Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình tại Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

TS. PHẠM HỒNG MẠNH (Trường Đại học Nha Trang) và DƯƠNG VĂN SƠN (Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của bài viết nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời đối với hộ gia đình tại thành phố Phan Rang -Tháp Chàm để làm cơ sở đề xuất chính sách phát triển năng lượng tái tạo đối với các hộ gia đình tại địa phương này. Nghiên cứu sử dụng tiếp cận nghiên cứu định lượng với kỹ thuật phân tích EFA và hồi quy tuyến tính từ 230 hộ gia đình được điều tra tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Thông qua kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm khuyến khích các hộ gia đình tại Phan Rang - Tháp Chàm sử dụng điện năng lượng điện mặt trời, đó là: (i) Các cơ quan quản lý nên tuyên truyền nhận thức cho hộ gia đình về tính hữu dụng và tính dễ sử dụng của công nghệ; (ii) Giảm thiểu những rủi ro trong sử dụng năng lượng điện mặt trời đến các hộ gia đình; (iii) Hỗ trợ chi phí đầu tư thiết bị năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình; (iv) Chính sách mua bán điện.

Từ khóa: Ý định sử dụng, năng lượng điện mặt trời, Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận.

1. Đặt vấn đề

Năng lượng phải là mục tiêu, là động lực của quá trình phát triển đất nước. Vì vậy, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai, mà đặc biệt hơn đây là cơ hội để tự do hóa thị trường năng lượng đang nguội lạnh ở Việt Nam, khuyến khích sự hợp tác phát triển của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trong những năm qua, Chính phủ đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của năng lượng tái tạo tại Việt Nam và đã được thể hiện trong nhiều quyết sách trong đó chủ trương và quyết định tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia. Việc thu thút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh của địa phương, đặc biệt là đầu tư của các hộ gia đình tại Ninh Thuận nói chung và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm nói riêng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận.

Trong thời gian qua, đã có nhiều tác giả nghiên cứu về việc sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình, với tiếp cận nhiều lý thuyết khác nhau, chẳng hạn như: Tác giả Nguyễn Văn Duy và Đào Trung Kiên (2014) đã nghiên cứu về yếu tố tác động tới sử dụng năng lượng tái tạo. Nghiên cứu đã sử dụng lý thuyết khuếch tán đổi mới của Rogers (1983) và mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) của Davis (1989), để đánh giá các nhân tố tác động đến xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo thông qua sử dụng các câu hỏi điều tra theo thang đo Likert 5 điểm.

Để thành công trong chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam nói chung thì sự tham gia của các doanh nghiệp rất cần sự tham gia của các hộ gia đình trong việc sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời, biết được đặc điểm có cơ chế khuyến khích phù hợp. Nghiên cứu  này sẽ tiếp tục kế thừa lý thuyết chấp nhận công nghệ trong việc giải thích ảnh hưởng của các biến số hành vi của hộ gia đình trong việc sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Năng lượng tái tạo là một khái niệm rộng, mang tính khoa học, hiện đang được quan niệm theo nhiều cách hiểu khác nhau. Cách tiếp cận theo khoa học vật lý, theo đó, năng lượng tái tạo được hiểu là những nguồn năng lượng hay những phương pháp khai thác năng lượng mà nếu đo bằng các chuẩn mực của con người thì là vô hạn. Vô hạn có hai nghĩa: (i) năng lượng tồn tại nhiều đến mức mà không thể trở thành cạn kiệt vì sự sử dụng của con người (ví dụ như năng lượng mặt trời); (ii)  năng lượng tự tái tạo trong thời gian ngắn và liên tục (ví dụ như năng lượng sinh khối) trong các quy trình còn tiếp diễn trong một thời gian dài trên trái đất.

Nhìn chung cách tiếp cận năng lượng tái tạo dù được xem xét theo khía cạnh nào cũng cho thấy đây là các dạng năng lượng phi hóa thạch, có khả năng tái tạo, bao gồm: các nguồn thủy điện nhỏ, năng lượng biển (phát điện bằng sóng biển, thủy triều, năng lượng dòng hải lưu), năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt; năng lượng sinh khối và nhiên liệu sinh học.

Về các mô hình lý thuyết liên quan đến ý định hành vi của người tiêu dùng đã có khá nhiều lý thuyết, điển hình như: Lý thuyết và mô hình tiếp cận công nghệ (TAM) được F.D.Davis (1989) phát triển dựa trên thuyết “Hành động có lý do” (Theory of Reasoned Action), do Ajzen đề xuất.

