Các yếu tố ảnh hưởng tới tín dụng thương mại của doanh nghiệp ngành giao thông vận tải niêm yết ở HOSE và HNX

TRẦN ÁI KẾT (Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của nghiên cứu này, nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng tới tín dụng thương mại của các doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cơ sở dữ liệu sử dụng cho phân tích, là số liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo tài chính theo quí đã soát xét, của 34 doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải đang niêm yết ở HOSE và HNX các năm 2015 - 2016. Phân tích hồi qui dữ liệu bảng theo FEM, đã xác định được các yếu tố ảnh hưởng tới A/R và A/P. Ngoại trừ số năm hoạt động có tác động tích cực; thanh khoản, hàng tồn kho và tài sản cố định cùng có tác động tiêu cực tới A/R. Mặt khác, ngoài qui mô có tác động tích cực; số năm hoạt động, tài sản cố định, tỷ suất sinh lời, thanh khoản và nợ ngân hàng đều tác động tiêu cực tới A/P. Hơn nữa, kết quả hồi qui theo REM xác định số năm hoạt động, ROA, tăng trưởng và nợ ngân hàng là các yếu tố có ảnh hưởng tích cực; trong khi đó qui mô, tài sản cố định và thanh khoản lại có tác động tiêu cực tới NTC của các doanh nghiệp.

Từ khóa: Khoản phải thu, khoản phải trả, tín dụng thương mại ròng, ngành Giao thông vận tải, dữ liệu bảng.

1. Giới thiệu

Tín dụng thương mại (Trade credit) là hình thức tín dụng trong đó người bán (nhà cung cấp) đồng ý cho người mua trả chậm giá trị hàng hóa đã mua trong một khoảng thời gian nhất định (Peterson & Rajan, 1997). Diễn đạt theo ngôn ngữ thuần Việt, tín dụng thương mại (TDTM) là mua/bán chịu (hay mua/bán trả chậm). Theo Nadiri (1969), TDTM được biểu thị là khoản phải thu ngắn hạn từ người mua (Accounts Receivable - A/R) và khoản phải trả ngắn hạn cho người bán (Accounts Payable - A/P) trên bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp (DN).

Vai trò của TDTM đã được luận giải bởi nhiều lý thuyết, trong đó nổi lên 3 lý thuyết được thừa nhận rộng rãi (Peterson & Rajan, 1997): (1) Lý thuyết về lợi thế tài trợ, (2) Lý thuyết phương tiện phân định giá, và (3) Lý thuyết về chi phí giao dịch. Theo đó, nhờ TDTM mà doanh nghiệp không những giảm được chi phí giao dịch vì có thể quản lý tình trạng hàng tồn kho tốt hơn, mà còn giảm sức ép về nhu cầu tài trợ vốn. Hơn nữa, TDTM còn được xem như một phương tiện tài trợ quan trọng của DN, đặc biệt là các DN bị hạn chế tiếp cận tín dụng ngân hàng (TDNH). Bên cạnh đó, TDTM còn được nhìn nhận là phương tiện phân định giá và là phương thức tài trợ tín dụng hiệu quả của nhà cung cấp (người bán), nhờ các lợi thế tài trợ (lợi thế thu thập thông tin, lợi thế điều khiển người mua và lợi thế thu hồi tài sản).

Với các vai trò quan trọng, TDTM từ lâu đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các nhà nghiên cứu thực tiễn về các yếu tố ảnh hưởng tới nó. Kết quả nghiên cứu thực tiễn đã minh chứng TDTM không chỉ là nguồn tín dụng bổ sung phổ biến, mà còn là một bộ phận nguồn vốn tín dụng quan trọng của doanh nghiệp ở mọi qui mô và trong nhiều lĩnh vực ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường. Hơn nữa, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tuy không có sự thống nhất về các yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu và sự tiếp cận TDTM của doanh nghiệp, nhưng đều cho biết TDTM của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố là đặc điểm kinh tế - xã hội của doanh nghiệp (Trần Ái Kết, 2014). Tuy nhiên, các nghiên cứu thực tiễn phổ biến chủ yếu ở các nước phát triển, trong khi nghiên cứu ở các nước đang phát triển còn hạn chế (Ahmed et al. (2014)). Ở Việt Nam, cho tới nay, nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới TDTM của DN được công bố chưa nhiều và chưa có công bố nào về TDTM của DN ngành Giao thông vận tải.

