nông sản
Đăk Nông là địa phương có thế mạnh về cây công nghiệp và hàng nông sản.

 

Nông dân thua thiệt

Một số tỉnh phía Nam và Tây Nguyên như Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng là những địa phương có thế mạnh về cây công nghiệp và hàng nông sản. Nhưng khi đề cập tới “cây, con” trên địa bàn, phần lớn các chuyên gia tại địa phương đều  bày tỏ sự hẫng hụt so với kỳ vọng. Với Bình Phước, sản lượng hồ tiêu khoảng 30 ngàn tấn, nhưng năm rồi chỉ thu mua được 5-7 ngàn tấn, số còn lại nông dân tự phải tìm cách tiêu thụ. Tại Đăk Nông, nông sản xuất khẩu của tỉnh phần lớn sơ chế, giá trị gia tăng không cao. Còn tại Lâm Đồng, địa phương có thành phần nông sản xuất khẩu đứng đầu cả nước, nhưng tỉ lệ xuất khẩu nông sản so với tổng giá trị sản lượng vẫn thấp, chỉ khoảng 18-20%.

Cuối cùng, nông dân vẫn là người thua thiệt. Vấn đề cơ bản nhất là do “thông tin bất đối xứng”, bên mua (đầu mối thu mua) thường nắm nhiều thông tin hơn về giá cả, nguồn cung, nhu cầu. Còn bên bán (nông dân) vẫn là bên yếu thế khi dự đoán nhu cầu thị trường, nên phần lớn giá cả và phương thức giao dịch do bên mua quyết định.

Nông dân không chỉ chịu thua thiệt về giá thấp, mà đáng quan tâm hơn, đã xuất hiện trạng thái tâm lý bất an, tính bấp bênh của mùa vụ nông sản. Vì thế, mới xảy ra tình trạng người nông dân chặt cây này để trồng cây khác; chạy đua theo thời gian, thấy “cây, con” gì đang cho lãi tranh thủ làm ngay với kỳ vọng hớt được những lớp “váng” đầu tiên trước khi bị bão hòa. Cái vòng luẩn quẩn này đang tạo nên hiện tượng “được mùa mất giá” nhiều năm nay. Ví dụ điển hình nhất là, theo quy hoạch, đến 2020 Đăk Nông có diện tích hồ tiêu 15 ngàn ha, nhưng thực tế, đến nay đã đạt trên 34 ngàn ha.

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm hơn 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. 95% khối lượng hạt tiêu của Việt Nam dùng cho xuất khẩu, còn lại 5% tiêu thụ ở thị trường trong nước. Giá hồ tiêu đạt cao điểm vào năm 2015 và năm 2016, trung bình ngoại tệ thu về từ 8000-9500USD/tấn hồ tiêu xuất khẩu. Từ sau năm 2016, giá hồ tiêu liên tục lao dốc, nên người trồng hạn chế hoặc không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh, hệ quả là năng suất, chất lượng kém, hiệu quả thấp. Đến năm 2019-2020, trung bình mỗi tấn hồ tiêu xuất khẩu chỉ thu về 2300- 2500 USD. Với mức giá này, những hộ trồng hồ tiêu gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu.

Dù “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”, thì nông dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi nhất do “thông tin bất đối xứng” - họ không làm chủ được thông tin như các đầu mối thu mua.

