Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế Việt Nam

Ngày 29/8/2018, tại Hà Nội, ngày 29/8/2018 tại Hà Nội, Trường Đại học Thương mại cùng 4 trường Đại học khác tại Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) đã đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế thường niên
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px}

Hội thảo là chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác về khoa học công nghệ giữa Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, Trường Đại học Toulons (Cộng hòa Pháp) và trường Đại học Khoa học và Công nghệ Long Hoa (Đài Loan). Sự kiện có sự tham gia của hàng trăm đại biểu là đại diện các Bộ, Ban ngành, các nhà khoa học, cán bộ quản lý kinh tế và hoạch định chính sách, giảng viên các trường Đại học, Viện Nghiên cứu trong và ngoài nước cùng đại diện nhiều doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại chia sẻ, sau ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn trong lịch sử, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân toàn cầu, làm thay đổi căn bản cách thức sinh hoạt, làm việc và sản xuất, kinh doanh của con người.

Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Loan, cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời trên cơ sở nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, không chỉ đặt trọng tâm ở các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ người máy, internet kết nối vạn vật (IoT), mà còn là làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự dung hợp của các công nghệ này, nhờ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể.

“Các công nghệ mới nổi và sự đổi mới trên diện rộng được khuếch tán nhanh hơn và rộng rãi hơn so với những lần trước. Mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất và quản trị trên toàn thế giới.” PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Loan nhận định.

PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại đưa ra nhiều nhận định về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng

Đảng và Nhà nước ta trong thời gian vừa qua rất quan tâm đến cách mạng công nghiệp 4.0, thể hiện qua nhiều bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước; chương trình nghị sự Hội nghị Trung ương 5 khóa XII; đặc biệt Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg (5/2017) về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó nêu rõ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan toả của số hoá và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, và đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

Tuy nhiên, theo đại diện Trường Đại học Thương mại, đến nay, nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 trong cán bộ, đảng viên, trong các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và trong xã hội nói chung còn hạn chế, chưa có những nghiên cứu khoa học một cách hệ thống về bản chất, tác động cũng như thời cơ, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp này. Bên cạnh những lợi ích to lớn nêu trên, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức, rủi ro mới.

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đây có thể coi là một “cơ hội vàng” để đi tắt đón đầu công nghệ, ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu của nền kinh tế. Từ đó giúp thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những nước đi trước trong khu vực và thế giới thông qua tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất, quản lý những tiến bộ, thành tựu khoa học & công nghệ. 

Để đạt được mục tiêu đó, vai trò và ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 cần được nghiên cứu thấu đáo để nhận dạng rõ những cơ hội và thách thức to lớn của cuộc cách mạng này ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau, qua đó đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm vượt qua các thách thức cũng như tận dụng các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế Việt Nam” năm 2018 do Trường Đại học Thương mại đăng cai tổ chức là diễn đàn khoa học quốc tế thường niên để các nhà quản lý kinh tế, nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về nhiều vấn đề xung quanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ban tổ chức cũng cho biết, hơn 100 bài tham luận gửi về từ nhiều chuyên gia tại Việt Nam, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc,… đã được tập hợp thành tài liệu nghiên cứu cung cấp thông tin và góc nhìn đa chiều hơn về cách mạng công nghiệp 4.0 cùng tác động của nó lên nền kinh tế, góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp vượt qua các thách thức cũng như tận dụng các cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế thường niên với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế Việt Nam”