Các yếu tố thu hút khách hàng của nhãn hàng riêng tại các siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. PHẠM THỊ TRÚC LY và PGS. TS. LÊ TẤN BỬU (Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT:
Nhãn hàng riêng là một trong những công cụ chiến lược tạo nên sự khác biệt và tạo lợi thế cạnh tranh của siêu thị. Bài nghiên cứu này tập trung phân tích những yếu tố hàng nhãn riêng tác động đến sự thu hút khách hàng mua sắm tại siêu thị là người tiêu dùng Việt Nam. Mô hình nghiên cứu được đề xuất gồm sáu nhân tố biến độc lập tác động đến biến phụ thuộc là Sự thu hút. Thông tin sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát 260 người tiêu dùng mua sắm tại các siêu thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Kết quả phân tích hồi qui cho thấy có 4 (bốn) yếu tố nhãn hàng riêng tác động đến sự thu hút khách hàng tại siêu thị là: Chất lượng cảm nhận, Bao bì, Truyền miệng, và Uy tín nhà sản xuất, trong đó yếu tố Chất lượng tác động mạnh nhất với ?=0,298. Khám phá mới của nghiên cứu này là yếu tố Uy tín nhà sản xuất nhãn hàng riêng (?=0.129) có tác động đến sự thu hút khách hàng mua sắm tại siêu thị.
Từ khóa: Nhãn hàng riêng, siêu thị, sự thu hút khách hàng.

1. Giới thiệu
Nhãn hàng riêng được định nghĩa là một hay nhiều sản phẩm được sở hữu và kiểm soát bởi một tổ chức chịu cam kết kinh tế chính là nhà phân phối (Shutte, 1969; Setheraman & Katharina, 1999). Thương hiệu nhãn hàng riêng là thương hiệu được quản lý và sở hữu bởi một nhà bán lẻ cụ thể (Kumar & Steenkamp, 2007). Theo quan điểm của người tiêu dùng, thương hiệu nhãn hàng riêng cung cấp sản phẩm cạnh tranh với sản phẩm thương hiệu nhà sản xuất dựa trên giá thấp hơn nhờ vào chi phí thấp hơn (Dick & ctg., 1995). Theo truyền thống, người tiêu dùng quan tâm đến giá được xem là những khách hàng điển hình mua nhãn hàng riêng (Kwon & ctg., 2008). Tuy nhiên, ngày nay những thương hiệu này được đòi hỏi bởi nhiều nhóm người tiêu dùng tìm kiếm những thương hiệu có chất lượng với giá phải chăng (Kumar & Steenkamp, 2007; Kwon & ctg., 2008). Và theo triển vọng của nhà bán lẻ, thương hiệu nhãn hàng riêng có tác động sâu sắc đến chiến lược cạnh tranh và sự khác biệt của nhà bán lẻ (Lymperopoulos & ctg., 2010), cải thiện hình ảnh cửa hàng, gia tăng hình ảnh nhà bán lẻ và tạo lòng trung thành khách hàng (Ailawadi & ctg., 2008; Beneke, 2010).
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất nhãn hàng riêng (PLMA, 2016), mức tiêu thụ nhãn hàng riêng đã đạt 22.9% lượng hàng hóa bán ra tại Hoa Kỳ và đạt giá trị khoảng 17.7%. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, giá trị của nhãn hàng riêng chỉ chiếm trung bình là dưới 5%. Tại Việt Nam, nhãn hàng riêng siêu thị bắt đầu được phát triển từ năm 2006 bởi hệ thống siêu thị BigC và vào năm 2007 bởi hệ thống Saigon Coop với nhãn hiệu “SGC”. Hiện nay, có nhiều hệ thống siêu thị trong và ngoài nước đều có sản phẩm nhãn hàng riêng của mình. Đến năm 2016, Saigon Coop đã có hơn 300 mặt hàng và hơn 1500 mã hàng mang thương hiệu “Coopmart”; BigC đã có hơn 1000 mặt hàng tiêu dùng nhanh mang thương hiệu “BIG C”. LotteMart giới thiệu gần 1000 sản phẩm nhãn hàng riêng của chuỗi đến từ Hàn Quốc là “Choice L” và “Choice L save” cũng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Những chuỗi siêu thị khác như Aeon, Satramart đều có phát triển nhãn hàng riêng.