Phương thức thương mại mới

Ngoài cân đối về cung cầu, để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, đòi hỏi phải có giải pháp giúp bên mua, bên bán có thông tin (giá cả, cung-cầu…) tương đối ngang nhau. Chính vì thế, thực trạng sản xuất và xuất khẩu một số loại nông sản thời gian qua cho thấy cần khuyến khích các địa phương quan tâm đến những hình thức thương mại mới gắn với tiêu thụ nông sản tại địa phương như Sàn giao dịch hàng hóa hay Kênh thương mại điện tử.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 51 về hoạt động mua bán qua Sở giao dịch  hàng hóa; sàn giao dịch nước ta được kết nối với sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới. Đây chính là phương thức mà Bộ Công Thương hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh bán hàng hóa, nông sản ra thế giới. Sở giao dịch hàng hóa không chỉ là đơn vị trung gian về giao dịch mà còn là nơi tổ chức niêm yết sản phẩm với các thông tin cập nhật thương xuyên và liên tục về các sản phẩm thế mạnh và có nhu cầu đầu tư lớn của thị trường Việt Nam, bao gồm: nông sản, nguyên liệu, năng lượng và kim loại. Nghị định 51 cũng giúp Sở niêm yết và giao dịch các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh cả về xuất-nhập khẩu như cà phê, bông, đường, cao su. Với các mặt hàng kinh doanh không điều kiện, Sở có thể niêm yết dựa trên tiềm năng của mặt hàng và nhu cầu thực tế của thị trường.

Tuy nhiên, mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa không phải là hình thức mua bán thông thường mà là hoạt động thương mại, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua Sở giao dịch hàng hoá theo những tiêu chuẩn của Sở giao dịch hàng hoá với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai.

Theo các chuyên gia, giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa phải thực hiện bằng lệnh giao dịch. Khách hàng yêu cầu giao dịch hàng hóa bằng lệnh giao dịch theo hình thức văn bản hoặc các hình thức tương đương như Fax,… Sở Giao dịch hàng hóa tổ chức giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung, trên cơ sở khớp các lệnh mua và lệnh bán theo 3 nguyên tắc xác định giá. Một là mức giá thực hiện đạt được khối lượng giao dịch lớn nhất. Thứ hai, nếu có nhiều mức giá đạt khối lượng giao dịch lớn nhất thì lấy mức giá trùng hoặc gần với giá thực hiện của lần khớp lệnh gần nhất. Thứ ba, nếu vẫn có nhiều mức giá trùng hoặc gần với giá thực hiện của lần khớp lệnh gần nhất thì lấy mức giá cao nhất.

Phương thức thực hiện hợp đồng cũng có những yêu cầu riêng. Đối với hợp đồng kỳ hạn: thực hiện hợp đồng theo một trong hai phương thức sau:

Thanh toán bù trừ qua Trung tâm thanh toán bù trừ vào phiên cuối cùng của ngày cuối cùng giao dịch hợp đồng;

Giao nhận hàng hoá qua Trung tâm giao nhận hàng hoá. Trường hợp này, các thành viên kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch hàng hóa

Đối với hợp đồng quyền chọn: thực hiện theo một trong hai phương thức sau:

Thực hiện quyền chọn theo các phương thức quy định giống hợp đồng kỳ hạn;

Không thực hiện quyền chọn.

Đây là những kiến thức tương đối mới mẻ, do đó, Sở giao dịch hàng hóa và  cơ quan quản lý địa phương cũng cần bồi dưỡng kỹ năng giao dịch cho hộ nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, địa phương cần có kế hoạch thu hút nhà đầu tư cho chế biến nông sản; đưa các nhà đầu tư có tiềm năng làm việc với địa phương về xây dựng hạ tầng thương mại, xây dựng chợ đầu mối nông sản; quy hoạch vùng nguyên liệu; giúp địa phương tiếp cận với đối tác có nghệ lớn trong tạo giống, canh tác, bảo quản, đóng gói; cung cấp thông tin và giải pháp về hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông sản, đặc biệt là những quy định về truy xuất nguồn gốc của các FTA thế hệ mới.

Nhìn trên tổng thể, Sở giao dịch hàng hóa hội tụ những phương thức giao dịch mà bên bán, bên mua được tổ chức trung gian cung cấp  thông tin ngang nhau, đủ để ra những quyết định cần thiết; tạo ra bước tiến lớn khi cho phép hàng hóa Việt Nam được giao dịch quốc tế; giúp người nông dân có công cụ phòng tránh rủi ro, mở cánh cửa mới cho nông sản ra thị trường quốc tế.