TÓM TẮT:

Bài viết phân tích các nhân tố tác động đến quyết định lựa chọn ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến (ĐTĂTT) của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến của khách hàng. Ngoài ra, sự khác biệt về thu nhập, độ tuổi cũng ảnh hưởng đến quyết định này. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề trên.

Từ khóa: lựa chọn ứng dụng, đặt thức ăn trực tuyến, khách hàng, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, thị trường ĐTĂTT tại Việt Nam ngày một trở nên hấp dẫn và phát triển nhanh chóng. Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường gọi món trực tuyến ở Việt Nam hiện có giá trị rơi vào khoảng 33 triệu USD và con số này được dự báo có thể vượt 38 triệu USD vào năm 2020. Với thị trường người tiêu dùng tiềm năng, nhiều ứng dụng gọi giao nhận thức ăn đã xuất hiện và tạo ra “cuộc đua” khá khốc liệt. Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar TNS vào tháng 4/2019 cho thấy, GrabFood là thương hiệu giao nhận thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam với 81% lựa chọn, tiếp đến là Now của Foody.vn và GoFood của Go - Viet. Ngoài ra, vào giữa tháng 5 vừa qua, thị trường giao đồ ăn có thêm tân binh đến từ Hàn Quốc - Woowa Brothers với ứng dụng giao đồ ăn BAEMIN tại Việt Nam.

Đã xuất hiện trên các ứng dụng ĐTĂTT khác nhau, nhưng nhiều chuỗi cửa hàng đồ uống và thức ăn nhanh vẫn đầu tư cho ứng dụng giao hàng riêng của mình, như: chuỗi cà phê The Coffee House, Passio, Tocotoco, McDonalds, KFC, Lotteria. Ngoài chức năng giao hàng, ứng dụng di động của các chuỗi kể trên còn đóng vai trò như một kênh tương tác giữa thương hiệu và người tiêu dùng khi khách hàng có thể tích điểm, tìm cửa hàng và nhận các thông tin, khuyến mãi, voucher giảm giá từ chuỗi.

Trước một thị trường đầy tính cạnh tranh, các tổ chức muốn tồn tại và phát triển, cần phải quan tâm đến nhiều nhân tố khác nhau. Do vậy, việc nghiên cứu về nhân tố tác động đến quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của khách hàng là việc nên làm. Sự đầu tư nghiên cứu thị trường này sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt thói quen, xu hướng cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng, từ đó xây dựng được những chiến lược phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh doanh và mang lại lợi nhuận tốt nhất.

Do đó, nhóm tác giả chọn đề tài “Các nhân tố tác động đến quyết định lựa chọn ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh” để nghiên cứu.

2. Mô hình nghiên cứu đề xuất và giả thuyết nghiên cứu

Dựa trên các mô hình lý thuyết và các công trình nghiên cứu trước đây, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các giả thuyết nghiên cứu:

Giả thuyết H1: Nhận thức sự hữu ích có tác động tích cực (+) đến quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của khách hàng tại TP. Hồ

Chí Minh.

Giả thuyết H2: Nhận thức tính dễ sử dụng có tác động tích cực (+) đến quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh.

Giả thuyết H3: Ảnh hưởng của xã hội có tác động tích cực (+) đến quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh.

Giả thuyết H4: Các điều kiện thuận lợi có tác động tích cực (+) đến quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh.

Giả thuyết H5: Nhận thức rủi ro liên quan đến sản phẩm, dịch vụ có tác động tích cực (+) đến quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh.

Giả thuyết H6: Nhận thức rủi ro liên quan đến giao dịch trực tuyến có tác động tích cực (+) đến quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh tiến hành kiểm định 6 giả thuyết trên, nhóm tác giả còn tiến hàng kiểm tra các nhân tố nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính, học vấn, thu nhập, nghề nghiệp) để đánh giá mức độ tác động đến quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh.

3. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài được thực hiện trải qua quá trình nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định lượng được thể hiện thông qua thu thập số liệu sơ cấp từ khảo sát thị trường, sử dụng phần mềm SPSS 22.0 để tiến hành phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của khách hàng đối với các ứng dụng ĐTĂTT.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Mô tả mẫu nghiên cứu

Về giới tính: Dựa vào kết quả thống kê, số lượng nữ giới tham gia khảo sát có sử dụng ứng đụng ĐTĂTT nhiều hơn số nam giới, cụ thể: Có 104 nữ giới tham gia khảo sát (chiếm 54,74%), nam giới là 86 người (chiếm 45,26%).