Theo phân ngành kinh tế, giao thông vận tải (GTVT) thuộc nhóm ngành dịch vụ, phân biệt với các ngành sản xuất hàng hóa (Giannetti et al., 2011). Đặc điểm khác biệt của DN GTVT là không sản xuất hàng hóa mà cung cấp dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Hơn nữa, phần lớn tài sản cố định (TSCĐ) của DN GTVT là động sản (các phương tiện giao thông: tàu, xe,… các loại) và hàng tồn kho chủ yếu nhiên liệu (xăng, dầu,…) và phụ tùng thay thế. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, cũng như bất cứ DN nào khác, để hoạt động kinh doanh DN GTVT cần phải có vốn; bên cạnh vốn sở hữu, DN cần bổ sung từ nguồn tín dụng, trong đó có TDTM (A/P). Bên cạnh đó, để đạt được tăng trưởng (doanh thu) trong quá trình hoạt động, DN GTVT cung cấp TDTM (A/R) cho các khách hàng của mình.

Nhằm kiểm chứng các lý thuyết về TDTM trong điều kiện thực tiễn ở nước ta, bài viết này phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới A/R, A/P và TDTM ròng (Net Trade Credit - NTC) của các DN GTVT niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN). Dữ liệu sử dụng cho phân tích là số liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo tài chính hàng quí đã soát xét các năm 2015 - 2016 của 34 DN GTVT đang niêm yết ở HOSE và HNX. Phương pháp OLS gộp (pooled OLS method), phương pháp hiệu ứng cố định (Fixed effects mothod - FEM) và phương pháp hiệu ứng ngẫu nhiên (Random effects mothod - REM) được sử dụng để ước lượng các tham số mô hình hồi qui dữ liệu bảng. Bài viết được cấu trúc bao gồm: (1) Giới thiệu, (2) Lược khảo tài liệu, (3) Phương pháp nghiên cứu, (4) Kết quả nghiên cứu, thảo luận và (5) Kết luận.

2. Lược khảo tài liệu

Cho tới nay, nhiều kết quả nghiên cứu thực nghiệm về TDTM của DN ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển đều xác nhận một số yếu tố ảnh hưởng đến cung TDTM (A/R) cũng như cầu tín dụng thương mại (A/P) và TDTM ròng (NTC) của doanh nghiệp.

Nadiri (1969) nghiên cứu TDTM của các DN sản xuất ở Hoa Kỳ thông qua phân tích dữ liệu theo quí, từ quí 1/1949 tới quí 4/1964. Kết quả phân tích hồi qui mô hình log-linear đã xác định các yếu tố ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê tới TDTM. Qui mô (doanh thu) là yếu tố có tác động rất tích cực (positive) tới A/R và NTC. Bên cạnh đó, qui mô (giá vốn hàng bán) là yếu tố có tác động tích cực tới A/P. Tuy nhiên, doanh thu tác động tới A/R mạnh gấp đôi tác động của giá vốn hàng bán tới A/P. Hơn nữa, thanh khoản (tiền mặt và chứng khoán khả nhượng/nợ ngắn hạn) tác động tiêu cực (negative) tới A/R, nhưng tác động tích cực tới A/P. Kết quả hồi qui cũng xác định các yếu tố ảnh hưởng ở mức có ý nghĩa thống kê tới NTC. Qui mô (doanh thu) có tác động tích cực, trong khi chi phí cơ hội (lãi suất ngân hàng) và thanh khoản lại có tác động tiêu cực. Tuy nhiên, chi phí cơ hội có tác động mạnh hơn so với qui mô.

Petersen & Rajan (1997) nghiên cứu TDTM của 3.404 DN nhỏ, từ dữ liệu khảo sát quốc gia về tài chính doanh nghiệp nhỏ (National Survey of Small Business Finances - NSSBF) ở Hoa kỳ năm 1988 - 1989. Kết quả phân tích OLS gộp cho biết nhiều yếu tố ảnh hưởng có ý nghĩa tới TDTM. Các yếu tố tác động tới A/R (phải thu/doanh thu): Qui mô (tài sản), vay ngân hàng và tăng trưởng doanh thu (cơ hội đầu tư) cùng có tác động tích cực, trong khi tỷ suất sinh lời thuần (lợi nhuận sau thuế/doanh thu) có tác động tiêu cực, bên cạnh đó số năm hoạt động và doanh lợi biên (lợi nhuận gộp/doanh thu) có tác động phi tuyến. Các yếu tố ảnh hưởng tới A/P (phải trả/tài sản): sự sẵn lòng của người bán (cung TDTM), qui mô (tài sản), thanh khoản (tài sản lưu động trừ tiền mặt/tổng tài sản) cùng có tác động tích cực; trái lại, mối quan hệ với người cho vay (định chế tài chính) và tỷ suất sinh lời thuần lại có tác động tiêu cực, trong khi đó số năm hoạt động có tác động phi tuyến.

