TÓM TẮT:

Bài viết phân tích khái niệm vấn đề chính sách bảo vệ môi trường, thực tiễn các vấn đề chính sách bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay và nguyên nhân của nó, nhằm cung cấp các cứ liệu khoa học cho việc xác định mục tiêu chính sách bảo vệ môi trường đáp ứng các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới trong tương lai.

Từ khóa: vấn đề chính sách, môi trường, chính sách bảo vệ môi trường, nông thôn mới.

1. Đặt vấn đề

          Xây dựng nông thôn mới là một trong những Chương trình Mục tiêu Quốc gia có giá trị thế kỷ. Trong những năm qua, Chương trình đã đạt được nhiều hành tựu to lớn, góp phần tích cực nâng cao đời sống kinh tế của nông dân và diện mạo nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình hoạch định và thực thi Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, cản lực và phát sinh nhiều vấn đề mới nan giải. Trong đó nổi lên vấn đề về môi trường tại nông thôn.

            Các vấn đề về môi trường tại nông thôn như ô nhiễm môi trường nước; ô nhiễm môi trường đất; ô nhiễm chất thải rắn và biến đổi khí hậu có xu hướng ngày càng gia tăng và trực tiếp tác động tiêu cực đến các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Khác với những cản lực khác, các vấn đề về môi trường gắn liền và tỷ lệ thuận với sự phát triển của đời sống xã hội, đời sống kinh tế, sản xuất của nông thôn. Do đó, giải quyết các vấn đề môi trường luôn cần được thực hiện đồng hành với quá trình xây dựng nông thôn mới.

            Chính sách bảo vệ môi trường nói chung đã được xây dựng và thực thi trên thực tiễn, qua đó mang lại những kết quả tích cực trong cải thiện môi trường tự nhiên ở Việt Nam những năm qua. Tuy nhiên, chính sách bảo vệ môi trường nông thôn nói chung và trong xây dựng nông thôn mới nói chung vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đang đối mặt. Một trong những nguyên nhân của điều đó là việc xác định vấn đề chính sách bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới chưa có sự trọng tâm và mang tính đặc thù. Chính vì thế, việc nghiên cứu và chỉ ra những vấn đề chính sách bảo vệ môi trường qua đó góp phần nâng cao hiệu quả ban hành và thực thi chính sách bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới nói riêng là một đòi hỏi mang tính bức thiết của hiện thực khách quan.

2. Khái niệm vấn đề chính sách bảo vệ môi trường

Chính sách công là kết quả ý chí chính trị của nhà nước được thể hiện bằng một tập hợp các quyết định có liên quan với nhau, bao hàm trong đó định hướng mục tiêu và cách thức giải quyết những vấn đề công trong xã hội. Theo đó, chính sách bảo vệ môi trường là một nội dung của chính sách công bao gồm hệ thống thể chế quy định về hoạt động bảo vệ môi trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm định hướng và điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống liên quan đến môi trường để bảo vệ môi trường trước những xâm hại của con người, qua đó tạo lập môi trường sống trong lành và xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững.

Một chính sách công nói chung và chính sách bảo vệ môi trường nói riêng có cấu trúc gồm các thành phần sau: (1) Vấn đề chính sách; (2) Mục tiêu chính sách; (3) Chủ thể và các bên liên quan đến chính sách; (4) Giải pháp chính sách (5) Công cụ chính sách. Trong đó, vấn đề chính sách là những nguyên cớ để ban hành chính sách. Vấn đề chính sách xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn khách quan, việc ban hành và thực hiện chính sách nhằm giải quyết các vấn đề đó.

Như vậy, khẳng định: Vấn đề chính sách bảo vệ môi trường là những tồn tại, vướng mắc của thực tiễn môi trường ảnh hưởng hoặc dự báo sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến việc duy trì sự trong lành, bền vững của môi trường và sự an toàn của cuộc sống xã hội. Chính sách bảo vệ môi trường được ban hành dựa trên những nội dung đòi hỏi này của vấn đề chính sách.

