Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định gửi tiền tiết kiệm của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Chi nhánh Trà Vinh

LÊ TRUNG HIẾU (Giảng viên, Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh) - NGUYỄN HỒ XUÂN NHI (Sinh viên ngành Quản trị kinh Doanh, Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định gửi tiền tiết kiệm (GTTK) của khách hàng cá nhân (KHCN) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Chi nhánh Trà Vinh (SCB Trà Vinh). Kết quả nghiên cứu cho thấy, những nhân tố ảnh hưởng dương đến quyết định gửi tiền tiết kiệm của khách hàng cá nhân tại SCB Trà Vinh gồm: hình thức chiêu thị, lãi suất, thương hiệu, chất lượng dịch vụ. Nghiên cứu này cũng đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao khả năng thu hút tiền tiết kiệm của khách hàng cá nhân tại SCB Trà Vinh.

Từ khóa: quyết định gửi tiền tiết kiệm, khách hàng cá nhân, ngân hàng TMCP Sài Gòn, SCB Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Huy động vốn tuy không mang lại lợi nhuận trực tiếp cho ngân hàng nhưng là nghiệp vụ rất quan trọng. Không có nghiệp vụ huy động vốn coi như không có hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM). Khi thành lập, ngân hàng phải có một số vốn điều lệ. Nhưng số vốn này chỉ đủ để đầu tư cho các tài sản cố định như trụ sở, văn phòng, máy móc thiết bị chứ chưa đủ vốn để ngân hàng có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh như cấp tín dụng và cấp các hoạt động ngân hàng khác. Để có vốn thực hiện các hoạt động này, ngân hàng phải huy động vốn từ các khách hàng. Nghiệp vụ huy động vốn do vậy cũng có ý nghĩa rất quan trọng với ngân hàng cũng như với khách hàng1.

Nghiệp vụ huy động vốn góp phần mang lại nguồn vốn cho ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh khác. Không có nghiệp vụ huy động vốn, NHTM sẽ không đủ nguồn vốn tài trợ cho hoạt động của mình. Mặt khác, thông qua nghiệp vụ huy động vốn NHTM có thể đo lường được uy tín cũng như sự tín nhiệm của khách hàng đối với ngân hàng. Từ đó, NHTM có các biện pháp không ngừng hoàn thiện hoạt động huy động vốn để giữ vững và mở rộng quan hệ với khách hàng. Có thể nói, hoạt động huy động vốn đã giải quyết đầu vào cho ngân hàng2.

Trong nghiệp vụ huy động vốn của ngân hàng, hoạt động nhận tiền gửi là hình thức huy động vốn phổ biến và mang tính đặc thù riêng có của NHTM. Theo Luật Các tổ chức tín dụng: Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

Tại Trà Vinh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là một trong các ngân hàng có thế mạnh trong hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm với nhiều sản phẩm đa dạng và tiện lợi cho khách hàng. Theo số liệu của ngân hàng SCB Trà Vinh, tiền gửi tiết kiệm theo thành phần kinh tế tại ngân hàng này năm 2020 có sự biến động giảm so với năm 2019. Năm 2019, tổng tiền gửi tiết kiệm đạt 2.710.239 triệu đồng, đến năm 2020 tổng tiền gửi tiết kiệm giảm xuống còn 2.680.139 triệu đồng (giảm 11%). Đồng thời, trong cơ cấu tiền gửi tiết kiệm của SCB Trà Vinh, tiền gửi tiết kiệm của KHCN chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2019, tiền gửi tiết kiệm của KHCN đạt 2.212.246 triệu đồng, chiếm 81,6% tổng tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Đến năm 2020, tiền gửi tiết kiệm của KHCN đạt 2.445.422 triệu đồng, chiếm 91% tổng tiền gửi tiết kiệm. Qua đó cho thấy, có sự giảm sút đáng kể tiền gửi doanh nghiệp tại SCB Trà Vinh do một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoặc do sự cạnh tranh của các NHTM khác trên địa bàn ảnh hưởng. Tuy nhiên, tiền gửi KHCN vẫn giữ được mức độ tăng trưởng trong các năm vừa qua. Chính vì thế, nghiên cứu này được triển khai nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng dương đến quyết định GTTK của KHCN nhằm đảm bảo duy trì tăng tưởng hoạt động huy động tiền gửi và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao khả năng thu hút tiền gửi tiết kiệm của KHCN tại SCB Trà Vinh.

2. Mô hình nghiên cứu

2.1. Các giả thuyết nghiên cứu:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Giả thuyết H1: Nhân tố thương hiệu có ảnh hưởng đến quyết định GTTK của KHCN tại SCB Trà Vinh.

Giả thuyết H2: Nhân tố chất lượng dịch vụ có ảnh hưởng đến quyết định GTTK của KHCN tại SCB Trà Vinh.

