Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn

 

Lực đẩy cho thương mại miền núi, hải đảo

Phát triển thương mại miền núi, hải đảo là nội dung trọng tâm tại Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022, do Bộ Công Thương tổ chức.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, qua 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.

Thứ trưởng nhấn mạnh, “Đến nay, chúng ta đã tạo ra những nền tảng căn bản cho phát triển thương mại miền núi và hải đảo. Song, những thách thức từ xung đột địa chính trị, từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu, đã tác động đáng kể đến các chuỗi cung ứng, đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ hơn.

Tháng 7 năm 2021, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định 1162/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, với những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, ứng dụng thương mại điện tử, khuyến khích tham gia vững chắc vào tiến trình hội nhập đối với khu vực miền núi, hải đảo; tạo ra động lực mạnh mẽ phát triển hàng hóa có thương hiệu của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước”.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế

Sau hơn 3 giờ làm việc với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, có trách nhiệm, các đại biểu đã nghe Báo cáo tình hình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, hải đảo; xem video clip về hoạt động của Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và các doanh nghiệp trong kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đánh giá về các hoạt động trong thời gian qua; qua 2 phiên thảo luận về xây dựng chính sách đặc thù, về thực tiễn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại vùng núi, hải đảo, và phát biểu của các đại biểu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có bài phát biểu kết luận.

Phát triển thương mại miền núi, hải đảo là trọng tâm tại 2 phiên thảo luận
Phát triển thương mại miền núi, hải đảo là trọng tâm tại 2 phiên thảo luận

 

Thứ trưởng nhấn mạnh: Từ góc độ Bộ Công Thương, qua ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương, như đồng chí Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và đặc biệt là qua hai phiên thảo luận, về phía Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất là Bộ Công Thương sẽ giao cho các đơn vị, đầu mối là Vụ Thị trường trong nước rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa có thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất tại các khu vực này.

Thứ ba, chú trọng tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của khu vực qua biên giới.

Thứ tư, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối để tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tiếp tục kết nối đưa hàng hóa là lợi thế của các khu vực này vào các kênh phân phối trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Thứ năm, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Đây cũng là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong trong phát biểu của mình đã đề cập.

Thứ sáu, tiếp tục đề xuất với Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này. Trước nay cũng đã có, nhưng Bộ Công Thương thấy rằng cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích mạnh hơn nữa để có đủ lực hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong phát triển thương mại miền núi, hải đảo.

Và cuối cùng, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương hàng năm cần quan tâm hơn nữa và bố trí một phần kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, qua phát biểu của các địa phương và nhất là của ông Phạm Đức Toàn, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong tại Diễn đàn cho thấy rằng, chúng ta cần đầu tư hơn nữa, quan tâm hơn nữa, nhất là phần kinh phí từ Chính phủ và nguồn địa phương để thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.