Vaidya (2011) phân tích dữ liệu giai đoạn 1993 - 2006 của 1.522 công ty ở Ấn Độ để xác định các yếu tố ảnh hưởng tới TDTM. Thông qua phương pháp ước lượng mô men tổng quát (Generalized Method of Moments - GMM), nghiên cứu đã chứng tỏ nhiều yếu tố ảnh hưởng có ý nghĩa (thống kê). Các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới A/R (phải thu/doanh thu): tài sản cố định (tài sản cố định/tổng tài sản), thanh khoản (tiền và chứng khoán khả nhượng/doanh thu) và qui mô (tài sản). Các yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực: Hàng tồn kho (tồn kho/doanh thu), tỷ suất sinh lời (lợi nhuận trước khấu hao và thuế/doanh thu) và vay ngân hàng ngắn hạn (vay ngân hàng/doanh thu). Hơn nữa, kết quả hồi qui cũng cho biết thành phẩm (thành phẩm/doanh thu) có tác động tiêu cực, trong khi bán thành phẩm và nguyên vật liệu (bán thành phẩm và nguyên vật liệu/doanh thu) lại có tác động tích cực tới khoản phải thu. Mặt khác, kết quả hồi qui cũng xác định các yếu tố ảnh hưởng tới A/P (phải trả/doanh thu). Các yếu tố tác động tích cực bao gồm hàng tồn kho, thanh khoản và nợ ngắn hạn ngân hàng. Các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực là qui mô và tài sản cố định. Bên cạnh đó, kết quả hồi qui cũng xác định các yếu tố ảnh hưởng tới NTC (phải thu - phải trả chia cho doanh thu). Qui mô và thanh khoản có tác động tích cực, trong khi hàng tồn kho, tỷ suất sinh lời và nợ ngắn hạn ngân hàng có tác động tiêu cực.

Giannetti et al. (2011) nghiên cứu TDTM của 3.489 DN nhỏ, từ dữ liệu khảo sát quốc gia về tài chính doanh nghiệp nhỏ (National Survey of Small Business Finances - NSSBF) ở Hoa Kỳ năm 1998, giao thông vận tải thuộc nhóm ngành Dịch vụ. Kết quả phân tích OLS gộp cho biết nhiều yếu tố ảnh hưởng có ý nghĩa tới TDTM. Các yếu tố tác động tới A/R (phải thu/doanh thu): qui mô (tài sản) và vay ngân hàng có tác động tích cực; tài sản cố định và khoảng cách tới ngân hàng có tác động tiêu cực. Hơn nữa, ngành Dịch vụ (bao gồm giao thông vận tải) cấp TDTM nhiều hơn ngành sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, kết quả hồi qui cũng xác định nhiều yếu tố ảnh hưởng tới A/P: Qui mô (tài sản), số năm hoạt động và sự bảo hành có tác động tích cực; trong khi tỷ suất sinh lời, tài sản cố định, hạn mức tín dụng ngân hàng và rủi ro tín dụng có tác động tiêu cực. Ngoài ra, ngành Dịch vụ có cầu TDTM thấp hơn ngành sản xuất.

Akinlo (2012) phân tích dữ liệu bảng của 66 công ty phi tài chính niêm yết ở thị trường chứng khoán Nigeria giai đoạn 1999 - 2007, để nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới TDTM. Kết quả phân tích OLS gộp cho biết nhiều yếu tố ảnh hưởng có ý nghĩa tới A/R. Trong đó, vay ngân hàng (vay ngắn hạn/tài sản) và thanh khoản (tiền và chứng khoán khả nhượng/tài sản) có tác động tích cực; tỷ suất sinh lời (Return on assets - ROA), qui mô (doanh thu) và hàng tồn kho (giá trị tồn kho/tài sản) có tác động tiêu cực. Mặt khác, thông qua kiểm định Hausman (Hausman test), nghiên cứu cho biết phương pháp FEM mang lại kết quả tốt hơn phương pháp REM. Kết quả phân tích FEM chỉ xác nhận 2 yếu tố ảnh hưởng xác định tới A/R: Qui mô có tác động tiêu cực và thanh khoản có tác động tích cực. Phân tích hồi qui cũng xác nhận các yếu tố ảnh hưởng tới A/P. Kết quả phân tích OLS gộp cho biết qui mô, hàng tồn kho, tài sản cố định (tài sản cố định/tổng tài sản) cùng có tác động tích cực, trong khi thanh khoản lại có tác động tiêu cực. Kết quả phân tích FEM cũng cho biết hàng tồn kho, tài sản cố định có tác động tích cực, nhưng thanh khoản lại có tác động tiêu cực tới A/P. Kết quả phân tích cũng cho thấy các yếu tố ảnh hưởng tới NTC. Kết quả ước lượng OLS gộp xác nhận hàng tồn kho và tài sản cố định có tác động tiêu cực, trong khi tỷ suất sinh lời và qui mô cũng như thanh khoản cùng có tác động tích cực. Trong khi đó, kết quả ước lượng FEM cho biết ngoại trừ thanh khoản có tác động tích cực, các yếu tố qui mô, hàng tồn kho và tài sản cố định cùng có tác động tiêu cực tới NTC.