Nhiều nhà nghiên cứu đã phát triển các thành phần từ mô hình TAM này thành lý thuyết chấp nhận công nghệ mới (TAM2). Theo lý thuyết chấp nhận công nghệ này, hành vi mong muốn sử dụng công nghệ của khách hàng phụ thuộc vào các yếu tố, như: (i) nhận thức tính dễ sử dụng; (ii) nhận thức tính dễ sử dụng. Có 3 yếu tố cần quan tâm cấu thành nên mô hình chấp nhận công nghệ TAM, bao gồm: (i) Nhận thức sự hữu ích (Perceive Usefulness- PU); (ii) Nhận thức tính dễ sử dụng (Perceive Easy of Use- PEU) và (iii) Thái độ hướng đến việc sử dụng

Tuy nhiên, tùy theo đặc tính của công nghệ mà nhiều nhà nghiên cứu đã bổ sung thêm một số đặc điểm trong việc sử dụng những công nghệ khác nhau (Adams, Nelson, Todd (1992); Venkatesh, Davis (2000),… Trong các dịch vụ về công nghệ cao, ngoài những yếu tố trong lý thuyết về chấp nhận công nghệ còn những đặc điểm khác, như: sự rủi ro do quá trình sử dụng công nghệ, chi phí cảm nhận… như Venkatesh (2000), Venkatesh, Morris, Davis, Davis (2003), hay của Workman (2007), Venkatesh, Bala, (2008),…

Trên cơ sở của các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này tiếp tục sử dụng mô hình chấp nhận công nghệ trên cơ sở các khái niệm trong mô hình TAM của Davis (1989) mở rộng để giải hành vi trong ý định sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Nghiên cứu đã đưa vào các biến cụ thể ảnh hưởng tới việc ứng dụng dịch vụ này dựa trên những khái niệm của mô hình TAM này, bao gồm: nhận thức về tính hữu dụng, nhận thức về tính dễ sử dụng, chi phí cảm nhận, rủi ro cảm nhận. Trong đó:

Nhận thức về tính hữu dụng: là mức độ mà hộ gia đình tin rằng việc sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời tại hộ gia đình sẽ nâng cao hiệu suất công việc của mình.

Nhận thức về dễ sử dụng: là mức độ mà hộ gia đình tin rằng việc sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời tại hộ gia đình sẽ không mất nỗ lực nào.

Nhận thức về rủi ro: là rủi ro mà hộ cảm nhận khi sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời tại hộ gia đình.

Nhận thức về tính thuận tiện: là sự thuận tiện mà hộ cảm nhận khi sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời tại hộ gia đình.

Chính sách về sử dụng năng lượng điện mặt trời: là những chính sách khuyến khích của chính phủ khi hộ gia đình sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời tại hộ gia đình.

Chi phí cảm nhận: là chi phí mà hộ cảm nhận khi sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời tại hộ gia đình.

Niềm tin của hộ gia đình: là niềm tin của hộ gia đình đối với việc sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời tại hộ gia đình

Ý định sử dụng: thể hiện ý định và mức độ quan tâm đến sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình

2.2. Mô hình nghiên cứu và các giả thuyết

Trên cơ sở của lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm như đã đề cập ở trên, mô hình nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình tại Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm như sau:

Sơ đồ: Mô hình nghiên cứu đề xuất

mo_hinh_nghien_cuu_de_xuat

Các giả thuyết được đề nghị để kiểm định trong nghiên cứu này như sau:

H1: Nhận thức về tính hữu dụng của công nghệ năng lượng điện mặt trời có tác động tích cực (+) đến ý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình.

H2: Nhận thức về tính dễ sử dụng của công nghệ năng lượng điện mặt trời có tác động tích cực (+) đến ý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình.

H3: Nhận thức về rủi ro của công nghệ năng lượng điện mặt trời có tác động tiêu cực (-) đến ý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình.

H4: Nhận thức về tính thuận tiện của công nghệ năng lượng điện mặt trời có tác động tích cực (+) đến ý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình.

H5: Chính sách về sử dụng năng lượng điện mặt trời có tác động tích cực (+) đến ý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình.

H6: Chi phí cảm nhận có tác động tiêu cực (-) đến ý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình.

H7: Niềm tin của hộ gia đình có tác động tích cực (+) đến ý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp trong nghiên cứu này gồm 2 bước: nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức. Nghiên cứu sơ bộ dùng kỹ năng thảo luận nhóm để hiệu chỉnh mô hình và thiết kế bảng câu hỏi. Nghiên cứu chính thức dùng bảng câu hỏi đóng đã được hiệu chỉnh trong quá trình nghiên cứu sơ bộ để thu thập và phân tích số liệu nhằm kiểm định mô hình và các giả thuyết. Toàn bộ dữ liệu nghiên cứu sẽ được sự hỗ trợ của phần mền SPSS.