3. Thực tiễn các vấn đề chính sách bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, vấn đề ô nhiễm môi trường nước. Ô nhiễm môi trường nước là vấn đề đầu tiên và đang có diễn biến nghiêm trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay. Hiện trạng ô nhiễm môi trường nước ở nông thôn Việt Nam diễn ra ở cả môi trường nước mặt và nước ngầm.

Môi trường nước mặt bao gồm các sông, suối, ao hồ, đầm phá và đất ngập nước. Dưới tác động của hoạt động sản xuất và sinh hoạt, một số điểm nông thôn có tình trạng chất lượng nước suy giảm nghiêm trọng. Theo Trung tâm Quan trắc môi trường quốc gia - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến năm 2020, chất lượng nước ở rất nhiều sông ở nông thôn phía Bắc giảm báo động. Ví dụ: sông Kỳ Cùng và các sông nhánh trong những năm gần đây chất lượng giảm sút xuống loại A2; sông Hiến, sông Bằng Giang còn ở mức B1.

Đối với môi trường nước ngầm bao gồm hệ thống mạch được chảy ngầm trong lòng đất tại các khu vực nông thôn cũng xuất hiện vấn đề khai thác quá mức và ô nhiễm. Theo Báo cáo hiện trạng Môi trường nước của Trung tâm Quan trắc Môi trường quốc gia năm 2020, mực nước của các tầng chứa nước khai thác tại nhiều khu vực nông thôn bị hạ thấp liên tục theo thời gian. Đặc biệt khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có sự hạ thấp ở biên độ và tốc độ cao nhất. Điển hình như khu vực Mê Linh, Hoài Đức, Chương Mỹ của Hà Nội, mực nước tầng chứa Pleistoxen hạ thấp với tốc độ 0,4m/năm; khu vực Củ Chi, Cần Giờ của thành phố Hồ Chí Minh là 0,6m/năm và khu vực nông thôn của Cà Mau phổ biến ở mức 1m/năm,…

Thứ hai, vấn đề ô nhiễm môi trường đất. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là việc sử dụng bừa bãi hoá chất bảo vệ thực vật và quá tải chất thải rắn đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường đất tại khu vực nông thôn Việt Nam trong những năm qua và cả trong tương lai sẽ diễn biến theo chiều hướng nặng. Các loại ô nhiễm môi trường đất ở nông thôn Việt Nam hiện nay chủ yếu gồm:

- Nhiễm phèn: Do nước phèn từ một nơi khác di chuyển đến. Chủ yếu là nhiễm Fe2+, Al3+, SO42-. pH môi trường giảm gây ngộ độc cho con người trong môi trường đó. Hiện trạng này đang phổ biến tại khu vực nông thôn đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi như Thái Bình, Nam Định của đồng bằng Bắc Bộ.

- Nhiễm mặn: Do muối trong nước biển, nước triều hay từ các mỏ muối,… nồng độ áp suất thẩm thấu cao gây hạn sinh lý cho thực vật - Gley hóa trong đất sinh ra nhiều chất độc cho sinh thái (CH4, N2O, CO2, H2S. FeS,...). Hiện trạng này phổ biến những năm qua tại các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

- Chất thải công nghiệp: Khai thác mỏ, sản xuất hóa chất, nhựa dẻo, nylon, các loại thuốc nhuộm, các kim loại nặng tích tụ trên lớp đất mặt làm đất bị chai, xấu, thoái hóa không canh tác tiếp được. Những khu vực bị ô nhiễm điển hình như Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Lâm Đồng.

- Chất thải sinh hoạt: Rác và phân xả vào môi trường đất như: rác gồm cành lá cây, rau, thức ăn thừa, vải vụn, gạch, vữa, polime, túi nylon,... Rác sinh hoạt thường là hỗn hợp của các chất vô cơ và hữu cơ độ ẩm cao nhiều vi khuẩn vi trùng gây bệnh.