Ahmed et al. (2014) phân tích dữ liệu bảng giai đoạn 2005 - 2011 của 399 công ty phi tài chính niêm yết trên TTCK ở Pakistan bằng phương pháp OLS gộp và FEM cũng như REM để xác định các yếu tố ảnh hưởng tới TDTM. Thông qua sử dụng kiểm định F (F test) và kiểm định Hausman (Hausman test) nghiên cứu cho biết phương pháp FEM phù hợp nhất trong các phương pháp sử dụng cho phân tích. Kết quả phân tích hồi qui các yếu tố tác động tới A/R (khoản phải thu/doanh thu) cho biết, ngoại trừ yếu tố hàng tồn kho không xác định trong kết quả OLS gộp, nhiều yếu tố cùng được xác nhận hướng tác động (tích cực/tiêu cực) bởi ước lượng OLS gộp và ước lượng FEM cũng như ước lượng REM. Các yếu tố tác động tích cực: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng trưởng doanh thu. Các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực: Hàng tồn kho (hàng tồn kho/doanh thu), chất lượng sản phẩm (doanh thu/tài sản trừ khoản phải thu), thanh khoản (tài sản thanh khoản/tài sản), qui mô (tài sản). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới A/P (khoản phải trả/doanh thu) bẳng phương pháp OLS gộp và phương pháp FEM cũng như phương pháp REM cùng xác nhận qui mô có tác động tiêu cực, trong khi thanh khoản và tăng trưởng doanh thu cùng có ảnh hưởng tích cực tới A/P.

Santos & Silva (2014) phân tích dữ liệu 11.040 doanh nghiệp công nghiệp ở Bồ Đào Nha giai đoạn 2003 - 2009 bằng phương pháp FEM để xác định các yếu tố ảnh hưởng tới TDTM. Kết quả phân tích hồi qui xác nhận nhiều yếu tố ảnh hưởng tới A/P (phải trả ngắn hạn/doanh thu). Các yếu tố tác động tiêu cực: Số năm hoạt động, khả năng sinh lời (tạo ra dòng tiền nội bộ), tăng trưởng doanh thu, nợ vay ngân hàng (nợ ngân hàng/tài sản). Các yếu tố có ảnh hưởng tích cực: Vốn chủ sở hữu (vốn cổ phần/vốn kinh doanh), thiếu hụt tín dụng chính thức. Bên cạnh đó, qui mô là yếu tố có tác động/quan hệ phi tuyến tới A/P. Phân tích hồi qui cũng cho biết các yếu tố ảnh hưởng xác định tới A/R (phải thu ngắn hạn/tài sản). Số năm hoạt động, doanh lợi biên (lợi nhuận gộp/doanh thu), vốn chủ sở hữu, tăng trưởng doanh thu có tác động tích cực. Bên cạnh đó, khoản phải trả và thiếu hụt tín dụng chính thức là các yếu tố có tác động tiêu cực tới A/R của các công ty được khảo sát.

Trần Ái Kết (2015) thực hiện nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới tín dụng thương mại của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cơ sở dữ liệu được sử dụng cho phân tích là số liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo tài chính các năm 2011 - 2013 của 62 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết ở HOSE và HNX. Phân tích hồi qui OLS cho biết 5 yếu tố có ảnh hưởng ở mức có ý nghĩa thống kê tới khoản phải trả ngắn hạn người bán (A/P). Ngoài tiền và tương đương tiền (thanh khoản) có tác động nghịch; chi phí kinh doanh, hàng tồn kho, doanh thu và lợi nhuận thuần cùng có tác động thuận tới khoản phải trả người bán của các doanh nghiệp được nghiên cứu.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Dữ liệu mẫu nghiên cứu

Số liệu thứ cấp sử dụng cho nghiên cứu chủ yếu được thu thập từ các báo cáo tài chính theo quí (quí 1, quí 2, quí 3 và quí 4) đã soát xét ở các năm 2015 và 2016 của 34 công ty kinh doanh thuộc ngành Giao thông Vận tải đang niêm yết trên HOSE và HNX. Dữ liệu được truy cập trực tiếp từ website của Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (https://www.hsx.vn) và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (http://hnx.vn). Dữ liệu bảng với 272 quan sát (công ty - quí) được sử dụng cho phân tích.