Các nghiên cứu trước đây về nhãn hàng riêng phần lớn xoay quanh các chủ đề so sánh nhãn hàng riêng với các thương hiệu nhà sản xuất (national brands) (Ailawadi, 2001; Cheng & ctg., 2007; Nenycz-Thiel & Romaniuk, 2014), nhận thức và thái độ của người tiêu dùng về nhãn hàng riêng (Beneke, 2010; Fall Diallo & ctg., 2013; Nguyễn Thị Mai Trang, 2015), các yếu tố tác động đến hành vi mua hay quyết định mua nhãn hàng riêng (Wu & ctg., 2011; Jaafar & ctg.,2013), mối quan hệ giữa sử dụng nhãn hàng riêng và lòng trung thành với siêu thị (Corjstens and Lal, 2000; Ailawadi & ctg., 2008; Ipeck, 2016). Chưa có nghiên cứu nào xem xét các yếu tố nhãn hàng riêng tác động đến sự thu hút khách hàng tại siêu thị.
Nghiên cứu này nhằm xem xét các yếu tố liên quan đến nhãn hàng riêng tại siêu thị như chất lượng, giá cả, bao bì, truyền thông,... có tác động như thế nào đến việc thu hút khách hàng tại siêu thị dẫn đến thái độ và hành vi của họ (yêu thích và mua). Do nhãn hàng riêng không phải do nhà bán lẻ sản xuất và người tiêu dùng ngày càng thông minh và cách tân hơn (Nguyễn Thị Mai Trang, 2015), vì vậy mà một yếu tố mới có tác động đến sự thu hút của nhãn hàng riêng là uy tín nhà sản xuất được đưa vào kiểm định. Kết quả nghiên cứu góp phần bổ sung vào lý thuyết hành vi người tiêu dùng trong ngành bán lẻ có phát triển nhãn hàng riêng siêu thị tại các nước đang phát triển và đưa ra hàm ý cho nhà quản trị bán lẻ loại hình siêu thị trong bối cảnh thị trường luôn thay đổi như hiện nay.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Sự thu hút khách hàng và nhãn hàng riêng
Định nghĩa của Webster Dictionary Online ghi rằng: “Sự thu hút là điều gì đó hấp dẫn hoặc thú vị mà con người muốn ghé thăm, muốn xem, hoặc muốn làm hay là điều gì đó thu hút hoặc có ý thu hút con người bằng cách hấp dẫn những mong muốn và thị hiếu của họ”.
Theo Từ điển tiếng Việt, sự thu hút là “lôi cuốn, làm dồn sự chú ý vào”. Hay theo từ điển Cambridge, “sự thu hút là một thứ gì đó làm cho mọi người muốn đến nơi đó hoặc làm một việc gì đó”.
Theo nghiên cứu của Đinh Tiên Minh (2015), các yếu tố thu hút khách hàng đến trung tâm thương mại mua sắm trong đó có: Hàng hóa, Không gian, Nhân viên, An toàn, Quảng cáo, Vị trí, Tiện lợi, Chương trình khách hàng và Chất lượng quản lý. Trong đó, hàng hóa đa dạng chủng loại, chất lượng cao, có thương hiệu yêu thích, thương hiệu nổi tiếng, được trưng bày bắt mắt sẽ thu hút người tiêu dùng. Nhãn hàng riêng là một phần của hàng hóa trong siêu thị và là công cụ cạnh tranh chiến lược của các nhà bán lẻ hiện nay (Liu & Wang, 2008). Nhãn hàng riêng cũng góp phần làm đa dạng hàng hóa trong siêu thị về chủng loại và thương hiệu cũng như giá cả và giá trị cảm nhận của khách hàng tại siêu thị (Kelting & ctg., 2017).
Nghiên cứu này sử dụng lý thuyết hành động hợp lý, các lý thuyết động cơ, lý thuyết tín hiệu, cũng như dựa trên những nghiên cứu trước đó về nhận thức và thái độ của người tiêu dùng đối với nhãn hàng riêng để xem xét mối quan hệ giữa các yếu tố liên quan đến nhãn hàng riêng và sự thu hút khách hàng mua sắm tại siêu thị (về thái độ cũng như về hành vi).