Giả thuyết H3: Nhân tố lãi suất có ảnh hưởng đến quyết định GTTK của KHCN tại SCB Trà Vinh.

Giả thuyết H4: Nhân tố kênh phân phối có ảnh hưởng đến quyết định GTTK của KHCN tại SCB Trà Vinh.

Giả thuyết H5: Nhân tố hình thức chiêu thị có ảnh hưởng đến quyết định GTTK của KHCN tại SCB Trà Vinh.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Lựa chọn cỡ mẫu: Theo Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), tỷ lệ lấy mẫu bằng 4 hay 5 số lần biến cần khảo sát. Trong ngiên cứu này có tất cả là 32 biến quan sát cần ước lượng, do đó, nhóm tác giả đề xuất số mẫu cần thiết là 32*5 = 160 mẫu. Tuy nhiên, để tăng tính tin cậy cho kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả chọn quy mô là 210 mẫu.

Phương pháp lấy mẫu và xử lý số liệu: Dựa trên cơ sở lý thuyết, các nghiên cứu trước và khảo sát chuyên gia, nhóm nghiên cứu đã kế thừa và xây dựng, hoàn thiện bảng câu hỏi. Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát 210 khách hàng đang gửi tiền tại ngân hàng bằng phương pháp lấy mẫu thuận tiện. Số liệu sau khi thu thập sẽ tiến hành mã hóa, nhập liệu và làm sạch bằng phần mềm SPSS, tiếp đến nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm định và phân tích giải quyết mục tiêu nghiên cứu thông qua các phương pháp như: phương pháp Cronbachs Alpha, phân tích nhân tố EFA, phân tích tương quan và phân tích hồi quy đa biến.

Phương trình hồi quy đa biến:

Y = β0 + β1X1 + β2X2 + β3X3 + β4X4 + β5X5 + ... + βnXn

Trong đó: Y là biến phụ thuộc “Quyết định GTTK”; β0 là hằng số; X1 là biến thể hiện “Thương hiệu”; X2 là biến thể hiện “Chất lượng dịch vụ”; X3 là biến thể hiện “Lãi suất”; X4 là biến thể hiện “Kênh phân phối”; X5 là biến thể hiện “Hình thức chiêu thị”.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Đánh giá độ tin cậy của thang đo thông qua hệ số Cronbach’s Alpha

Bảng 1. Đánh giá độ tin cậy của thang đo

Đánh giá độ tin cậy của thang đo

Nguồn: Kết quả xử lí từ dữ liệu của nhóm tác giả nghiên cứu

Cronbach’s Alpha của các thang đo đều > 0,8, các hệ số tương quan của tổng, của các biến quan sát trong các thang đo đều lớn hơn 0,4 và không có biến quan sát nào bị loại bỏ. Vì vậy, tất cả các biến quan sát đều được chấp nhận và được sử dụng trong phân tích nhân tố tiếp theo.

3.2. Đánh giá thang đo bằng phân tích nhân tố khám phá EFA

3.2.1. Kết quả phân tích nhân tố EFA thang đo biến độc lập

5 nhân tố thành phần với 27 biến quan sát được đưa vào phân tích nhân tố EFA, sau khi phân tích kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha đạt yêu cầu. Hệ số KMO = 0,894 > 0,5; kiểm định Bartlett có ý nghĩa về mặt thống kê (Sig. = 0,000 < 0,05) cho thấy các biến quan sát có mối tương quan trong tổng thể. Kết quả phân tích đạt được 5 nhân tố, rút trích từ 27 biến quan sát với tổng phương sai trích = 67,91 > 50%, đạt yêu cầu.

3.2.2. Kết quả phân tích nhân tố EFA thang đo quyết định GTTK của KHCN

Thang đo biến phụ thuộc là đo quyết định GTTK của KHCN gồm 5 biến quan sát. Sau khi phân tích hệ số Cronbachs Alpha, các hệ số tải các biến đều lớn hơn 0,3 nên được giữ lại. Nhóm nghiên cứu tiến hành đưa 5 biến quan sát của thang đo, đo quyết định GTTK của KHCN vào phân tích nhân tố EFA cho ra kết quả sau:

Hệ số KMO = 0,818 > 0,5, kiểm định Bartlett có ý nghĩa về mặt thống kê (Sig. = 0,000 < 0,05) cho thấy, các biến quan sát có mối tương quan trong tổng thể. Giá trị Eigenvalues =3,165 > 1, tổng phương sai = 63,3 > 50%, đạt yêu cầu. Hệ số tải của tất cả các biến đều lớn hơn 0,5. Như vậy, thang đo quyết định GTTK của KHCN giữ lại 5 biến quan sát.