3.1. Thang đo

Để đo lường các khái niệm nghiên cứu, tác giả sử dụng thang đo Likert 5 mức độ với 1: hoàn toàn không đồng ý cho đến 5 là hoàn toàn đồng ý cho 26 biến quan sát.

H1: Nhận thức về tính hữu dụng được đo lường bằng 4 biến quan sát, bao gồm:  Sử dụng năng lượng điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo và vô tận, sử dụng năng lượng điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo ít gây ô nhiễm về mội trường, sử dụng năng lượng điện mặt trời giúp tiếp kiệm chi phí về lâu dài, sử dụng năng lượng điện mặt trời giúp chủ động hơn trong sinh hoạt và sản xuất.

H2: Nhận thức về tính dễ sử dụng của công nghệ năng lượng điện mặt trời đo lường bằng 3  biến quan sát, bao gồm: Lắp đặt và bảo trì thiết bị năng lượng điện mặt trời dễ dàng, sử dụng năng lượng điện mặt trời là dễ sử dụng, tôi cho rằng thiết bị năng lượng điện mặt trời là dễ dàng vận hành.

H3: Nhận thức về rủi ro được đo lường bằng 6 biến quan sát, bao gồm: Các sản phẩm và dịch vụ không giống như đã được cam kết bảo hành, chất lượng của tấm pin năng lượng điện mặt trời không được kỳ vọng như mong đợi về tuổi thọ, kém chất lượng, khả năng hoàn vốn chậm, tấm pin năng lượng điện mặt trời có thể sản sinh những chất độc hại ra môi trường, việc sử dụng và mua bán năng lượng điện mặt trời phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước, tuổi thọ của tấm pin năng lượng điện mặt trời giảm so với khi thực hiện giao dịch.

H4: Nhận thức về tính thuận tiện được đo lường bằng 4 biến quan sát, bao gồm: Năng lượng điện mặt trời có thể sử dụng được mọi nơi, năng lượng điện mặt trời được chủ động trong sinh hoạt và sản xuất, việc lắp đặt năng lượng điện mặt trời dễ thực hiện, không khó khăn về kỹ thuật, sản xuất và sử dụng năng lượng điện mặt trời khớp với khung thời gian của nhu cầu sử dụng cao của hộ gia đình.

H5: Chính sách về sử dụng năng lượng điện mặt trời được đo lường bằng 3 biến quan sát, bao gồm: Chính phủ cần tạo thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời, hỗ trợ tài chính cho việc lắp đặt tại hộ gia đình về phát triển năng lượng điện mặt trời, và cần ban hành những quy định về phát triển năng lượng điện mặt trời tại các hộ gia đình

H6: Chi phí cảm nhận được đo lường bằng 3 biến quan sát, bao gồm: Chi phí lặp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời phù hợp với thu nhập gia đình. Chi phí là yếu tố được quan tâm nhất khi lắp đặt sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời, chi phí lắp đặt công nghệ năng lượng điện mặt trời trong gia đình là cạnh tranh so với nguồn năng lượng khác.

H7: Niềm tin của hộ gia đình được đo lường bằng 3 biến quan sát, bao gồm: hoàn toàn tin tưởng vào dịch vụ tư vấn/cung cấp của các nhà tư vấn về công nghệ năng lượng điện mặt trời, hoàn toàn tin tưởng trong việc cung cấp sản lượng điện từ năng lượng điện mặt trời dư thừa (nếu có), hoàn toàn tin tưởng vào cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng về năng lượng.

3.2. Mẫu điều tra và địa điểm nghiên cứu

Theo Bentler & Chou (1987), số lượng mẫu tối thiểu cho một tham số ước lượng là 5 mẫu. Trong nghiên cứu này có 29 biến quan sát, nên số lượng mẫu cần thiết là 145 (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Tuy nhiên để đảm bảo tính đại diện cho tổng thể, nghiên cứu này sẽ khảo sát 250 mẫu.

