Các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Hoàng Thị Nga - Lý Nguyễn Ngọc Thảo (Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TT:

Nghiên cứu nhằm xác định và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến vận dụng kế toán quản trị (KTQT) tại các doanh nghiệp sản xuất (DNSX) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhận thức về KTQT của nhà quản lý, công nghệ thông tin, trình độ nhân viên kế toán, chi phí cho việc tổ chức hệ thống KTQT, phân quyền, mức độ cạnh tranh của thị trường có tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc vận dụng KTQT tại các DNSXtrên địa bàn TP.HCM.

Từ khóa: kế toán quản trị, vận dụng kế toán quản trị, doanh nghiệp sản xuất.

1. Đặt vấn đề

Một doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường trong bối cảnh cạnh tranh đa dạng và quyết liệt như hiện nay cần nắm được những thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh một cách nhanh và chính xác. Nhu cầu thông tin đáp ứng cho việc ra quyết định của các nhà quản lý trở nên quan trọng và cấp thiết, đặc biệt là nhu cầu về các thông tin KTQT. KTQT có vai trò cung cấp thông tin cho các nhà quản trị để phục vụ cho việc ra quyết định bao gồm các bước: Xây dựng kế hoạch và lập dự toán; Tổ chức thực hiện; Kiểm tra đánh giá; Ra quyết định. (Giáo trình kế toán quản trị của tác giả Phạm Văn Dược, 2006).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các DNSX trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa thực sự quan tâm, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, vai trò và lợi ích của việc vận dụng KTQT. Các doanh nghiệp đang rất lúng túng trong việc xây dựng mô hình thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin linh hoạt hiệu quả cho các nhà quản trị. Điều đó đã làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của các quyết định quản trị, làm cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bị hạn chế khi tham gia vào thị trường quốc tế. Vì vậy, việc tổ chức vận dụng công tác KTQT một cách hiệu quả trong các DNSX trên địa bàn TP.HCM là vấn đề cần thiết, giúp các nhà quản lý trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp.

2. Cơ sở lý thuyết, mô hình và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

Theo Horngren, C. T., Bhimani, A., Datar, S. M., & Foster, G. (2002) thì KTQT là một hệ thống thu thập, xử lý và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính cho các nhà quản trị trong nội bộ doanh nghiệp để hoạch định, kiểm soát và ra quyết định, nhằm quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nguồn lực doanh nghiệp; qua đó gia tăng giá trị khách hàng và giá trị cổ đông.

Nội dung của KTQT là tổng hợp tất cả các mặt, các yếu tố cấu thành nên KTQT, thể hiện kết quả của công việc KTQT và phương pháp kỹ thuật KTQT là phương tiện để đạt được nội dung KTQT. Bên cạnh đó, mục đích của việc điều hành, quản lý có hiệu quả của các nhà quản trị doanh nghiệp là đạt được lợi nhuận tối đa, để làm được điều này đòi hỏi họ phải quan tâm đến việc lập dự toán, kiểm soát chi phí và xác định giá thành sản xuất, phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận, thông tin ngắn hạn và dài hạn để điều hành doanh nghiệp, và phần lớn các thông tin này có được là nhờ hệ thống kế toán quản trị cung cấp.

Các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM:

- Nhận thức về KTQT của nhà quản lý

Theo Nguyễn Vũ Thanh Giang (2017) hệ thống thông tin KTQT trong các doanh nghiệp được thiết lập và tồn tại hay không phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng thông tin của đối tượng sử dụng thông tin và ở đây là thông tin KTQT sử dụng cho các nhà quản trị doanh nghiệp. Nhà quản trị là đối tượng trực tiếp sử dụng thông tin KTQT để ra quyết định, do vậy nhu cầu sử dụng thông tin của nhà quản trị có ảnh hưởng quan trọng đến việc vận dụng KTQT trong các doanh nghiệp. Ngoài nhu cầu thông tin, sự ủng hộ của nhà quản trị trong việc tiếp cận các kỹ thuật KTQT mới và vận dụng vào doanh nghiệp cũng là nhân tố tích cực ảnh hưởng đến sự vận dụng KTQT trong doanh nghiệp. Theo Đào Khánh Trí (2015), người quản lý doanh nghiệp nếu nhận thức về tầm quan trọng và hữu ích của KTQT càng cao thì nhu cầu về vận dụng KTQT càng cao.

Giả thiết H1: Nhận thức về KTQT của nhà quản lý tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM.

- Công nghệ thông tin

Theo Thái Anh Tuấn (2018) khối lượng thông tin cần xử lý và chuyển thành các thông tin kế toán quản trị có ích là rất lớn, quá trình đòi hỏi cần có sự kết hợp nhiều phương pháp kỹ thuật phức tạp, do đó, ứng dụng công nghệ thông tin với cơ sở vật chất đầy đủ như hệ thống máy vi tính, các phần mềm xử lý thông tin,… là rất cần thiết trong quá trình tổ chức xử lý và cung cấp thông tin KTQT.

