thời có chênh lệch (chỉ số OR) sẽ tăng tương ứng 11.191 và 0.004 có nghĩa là mức độ ảnh hưởng tương ứng đến tự nguyện áp dụng IFRS đối với chủ sở hữu là 11.191 lần và quyền biểu quyết thuộc về cổ đông bên ngoài là 0.004 lần. Do vậy, giả thuyết H2: Nhóm chủ sở hữu bên ngoài sẽ tự nguyện áp dụng IFRS hơn, được chấp nhận với loại hình doanh nghiệp lớn.

Mô hình tác động của nhân tố hình thức sở hữu như sau: Ln (p/(1-p)) =  -4,582 + 2,415 * MHSH1 - 5,568 * MHSH2

Kiểm định các mô hình trên là phù hợp thông qua các chỉ số kiểm định:

5. Kết luận, hàm ý

Qua kết quả nghiên cứu, hai nhân tố cơ cấu tài chính và hình thức sở hữu có ảnh hưởng đến quá trình tự nguyện áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam; tác giả mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị sau:

Đối với cơ quan Nhà nước:

Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế cần nhanh chóng xây dựng, phê duyệt đề án áp dụng IFRS cho doanh nghiệp Việt Nam.

Xây dựng hành lang pháp lý có cơ chế bảo đảm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam.

Đề ra các chính sách phù hợp nhằm tạo ra thị trường Việt Nam là một môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Xem xét thay đổi một số quy định quản lý hành chính Nhà nước đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, chấp nhận nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia vào quản lý doanh nghiệp lớn, qua đó có thể thúc đẩy hội nhập và niêm yết trên thị trường vốn quốc tế nhanh hơn.

Đối với doanh nghiệp:

Nâng cao chất lượng thông tin BCTC trung thực và thực hiện kiểm toán độc lập là nguồn nhân sự tại doanh nghiệp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư bên ngoài.

Xây dựng các phương án tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài phù hợp với quy mô, lĩnh vực kinh doanh và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp.

Quá trình áp dụng IFRS là khá phức tạp và đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước và bản thân doanh nghiệp. Kết quả của nghiên cứu góp phần giúp các đơn vị có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy nhanh quá trình áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. André và cộng sự (2012), Voluntary Adoption of IFRS: A Study of Determinants for UK Unlisted Firms, Comptabilités et Innovation, May 2012, France. pp.cd-rom, 2012.

2. Baker C.R., Barbu, E.M., 2007, Trends in research on international accounting harmonization, The International Journal of Accounting, 42 (3), 272-304. http:// dx.doi.org/10.1016/j.intacc.2007.06.003.

3. Gassen và cộng sự, (2006), Applying IFRS in Germany: Determinants and consequences, working paper, Humboldt University of Berlin, WHU Otto Beisheim School of Management.

4. Þenyiðit (2014), Determinants of voluntary IFRS adoption in an emerging market: Evidence from Turkey, Accounting and Management Information Systems, 13 (3), 449-465.

5. Võ Văn Nhị và Lê Hoàng Phúc (2011), Sự hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế, Tạp chí Kiểm toán, số 12/2011.

FACTORS AFFECTING THE VOLUNTARILY IMPLEMENTING PROCESS OF IFRS AT VIETNAMESE ENTERPRISES

● Ph.D. NGUYEN THI KIM CUC

Faculty of Accounting, University of Economics Ho Chi Minh City

NGUYEN LE VAN KHANH

K26 Post-graduate student, University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This research is to identify factors affecting the voluntarily implementing process of International Financial Reporting Standards (IFRS) at Vietnamese enterprises and how each factor impacts on this process. The quantitative method was used to conduct this research. Results indicate that (1) the size of enterprises, (2) field of doing business and (3) the capital structure impact on the process. Morover, for large enterprises, the ownership also impacts on the process. Based on these results, the author proposes some recommendations and implications to speed up the voluntarily implementing process of IFRS at Vietnamese enterprises ahead of the complusory roadmap of Ministry of Finance.

Keywords: Implementing IFRS, financial accounting, Vietnamese enterprises.