Theo nghiên cứu của Chaniotakis và ctg. (2010), các yếu tố tác động đến ý định mua nhãn hàng riêng là “thái độ của người tiêu dùng”, “yếu tố nội tại” và “yếu tố ngoại vi” của sản phẩm. Yếu tố ngoại vi của sản phẩm bao gồm giá cả cảm nhận, bao bì, hình ảnh cửa hàng, và quảng cáo. Yếu tố nội tại của sản phẩm liên quan đến các đặc điểm của sản phẩm như chất lượng cảm nhận, rủi ro và giá trị cả nhận. Người tiêu dùng thường muốn tối đa hóa lợi ích của sản phẩm và tránh sai sót. Chính vì vậy, chất lượng sản phẩm nhãn hàng riêng đóng vai trò quan trọng khi khách hàng quan tâm đến giá và giá trị. Theo kết quả nghiên cứu của Kanta Worldpanel (2017), người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ và thành phần của sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn trong mua sắm và cập nhật thông tin nhanh hơn nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Họ quan tâm đến giá trị thực mà sản phẩm mang lại. Giá trị cảm nhận về sản phẩm có thể qua trải nghiệm tiêu dùng, uy tín thương hiệu, qua lời giới thiệu từ người quen hay xem từ uy tín nhà sản xuất.
2.2. Mô hình nghiên cứu
Từ những cơ sở lý thuyết đã thảo luận trên đây, các yếu tố nhãn hàng riêng tác động đến sự thu hút khách hàng tại siêu thị dẫn đến thái độ và ý định mua nhãn hàng riêng được đề nghị trong mô hình ở Hình 1 bao gồm: chất lượng cảm nhận, giá cả cảm nhận, bao bì, truyền thông quảng cáo, truyền miệng, uy tín nhà sản xuất. (Hình 1)

2.3. Giả thuyết nghiên cứu
Chất lượng cảm nhận: Theo Hoch & Banerji (1993) và Ailawadi & ctg. (2001), khi nói đến nhãn hàng riêng, chất lượng được cho là quan trọng hơn giá cả. Các nghiên cứu của Chang & Chieng (2006), Ho (2007) và Wu & ctg. (2011) chỉ ra rằng chất lượng cảm nhận tác động một cách có ý nghĩa đến ý định mua của người tiêu dùng. Vì vậy giả thuyết đặt ra là:
H1: Chất lượng cảm nhận nhãn hàng riêng mối quan hệ dương với sự thu hút khách hàng.
Giá cả cảm nhận: Walker (2006) cho rằng các thương hiệu nhãn hàng riêng thường rẻ hơn các nhãn hiệu của nhà sản xuất, do đó, chúng có thể được coi là sản phẩm thay thế cho các nhãn hiệu nhà sản xuất. Munusamy & Wong (2008) chứng minh rằng có mối quan hệ tích cực giữa giá cả và động cơ của người tiêu dùng hướng đến mua sản phẩm nhãn hàng riêng. Từ đó, giả thuyết thứ hai là:
H2: Giá cả cảm nhận nhãn hàng riêng có tác động dương đến sự thu hút khách hàng.
Bao bì: Ampuero & Vila (2006) giải thích tầm quan trọng của bao bì của nhãn hàng riêng, trong quyết định mua của người tiêu dùng, bao bì là yếu tố then chốt và người tiêu dùng thường đánh giá sản phẩm từ các chi tiết được ghi trên bao bì. Vì vậy, giả thuyết H3 đặt ra là:
H3: Bao bì nhãn hàng riêng có tác động dương đến sự thu hút khách hàng
Truyền thông quảng cáo: Quảng cáo giữ vai trò truyền thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm và dịch vụ (Uusitalo, 2001). Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết là quảng cáo của siêu thị có tác động đến sự thu hút của nhãn hàng riêng.