3.2. Mô hình và các biến nghiên cứu

3.2.1. Mô hình nghiên cứu

Với cơ sở dữ liệu bảng, phương pháp hồi qui dữ liệu bảng được sử dụng trong phân tích. Mô hình hồi qui cơ bản có thể được viết như sau (Asteriou & Hall, 2007):

Yit = αi + β11it + β22it +… + βkkit + uit (1)

Trong đó, Yit là biến phụ thuộc biểu thị cho cá thể (DN) thứ i, tại thời đoạn (thời kỳ) thứ t, Xit là véc tơ 1 x k các quan sát trên k biến giải thích cho DN thứ i ở thời kỳ thứ t, β là véc tơ k x l các tham số, uit là nhiễu (disturbance) và được xác định như sau:

uit = µi + vit

Trong đó, µi thể hiện ảnh hưởng cá thể (individual) không quan sát được và biểu thị nhiễu còn lại.

Trên cơ sở tham khảo các mô hình hồi qui của Vaidya (2011), Akinlo (2012), Ahmed et al. (2014) và Santos & Silva (2014), mô hình nghiên cứu cụ thể được xác định như sau:

A/Rit = αi + β1AGEit + β2SIZEit + β3INVit + β4GROit + β5F/Ait + β6ROAit + β7LIQit + β8DEBit + uit (2)

A/Pit = αi + β1AGEit + β2SIZEit + β3INVit + β4GROit + β5F/Ait + β6ROAit + β7LIQit + β8DEBit + uit (3)

NTCit = αi + β1AGEit + β2SIZEit + β3INVit + β4GROit + β5F/Ait + β6ROAit + β7LIQit + β8DEBit + uit (4)

Mô tả các biến nghiên cứu (biến phụ thuộc và độc lập) trong các mô hình (2), (3) và (4) được trình bày ở bảng 1.

3.2.2. Các biến nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu và có thể đối chiếu với các nghiên cứu lý thuyết cũng như các nghiên cứu thực nghiệm sẵn có, các biến của mô hình phân tích sử dụng trong nghiên cứu đã dựa trên cơ sở tham khảo những nghiên cứu được lược khảo. Các biến phụ thuộc và các biến độc lập trình bày khái quát ở bảng 1.

3.2.3. Kiểm định mô hình nghiên cứu

Nhằm đảm bảo mô hình nghiên cứu không có sự vi phạm các giả thiết cơ sở của phương pháp hồi quy (tuyến tính), nghiên cứu sử dụng một số kiểm định cơ bản. Theo Asteriou & Hall (2007), kiểm định đa cộng tuyến có thể được thực hiện bằng kiểm định hệ số tương quan Pearson (Pearson correlation test) thông qua ma trận tương quan; kiểm định tự tương quan thông qua kiểm định Durbin-Watson (D-W test) và kiểm định phương sai sai số thay đổi bằng sử dụng kiểm định White (White heteroskedasticity test).

Kết quả kiểm định hệ số tương quan Pearson (Bảng 3) cho biết, nhìn chung hệ số tương quan giữa các biến độc lập khá thấp (< 0,4), cho biết nhiều khả năng không tồn tại đa cộng tuyến trong mô hình. Hơn nữa, theo Sutaria (2004), hiện tượng đa cộng tuyến không phổ biến đối với dữ liệu bảng. Kết quả kiểm định Durbin-Watson các mô hình nghiên cứu cho biết 1.0<D-W<3.0, theo qui tắc “ngón tay cái” sẽ không tồn tại hiện tượng tự tương quan (Pearson, 2010). Tuy nhiên, kết quả kiểm định White cho thấy giá trị p (Probability) của thống kê LM (Lagrange Multiplier Statistic) = 0,001026 <5%, do đó tồn tại phương sai sai số thay đổi trong mô hình nghiên cứu. Theo Asteriou & Hall (2007), hiện tượng phương sai sai số thay đổi ở mô hình hồi qui tuyến tính, dễ dàng khắc phục bằng sử dụng phương pháp ước lượng của White trên phần mềm Eview (White's method of estimation in Eviews).

Nhìn chung, phân tích hồi qui (tuyến tính) dữ liệu bảng có thể được ước lượng bằng 3 phương pháp: (1) Phương pháp OLS gộp (Pooled OLS), (2) Phương pháp hiệu ứng cố định (FEM) và (3) Phương pháp hiệu ứng ngẫu nhiên (REM). Để lựa chọn giữa Pooled OLS và FEM hoặc REM, kiểm định Fisher (F-test) thường được áp dụng; nếu xác suất của thống kê F < 5% thì ưu tiên FEM hoặc REM, ngược lại nếu xác suất của thống kê F > 5% thì ưu tiên OLS gộp. Bên cạnh đó, kiểm định Hausman (Hausman test) được sử dụng để lựa chọn FEM hay REM. Kiểm định này dựa trên các giả thiết H0: REM là phù hợp, H1: FEM là phù hợp; nếu xác suất của thống kê Hausman < 5% thì bác bỏ H0 và chấp nhận H1, ngược lại nếu xác suất của thống kê Hausman > 5% thì bác bỏ H1 và chấp nhận H0 (Ahmed et al. (2014)).