Bảng 2. Kết quả phân tích nhân tố EFA

Kết quả phân tích nhân tố EFA

Nguồn: Kết quả xử lí từ dữ liệu của nhóm tác giả nghiên cứu

3.3. Phân tích hồi quy đa biến

Bảng 3. Kiểm định sự phù hợp của mô hình

Kiểm định sự phù hợp của mô hình

Nguồn: Kết quả xử lí từ dữ liệu của nhóm tác giả nghiên cứu

Kết quả cho thấy, R2 hiệu chỉnh bằng 0,626, có nghĩa là 62,6% sự biến thiên của QDGT (quyết định GTTK được giải thích bởi sự biến thiên của 5 nhân tố độc lập HTCT, CLDV, TH, KPP, LS).

Phân tích phương sai cho thấy, chỉ số F có mức ý nghĩa với sig. = 0,000 < 0,05 có nghĩa mô hình hồi quy đa biến đưa ra là phù hợp với dữ liệu thực tế thu thập được và các biến đưa ra đều có nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 5% (độ tin cậy 95%).

Bảng 4. Phân tích phương sai ANOVA

Phân tích phương sai ANOVA

Nguồn: Xử lí từ dữ liệu của tác giả

3.4. Kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

5 biến độc lập TH, CLDV, LS, KPP, HTCT, có tác động cùng chiều vào biến phụ thuộc QDGT, vì hệ số hồi quy chuẩn hóa (b) của các biến này đều dương và có ý nghĩa thống kê (Sig. < 0,05) (trừ biến “KPP” có giá trị Sig = 0,086 > 0,05 nên không được đưa vào mô hình hồi quy). So sánh mức độ tác động của 4 biến này vào biến phụ thuộc Quyết định GTTK theo thứ tự lớn nhất đến bé nhất như sau:

Bảng 5. Bảng kết quả kiểm định các giả thuyết

Bảng kết quả kiểm định các giả thuyết

Nguồn: Xử lý từ dữ liệu khảo sát của tác giả

3.5. Phương trình hồi quy đa biến và giải thích các hệ số hồi quy

Kết quả phân tích các hệ số hồi quy trong mô hình cho thấy, giá trị lớn nhất Sig. = 0,010 (< 0,05), phương trình hồi quy đa biến thể hiện các nhân tố ảnh hưởng đến Quyết định GTTK của KHCN tại SCB Trà Vinh như sau:

Phương trình hồi quy có dạng:

QDGT  =  0,322HTCT + 0,249LS +  0.218TH + 0,137CLDV

Biến Hình thức chiêu thị: có hệ số 0,322, quan hệ cùng chiều với biến Quyết định GTTK. Do SCB Trà Vinh có nhiều gói khuyến mãi hấp dẫn dành cho khách hàng khi có nhu cầu GTTK. Ngoài ra, SCB Trà Vinh cũng thường xuyên quan tâm, chăm sóc khách hàng trong những dịp Lễ, Tết. Khi khách hàng tham gia gửi tiền, ngân hàng luôn tạo ra những chương trình khuyến mãi có tính thiết thực cao, luôn có các dịch vụ, sản phẩm mới hấp dẫn khách hàng.

Biến Lãi suất: có hệ số 0,249, quan hệ cùng chiều với biến Quyết định GTTK. Do lãi suất của SCB Trà Vinh có sức cạnh tranh trên thị trường nên được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Lãi suất SCB Trà Vinh linh hoạt trên từng sản phẩm, với từng đối tượng khách hàng khác nhau.

Biến Thương hiệu: có hệ số 0,218, quan hệ cùng chiều với biến Quyết định GTTK. Với đội ngũ quản lý và nhân viên chuyên nghiệp, minh bạch xây dựng nền tảng thương hiệu SCB uy tín. SCB đã hình thành và phát triển thời gian nhất định, nên SCB được nhiều khách hàng biết đến và an tâm khi quyết định GTTK.

Biến Chất lượng dịch vụ: có hệ số 0,137, quan hệ cùng chiều với biến Quyết định GTTK. Với phương châm nhanh gọn khi giao dịch, SCB Trà Vinh đã đơn giản hóa thủ tục. Khi giao dịch, nhân viên giao dịch xử lý thủ tục nhanh chóng, an toàn. Thái độ phục vụ chuyên nghiệp, tận tâm của nhân viên cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ giúp khách hàng quyết định GTTK nhiều hơn.

Biến Kênh phân phối: Kết quả phân tích cho thấy, biến KPP không có tác động đến biến Quyết định GTTK với hệ số 0.097. Do mạng lưới SCB Trà Vinh còn hạn chế, chưa rộng khắp, kênh giao dịch điện tử dù tiện lợi, nhưng chưa dễ sử dụng.

