Cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ hài lòng của người lao động

Được thực hiện bởi Trung tâm Năng suất Nhật Bản (JPC) hợp tác với Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Dự án Cải tiến để phát triển bền vững (WISE

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Thưa ông, tại sao dự án lại chọn “nâng cao mức độ hài lòng” để triển khai việc “Cải tiến để phát triển bền vững”?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng năng suất lao động (NSLĐ) quá thấp. Trong quá trình giải quyết vấn đề NSLĐ của người Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản và chuyên gia Việt Nam đã cùng ngồi lại xem xét cách tiếp cận của mình trong việc triển khai các dự án về năng suất chất lượng. Có thể thấy năng suất chất lượng của doanh nghiệp có thể bị tác động từ nhiều yếu tố, nhưng trong đó có yếu tố là sự tham gia của người lao động. Muốn thực hiện thành công thì người lao động phải tích cực tham gia cải tiến. Mà muốn người lao động hưởng ứng tham gia thì trước tiên, họ phải hài lòng trong công việc. Bởi nếu không hài lòng, những gì lãnh đạo nói người lao động không thực hiện, hoặc thực hiện một cách miễn cưỡng, thấy rõ ràng công cụ có thể cải tiến nhưng không thực hiện. Như vậy, việc cải tiến của doanh nghiệp thu được kết quả rất thấp.

Với dự án này, chúng tôi đặt vấn đề song song với việc cải tiến sẽ tập trung vào nâng cao sự hài lòng của người lao động. Khi tất cả mọi người đều vui vẻ, đồng lòng quyết tâm để cải tiến, chúng tôi tin rằng khả năng thành công sẽ cao hơn.

Và qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy, nhìn chung hiện nay doanh nghiệp bắt đầu quan tâm nhiều đến vấn đề làm sao để cải thiện tốt hiện trạng của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công việc, cũng như nâng cao NSLĐ và giảm thiểu lãng phí.

Đối tượng doanh nghiệp nào có thể tham gia Dự án này và tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp có gì đặc biệt?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Dự án có qua quá trình sàng lọc trên cơ sở danh sách các doanh nghiệp đăng ký tham gia. Trước tiên đây là những doanh nghiệp đã từng áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO và các công cụ cải tiến năng suất khác. Thứ đến là doanh nghiệp phải có vốn đối ứng nhất định với dự án và phải cam kết thực hiện đến khi đạt kết quả. Đây là điều rất quan trọng, chỉ khi quyết tâm thực hiện đến cùng thì mới có thể gặt hái thành công.

Cuối cùng là nhóm chuyên gia sẽ đến khảo sát tại các doanh nghiệp để xem doanh nghiệp có khả năng cải tiến hay không? Bởi vì những chương trình này cần kết quả cải tiến rất rõ ràng. Các doanh nghiệp đáp ứng sẽ được lựa chọn để triển khai. Và Dự án đã tổ chức đợt trao chứng chỉ đầu tiên là ngày 13/4/2017 cho 04 doanh nghiệp là Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị, Công ty TNHH Trần Thành, Bệnh viện Bắc Thăng Long và Bệnh viện Đa khoa Đông Anh.

Doanh nghiệp khi thấy các kết quả ban đầu thì đều rất phấn khởi và mong muốn tiếp tục được sự hỗ trợ để triển khai mở rộng qui mô dự án. Đây là điều rất mừng và chúng tôi sẽ cố gắng để có thể tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong khả năng của mình.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị đã nâng cao năng suất chất lượng nhờ quan tâm tới cải thiện môi trường làm việc và nâng cao độ hài lòng của người lao động. Nguồn: Báo ảnh VN

Trong quá trình triển khai tại 04 doanh nghiệp này các chuyên gia Dự án có gặp khó khăn gì?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Khi mới triển khai Dự án, chúng tôi có gặp khó khăn do văn hóa hai nước khác nhau. Đối với Nhật Bản thường họ chỉ xuống xác định vấn đề, chỉ ra và kiến nghị các giải pháp, sau đó bản thân doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm giải pháp để thực hiện. Nhưng đối với Việt Nam chúng ta lại chưa có thói quen đó. Do vậy, các chuyên gia Nhật Bản gặp khó khăn ở chỗ khi đưa ra các khuyến nghị thì việc thực thi rất kém.