Kế toán nói chung và KTQT nói riêng là một công cụ quản lý tài chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ đắc lực để trong việc tập hợp, ghi chép, xử lý số liệu kế toán, từ đó lập và cung cấp các báo cáo kế toán đến các đối tượng sử dụng thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và máy tính vào KTQT làm cho thông tin được cung cấp kịp thời, phù hợp và hữu ích hơn (Abdel-Kader, 2008).

Giả thiết H2: Công nghệ thông tin tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM.

- Trình độ nhân viên kế toán

Đối tượng trực tiếp tham gia vào việc vận hành KTQT là nhân viên kế toán. Họ là những người thực hiện thuần túy công việc kế toán, chịu trách nhiệm trong việc thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu và lập các báo cáo quản trị theo yêu cầu nhà quản lý. Do đó, để có thể thực hiện tốt các công việc này, đòi hỏi các nhân viên kế toán này phải có kỹ năng và hiểu biết về kế toán nói chung và KTQT nói riêng. Khi nhân viên kế toán có trình độ chuyên môn cao sẽ giúp giảm thiểu sai sót trong ghi chép và xử lý thông tin, cũng như giúp cho hệ thống KTQT vận hành một cách suôn sẻ hơn (Nguyễn Ngọc Vũ, 2017).

Nhân viên KTQT phải thường xuyên cập nhật các kiến thức và kỹ thuật mới, vận dụng để thiết kế hệ thống, xây dựng và thực hiện hệ thống kế toán chi phí phù hợp nhằm hỗ trợ cho các nhà quản trị trong việc ra quyết định (Kaplan, 1995), phát hiện ra mối quan hệ giữa trình độ nhân viên kế toán với sự thay đổi của hệ thống KTQT.

Các nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng có sự tương thích giữa việc hiện diện của các nhân viên kế toán chuyên nghiệp với mức độ hiểu biết cao về vận dụng KTQT trong doanh nghiệp (Ismail and King, 2014); hay sự hiện diện của các nhân viên kế toán chuyên nghiệp trong doanh nghiệp giúp cho sự phát triển của việc vận dụng KTQT trong doanh nghiệp (McChlery et al., 2004).

Giả thiết H3: Trình độ nhân viên kế toán tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM.

- Chi phí cho việc tổ chức KTQT

Theo Nguyễn Vũ Thanh Giang (2017), các đơn vị, tổ chức biết rằng những lợi ích từ việc vận dụng KTQT mang lại là rất lớn, nhưng do tiềm lực tài chính luôn là có hạn nên chi phí đầu tư cho vận dụng KTQT cũng sẽ quyết định rằng đơn vị đó có chấp nhận vận dụng KTQT hay không, cụ thể như: nếu chi phí cho vận dụng KTQT là chấp nhận được trong khả năng của tổ chức, thì tổ chức sẽ chấp nhận vận dụng KTQT; còn ngược lại nếu tổ chức đánh giá chi phí cho KTQT là quá lớn, là không hiệu quả giữa chi phí bỏ ra cho KTQT và lợi ích mà thông tin KTQT mang lại thì họ sẽ không chấp nhận vận dụng KTQT

Giả thiết H4: Chi phí cho việc tổ chức KTQT tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM.

- Phân quyền

 Phân quyền trong doanh nghiệp là cơ sở để hình thành hệ thống kế toán trách nhiệm, theo đó, các nhà quản trị được đánh giá và khen thưởng dựa trên kết quả hoạt động của trung tâm do họ kiểm soát. Để đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm trách nhiệm, các nội dung và kỹ thuật KTQT như lập dự toán, báo cáo bộ phận, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm trách nhiệm cần được áp dụng (Soobaroyen & Poorundersing, 2008). Như vậy, phân quyền là một yếu tố thúc đẩy các nhà quản trị trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, làm phát sinh các nhu cầu thông tin kế toán quản trị phục vụ lập kế hoạch, kiểm soát, đánh giá hiệu quả và ra quyết định

Giả thiết H5: Phân quyền tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM.

- Mức độ cạnh tranh của thị trường

Hệ thống KTQT có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin hỗ trợ cho các nhà quản trị trong quá trình ra quyết định. Nâng cao năng suất, chất lượng và tối thiểu hóa chi phí buộc các doanh nghiệp phải áp dụng các kỹ thuật KTQT (Kaplan, 1983).

Áp lực cạnh tranh thể hiện bằng sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường cung cấp vật liệu, tuyển dụng lao động, bán sản phẩm, và khi sự cạnh tranh ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, thì doanh nghiệp phải hoạt động cực kỳ hiệu quả nhằm đạt được sự thỏa mãn về khả năng tồn tại (Lucas, M., Prowle, M., & Lowth, G, 2013).