H4: Truyền thông quảng cáo có tác động đến sự thu hút khách hàng
Truyền miệng: Kết quả nghiên cứu của Gelbrich (2011) chỉ ra rằng khi khách hàng hài lòng với việc mua được sản phẩm với giá tốt ở một siêu thị, họ có khuynh hướng giới thiệu (truyền miệng - WOM) với người thân quen về thương vụ tốt mà họ đã có được với tâm trạng tích cực. Điều này cũng tạo cảm giác và ấn tượng tích cực đối với người nghe hay nhận thông tin. Giả thuyết đặt ra khi người tiêu dùng hài lòng về nhãn hàng riêng của siêu thị là:
H5: Truyền miệng tích cực có mối quan hệ cùng chiều với sự thu hút khách hàng
Uy tín nhà sản xuất: Khi chưa biết tới chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng chỉ có thể dựa trên kinh nghiệm đơn giản có sẵn, những tín hiệu để đánh giá chất lượng sản phẩm (Rao & Monroe, 1989). Purohit & Srivastava (2002) sử dụng một khung khái niệm các tín hiệu ảnh hưởng của danh tiếng nhà sản xuất, uy tín của nhà bán lẻ và bảo hành sản phẩm lên sự đánh giá chất lượng của người tiêu dùng. Từ đó, giả thuyết được đặt ra là:
H6: Uy tín nhà sản xuất nhãn hàng riêng có mối quan hệ cùng chiều với sự thu hút khách hàng.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện thông qua hai bước: Nghiên cứu sơ bộ bằng phương pháp định tính và nghiên cứu chính thức bằng phương pháp định lượng. Kết quả nghiên cứu định tính đưa ra bảng câu hỏi gồm 6 biến độc lập có tổng cộng 24 biến quan sát để đo lường sự thu hút của nhãn hàng riêng gồm năm biến quan sát dùng để khảo sát thông tin sơ cấp từ thị trường.
Thang đo cho các biến trong mô hình (Hình 1) được kế thừa từ các nghiên cứu trước đây, cụ thể là: thang đo Sự thu hút kế thừa từ nghiên cứu của Wakefield & Baker (1998); thang đo Chất lượng cảm nhận kế thừa từ thang đo của Grewal & ctg (1998); thang đo Giá cả cảm nhận sử dụng thang đo từ nghiên cứu của Steenkamp & Dekimpe (1997) và Ailawadi & ctg. (2008); thang đo Truyền thông quảng cáo và thang đo Bao bì kế thừa từ nghiên cứu của Jaafar (2013); thang đo Truyền miệng sử dụng thang đo từ nghiên cứu của Gelbrich (2011); và thang đo Uy tín nhà sản xuất kế thừa từ nghiên cứu của Walsh and Beatty (2007).
Điều tra thực tế tại các siêu thị trên địa bàn TP.HCM được thực hiện từ tháng 9/2017 đến tháng 10/2017. Số liệu sau đó được xử lý bằng phương pháp hồi quy tuyến tính bội qua công cụ là phần mềm SPSS.
Mẫu nghiên cứu
Phương pháp chọn mẫu thuận tiện với kích thước mẫu được xác định theo Hair và ctg. (2006). Nghiên cứu được thực hiện thông qua phỏng vấn trực tiếp khách hàng mua sắm tại các siêu thị Coopmart, BigC, Lottemart, Vinmart tại TP.HCM. Hai trăm sáu mươi bảng câu hỏi được phát ra. Kết quả thu về 243 bảng câu hỏi đạt yêu cầu (93,4%), trong đó có 23% đáp viên là nam, 77% người là nữ. Đáp viên có độ tuổi từ 19 đến 30 tuổi chiếm 56%, từ 30 đến 40 tuổi chiếm 27,2% và trên 40 tuổi là 16,8%. Phần lớn đáp viên là người trẻ nên có mức thu nhập còn thấp, cụ thể trong các đáp viên tham gia khảo sát thì có đến 42,8% có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, 34,1% có mức thu nhập trung bình từ 5-10 triệu đồng/tháng và 23,1% có thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.
4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Đánh giá độ tin cậy thang đo
Các thang đo khái niệm nghiên cứu trước tiên được đánh giá bằng hệ số tin cậy Cronbachs Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA). Kết quả cho thấy Cronbachs Alpha của các thang đo đều đạt yêu cầu (a>0,6) và số biến quan sát còn lại là 27. Phân tích nhân tố khám phá (EFA) có kết quả là hệ số KMO=0,843 (0,5<KMO<1), kiểm định Barlett có mức ý nghĩa Sig.= 0,000 cho thấy phân tích nhân tố là thích hợp. Biến quan sát BB4 có hệ số tải nhân tố nhỏ hơn 0,5 nên bị loại ra khỏi mô hình. Kết quả EFA cho thấy 6 nhân tố trích giải thích được 66,362% phương sai các biến quan sát tại Eigen value là 1,025. Do vậy, thang đo rút ra là chấp nhận được, mô hình nghiên cứu không thay đổi, bao gồm 6 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc và được sử dụng cho phân tích hồi quy tuyến tính bội.