- Sử dụng dư thừa các sản phẩm hóa học như: Phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu, trừ cỏ, tồn tại lâu trong đất, tích tụ sinh học, thay đổi cân bằng sinh học. Hiện nay toàn quốc có 15 tỉnh với 240 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Kết quả đánh giá ở nhiều vùng canh tác trong cả nước cho thấy hệ quả của việc sử dụng phân bón không hợp lý là đất bị chua hóa, hàm lượng các chất vôi giảm, kết cấu đất kém đi, có sự tích đọng hàm lượng các chất Nitrat, Amoni và một số kim loại nặng.

- Các chất khí độc hại trong không khí như: ôxit lưu huỳnh, các hợp chất nitơ,... kết tụ hoặc hình thành mưa axit rơi xuống đất làm ô nhiễm đất. Một số loại khói bụi có hại ngưng tụ cũng là nguyên nhân của ô nhiễm đất.

Thứ ba, vấn đề chất thải rắn nông thôn. Hiện nay, với hơn 70% dân số sinh sống tại nông thôn, tốc độ và khối lượng xả chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn chiếm một tỉ lệ tương đồng với khu vực đô thị.

Bảng. Chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị

và nông thôn (theo vùng, 2019)

TT

Vùng

Khối lượng phát sinh (tấn/ngày)

Dân số (người)

Chỉ số phát sinh (kg/ người/ngày)

Đô thị

Nông thôn

Đô thị

Nông thôn

Đô thị

Nông thôn

1

Đồng bằng sông Hồng

8.466

7.629

7.904.784

14.638.823

1,07

0,52

2

Trung du và miền núi phía Bắc

2.740

2.949

2.282.809

10.250.057

1,20

0,29

3

Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

6.717

7.371

5.720.313

14.466.980

1,17

0,51

4

Tây Nguyên

1.485

1.443

1.676.030

4.166.651

0,89

0,35

5

Đông Nam Bộ

12.639

3.150

11.196.480

6.632.427

1,13

0,48

6

Đồng bằng sông Cửu Long

3.577

5.852

4.342.132

12.931.498

0,82

0,45

 

Cả nước

35.624

28.394

33.122.548

63.086.436

1,08

0,45

 Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Một trong những vấn đề lớn của chất thải rắn nông thôn hiện nay gặp phải ngoài nguồn rác tự phát thì còn đến từ nguồn rác thải đại dương, đặc biệt là rác thải nhựa. Tại Việt Nam, ước tính lượng nhựa thải ra biển khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm 6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.[1]

Thứ tư, vấn đề biến đổi khí hậu. Những vấn đề biến đổi khí hậu bao gồm:

- Tình trạng hạn hán tác động đầu tiên đến sản xuất và canh tác nông nghiệp. Tính đến tháng 6/2019, mực nước theo dung tích thiết kế các hồ thủy lợi từ Đà Nẵng đến Bình Thuận thiếu hụt 11 - 47%. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi năm 2020, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn bộ Vùng Duyên hải Nam Trung bộ có 14.532 ha đất nông nghiệp bị thiếu nước, không thể canh tác và có khoảng 7.894 ha phải điều chỉnh giảm diện tích vụ hè thu do không đủ nước. Trong đó tập trung ở các tỉnh, như: Bình Định (4.064ha); Quảng Ngãi (3.008 ha); Phú Yên (4.371ha); Quảng Nam (3.089 ha),…[2]

- Tình trạng xâm nhập mặn do nước biển dâng. Dưới sự tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu trái đất ấm lên, băng tan làm mực nước biển dâng. Theo thống kê, hiện tượng nước biển dâng có tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và khu vực nông thôn nói riêng. Đặc biệt, trong năm 2020, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, kéo dài từ cuối năm 2019 tại đồng bằng sông Cửu Long vượt lịch sử năm 2016, đã có 6/13 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán, xâm nhập mặn. Lưu lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015 - 2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục) (Trung bình từ ngày 1/11 đến ngày 3/4 tại trạm Kratie (Campuchia) - trước phân nhánh vào sông Tiền, sông Hậu: năm 2019 - 2020 là 3.075 m3/s; năm 2015 - 2016 là 3.787m3/s; trung bình nhiều năm 4.737 m3/s). Xâm nhập mặn vào sâu hơn trung bình nhiều năm và sâu hơn năm 2016 từ 3 - 7km so với cùng kỳ năm 2016 (sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn tới 102 km).[3]