Hutaibat Khaled Abed, (2005) cho rằng, cạnh tranh ngày càng tăng dẫn đến các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn lực và ra quyết định hiệu quả hơn, từ đó làm phát sinh nhu cầu thông tin phục vụ quản trị doanh nghiệp, do vậy, các phương pháp KTQT được các doanh nghiệp tích cực áp dụng để đáp ứng nhu cầu này.

Giả thiết H6: Mức độ cạnh tranh của thị trường tác động cùng chiều đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM.

2.2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu       

Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp hỗn hợp. Phương pháp nghiên cứu định tính giúp tác giả khái quát hóa các nghiên cứu trước và hệ thống hóa cơ sở lý thuyết, đồng thời đề xuất mô hình nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM; thông qua thảo luận chuyên gia để xây dựng được mô hình, thang đo nghiên cứu chính thức và bảng câu hỏi khảo sát để thực hiện nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu định lượng giúp tác giả kiểm định các nhân tố đã được tổng hợp, nhằm xác định và đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM.

Phương pháp chọn mẫu: Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên. Theo Tabachnick& Fidell (2007), khi dùng hồi quy bội, kích thước mẫu n nên được tính bằng công thức sau: n ≥ 50 +8p (p: số lượng biến độc lập), số mẫu được chọn trong bài nghiên cứu là 194 mẫu là phù hợp.

Tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM như sau: 

VDKTQT = β0 + β1 NT + β2 CNTT + β3 TĐNV + β4 CPTC + β5 PQ + β6 MDCT + ε

Trong đó:

+ NT : Nhận thức về KTQT của nhà quản lý

+ CNTT : Công nghệ thông tin

+ TĐNV : Trình độ nhân viên kế toán

+ CPTC : Chi phí cho việc tổ chức KTQT

+ PQ : Phân quyền

+ MĐCT : Mức độ cạnh tranh của thị trường

+ VDKTQT : Vận dụng kế toán quản trị trong các DNSX tại TP.HCM

ε : Sai số

β0 : Hằng số hồi quy

β1, β2, β3, β4, β5, β6: Trọng số hồi quy.

3. Kết quả nghiên cứu

Sau khi kiểm định độ tin cậy của các thang đo của các biến độc lập và biến phụ thuộc. Tác giả đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính như sau: (Bảng 1)

Bảng 1. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến

kế toán quản trị

Ngun: Tính toán tphần mềm SPSS

Bảng 1 cho thấy, giá trị hệ số R2 = 0,535> 0,5, do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc là vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM và các biến độc lập là nhận thức về KTQT của nhà quản lý, công nghệ thông tin, trình độ nhân viên kế toán, chi phí cho việc tổ chức hệ thống KTQT, phân quyền, mức độ cạnh tranh của thị trường. Ngoài ra, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh là 0,518, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 51,8%.

Bảng 2. Bảng kết quả các trọng số hồi quy

kế toán quản trị

 (Ngun: Tính toán tphần mềm SPSS)

Căn cứ vào Bảng 2, phương trình hồi quy tuyến tính bội về sự tác động của các nhân tố đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM với các hệ số chuẩn hóa như sau:

VDKTQT = 0,210NT + 0,181CNTT + 0,299TĐNV + 0,293CPTC + 0,183PQ + 0,273MĐCT

Kết luận: Mục đích của nghiên cứu này là xác định và đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự ảnh hưởng của các nhân tố đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM với mức độ tác động theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: Trình độ nhân viên kế toán, chi phí cho việc tổ chức hệ thống KTQT, mức độ cạnh tranh của thị trường, nhận thức về KTQT của nhà quản lý, phân quyền và công nghệ thông tin.

4. Kiến nghị

Tác giả đề xuất một số kiến nghị về sự tác động của các nhân tố đến vận dụng KTQT tại các DNSX trên địa bàn TP.HCM:

Trước hết, các nhà quản lý phải cần tập trung ưu tiên cải thiện trình độ quản lý cũng như những kiến thức về KTQT. Một khi nhà quản lý hiểu và nhận thức được lợi ích do việc vận dụng KTQT mang lại cho đơn vị mình thì khi đó, họ sẽ chủ động đầu tư cũng như khuyến khích, động viên hoặc chỉ đạo nhân viên mình trong quá trình triển khai vận dụng KTQT tại đơn vị. Hơn nữa, các nhà quản lý phải đưa ra được những yêu cầu về thông tin cho việc điều hành và ra quyết định của mình cần được bộ phận KTQT cung cấp, và nhà quản lý cũng nên trau dồi kiến thức, kỹ năng trong phân tích, xử lý để sử dụng hiệu quả thông tin của KTQT.