4.2. Kiểm định giả thuyết
Mô hình hồi quy tuyến tính bội được sử dụng để kiểm định giả thuyết của mô hình và được thực hiện bằng phương pháp Enter. Kết quả tại Bảng 1 cho thấy mối liên hệ giữa bốn biến chất lượng cảm nhận, bao bì, truyền miệng và uy tín nhà sản xuất với biến phụ thuộc Y là sự thu hút đều có giá trị Sig. <0,05. Riêng hai biến giá cả cảm nhận và truyền thông có giá trị Sig. lần lươt là 0,301 và 0,952 (>0,05), điều này thể hiện chúng không có ý nghĩa thống kê đối với Y. Vì vậy, hai biến này sẽ bị loại ra khỏi mô hình để chạy hồi quy tuyến tính lần 2. (Bảng 1)

Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính bội được thực hiện lần hai được thể hiện ở Bảng 2. Hệ số R2 hiệu chỉnh là 0,417, nghĩa là khoảng 41,7% biến thiên của sự thu hút có thể được giải thích bởi sự khác biệt của bốn thành phần, đó là: Chất lượng, Bao bì, Truyền miệng, Uy tín nhà sản xuất. Phần còn lại là 58,3% biến thiên của sự thu hút được giải thích bởi các biến số khác ngoài mô hình và phần dư. (Bảng 2)

Mô hình hồi quy tuyến tính cuối cùng được biểu thị như sau:
Y = 0,298CL + 0,238BB + 227TM + 0,129SX
Trong đó:
Y: Sự thu hút; CL: chất lượng cảm nhận; BB; Bao bì; TM: Truyền miệng; SX: Uy tín nhà sản xuất.
Kết quả kiểm định mô hình cho thấy có bốn trong sáu giả thuyết được ủng hộ, đó là H1, H3, H5 và H6. Hai giả thuyết H2 và H4 là ảnh hưởng của giá cả cảm nhận và truyền thông đến sự thu hút bị bác bỏ.
5. Kết luận và hàm ý quản trị
5.1. Kết luận và thảo luận kết quả nghiên cứu
Theo kết quả nghiên cứu, 41,7% biến thiên của sự thu hút khách hàng tại siêu thị được giải thích bởi yếu tố liên quan đến nhãn hàng riêng, đó là: chất lượng cảm nhận, bao bì, truyền miệng tích cực và uy tín của nhà sản xuất sản phẩm nhãn hàng riêng với mức độ tác động theo thứ tự như sau:
Chất lượng cảm nhận nhãn hàng riêng có tác động mạnh nhất với hệ số ?= 0,289 (p<0,05). Điều này cho thấy mặc dù khách hàng quan tâm đến nhãn hàng riêng là khách hàng nhạy cảm về giá, tuy vậy, họ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm. Zeilke & ctg. (2011) đã chỉ ra rằng giá tốt phải đi kèm với chất lượng để tối đa giá trị cho khách hàng, từ đó sẽ thu hút họ đến mua sắm và làm gia tăng lòng trung thành của họ. Nếu khách hàng thực sự quan tâm đến giá thì họ sẽ không trung thành với một siêu thị nếu như không có tiêu chí khác cho họ thấy được giá trị có được khi mua sản phẩm nhãn hàng riêng. Chính vì vậy, trong nghiên cứu này, H2 bị bác bỏ cũng nói lên một điểm mới trong hành vi mua nhãn hàng riêng của khách hàng tại siêu thị.
Bao bì nhãn hàng riêng là yếu tố ảnh hưởng mạnh thứ hai trong mô hình, nghĩa là khi bao bì nhãn hàng riêng tăng một điểm thì sự thu hút khách hàng tại siêu thị tăng 0,238 điểm. Theo Underwood & ctg. (2001), bao bì sản phẩm là một công cụ dùng để “branding” một thương hiệu nào đó. Khoảnh khắc đầu tiên mà khách hàng bị thu hút đó chính là bao bì. Khi dùng hình ảnh bao bì tốt thì có thể thu hút sự chú ý của khách hàng và sự kỳ vọng về chất lượng bên trong của sản phẩm đó.