Mẫu nghiên cứu được chọn theo phương pháp lấy mẫu hạn ngạch phi xác suất với cỡ mẫu là 250 phân bổ cho 16 xã, phường trên địa bàn thành phố Phan Rang -Tháp Chàm. Số liệu được thu thập bằng cách phát phiếu điều tra trực tiếp thông qua Phiếu khảo sát các hộ gia đình trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Thời gian khảo sát từ  tháng 4/2019 đến tháng 8/2019. Đối tượng khảo sát trực tiếp là các hộ gia đình trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Thời gian nghiên cứu từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2020 tại các hộ gia đình của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.1. Khái quát về mẫu nghiên cứu

Nghiên cứu điều tra 250 hộ gia đình tại Phan Rang - Tháp Chàm, tỉ lệ phiếu thu hồi là 230, đạt 92%. Trong 230 chủ hộ gia đình được điều tra có 171 chủ hộ là nam (chiếm 74,3%) và 59 chủ hộ là nữ (chiếm 25,7%). Tuổi của chủ hộ dao động từ 22 đến 65. Độ tuổi trung bình của các chủ hộ gia đình được điều tra là 43. Trong đó, độ tuổi dưới 30 chiếm 7,8%; từ 30 đến dưới 40 chiếm 35,7%; Từ 40 đến dưới 50 chiếm 30% và trên 50 chiếm 26,5%.

Học vấn của chủ hộ cao nhất bậc trên đại học chiếm 2,2%; có trình độ đại học chiếm 33,5%; trung cấp chiếm 12,6%; trung học phổ thông chiếm 34,3% và trung học cơ sở chiếm 17,4%. Nghề nghiệp chủ hộ tương đối đa dạng. Công chức, viên chức chiếm 25,2%; doanh nghiệp, hộ kinh doanh chiếm 36,1%; nghề nghiệp khác chiếm 30%.

Thu nhập của chủ hộ thấp nhất là 3 triệu đồng /tháng và nhiều nhất là 20 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi chủ hộ trong mẫu điều tra có thu nhập 6,58 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập/tháng dưới 5 triệu đồng chiếm 33,9%; Từ 5 đến 10 triệu chiếm 63%; Từ 10 đến dưới 15 triệu đồng chiếm 0,9% và trên 15 triệu đồng chiếm 0,4%. Tỉ lệ hộ không trả lời về thu nhập chiếm 1,7% trong tổng số 230 hộ điều tra.

4.2. Kết quả kiểm định thang đo

Thang đo được đánh giá thông qua các phương pháp: đánh giá độ tin cậy, phân tích nhân tố khám phá. Đánh giá thang đo thông qua hệ số Cronbach's Alpha cho phép đánh giá mức độ tin cậy của việc thiết lập một biến tổng hợp trên cơ sở nhiều biến đơn. Để tính Cronbach's Alpha cho một thang đo phải có tối thiểu 3 biến đo lường. Hệ số Cronbach's Alpha có giá trị biến thiên trong khoảng [0,1] và các hệ số tương quan biến tổng đều lớn hơn 0,3.

Trong kết quả kiểm định độ tin cậy của biến quan sát cho thấy, hệ số tương quan của biến nhận thức tính hữu dụng là 0,621; của biên nhận thức tính dễ sử dụng là 0,827; của biến nhận thức về rủi ro là 0,887; của biến nhận thức về sự thuận tiện là 0,728; của biên chính sách về sử dụng năng lượng điện mặt trời là 0,702; của biên cám nhận về chi phí về đầu tư hệ thống năng lượng điện mặt trời là 0,520; của biến nhận thức về niềm tin trong mua bán, sử dụng năng lượng điện mặt trời là 0,758; của biên ý định đối với việc sử dụng năng lượng điện mặt trời tại hộ gia đình là 0,731.

Như vậy, các biến quan sát không đều yêu cầu và không có biến nào bị loại và các biến thành phần trong nghiên cứu đều có hệ số tin cậy khá cao.

4.3. Kết quả phân tích khám phá

Phân tích nhân tố khám phá được sử dụng để kiểm định giá trị các khái niệm của thang đo. Những biến quan sát nào có trọng số tải nhân tố nhỏ hơn 0,4 sẽ bị loại (Clack & Watson, 1995). Trong nghiên cứu này, phương pháp trích hệ số thành phần chính (Principal components) được sử dụng với phép xoay nhân tố là Varimax và chỉ số đại diện cho lượng biến thiên được giải thích bởi nhân tố lớn hơn 1 (Eigenvalue >1) (Ngọc & Trọng, 2005). Giá trị tổng phương sai trích lớn hơn hoặc bằng 0,5 sẽ được chấp nhận (Hair & cộng sự, 1998).