Các nhà quản lý ở các DNSX trên TP.HCM cần xây dựng một đội ngũ nhân sự làm công tác kế toán tài chính và KTQT không những có chuyên môn nghiệp vụ mà còn có sự hiểu biết về hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các phân tích, đánh giá chính xác trên cơ sở số liệu thu thập được. Tùy vào tình hình khả năng tài chính của mình mà các DNSX HCM có thể lựa chọn áp dụng các mô hình KTQT tiết kiệm chi phí như kết hợp KTQT với kế toán tài chính, sử dụng những phần mềm nhỏ gọn nhưng thông tin cung cấp là phù hợp cho nhu cầu sử dụng, tận dụng một phần nguồn dữ liệu, thông tin từ kế toán tài chính mà phục vụ cho KTQT trên cơ sở đảm bảo mối quan hệ lợi ích và chi phí.

Tăng mức độ thực hiện trao quyền quản lý cho nhân viên, phòng/ ban trong tự quyết định, tự chịu trách nhiệm phần hành mình đảm nhận. Nhà quản lý được phân quyền càng cao càng cần nhiều thông tin phức tạp hơn trong quá trình ra quyết định. Điều này có nghĩa là khi cơ cấu tổ chức trở nên phân quyền hơn, thì các nhà quản lý cần phải xử lý số lượng và chất lượng thông tin nhiều hơn phục vụ cho quản lý.

Các DNSX trên địa bàn TP.HCM cần căn cứ vào quy mô hoạt động, khối lượng công việc, điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức vận dụng KTQT cho phù hợp với đơn vị. Phải nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành, để đưa ra các chiến lược phát triển phù hợp cả về chiều sâu và chiều rộng, không ngừng học hỏi, tiếp thu nhiều phương pháp quản lý mới, hiện đại để áp dụng vào doanh nghiệp.

Các DNSX trên địa bàn TP.HCM cần tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác KTQT nhằm nâng cao chất lượng thông tin phục vụ cho yêu cầu ra quyết định quản lý, điều hành đơn vị.

TÀI LIU THAM KHO:

  1. Abdel-Kader, M., & Luther, R. (2008). The impact of firm characteristics on management accounting practices: A UK-based empirical analysis. The British Accounting Review, 40(1), 2-27.
  2. Horngren, C. T., Bhimani, A., Datar, S. M., & Foster, G. (2002). Management and cost accounting. Harlow: Financial Times/Prentice Hall.
  3. Hutaibat, K. A. (2005). Management accounting practices in Jordan: A contingency approach (Doctoral dissertation, University of Bristol).
  4. Kaplan, R. S. (1983). Measuring manufacturing performance: a new challenge for managerial accounting research. In Readings in accounting for management control (pp. 284-306). Springer, Boston, MA.
  5. Lucas, M., Prowle, M., & Lowth, G. (2013). Management Accounting Practices of (UK) Small-Medium-Sized Enterprises (SMEs). Improving SME performance through management accounting education, 61(6), 13.
  6. McChlery, S., & Rolfe, T. (2004). University costing systems: a case study on value management. Journal of Finance and Management in Public Services, 1(4), 67-87.
  7. Nguyễn Ngọc Vũ, (2017). Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực phi tài chính ở TP.HCM. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  8. Nguyễn Vũ Thanh Giang, (2017). Các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp tại địa bàn TP.HCM. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  9. Phạm Văn Dược và Đoàn Ngọc Quế, (2006). Kế toán chi phí. Nhà xuất bản Thống kê.
  10. Thái Anh Tuấn, (2018). Một số nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp. Tạp chí Tài chính.
  11. Soobaroyen, T., & Poorundersing, B. (2008). The effectiveness of management accounting systems. Managerial Auditing Journal.
  12. Tabachnick, B. G., & Fidell, L. S. (2007). Experimental designs using ANOVA (p. 724). Belmont, CA: Thomson/Brooks/Cole.

FACTORS INFLUENCING THE APPLICATION OF MANAGEMENT ACCOUNTING AT MANUFACTURING ENTERPRISES IN HO CHI MINH CITY

Hoang Thi Nga1

Ly Nguyen Ngoc Thao1

1Ho Chi Minh City Industry and Trade College

Abstract:

This study determines and measures the influence level of factors on the application of management accounting at manufacturing enterprises in Ho Chi Minh City. The study finds out that the application of management accounting at manufacturing enterprises is positively influenced by the managers' awareness of management accounting, the information technology, the qualifications of accountants, the cost of implementing a management accounting system, the decentralization, and the market competition. Based on these results, some solutions are proposed to improve the efficiency of implementing management accounting at manufacturing enterprises in Ho Chi Minh City.

Keywords: management accounting, applying management accounting, manufacturing enterprise.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]