Kết quả kiểm định sự bằng nhau của các tác động cố định (Redundant fixed effects tests), cho biết xác suất của thống kê F (prob. = 0,0000) nhỏ hơn 1%, nên mô hình OLS gộp bị loại bỏ (Asteriou & Hall (2007). Trên cơ sở thực hiện kiểm định Hausman (Correlated Random Effects - Hausman test), xác suất của thống kê Hausman (Hausman statistic - Chi-squared) trong hồi qui các yếu tố ảnh hưởng tới A/R và A/P nhỏ hơn 5%, nên phương pháp FEM là phù hợp. Tuy nhiên, xác suất của thống kê Hausman trong hồi qui các yếu tố ảnh hưởng tới NTC lớn hơn 10%, nên phương pháp REM lại phù hợp hơn.

4. Kết quả nghiên cứu, thảo luận

4.1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu

Mẫu nghiên cứu bao gồm 34 công ty kinh doanh thuộc ngành GTVT niêm yết ở HOSE và HNX năm 2015 - 2016. Thống kê đặc điểm mẫu nghiên cứu theo các biến nghiên cứu, được trình bày ở Bảng 2.

Số liệu từ Bảng 2 cho biết nhiều thông tin quan trọng về TDTM và đặc điểm của DN GTVT trong mẫu nghiên cứu. TDTM ròng (NTC) trung bình 2 năm 2015 và 2016 đều dương cho biết cung TDTM (A/R) lớn hơn cầu TDTM (A/P) của DN. Trong đó, trung bình tỷ lệ khoản phải thu ngắn hạn từ người mua trên giá trị tài sản (A/R) năm 2015 và năm 2016 lần lượt là 14,6% và 15,1%; trung bình tỷ lệ khoản phải trả ngắn hạn người bán trên tổng nguồn vốn (A/P) năm 2015 và năm 2016 tương ứng 10,4% và 9,5%. Số liệu chứng tỏ vai trò quan trọng của TDTM đối với DN GTVT. Bên cạnh đó, tỷ lệ TSCĐ trên tổng tài sản (F/A) khá cao, trung bình năm 2015 và năm 2016 lần lượt là 42,4% và 41,5%; phần lớn TSCĐ của DN là các phương tiện vận tải (tàu, xe,... các loại). Tuy nhiên, tỷ lệ hàng tồn kho trên giá trị tài sản (INV) khá thấp, trung bình năm 2015 và năm 2016 tương ứng 2,6% và 2,3%; hàng tồn kho chủ yếu là nhiên liệu (xăng, dầu,...) và phụ tùng thay thế các loại. Tài sản thanh khoản (tài sản lưu động trên nợ ngắn hạn - LIQ) không cao, trung bình năm 2015 và năm 2016 lần lượt 82,7% và 148,1%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ vay ngắn hạn ngân hàng trên tổng tài sản khá thấp, trung bình năm 2015 và năm 2016 lần lượt 6,2% và 8,1%. Chính vì vậy, DN GTVT cần bổ sung nguồn vốn ngắn hạn từ TDTM.

Mối quan hệ (tương quan) giữa các biến độc lập (đặc điểm mẫu nghiên cứu) được kiểm định qua ma trận tương quan, kết quả được thể hiện ở Bảng 3.

4.2. Kết quả hồi qui và thảo luận

Phân tích hồi qui các mô hình (2), (3) và (4) theo phương pháp ước lượng của White trên phần mềm Eview được thực hiện. Kết quả phân tích hồi qui theo FEM đối với A/R, A/P và hồi qui theo REM đối với NTC được trình bày ở Bảng 4.

Thông tin từ cột (1) ở Bảng 4, xác định các yếu tố ảnh hưởng tới A/R. Số năm hoạt động có tác động tích cực, phù hợp với kết quả nghiên cứu của Santos & Silva (2014). Theo lý thuyết lợi thế thu thập thông tin, do có sự am hiểu tường tận về lĩnh vực hoạt động của DN qua quá trình giao dịch, nhà cung cấp (người bán) có thời gian hoạt động nhiều hơn, có thể tìm hiểu về mức độ tín nhiệm của khách hàng tốt hơn những người cho vay khác. Hàng tồn kho có tác động tiêu cực, cũng như kết luận của Vaidya (2011), Akinlo (2012) và Ahmed et al. (2014). Tác động này do bởi nhà cung cấp có hàng tồn kho cao sẽ không sẵn lòng cung thêm TDTM, vì họ cần phải có thêm nguồn vốn (Akinlo, 2012). Tài sản cố định (TSCĐ) có tác động tiêu cực, phù hợp với kết luận của Giannetti et al. (2011). Thực tế, vì phần lớn TSCĐ của DN GTVT là động sản (xe, tàu,…) không là tài sản thế chấp phù hợp đối với các định chế tài chính nên bị hạn chế nguồn tài trợ chính thức (TDNH), do đó DN hạn chế cung TDTM (A/R). Thanh khoản cũng tác động tiêu cực tới A/R, phù hợp với kết luận của Nadiri (1969) và Ahmed et al. (2014). Theo lý thuyết chi phí giao dịch và mô hình quản trị hàng tồn kho, DN gặp khó khăn về thanh khoản có xu hướng tăng cường cung TDTM nhằm giảm chi phí giao dịch (chi phí quản lý hàng tồn kho).