Về tình trạng hôn nhân: số lượng người độc thân tham gia khảo sát có sử dụng ứng đụng ĐTĂTT nhiều hơn số người đã kết hôn, cụ thể: Số lượng độc thân là 125 người (chiếm 65,89%), đã kết hôn là 65 người (chiếm 35,21%).

Về độ tuổi: các đối tượng có độ tuổi dưới 15 hoặc trên 45 được loại bỏ, nhóm tuổi được phân bổ nhiều nhất từ 21 đến 25 tuổi (chiếm 27,89 %), độ tuổi từ 26 đến 30 (chiếm 23,16 %), độ tuổi từ 31 đến 35 (chiếm 26,32%) và ít nhất là độ tuổi từ 16 đến 20 (chiếm 22,63%).

Về thu nhập: nhóm thu nhập được phân bổ nhiều nhất từ 15 triệu đồng đến 19 triệu đồng (chiếm 27,37 %), thu nhập từ 10 triệu đồng đến 14 triệu đồng chiếm 25,79 %, thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên chiếm 25,26 % và ít nhất là thu nhập dưới 10 triệu đồng, chiếm 21,58%.

Thống kê mô tả các biến quan sát: Theo kết quả thống kê mô tả các biến quan sát trong mô hình nghiên cứu, giá trị trung bình của các biến đều lớn hơn 3 thể hiện xu hướng đồng ý cao, giá trị trung bình cao nhất thuộc về biến khảo sát HI4 (có giá trị là 4,337) và giá trị nhỏ nhất thuộc về biến HI3 (có giá trị là 3,474).

4.2. Phân tích hệ số Cronbach’s Alpha

Hệ số Cronbach’s Alpha của các thang đo: Nhận thức sự hữu ích (0,882), Nhận thức tính dễ sử dụng (0,858), Ảnh hưởng của xã hội (0,851), Điều kiện thuận lợi (0,886), Nhận thức rủi ro liên quan đến sản phẩm, dịch vụ (0,843), Nhận thức rủi ro liên quan đến giao dịch trực tuyến (0,854) và Ý định sử dụng dịch vụ (0,789) đều lớn hơn 0,6. Hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát trong từng thang đo đều lớn hơn 0,3. Do vậy, chấp nhận 28 biến quan sát của 7 thang đo và đưa vào phân tích EFA.

4.3. Phân tích nhân tố khám phá EFA

4.3.1. Kết quả phân tích nhân tố EFA cho các biến độc lập

Bảng 1. Kiểm định KMO và Barletts của các biến độc lập

Kiểm định KMO và Barletts của các biến độc lập

Nguồn: Tổng hợp từ SPSS, 2019

Kết quả Bảng 1 cho thấy: Hệ số KMO có giá trị là 0,880, đủ điều kiện phân tích, việc phân tích nhân tố thích hợp với các dữ liệu; Kết quả kiểm định Barlett cho hệ số Sig = 0,000 < 0.05. Như vậy, các biến quan sát trong phân tích nhân tố EFA có tương quan với nhau trong tổng thể. Do vậy, giả thuyết H0 bị bác bỏ, chấp nhận giả thuyết H1. Kết quả phương sai trích lần thứ nhất cho thấy các yếu tố đều có giá trị Eigenvalues > 1. Giá trị tổng phương sai trích trong lần phân tích EFA này là 74.87% > 50%, đạt yêu cầu đặt ra.

Với phương pháp rút trích Principal components và phép quay Varimax, có 6 yếu tố được rút trích ra từ 23 biến quan sát. Hệ số Factor Loading các biến quan sát lớn hơn 0.5. Các yếu tố đều có giá trị Eigenvalues > 1. Giá trị tổng phương sai trích trong lần phân tích EFA này là 74.87% > 50%, đạt yêu cầu đặt ra. Điều này có nghĩa là 6 yếu tố được rút trích giải thích được 74.87% sự biến thiên của dữ liệu, các thang đo được trích ra được chấp nhận.

4.3.2. Kết quả phân tích nhân tố EFA cho biến phụ thuộc

Bảng 2. Kiểm định KMO và Barletts của các biến phụ thuộc

Kiểm định KMO và Barletts của các biến phụ thuộc

Nguồn: Tổng hợp từ SPSS, 2019

Bảng 2 cho thấy: Hệ số KMO = 0,683, đủ điều kiện phân tích, việc phân tích nhân tố là thích hợp với các dữ liệu. Kiểm định Barlett: Sig = 0,000 < 0,05 cho thấy các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. Hệ số tải Factor loading các biến quan sát > 0,5. Điểm dừng khi trích các yếu tố ở yếu tố thứ 1 có giá trị Eigenvalues > 1. Giá trị tổng phương sai trích là 70,897% > 50%, đạt yêu cầu đặt ra.