   - Tình trạng đa thiên tai. Chỉ tính riêng năm 2020, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai: 10 cơn bão trên biển Đông; 263 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh/thành phố, trong đó 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố ở Bắc Bộ và Trung Bộ; 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 - 22/10 tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế; 82 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3). Thiên tai đã làm người chết, mất tích (275 người chết, 65 người mất tích, trong đó: bão 25; lũ 97; sạt lở đất 130; lốc sét, mưa đá 54; thiên tai khác 34) và 819 người bị thương; 3.276 nhà sập, 280.766 nhà bị hư hại, tốc mái; 414.451 nhà bị ngập; 171.337 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 49.658 con gia súc, 3.366.417 con gia cầm chết, cuốn trôi; 550km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 115km bờ biển, sông bị sạt lở; 881km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 3,17 triệu m3. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.449 tỷ đồng.[4]

4. Nguyên nhân các vấn đề chính sách bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay

            Các vấn đề chính sách bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay cơ bản xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, hoạt động dân sinh nông thôn ngày càng gia tăng. Đời sống kinh tế càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của khu vực nông thôn càng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng này, tất yếu sẽ xảy ra 2 áp lực đối với môi trường. Áp lực thứ nhất, quy mô sản xuất gia tăng đòi hỏi phải sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào được khai thác từ tự nhiên và cung ứng dịch vụ càng mở rộng, càng tác động mạnh mẽ hơn vào môi trường tự nhiên; Áp lực thứ hai, quy mô tiêu dùng ngày càng tăng khiến cho lượng rác thải là bao bì, phụ phẩm và các loại rác thải khác, đặc biệt là ở thể rắn. Hai áp lực này khiến cho môi trường ở nông thôn chịu tác động tiêu cực kép, vừa bị tổn lại do khai thác quy mô lớn vừa bị tồn đọng rác thải rắn do hiệu quả xử lý thấp.

Thứ hai, việc sử dụng chất bảo vệ thực vật, động vật trong sản xuất nông nghiệp chưa được kiểm soát tốt. Sản xuất nông nghiệp bao gồm 3 hoạt động chủ yếu, gồm: chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy, hải sản và trồng trọt. Với lối canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống cộng với sự dễ dãi trong phân phối, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học diễn ra tự phát, thiếu sự kế hoạch và thiếu sự kiểm soát đã khiến cho môi trường nước và đặc biệt là môi trường đất bị ô nhiễm, thoái hóa ngày một nghiêm trọng. Không những thế, việc xử lý các phế phẩm trong nuôi trồng không đảm bảo cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn.

Thứ ba, năng lực thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn thấp. Mặc dù xét cả về mặt diện tích tự nhiên và dân số khu vực nông thôn Việt Nam cao hơn thành thị khoảng hai lần, nhưng năng lực thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải sinh hoạt, đặc biệt là chất thải rắn rất thấp, chưa đáp ứng được lượng chất thải đang tăng lên hàng năm ở khu vực nông thôn. Thậm chí, cho đến nay, nhiều khu vực nông thôn không có dịch vụ thu gom rác thải và khu tập kết rác thải.

Thứ tư, tình trạng phá rừng còn phổ biến. Việc phá rừng đến từ hai nhóm nguyên nhân chính bao gồm: nhóm thứ nhất, nhu cầu tiêu thụ gỗ tự nhiên của một bộ phận người dân cao, thậm chí hình thành nên những trào lưu sưu tầm đồ gỗ tự nhiên tất yếu thúc đẩy lượng cung khai thác gỗ ngày càng lớn; nhóm thứ hai, một bộ phận người dân nông thôn vẫn còn tập quán lệ thuộc vào đời sống tự nhiên và chưa hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung. Do đó, còn xảy ra nhiều hoạt động khai thác rừng tận diệt hay đốt rừng làm nương rẫy.