Truyền miệng (WOM): Có tác động mạnh thứ ba đến sự thu hút khách hàng với ?= 0,227 (p<0,05). Theo Gelbrich (2011), trải nghiệm mua sắm của khách hàng cho họ cảm xúc tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là chất lượng mối quan hệ giữa khách hàng và khách hàng khác và sự thuận lợi về giá cả mua sắm. Nếu như khách hàng cảm nhận được giá trị có được khi mua và sử dụng nhãn hàng riêng, họ cảm thấy hài lòng và chia sẻ kinh nghiệm này cho người thân, bạn bè, hay những khách hàng khác tại siêu thị. Hành động này có thể gây hiệu ứng tốt cho những khách hàng khác làm cho họ tìm mua và sử dụng nhãn hàng riêng.
Một điểm mới trong nghiên cứu này là uy tín nhà sản xuất nhãn hàng riêng có ảnh hưởng đến sự thu hút khách hàng tại siêu thị, yếu tố này có hệ số ?= 0,129. Tương tự như uy tín nhà bán lẻ, danh tiếng nhà sản xuất là một yếu tố quan trọng đối với khách hàng. Do vậy, các nhà bán lẻ nên duy trì và bảo vệ danh tiếng của mình bằng cách kiểm tra, giám sát các nhà sản xuất gia công để luôn có sản phẩm chất lượng tốt phục vụ khách hàng.
5.2. Hàm ý quản trị
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, một số kiến nghị được đề xuất cho các nhà quản trị và điều hành các siêu thị đặc biệt các nhà quản trị siêu thị có phát triển nhãn hàng riêng, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và giành lấy sự ủng hộ của khách hàng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nhà quản trị nên đầu tư cho chất lượng sản phẩm nhãn hàng riêng, làm thay đổi suy nghĩ nhãn hàng riêng có chất lượng thấp vì giá thấp của người tiêu dùng. Để khách hàng cảm nhận được chất lượng sản phẩm nhãn hàng riêng, nhà quản trị nên tăng cường hoạt động cho khách hàng dùng thử sản phẩm hay trải nghiệm sản phẩm. Goldsmith & ctg (2010) có kiến nghị nhà quản trị siêu thị nên sử dụng mẫu thử của nhãn hàng riêng đính kèm với nhãn hàng của nhà sản xuất nổi tiếng. Cách làm này cũng để cho người tiêu dùng so sánh chất lượng của nhãn hàng riêng so với các sản phẩm thương hiệu nhà sản xuất, từ đó thay đổi cảm nhận của người tiêu dùng về chất lượng nhãn hàng riêng.
Thứ hai, nhà quản trị siêu thị nên đầu tư cải thiện bao bì nhãn hàng riêng, làm cho người tiêu dùng có một cái nhìn thật mới, thật ấn tượng về nhãn hàng riêng cũng giống như những thương hiệu khác, hoặc thậm chí còn tốt hơn. Mặc dù theo kết quả nghiên cứu này, mối quan hệ giữa truyền thông quảng cáo nhãn hàng riêng và sự thu hút khách hàng không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, theo tác giả, thực tế là do các nhà quản trị siêu thị chưa đầu tư quảng cáo cho sản phẩm nhãn hàng riêng. Do đó, tác giả khuyến nghị nhà quản trị siêu thị nên kết hợp đổi mới bao bì nhãn hàng riêng và đầu tư cho hoạt động quảng cáo với mục đích làm cho nhiều người tiêu dùng biết đến nhãn hàng riêng và cảm nhận tốt hơn về nhãn hàng riêng trước tiên thông qua bao bì sản phẩm.
Thứ ba, truyền miệng (WOM) có tác động tích cực đến sự thu hút khách hàng tại siêu thị. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến giá mà còn quan tâm đến giá trị khi mua sản phẩm nhãn hàng riêng. Nhà quản trị siêu thị nên tạo cho người tiêu dùng có được trải nghiệm tích cực khi mua và tiêu dùng nhãn hàng riêng như cho dùng thử sản phẩm như đã nêu trên, tặng phiếu mua hàng khi giá trị mua sản phẩm nhãn hàng riêng lên đến 500.000 đồng, tặng kèm sản phẩm, cung cấp thông tin rõ ràng về nhãn hàng riêng...