Sau khi phân tích EFA, các thang đo của các yếu tố đạt giá trị hội tụ và các biến quan sát quan sát đại diện được cho các khái niệm cần đo. Các biến quan sát đạt yêu cầu còn lại sau khi phân tích được nhóm lại, thực hiện tính nhân số đại diện cho các yếu tố (lấy giá trị trung bình) để tiến hành bước phân tích sau.

4.4. Phân tích tương quan Pearson

Kết quả phân tích tương quan Pearson cho thấy các biến độc lập (HI, SD, XH, DK, SP và GD) đều có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc HV, các hệ số tương quan có mức ý nghĩa thống kê nhỏ hơn 0,01. Do vậy, kết luận rằng 6 biến độc lập đều có thể sử dụng đưa vào phân tích hồi quy tuyến tính và giải thích cho biến phụ thuộc HV. Tuy nhiên, khi quan sát hệ số tương quan giữa các biến độc lập,thấy rõ chúng cũng có mối tương quan khá cao. Do đó, cần chú ý đến hiện tượng đa cộng tuyến khi phân tích hồi quy tuyến tính.

Phân tích hồi quy tuyến tính bội:

HV = β0 + β1HI + β2SD + β3XH + β4DK + β5SP + β6GD

Kiểm định sự phù hợp của mô hình hồi quy: Kết quả kiểm định cho thấy, giá trị Sig (F) rất nhỏ và nhỏ hơn mức ý nghĩa 0,05. Do đó, giả thuyết H0 bị bác bỏ. Điều này có nghĩa là các biến độc lập trong mô hình có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc, sự kết hợp giữa các biến độc lập có trong mô hình có thể giải thích được sự biến thiên của biến phụ thuộc. Mô hình hồi quy tuyến tính đã được xây dựng phù hợp với tập dữ liệu.

Bảng 3. Đánh giá sự phù hợp của mô hình hồi quy

Đánh giá sự phù hợp của mô hình hồi quy

Nguồn: Tổng hợp từ SPSS, 2019

Bảng 3 cho thấy, mô hình nghiên cứu có R2 hiệu chỉnh là 0,830. Như vậy, 83% sự biến thiên của quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của người tiêu dùng được giải thích bởi các yếu tố, như: Ảnh hưởng của xã hội, Nhận thức tính dễ sử dụng, Nhận thức về sự hữu ích, Nhận thức liên quan đến sản phẩm, dịch vụ và Nhận thức rủi ro liên quan đến giao dịch trực tuyến. Hệ số Durbin-Watson là 2.144 nằm trong mức quy định. Do đó, không có hiện tượng tự tương quan giữa các phần dư.

Trong Bảng 4, hệ số Beta của các biến độc lập đều có giá trị Sig. < 0,05. Do đó, các biến độc lập có hệ số hồi qui riêng từng phần có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức ý nghĩa là 0,05 (mức ý nghĩa 5%). Các hệ số phóng đại phương sai (VIF) đều có giá trị nhỏ hơn 2 (VIF < 10), do vậy kết luận không có hiện tượng đa cộng tuyến, mối liên hệ giữa các biến độc lập không ảnh hưởng đến kết quả giải thích của mô hình.

Bảng 4. Phân tích hồi quy

Phân tích hồi quy

Nguồn: Tổng hợp từ SPSS, 2019

Bảng 4 cũng cho thấy quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi 6 yếu tố, đó là: Nhận thức về sự hữu ích (β1 = 0,11), Nhận thức tính dễ sử dụng (β2 = 0,139), Ảnh hưởng của xã hội (β3 = 0,152), Điều kiện thuận lợi (β4 = 0,132), Nhận thức rủi ro liên quan đến sản phẩm, dịch vụ (β5 = 0,270), Nhận thức về rủi ro trong giao dịch trực tuyến (β6 = 0,375).

Do vậy, phương pháp hồi quy tuyến tính bội được viết theo hệ số Beta chuẩn hóa như sau:

HV = 0,11*HI + 0,139*SD + 0,152*XH + 0,132*DK + 0,27*SP + 0,375*GD

4.5. Kiểm định các giả thuyết

Hệ số hồi quy chuẩn hóa của các giả

thuyết đều lớn hơn 0 và có hệ số Sig đều bằng 0,000 < 0,05 nên tất cả các giả thuyết đều được chấp nhận.