Thứ năm, năng lực quản lý nhà nước về môi trường của cấp cơ sở còn hạn chế. Các chủ thể quản lý nhà nước về môi trường cả ở phạm vi thẩm quyền chung lẫn thẩm quyền riêng đều được tổ chức thành một hệ thống với thẩm quyền được phân công, phân cấp tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, năng lực quản lý trên thực tế, đặc biệt ở cấp chính quyền cơ sở đối với vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường còn nhiều điểm hạn chế. Cụ thể, hiện nay, công chức Địa chính - Xây dựng và Môi trường được giao chức năng quản lý nhà nước về môi trường tại xã. Theo định biên hiện nay, vị trí này tối đa có 2 công chức. Hầu hết các công chức đang đảm nhiệm vị trí này có trình độ chuyên môn là quản lý đất đai, có rất ít trình độ chuyên môn là quản lý tài nguyên và môi trường, vì chương trình cử nhân này chỉ mới được triển khai đào tạo và một phần vì ưu tiên nội dung về địa chính hơn môi trường. Chính vì thế, xét về vấn đề đào tạo chuyên môn, công chức có bằng quản lý đất đai chủ yếu thực hiện nghiệp vụ quản lý môi trường theo kiểu “tay ngang”.

5. Kết luận

            Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay đang gặp phải cản lực rất lớn từ những vấn đề của môi trường. Trong đó, đáng chú ý với 4 vấn đề chính, mang tính cấp bách hiện nay bao gồm: ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường đất, chất thải rắn nông thôn và biến đổi khí hậu. Sự tác động tiêu cực của các vấn đề trên không chỉ ở các thiệt hại về kinh tế - xã hội và sinh thái môi trường, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Trong sự ảnh hưởng chung đó, mục tiêu xây dựng nông thôn mới cũng chịu sự tác động lớn và trực diện khi không chỉ gánh chịu những thiệt hại về các chỉ tiêu thu nhập, tính ổn định của đời sống xã hội, sự đầy đủ và hiệu quả của hạ tầng, mà còn làm cho diện mạo môi sinh không được đảm bảo.

Những vấn đề môi trường được chỉ ra trong bài viết cùng với nguyên nhân của nó là cơ sở để xác lập các vấn đề của chính sách bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác, đó là sự xác lập các nguyên cớ để chính sách bảo vệ môi trường nông thôn ra đời và định hình các mục tiêu của chính sách này.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) (2018). Báo cáo Thống kê ô nhiễm môi trường Việt Nam. Hà Nội.

[2,3] Tổng cục Thuỷ lợi (2020). Báo cáo tình hình hạn hán và xâm nhập mặn năm 2019 khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hà Nội.

[4] Văn phòng Ban chỉ đạo Trương ương về phòng chống thiên tai (2020). Tóm tắt thiên tai Việt Nam từ đầu năm 2020, Hà Nội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) (2018). Báo cáo Thống kê ô nhiễm môi trường Việt Nam. Hà Nội.
  2. Tổng cục Thủy lợi. (2020). Báo cáo tình hình hạn án và xâm nhập mặn năm 2019 khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hà Nội.
  3. Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) (2018). Báo cáo Ô nhiễm môi trường biển Việt Nam. Hà Nội.
  4. Văn phòng Ban chỉ đạo Trương ương về phòng chống thiên tai (2020). Tóm tắt thiên tai Việt Nam từ đầu năm 2020. Hà Nội.

 

CURRENT ENVIRONMENTAL PROTECTION POLICY ISSUES

IN THE DEVELOPMENT OF NEW-STYLE RURAL AREAS IN VIETNAM

Ph.D student NGUYEN VAN DIEM1

LE THANH HUNG2

1Faculty of Public Policy, Graduate Academy of Social Sciences

2Hanoi University Of Home Affairs

ABSTRACT:

This paper analyzes the concept of environmental protection policy issue, and the practice of environmental protection policies in the development of new-style rural areas in Vietnam and its causes in order to provide scientific data for determining environmental protection policy objectives to meet the targets of new-style rural areas development in the future.

Keywords: policy issue, environment, environmental protection policy, new-style rural areas.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]