Thứ tư, nhãn hàng riêng có lợi thế về giá so với các sản phẩm thương hiệu nhà sản xuất. Theo kết quả nghiên cứu này, uy tín nhà sản xuất nhãn hàng riêng có tác động dương đến sự thu hút khách hàng tại siêu thị. Danh tiếng và uy tín của nhà sản xuất hay nhà bán lẻ làm cho người tiêu dùng an tâm về chất lượng sản phẩm. Do đó, nhà quản trị siêu thị nên cân nhắc, lựa chọn những đối tác chiến lược có uy tín để phát triển nhãn hàng riêng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và tạo giá trị trải nghiệm mua sắm tốt cho người tiêu dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ailawadi, K. L., Pauwels, K., & Steenkamp, J. B. E. (2008). Private-label use and store loyalty.Journal of Marketing,72(6), 19-30.
2. Ampuero, O., & Vila, N. (2006). Consumer perceptions of product packaging.Journal of consumer marketing,23(2), 100-112.
3. Chaniotakis, I. E., Lymperopoulos, C., & Soureli, M. (2010). Consumers' intentions of buying own-label premium food products. Journal of Product & Brand Management,19(5), 327-334.
4. Đinh Tiên Minh, 2016. Các yếu tố quyết định sự thu hút khách hàng mua sắm của các trung tâm thương mại: Trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh: Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
5. Gelbrich, K. (2011). I have paid less than you! The emotional and behavioral consequences of advantaged price inequality. Journal of Retailing,87(2), 207-224.
6. Goldsmith, R. E., Flynn, L. R., Goldsmith, E., & Stacey, E. C. (2010). Consumer attitudes and loyalty towards private brands. International Journal of consumer studies,34(3), 339-348.
7. Grewal D, Krishnan R, Baker J, Borin N. (1998). The effect of store name, brand name and price discounts on consumers evaluations and purchase intentions. Journal of Retailing 74(3): 331–352.
8. Jaafar, S. N., Lalp, P. E., & NABA, M. (2013). Consumers Perceptions.Attitudes and Purchase Intention towards Private Label Food Products in Malaysia. Asian Journal of Business and Management Sciences. Vol. 2 No. 8, 73-90.
9. Nguyễn Thị Mai Trang, 2015. Nhận thức và thái độ của người tiêu dùng đối với nhãn hàng riêng tại Việt Nam. Tạp chí Phát triển Khoa học & Công nghệ, Tập 18(3), pp. 93-104.
10. Purohit, D., & Srivastava, J. (2001). Effect of manufacturer reputation, retailer reputation, and product warranty on consumer judgments of product quality: A cue diagnosticity framework.Journal of Consumer Psychology,10(3), 123-134.
11. Steenkamp, J. B. E., & Dekimpe, M. G. (1997). The increasing power of store brands: Building loyalty and market share. Long range planning,30(6), 917-930.
12. Underwood, R. L., Klein, N. M., & Burke, R. R. (2001). Packaging communication: Attentional effects of product imagery. Journal of product & brand management,10(7), 403-422.
13. Walker J (2006). Bye-Bye Big Brands, J. Mark. 28 (17): 23.
14. Zeithaml, V. A. (1988). Consumer perceptions of price, quality, and value: A means-end model and synthesis of evidence. The Journal of marketing, 2-22.

FACTORS ATTRACTING CUSTOMERS OF PRIVATE LABELS AT SUPERMARKETS IN HO CHI MINH CITY

MA. PHAM THI TRUC LY
School of International Business – Marketing,
University of Economics of Ho Chi Minh City
Assoc. Prof. PhD. LE TAN BUU
School of International Business – Marketing,
University of Economics of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:
Retailers employ private labels as a strategic tool to create a differential image for the store and enhance the competinveness. This paper focuses on analyzing the influence of private label factors on the consumer attraction of the supermarkets in Vietnam. The research model has six independent variables and one dependent variable (customer attraction). The survey is conducted at supermarkets in Ho Chi Minh City with 260 respondents who are private label consumers. The results of regression analysis reveal four factors affecting the consumer attraction are perceived quality, packaging, word-of-mouth and manufacturer reputation.
Keywords: Private labels, supermarket, customer attraction.