4. Giải pháp nâng cao khả năng thu hút tiền gửi tiết kiệm KHCN tại SCB Trà Vinh

Thứ nhất, về Thương hiệu: Cần xây dựng hình ảnh tốt với khách hàng thông qua các hoạt động thiện nguyện, hoạt động cộng đồng; Giao dịch đúng hạn, minh bạch, chuyên nghiệp trên thương hiệu SCB; Xây dựng hình ảnh nhân viên chuyên nghiệp, hiện đại, nhạy bén làm nền tảng để ngân hàng phát triển lâu dài và thịnh vượng.

Thứ hai, về Chất lượng dịch vụ: Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng dịch vụ ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định GTTK của KHCN tại SCB Trà Vinh. Do đó:

- Cần thường xuyên hoàn thiện quy trình thủ tục, bảo đảm bảo mật cho khách hàng, phục vụ khách hàng nhanh chóng, giải quyết thỏa đáng các yêu cầu của khách hàng.

- Giảm tải các quy trình, thủ tục để rút ngắn thời gian giao dịch của khách hàng.

- Hoàn thiện, nâng cấp ứng dụng (SCB MOBILE BANKING) đơn giản, dễ sử dụng, có tính bảo mật cao.

Thứ ba, về Lãi suất: Hoàn thiện lãi suất theo từng năm, từng thời kỳ sao cho thu hút khách hàng, để khách hàng tiếp tục gửi tiền tại SCB; Trả lãi đúng hạn, minh bạch, chính xác, góp phần nâng cao hình ảnh ngân hàng; Tạo ra nhiều phương thức trả lãi theo nhu cầu của khách hàng, để khách hàng dễ kiểm tra và giao dịch.

Thứ tư, về Kênh phân phối: Cần mở rộng chi nhánh hoặc các điểm giao dịch để khách hàng dễ dàng giao dịch khi cần; SCB nên mở thêm các phòng giao dịch đến các địa bàn nông thôn để phục vụ khách hàng nông thôn; Xây dựng nơi để xe rộng rãi, an toàn để tạo sự an tâm khi khách hàng đến giao dịch.

Thứ sáu, về Hình thức chiêu thị: Đa dạng hóa các sản phẩm tiền gửi để khách hàng có nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của khách hàng, phù hợp với hoàn cảnh nền kinh tế; SCB nên tổ chức những buổi hội nghị khách hàng đan xen các chương trình như bốc thăm trúng thưởng. Góp phần tạo sự gắn kết, gần gũi, nhận được phản hồi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ của SCB; SCB nên tặng quà cho khách hàng vào những dịp Lễ, Tết, sinh nhật,... với chính sách này khách hàng sẽ cảm thấy mình được quan tâm nhiều hơn khi giao dịch với ngân hàng.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1,2PGS.TS Nguyễn Minh Kiều (2015), Nghiệp vụ Ngân hàng thương mại, Hà Nội: NXB Tài chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dương Thị Thương Châu (2020), Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Trà Vinh, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Trà Vinh.
  2. Đặng Huỳnh Như (2019), Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn từ khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Trà Vinh, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Trà Vinh.
  3. Đỗ Thu Trang (2018), Phân tích các yếu tố ảnh hưởng hoạt động huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Ba Đình, Luận văn thạc sỹ tài chính ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Vũ Thị Phương Thảo, Ngô Thị Hường (2020), Nghiên cứu thực ngiệm về các nhân tố tác động đến tiền gửi tại ngân hàng thương mại, Tạp chí Tài chính, Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/nghien-cuu-thuc-nghiem-ve-cac-nhan-to-tac-dong-den-tien-gui-tai-ngan-hang-thuong-mai-329609.html.
  5. Đặng Thị Minh Thy (2019), Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định gởi tiền tiết kiệm của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Trà Vinh.
  6. Hair, Joseph F., William C. Black, Barry J. Babin, Rolph E. Anderson, and Ronald L. Tatham. (2006). Multivariate Data Analysis. Upper Saddle River, NJ, USA: Pearson Prentice Hall.
  7. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.

FACTORS AFFECTING THE INDIVIDUAL CUSTOMERS'

DECISION TO OPEN SAVINGS ACCOUNTS AT SAIGON JOINT

STOCK COMMERCIAL BANK - TRA VINH BRANCH

• LE TRUNG HIEU

Lecturer, Faculty of Economics - Law, Tra Vinh University

• NGUYEN HO XUAN NHI

Student, Faculty of Business Administration, Tra Vinh University 

ABSTRACT:

This study determines the factors affecting the individual customers decisions to open savings accounts at Saigon Joint Stock Commercial Bank - Tra Vinh Province Branch. The study’s results show that the decision to open savings account is affected by promotion, interest rate, brand, and service quality. This study also proposes some solutions to help the bank attract more  individual customers savings.

Keywords: decision to open savings accounts, individual customers, Saigon Joint Stock Commercial Bank, Saigon Joint Stock Commercial Bank - Tra Vinh Province Branch.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]