Số liệu ở cột (2) trong Bảng 4, cho biết các yếu tố ảnh hưởng xác định tới A/P. Ngoài qui mô (tài sản) có tác động tích cực, các yếu tố khác cùng có tác động tiêu cực. Tác động của qui mô phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nadiri (1969); Petersen & Rajan (1997) và Akinlo (2012). Vì qui mô thể hiện danh tiếng của DN, vì vậy nhà cung cấp thường sẵn lòng cấp TDTM nhiều hơn cho những DN có qui mô lớn hơn (Petersen & Rajan, 1997). Số năm hoạt động có tác động tiêu cực, phù hợp với kết quả nghiên cứu của Santos & Silva (2014). Theo Petersen & Rajan (1997) thời gian hoạt động cho biết uy tín của DN, DN có thời gian hoạt động càng dài càng có uy tín, do đó dễ tiếp cận TDNH và hạn chế sử dụng TDTM. Tỷ suất sinh lời có tác động tiêu cực, phù hợp với kết quả nghiên cứu của Petersen & Rajan (1997) và Santos & Silva (2014); vì DN kinh doanh có hiệu quả dễ tiếp cận TDNH, nên hạn chế sử dụng TDTM. Nợ ngân hàng có tác động tiêu cực, phù hợp với kết quả nghiên cứu của Petersen & Rajan (1997) của Santos & Silva (2014), và cũng phù hợp với lý thuyết thay thế (giữa TDNH với TDTM). Thanh khoản cũng tác động tiêu cực như kết luận của Akinlo (2012), Trần Ái Kết (2015) và phù hợp với lý thuyết chi phí giao dịch. TSCĐ cũng là yếu tố có tác động tiêu cực, trái với kết quả nghiên cứu của Vaidya (2011) và Akinlo (2012); vì phần lớn TSCĐ của DN GTVT là động sản không phù hợp là tài sản thế chấp vay vốn ở định chế tài chính, do đó bị hạn chế tiếp cận TDTM cũng như tiếp cận TDNH.

Hơn nữa, thông tin từ cột (3) ở bảng 4 cũng xác định nhiều yếu tố ảnh hưởng tới NTC. ROA có tác động tích cực, phù hợp với kết quả nghiên cứu của Akinlo (2012); vì DN có khả năng sinh lợi cao, có khả năng tiếp cận TDNH cao, nên cung TDTM và do đó NTC cũng cao. Tăng trưởng cũng có tác động tích cực, vì là yếu tố tác động tích cực tới A/R trong nhiều nghiên cứu (Petersen & Rajan,1997; Ahmed et al., 2014; Santos & Silva, 2014). Số năm hoạt động có tác động tích cực, vì cũng là yếu tố tác động tích cực tới A/R theo nghiên cứu của Santos & Silva (2014). Nợ ngân hàng có tác động tích cực, tuy khác với kết quả nghiên cứu của Vaidya (2011), nhưng phù hợp với kết quả của nhiều nghiên cứu. Vì, DN thuận lợi trong tiếp cận TDNH thường mở rộng cung ứng TDTM (Petersen & Rajan, 1997; Giannetti et al., 2011; Akinlo, 2012) và hạn chế sử dụng TDTM (Santos & Silva, 2014). Bên cạnh đó, các yếu tố tài sản cố định và thanh khoản có ảnh hưởng tiêu cực tới NTC tương tự như ảnh hưởng tới A/R và phù hợp với kết luận của Akinlo (2012) và Nadiri (1969). Qui mô (tài sản) là cũng yếu tố có tác động tiêu cực tới NTC, trái ngược với kết quả nhiều nghiên cứu thực nghiệm, vì tài sản của DN ngành GTVT phần lớn là động sản không phù hợp cho thế chấp để vay vốn ở các định chế tài chính, vì vậy DN bị giới hạn nguồn vốn chính thức và do đó phải hạn chế cấp TDTM dẫn tới giảm TDTM ròng.