Trong phân tích khám phá, kết quả phân tích rút ra được 5 nhân tố. Hệ số KMO = 0,813 với mức ý nghĩa 0,000. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra 5 nhân tố với hệ số trọng số nhân tố lớn hơn 0,4. Tại các mức giá trị Engenvalue lớn hơn 1 với đã rút trích được 5 nhân tố với phương sai trích được là 61,122%. Điều này có nghĩa 5 nhân tố giải thích được 61,122% biến thiên của dữ liệu. Bên cạnh đó, hầu hết các biến có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0,4. Như vậy, các thang đo đạt giá trị hội tụ.

Có 5 nhân tố được rút ra bao gồm: (i) Rủi ro do sử dụng thiết bị năng lượng điện mặt trời (RIST); (ii) Sự thuận tiện và niềm tin khi sử dụng thiết bị năng lượng điện mặt trời (TRUSCONV); (iii) Tính dễ sử dụng thiết bị năng lượng điện mặt trời (EAS); (iv) Tính hữu ích và chính sách của chính phủ đối với năng lượng điện mặt trời (GOVUTIL); (v) Chi phí lắp đặt thiết bị năng lượng điện mặt trời (COST).

Từ kết quả phân tích EFA cho thấy, thang đo được rút trích thành 5 nhân tố tương ứng, các nhân tố này có hệ số tải nhân tố từ 0,4 trở lên, nên các thang đo có sự hội tụ. Tuy nhiên, có một số thành phần thang đo đều thuộc các nhân tố khác nhau. Vì vậy, các thang đo lường không có tính đơn hướng.

4.4. Kết quả phân tích hồi qui và kiểm định giả thuyết

Kết quả ước lượng mô hình hồi qui bằng phương pháp ước lượng OLS với biến phụ thuộc là BI và các biến độc lập RIST, TRUSCONV, EAS, GOVUTIL, COST, cho thấy bộ dữ liệu đã giải thích được sự biến thiên của biến phụ thuộc đối với các biến độc lập của mô hình là khá tốt. Từ chỉ số R2 Ajusted cho thấy bộ dữ liệu đã giải thích được 42,2% mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập đối với biến phụ thuộc, chỉ số thống kê F = 34,137 ở mức ý nghĩa bằng 0,000 (Sig. = 0.000) với các giả định về hồi qui bội đều được thỏa mãn. Trong đó, hầu hết các biến giải thích đều có dấu như dự đoán và có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%. Những yếu tố có hệ số hồi qui mang dấu dương hàm ý rằng, nếu như các yếu tố khác không đổi, thì khi tăng thêm một đơn vị của biến độc lập sẽ làm tăng ý định sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời lên β đơn vị (với β là hệ số hồi qui). Ngược lại, với những yếu tố có hệ số hồi qui mang dấu âm (-) thì khi tăng lên 1 đơn vị của biến độc lập sẽ làm giảm việc sử dụng sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời lên β đơn vi (với β là hệ số hồi qui).

Kết quả cho thấy, có 4 trong 5 yếu tố của mô hình ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê tới ý định sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Trong đó, yếu tố Cảm nhận về chi phí lắp đặt thiết bị năng lượng điện mặt trời có ảnh hưởng lớn nhất; Cảm nhận tính hữu ích và Chính sách của chính phủ có ảnh hưởng lớn thứ hai; Nhận thức về sự thuận tiện và niềm tin khi sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời có ảnh hưởng lớn thứ ba; Cảm nhận về tính dễ sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời có ảnh hưởng nhỏ nhất. Kết quả phân tích được thể hiện qua Bảng. 

Bảng. Kết quả phân tích mô hình hồi qui

ket_qua_phan_tich_mo_hinh_hoi_qui Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra

Yếu tố nhận thức về sự thuận tiện và niềm tin khi sử dụng thiết bị năng lượng điện mặt trời (β =0,340): Yếu tố này có hệ số hồi qui β = 0,340. Như vậy, nếu như các yếu tố khác không đổi, khi nhận thức về sự thuận tiện và niềm tin khi sử dụng thiết bị năng lượng điện mặt trời tăng lên 01 điểm trong thang đo Likert 5 điểm, thì ý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình tại Phan Rang - Tháp Chàm tăng lên 0,340 điểm. Như vậy, nếu hộ gia đình tại địa phương nhận thức về sự thuận tiện và niềm tin khi sử dụng thiết bị năng lượng điện mặt trời họ sẽ gia tăng ý định sử dụng loại năng lượng này cho hộ gia đình. Kết quả phân tích các thành phần thang đo trong yếu tố này thấp nhất là 1 và cao nhất là 5. Điểm trung bình dao động từ 3,0913 - 3,7391 điểm trong thang đo Likert 5 điểm.

Yếu tố cảm nhận về tính dễ sử dụng thiết bị năng lượng điện mặt trời (β = 0,160): Yếu tố này có hệ số hồi qui β = 0,160. Như vậy, nếu như các yếu tố khác không đổi, khi hộ gia đình cảm nhận về tính dễ sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời tăng lên 1 điểm trong thang đo Likert 5 điểm, thì ý định sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình tại Phan Rang - Tháp Chàm tăng lên 0,160 điểm. Như vậy, nếu hộ gia đình tại địa phương cảm nhận về tính dễ sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời họ sẽ gia tăng ý định sử dụng loại năng lượng này cho hộ gia đình. Kết quả phân tích các thành phần thang đo trong yếu tố này thấp nhất là 2 và cao nhất là 5. Điểm trung bình dao động từ 3,0913 - 3,6826 điểm trong thang đo Likert 5 điểm.

Yếu tố cảm nhận tính hữu ích và chính sách của chính phủ (β = 0,366): Yếu tố này có hệ số hồi qui β = 0,366. Như vậy, nếu như các yếu tố khác không đổi, khi hộ gia đình cảm nhận được tính hữu ích và chính sách của chính phủ về sử dụng năng lượng điện mặt trời tăng lên 01 điểm trong thang đo Likert 5 điểm, thìý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tăng lên 0,366 điểm. Có thể thấy, nếu hộ gia đình tại địa phương cảm nhận được tính hữu ích và chính sách của Chính phủ về sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời họ sẽ gia tăng ý định sử dụng loại năng lượng này cho hộ gia đình. Kết quả phân tích các thành phần thang đo trong yếu tố này thấp nhất là 1 và cao nhất là 5. Điểm trung bình các thang đo khá cao, dao động từ 4,3304 - 4,5391 điểm trong thang đo Likert 5 điểm.

Yếu tố cảm nhận về chi phí lắp đặt thiết bị năng lượng điện mặt trời: Yếu tố này có hệ số hồi qui β = 0,399. Như vậy, nếu như các yếu tố khác không đổi, khi hộ gia đình cảm nhận về chi phí lắp đặt công nghệ năng lượng điện mặt trời tăng lên 1 điểm trong thang đo Likert 5 điểm, thì ý định sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình tại Tp Phan Rang - Tháp Chàm tăng lên 0,399 điểm. Kết quả phân tích các thành phần thang đo trong yếu tố này thấp nhất là 2 và cao nhất là 5. Điểm trung bình các thang đo khá cao, dao động từ 2,7087 - 3,5609 điểm trong thang đo Likert 5 điểm.

Kết quả phân tích hồi quy cho thấy chỉ có 4 trong số 5 yếu tố là có tác động đến ý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, đó là: nhận thức về tính hữu dụng và tính dễ sử dụng có tác động lớn nhất; Sự tin tưởng cảm nhận có tác động lớn thứ hai; cảm nhận sự thuận tiện trong sử dụng năng lượng điện mặt trời có tác động lớn thứ ba; tính dễ sử dụng trong lắp đặt, bảo trì, vận hành có tác động nhỏ nhất. Trong đó, 4 nhân tố đều tác động dương tới ý định sử dụng năng lượng điện mặt trời của hộ gia đình và có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa Sig.= 0,000.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đều khá tương đồng với các nghiên cứu của tác giả (Davis, 1989). Các nghiên cứu này đều sử dụng mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) làm mô hình cơ sở. Trong nghiên cứu của tác giả (Davis, 1989) có yếu tố nhận thức tính hữu dụng và tính dễ sử dụng, yếu tố niềm tin của hộ gia đình và yếu tố nhận thức rủi ro được đề cập đến tương tự như kết quả nghiên cứu. Trong đó, yếu tố nhận thức tính hữu dụng và tính dễ sử dụng và yếu tố niềm tin của hộ gia đình đều có ảnh hưởng tích cực đến thái độ của hộ gia đình trong việc sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời. Trong nghiên cứu của tác giả, nghiên cứu các yếu tố nhận thức tính hữu dụng, nhận thức tính dễ sử dụng, sự thuận tiện, niềm tin của hộ gia đình và nhận thức rủi ro giống với kết quả nghiên cứu. Các yếu tố nhận thức tính hữu dụng, nhận thức tính dễ sử dụng, sự thuận tiện, niềm tin của hộ gia đình đều có tác động tích cực đến ý định sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời. Yếu tố nhận thức rủi ro không có ý nghĩa thống kê. Thông qua các nghiên cứu có liên quan trong và ngoài nước, tác giả có thể rút ra kết luận, kết quả nghiên cứu khá phù hợp với thực tế và các yếu tố có ảnh hưởng đến ý định sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời tại Việt Nam nói chung và tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm nói riêng.

5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Thứ nhất, tuyên truyền về tính hữu dụng và tính dễ sử dụng của công nghệ. Đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, tổ chức hội thảo, tập huấn và đào tạo về tính hữu dụng và tính dễ sử dụng công nghệ của năng lượng điện mặt trời. Trước hết là tuyên truyền đối với những cán bộ, công chức, viên chức và các thành phần doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; tiếp đến là những người dân về tính hữu dụng và tính dễ sử dụng công nghệ của năng lượng điện mặt trời. Bên cạnh đó, tuyên truyền tầm quan trọng, về hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường to lớn của việc phát triển cũng như sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình phát triển bền vững, để từ đó có những hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Thứ hai, giảm thiểu rủi ro trong sử dụng năng lượng điện mặt trời. Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều nhà máy trong và ngoài nước sản xuất các tấm pin mặt trời. Vì vậy, đối với các hộ gia đình có ý định đầu tư về năng lượng điện mặt trời (áp mái), việc lựa chọn tấm pin mặt trời là vấn đề khó khăn đối với họ, bởi chưa có đầy đủ thông tin để xác định đâu là những sản phẩm chất lượng tốt hay chưa tốt. Hộ gia đình cần quan tâm các thông tin sau: (i) Chứng chỉ bảo hiểm về chất lượng do các công ty bảo hiểm độc lập cấp. Đây là thông lệ trong thương mại quốc tế, đặc biệt phải được áp dụng cho các sản phẩm công nghệ cao; (ii) Nhà sản xuất các tấm pin mặt trời phải được cấp các chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế IEC (International Electrotechnical Commission) và tiêu chuẩn UL (Underwriters Laboratories Inc.). Tiêu chuẩn IEC và UL khác nhau rất nhiều. Các tiêu chuẩn IEC quy định các yêu cầu về an toàn thiết bị tối thiểu. Các tiêu chuẩn UL ngược lại chỉ ra những chi tiết kỹ thuật toàn diện về an toàn và ứng dụng sản phẩm; (iii) Các tấm pin mặt trời phải có giải pháp thiết kế chống lại hiện tượng suy thoái cảm ứng tiềm năng - PID (Potential Induced Degradation); (iv) Đối với mỗi lô hàng tấm pin mặt trời, khi được giao nhận người bán phải cấp cho người mua một báo cáo về việc thẩm định xuất xưởng của từng mẫu có ghi rõ số seri của sản phẩm; (v) Sau khi hợp đồng mua - bán được ký kết, người bán phải tạo điều kiện cho người mua tham quan/khảo sát tại nhà máy chế tạo vào đúng thời điểm thử nghiệm đầu ra và đóng gói xuất xưởng sản phẩm các tấm pin mặt trời.

Thứ ba, hỗ trợ chi phí về đầu tư thiết bị năng lượng điện mặt trời cho hộ gia đình. Việc phát triển năng lượng điện áp mái còn nhiều vướng mắc, như chi phí đầu tư còn cao; thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt và chế độ vận hành và bảo dưỡng. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng hoặc cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để từng hộ gia đình hiểu được những lợi ích kinh tế cũng như vốn đầu tư, tính hữu dụng, tính dễ sử dụng công nghệ và tính thân thiện môi trường. Từ đó, Nhà nước cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư thiết bị năng lượng điện áp mái cho các hộ gia đình và một số chính sách khác, cụ thể: Các chính sách hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ mỗi hộ gia đình lắp đặt năng lượng điện áp mái 1 kwh hỗ trợ 3 triệu đồng nhưng không quá 9 triệu đồng từ nguồn quỹ bảo vệ môi trường; hoặc là miễn thuế cho các hộ gia đình trong thời gian chưa hoàn vốn; đồng thời thành lập trung tâm hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng và tư vấn về năng lượng điện áp mái…

Ngoài ra, ban hành cơ chế chính sách vay ưu đãi (lãi suất thấp), thủ tục vay đơn giản, thuận lợi cho mọi hộ gia đình; tạo điều kiện cho các nhà tài trợ trong và ngoài nước hỗ trợ cho các hộ gia đình lắp đặt điện áp mái.

Thứ tư, có chính sách mua - bán điện đối với hộ gia đình sử dụng năng lượng điện áp mái. Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020, khi cả nước không có nguồn khai thác mới, việc phát triển năng lượng điện mặt trời áp mái cho các hộ gia đình được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành Điện; đồng thời đây cũng là điều kiện thuận lợi đồng hành phát triển kinh tế đất nước trong tương lai.

Với mục tiêu phát triển điện mặt trời đạt 1GWp vào năm 2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 11) và Quyết định số 02/2019QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11; Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (Thông tư 16) và mới đây nhất đã Ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 16. Nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách mua bán điện giữa các đơn vị điện lực với các hộ gia đình đầu tư năng lượng điện áp mái để sinh hoạt và kinh doanh.

Việc vận dụng mô hình lý thuyết chấp nhận công nghệ mở rộng trong việc giải thích ý định sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời mới dừng lại ở mức độ khảo sát tại địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm của tỉnh Ninh Thuận, là một trong những địa phương được chọn trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia, đồng thời sử dụng phương pháp phân tích hồi qui truyền thống để kiểm định ý sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời trong các hộ gia đình đối với các biến số nghiên cứu. Mức độ khái quát và tính thuyết phục của nghiên cứu sẽ cao hơn nếu mô hình nghiên cứu đánh giá được tác động thể hiện từ ý định sử dụng dịch vụ đến việc đầu tư lắp đặt trên thực tế. Đây cũng là một hướng cho những nghiên cứu tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Adams, D. A; Nelson, R. R.; Todd, P. A. 1992. "Perceived usefulness, ease of use, and usage of information technology: A replication", MIS Quarterly 16, pp. 227-247.
  2. Bentler, P. M., & Chou, C. 1987. “Practical issue in structural modeling”, Sociological Methods and Research, Vol. 16, No. 1, pp.78-117.
  3. Davis, F. D. 1989. "Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technology", MIS Quarterly, 13(3): 319-340.
  4. Clack, A. L., & Watson, D. 1995. “Contructing Validity: Basic Issues in Objective Scale Development”, Psychological Assessment, Vol.7, No.3, pp.309-319.
  5. Nguyễn Văn Duy, Đào Trung Kiên. 2014. "Nghiên cứu yếu tố tác động tới sử dụng năng lượng tái tạo". Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Truy cập từ: http://nangluongvietnam.vn/news/vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/nghien-cuu-yeu-to-tac-dong-toi-su-dung-nang-luong-tai-tao.html
  6. Hair, J.F., Black, W.C., Babin, B.J., Anderson, R.E. & Tatham, R.L. 2006. Mutilvariate Data Analysis 6thed. Upper Saddle River NJ, Prentice - Hall.
  7. Roger, E.M. 1983.“Diffusion of innovations” 3th ed. New York the Free Press.
  8. Nguyễn Đình Thọ. 2011. Nghiên cứu khoa học trong quản trị kinh doanh. Nhà xuất bản Thống kê. TP. Hồ Chí Minh.
  9. Venkatesh, V.; Davis, F. D. 2000. "A theoretical extension of the technology acceptance model: Four longitudinal field studies", Management Science, 46(2), pp. 186-204.
  10. Venkatesh, V.; Morris, M. G.; Davis, G. B.; Davis, F. D. 2003. "User acceptance of information technology: Toward a unified view", MIS Quarterly, 27(3), pp. 425-478.
  11. Workman, M. 2007. "Advancements in technology: New opportunities to investigate factors contributing to differential technology and information use.", International Journal of Management and Decision Making 8(2), pp. 318-342.
  12. Venkatesh, V.; Bala, H. 2008. "Technology Acceptance Model 3 and a Research Agenda on Interventions", Decision Sciences, 39(2), pp. 273-315.

 

ANALYZING FACTORS AFFECTING THE INTENTION TO USE

SOLAR ENERGY TECHNOLOGY OF HOUSEHOLDS

IN PHAN RANG – THAP CHAM CITY

Ph.D PHAM HONG MANH

Nha Trang University

DUONG VAN SON

Ninh Thuan Industry and Trade Department

 

ABSTRACT:

This paper is to analyze factors affecting the intention to use solar energy technology of households in Phan Rang –Thap Cham city as a basis for proposing renewable energy development policies for local households in this area.This study uses a quantitative research approach with EFA analysis techniques and linear regression from 230 surveyed households in Phan Rang - Thap Cham city. Based on the study’s results, the study proposes some recommendations to encourage households in Phan Rang - Thap Cham to use solar electricity. In which, regulatory agencies should educate households about the usefulness and the ease of use solar energy technology. The recommendations also include minimizing risks in the use of solar power to households, supporting the investment cost of solar equipment for households and having an electricity trading policy.

Keywords: Intention to use, solar energy, Phan Rang-Thap Cham, Ninh Thuan province.