Điều này có nghĩa là khi các yếu tố Nhận thứ sự hữu ích, Nhận thức về tính dễ sử dụng, Ảnh hưởng của xã hội, Các điều kiện thuận lợi, Nhận thức rủi ro liên quan đến sản phẩm, Nhận thức rủi ro liên quan đến giao dịch tăng hay giảm thì sẽ làm cho Quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh thay đổi.

5. Kết luận

5.1. Kết luận

Kết quả phân tích thống kê mô tả từ mẫu khảo sát cho thấy, số lượng nữ nhiều hơn nam, độc thân nhiều hơn đã lập gia đình. Độ tuổi của mẫu khảo sát tập trung trong khoảng từ 21-25 tuổi là nhiều nhất và mức thu nhập nằm trong khoảng 10 đến 15 triệu. Sau khi thực hiện phân tích thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy bằng hệ số Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA, phương pháp trích hệ số với phép quay Varimax cho kết quả mô hình nghiên cứu gồm 6 biến độc lập, 1 biến phụ thuộc với 23 biến quan sát.

Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính bội cho thấy tất cả 6 yếu tố tác động tích cực đến Quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các đối tượng có thu nhập và độ tuổi khác nhau cũng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT.

5.2. Một số giải pháp đề xuất                                

5.2.1. Cải thiện nhận thức về sự hữu ích của người tiêu dùng để tăng sức cạnh tranh với sản phẩm thay thế

Tính hữu ích là một trong số những nhân tố ảnh hưởng tới quyết định sử dụng dịch vụ của khách hàng. Vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung vào cải thiện tính hữu ích. Cụ thể:

- Cần đẩy mạnh việc quảng bá tính năng nổi trội của dịch vụ cho người tiêu dùng, tận dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và tiếp thị lan truyền để nâng cao nhận thức về sự hữu ích của dịch vụ ĐTĂTT đối với người tiêu dùng.

- Phát triển ứng dụng nền tảng thành một siêu ứng dụng bằng cách bổ sung thêm nhiều dịch vụ được sử dụng thường xuyên nhất trong cuộc sống hàng ngày liên quan đến logistic và thanh toán vào ứng dụng thông qua sự kết hợp cùng các đối tác cao cấp nhất trong từng ngành.

5.2.2. Cải tiến website và ứng dụng để tăng trải nghiệm người dùng

Nhận thức tính dễ sử dụng và điều kiện thuận lợi đều là nhân tố ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn ứng dụng ĐTĂTT của người tiêu dùng. Do vậy, tác giả đề xuất các giải pháp sau nhằm mục đính tăng nhận thức tính dễ sử dụng và điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Cụ thể:

- Cần thiết kế giao diện website và ứng dụng di động thân thiện, dễ hiểu và dễ sử dụng đối với người dùng, kể cả người dùng không thành thạo về công nghệ. Giao diện cần được thiết kế tương thích và phù hợp với từng loại thiết bị di động, màn hình chính của ứng dụng có thể thiết kế cho phép thao tác một chạm đơn giản để truy cập vào các lựa chọn thanh toán và dễ dàng điều hướng đến tất cả dịch vụ phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, đồng thời có những nội dung tin tức giúp người dùng khám phá các quán ăn, nhà hàng của đối tác với phần đánh giá địa điểm và các thông tin hữu ích được cập nhật liên tục.

- Cần tập trung cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, cũng như sự hồi đáp nhanh chóng của dịch vụ hỗ trợ và tài xế khi khách hàng cần.

5.2.3. Sử dụng KOL - người có ảnh hưởng để quảng bá ứng dụng

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ĐTĂTT thường là các thương hiệu hướng đến số đông. Vì vậy, chiến thuật sử dụng KOL là cần thiết để nâng cao uy tín, ngăn ngừa khủng hoảng. Nếu chọn người không phù hợp thì sẽ dẫn đến chiến dịch không hiệu quả mà có thể gây hiệu ứng ngược làm cho người xem và người đọc cảm thấy khó chịu có cái nhìn không tốt về thương hiệu đó. Cụ thể:

- Doanh nghiệp cần làm một cuộc khảo sát, nghiên cứu thông tin về khách hàng của mình, qua đó hình dung được người quảng bá mà họ cần sẽ hoạt động trong lĩnh vực nào, mức độ nổi tiếng ra sao.

- Tùy thuộc vào ngân sách và mục đích cuối cùng của doanh nghiệp khi chọn KOL cho mà ta có thể cân nhắc giữa nhiều nhóm đối tượng. Một lưu ý nhỏ là chi phí công ty phải bỏ ra sẽ tương đối lớn cũng như việc làm việc với họ về lâu dài cũng cần được xem xét.

- Doanh nghiệp có thể sử dụng KOL để kể chuyện. Người tiêu dùng đang ngày càng khôn ngoan hơn và có xu hướng bỏ qua các nội dung quảng cáo, nên doanh nghiệp cần khéo léo và khôn ngoan lồng ghép thông điệp quảng cáo xoay quanh dịch vụ thông qua những mẩu chuyện được chia sẻ từ người có ảnh hưởng.

- Doanh nghiệp nên sử dụng KOL dài hạn sẽ giúp KOL có đủ thời gian để truyền đạt hết thông điệp về trải nghiệm một cách tự nhiên và không làm người nghe bị ngộp.

5.2.4. Nâng cao uy tín của doanh nghiệp

Chỉ số niềm tin vào mua sắm trực tuyến còn người tiêu dùng Việt Nam còn thấp. Các chính sách đảm bảo mua sắm trực tuyến và bảo vệ quyền lợi người mua còn rất lỏng lẻo, việc người tiêu dùng không tin người bán online là điều rất dễ hiểu. Do đó, doanh nghiệp nên dự trù các rủi ro có khả năng xảy ra cao nhất như khách hàng có thể nhận được món ăn không chính xác theo đơn hàng do nhiều nguyên nhân và có những chính sách giải quyết phù hợp.

Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa thật sự an tâm khi thực hiện các giao dịch qua thiết bị di động bởi tình trạng tin nhắn rác từ nhà mạng hoặc ứng dụng, tin nhắn lừa đảo,… Do vậy, hệ thống websites và các ứng dụng di động của doanh nghiệp phải cung cấp rõ ràng các thông tin về các điều khoản mua bán, thanh toán trực tuyến, hoàn trả; phải có giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ TMDĐ, cam kết thông tin đưa lên đúng sự thật; không lạm dụng hình thức tiếp thị qua thiết bị di động; xây dựng hệ thống bảo mật thông tin khách hàng, đảm bảo các giao dịch được thực hiện chính xác;…

Doanh nghiệp cũng nên sẵn sàng tiếp nhận những góp ý, phản hồi về lỗ hổng an ninh hay thông báo về các trường hợp nghi vấn gian lận.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50, 179-211.
  2. Benham, H.C. & Raymond, B.C. (1996). Information Technology Adoption: Evidence from a Voice Mail Introduction. Computer Personnel, 17(1), 3-25.
  3. Davis, F.D., Bagozzi, R.P. & Warshaw, P.R. (1989). User Acceptance of Computer Technology: A Comparison of Two Theoretical Models. Management Science, 35(8), 982-1003.
  4. Hung, S.-Y., Ku, C.-K. & Chang, C.-M. (2003). Critical Factors of WAP Services Adoption: An Empirical Study. Electronic Commerce Research and Application, 2(1), 42-60.
  5. Karahanna, E. & Straub, D.W. (1999). The Psychological Origins of Perceived Usefulness and Ease-of-use. Information & Management, 35(4), 237-250.
  6. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. NXB Hồng Đức, Hà Nội, Tập 1&2.
  7. Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2011). Nghiên cứu khoa học Marketing. NXB Lao động, Hà Nội.
  8. Nguyen T. Q. Loan, Ngo Q. Hung. (2018). Factors affecting satisfation and reuse intention of customers using online motorbike service. Journal of Science Ho Chi Minh City Open University, 8(3), 25-38.

FACTORS AFFECTING THE DECISION OF CUSTOMERS

TO CHOOSE AN ONLINE FOOD ORDERING APP

IN HO CHI MINH CITY

• LUU DANG GIA HAN1

• PHAM HUNG CUONG1

• TRAN ANH TAI1

1Foreign Trade University - Ho Chi Minh City Campus   

ABSTRACT:

This study analyzes the factors affecting the decision of customers to choose an online food ordering app in Ho Chi Minh City. The study’s results show that there are six factors affecting the decision to choose an online food ordering app. The study finds that the differences in income and age affect this decision. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help businesses solve this above-mentioned problem.

Keywords: choosing apps, online food ordering, customers, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]