Sau đó, chuyên gia hai nước đã cùng vào cuộc hỗ trợ nhau trong phương pháp làm việc sao cho phù hợp tập quán, thói quen của doanh nghiệp Việt Nam. Lúc đó dự án mới vượt qua được khó khăn để đạt đến kết quả.

Làm thế nào để đo được sự hài lòng của người lao động trong một doanh nghiệp và chắc chắn rằng kết quả đó là khách quan?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi có bộ tiêu chí để khảo sát người lao động và cách đánh giá hoàn toàn không công khai, họ hoàn toàn chủ động nêu ý kiến của mình mà không sợ bị chủ doanh nghiệp biết do việc khảo sát do phía các chuyên gia đảm nhiệm.

Vậy bài học kinh nghiệm từ Dự án này là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi phải thừa nhận một điều, qua khảo sát sau dự án thì sự hài lòng của người lao động trong các doanh nghiệp tham gia dự án cải thiện lên không nhiều, thậm chí có doanh nghiệp còn tụt đi một chút. Chúng tôi đã phân tích và thấy rằng, dự án đã tập trung cải tiến lợi ích cho doanh nghiệp, đạt kết quả rất rõ nét. Mà để đạt được kết quả này, người lao động đóng vai trò quan trọng, họ mất công cải tiến, tuy nhiên, doanh nghiệp lại chưa chú trọng lợi ích của người lao động, chưa có chế độ khen thưởng hợp lý, nên họ không thấy hài lòng hơn.

Chúng tôi đã trao đổi với doanh nghiệp, khi kết quả mang lại rõ thì phải chia sẻ lợi ích cho người lao động. Vì người lao động không tự nhiên mà hài lòng lên, khi công việc thuận lợi hơn, lợi ích cao hơn họ sẽ hài lòng hơn.

Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng tuyên truyền việc đồng lòng chia sẻ của chủ doanh nghiệp với người lao động nhiều hơn. Khi người lao động làm tốt, doanh nghiệp khuyến khích động viên và có khen thưởng kịp thời, đó chính là cách để khiến người lao động hài lòng nhanh nhất.

Kết quả của các dự án phụ thuộc khá nhiều vào trình độ của các chuyên gia tư vấn. Trong khi Việt Nam còn rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng suất chất lượng. Chúng ta khắc phục tình trạng này như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Từ khi có hợp tác chính thức Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực năng suất chất lượng thông qua các dự án của JICA thì chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc đào tạo các chuyên gia tư vấn thông qua chính các dự án. Đây là khóa thứ 3, mỗi khóa có 25 chuyên gia là nguồn lực ban đầu rất quý cho công tác triển khai các hoạt động năng suất chất lượng tại Việt Nam, là hạt nhân nòng cốt cho việc đào tạo nguồn nhân lực sau này. Bởi sau đào tạo, các học viên đều đủ khả năng thực hiện các dự án cải tiến, tập trung vào cải tiến hoặc giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp.

Việc đào tạo chuyên gia cũng có điểm khác biệt. Trước đây thường đưa ra một hệ thống, một công cụ nào đấy, nói doanh nghiệp làm đi. Còn cách làm hiện nay là xác định ra vấn đề của doanh nghiệp là gì? Cùng với doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp để thực hiện. Cách này được doanh nghiệp hưởng ứng tốt hơn.

Tôi tin rằng, trong tương lai không xa, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động triển khai các dự án năng suất chất lượng từ nguồn chuyên gia “made in Vietnam”.

Trân trọng cảm ơn ông!