5. Kết luận

Nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng tới TDTM của các DN GTVT niêm yết HOSE và HNX. GTVT thuộc nhóm ngành dịch vụ trong phân ngành kinh tế. Đặc trưng của DN GTVT là có tỷ lệ TSCĐ cao, nhưng phần lớn là động sản không thể thế chấp để vay vốn chính thức; bên cạnh đó hàng tồn kho chủ yếu là nhiên liệu chiếm tỷ lệ thấp trong tổng tài sản; hơn nữa thanh khoản thấp và vốn vay ngân hàng của DN chiếm tỷ lệ thấp trong tổng nguồn vốn. Chính vì vậy, cũng như các DN sản xuất hàng hóa, DN GTVT sử dụng TDTM (A/R và A/P) khá cao. Phân tích hồi qui dữ liệu bảng theo FEM đã xác định được các yếu tố ảnh hưởng tới A/R và A/P. Ngoại trừ số năm hoạt động có tác động tích cực; thanh khoản, hàng tồn kho và tài sản cố định cùng có tác động tiêu cực tới A/R. Mặt khác, chỉ qui mô có tác động tích cực; số năm hoạt động, tài sản cố định, tỷ suất sinh lời, thanh khoản và nợ ngân hàng đều tác động tiêu cực tới A/P. Hơn nữa, kết quả hồi qui theo REM xác định số năm hoạt động, ROA, tăng trưởng và nợ ngân hàng là các yếu tố có ảnh hưởng tích cực; trong khi đó, qui mô, tài sản cố định và thanh khoản lại có tác động tiêu cực tới NTC của các DN được nghiên cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Trong nước

1. Trần Ái Kết, 2014, “Vai trò tín dụng thương mại của doanh nghiệp đối với nền kinh tế thị trường”, Tạp chí Tài chính, số 601, trang 52-54.

2. Trần Ái Kết, 2015, “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới tín dụng thương mại của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên tThị trường chứng khoán Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và& Đào tạo Ngân hàng, Số 152 + 153, trang 101-105.

Nước ngoài

1. Asteriou, D. and Hall, S. G., 2007. Applied Econometrics: A Modern Approach Using EViews and Microfit, New York, Palgrave Macmillan.

2. Ahmed, J., Xiaofeng, H., Khalid., 2014, “Determinants of Trade Credit: The Case of a Developing Economy”. European Researcher, 83(9-2): 1694-1706.

3. Akinlo, A.E., 2012, “The determinants of Trade Credit: Evidence from Nigerian Manufacturing Firms”. Economic Journal of A2Z, 1(1): 31-42.

4. Giannetti, M., M. Burkart, and T.Ellingsen. 2011. What You Sell Is What You Lend? Explaining Trade Credit Contracts. Review of Financial Studies, 24(4): 1261-1298.

5. Nadiri, MJ., 1969. The determinants of trade credit in the U.S. total manufacturing sector. Econometrica, 37(3): 408 - 423.

6. Pearson, R. (2010). Statistical Persuasion. Los Angeles: SAGE.

7. Petersen, M. A., & Rajan, R. G., 1997, “Trade credit: theories and evidence”. Review of Financial Studies, 10(3): 661 - 691.

8. Santos, J., & Silva, A., 2014, “The Determinants of Trade Credit: A Study of Portuguese Industrial Companies”. International Journal of Financial Research, 5(4): 128 - 138.

9. Sutaria, V., & Hicks, D. A., 2004. New firm formation: Dynamics and determinants. Annals of Regional Science, 38(2): 241-262.

10. Vaidya, R. R. (2011). The determinants of trade credit: Evidence from Indian manufacturing firms. Modern Economy, 2(5): 707-716.

FACTORS AFFECTING THE TRADE CREDIT OF

TRANSPORTATION COMPANIES LISTED ON HOSE AND HNX

● TRAN AI KET

Can Tho University

ABSTRACT:

The objective of this study was to determine the factors affecting the trade credit of transportation companies listed on Vietnam's stock market. The database used for the analysis is the secondary data collected from the revised quarterly financial reports of 34 transportation companies listed on the HOSE and the HNX for the period 2015 - 2016. The panel data FEM was employed to identify factors affecting the A/R and A/P. Except the positive effect of the years of operation; liquidity, inventory and fixed asset had a negative impact on A/R. In addition to the positive impact of the scale; number of years of operation, fixed asset, profitability ratios, liquidity and bank debt had negative impacts on A/P. Moreover, estimation results from the REM showed that the number of years of operation, ROA, growth and bank debt were factors that positively affected; whereas the scale, fixed asset and liquidity negatively affected NTC of the firms.

Keywords: Receivables, payables, net trade credits, transportation, panel data.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây