ong duc
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tham luận trực tuyến tại Hội nghị

Tham luận trực tuyến tại Hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 8/12/2021, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm về liên kết cung ứng hàng Việt trong điều kiện ảnh hưởng dịch Covid-19 cũng như dự báo một số xu hướng, thách thức mà chuỗi cung ứng hàng Việt có thể phải đối mặt trong thời gian tới.

Kinh nghiệm liên kết cung ứng hàng Việt trong điều kiện dịch bệnh

Từ thực tiễn hoạt động của hệ thống Saigon Co.op trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ những kinh nghiệm về mối liên kết sản xuất, cung ứng, phân phối hàng Việt.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần có sự tận tâm, tâm huyết với thị trường và khách hàng, nêu cao tinh thần “Tự hào hàng Việt”. Với tinh thần này, Saigon Co.op nói riêng và nhiều đơn vị khác đã không từ chối bất cứ dịch vụ gì kể cả trong thời điểm dịch bùng phát.

Trong suốt thời gian dịch phức tạp, có thời điểm 70 - 75% thị trường liên quan đến các lĩnh vực thương mại truyền thống phải đóng cửa, sức nặng dồn lên Saigon Co.op và các đơn vị phân phối hiện đại, nhưng các đơn vị đều nỗ lực duy trì các hoạt động kinh doanh, phục vụ thị trường và khách hàng. Các đơn vị cũng không tăng giá, không thực hiện những hành động ảnh hưởng tiêu cực đến việc duy trì chuỗi cung ứng hàng Việt trong suốt thời gian vừa qua.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, nỗ lực này là một sự hy sinh nhưng cũng là một sự đầu tư cho tương lai. Doanh nghiệp nhận lại được tình cảm yêu mến của người tiêu dùng Việt, sự tin tưởng của thị trường, của nhà cung cấp và các bạn hàng, đối tác. Chính những tình cảm và sự tin tưởng này là nền tảng củng cố vững chắc hơn mối liên kết giữa các nhà cung cấp, các đối tác, bạn hàng với các nhà phân phối, dịch vụ của Việt Nam khi quay trở lại điều kiện thị trường bình thường và phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới.

Thứ hai, sự kết nối thông tin mang tính nhuần nhuyễn, hành động nhanh, nắm bắt thông tin, đồng bộ các cấp từ Trung ương đến địa phương, tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các Bộ, ngành trong suốt quá trình kiểm soát dịch. Nhờ có sự kết nối kịp thời, nắm bắt thông tin để triển khai những thông tin điều hành từ Chính phủ, Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố; đặc biệt là Sở Công Thương tại các địa phương liên tục thông tin cho các đầu mối, các điểm bán của Saigon Co.op, qua đó Saigon Co.op duy trì được sự kết nối đảm bảo cung – cầu hàng hóa giữa các địa phương mặc dù trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh.

Thứ ba, việc tận dụng nhanh chóng và hiệu quả các nguồn lực. Theo ông Nguyễn Anh Đức, thời điểm dịch bệnh phức tạp, các nhà phân phối bán lẻ hiện đại hoàn toàn không đủ điều kiện hoạt động như cách thức bình thường. Trong tình hình đó, sự hỗ trợ hiệu quả, tối đa từ chính quyền, từ bộ ngành, địa phương là rất cần thiết. Đơn cử về logistics, kết nối cung ứng, vận chuyển hàng hóa đều có sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng quân đội, công an... Về phía các đơn vị, doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ một cách thực chất; phối hợp hiệu quả với các cơ quan, chính quyền, bộ, ngành hỗ trợ.

“Thậm chí có những bạn hàng, ngành hàng khác chuyên chở về hành khách nhưng cũng phối hợp hỗ trợ rất tốt cho các đơn vị, hỗ trợ chúng tôi vận chuyển hàng hóa trong thời điểm dịch. Đó là những sự kết nối rất cởi mở giữa những trái tim và tâm hồn người Việt để đảm bảo rằng chúng ta cùng vượt qua khó khăn của dịch bệnh”, ông Đức chia sẻ.

Thứ tư, bài học liên quan đến việc phát huy tinh thần, bản chất tốt đẹp của người Việt trong khó khăn để đảm bảo nguồn lực của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Anh Đức dẫn chứng, trong suốt quá trình dịch bệnh, Saigon Co.op không sa thải một lao động nào, không cho một nhân viên nào nghỉ việc thụ động, đó cũng là một sự đầu tư cho tương lai. Bởi vì trong thời điểm khó khăn, khi doanh nghiệp chia sẻ với người lao động thì bản thân người lao động cũng sẽ gắn bó, chia sẻ với doanh nghiệp, với ngành Công Thương vượt qua khó khăn. Chính những trải nghiệm trong thực tế hoạt động khó khăn của thời điểm dịch bệnh sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp có được những kinh nghiệm, giá trị mà có lẽ không có trường lớp nào có thể dạy được, để sau đó mỗi người lại có những đóng góp hơn cho doanh nghiệp, đơn vị.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng là một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách tiêm vắc-xin cho người lao động, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị nhiễm Covid-19, do vậy người lao động yên tâm lao động trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 và có sự đóng góp tốt cho doanh nghiệp. Điều đó đã tạo ra những thành quả đáng kể cho Saigon Co.op. Có những thời điểm toàn hệ thống Saigon Co.op hoạt động hơn 200 – 300% công suất trong suốt thời gian chống dịch, triển khai những hoạt động chưa bao giờ thực hiện như việc cung cấp suất ăn cho 50.000 người trong khu cách ly, phục vụ những điểm cách ly, khu dân cư… đều có sự tham gia tự nguyện của người lao động toàn hệ thống.

Thứ năm, ứng dụng hiệu quả quản trị sự thay đổi, quản trị rủi ro và thành quả tạo nên giúp cho các doanh nghiệp bán lẻ phân phối hiện đại và các đơn vị nói chung trong lĩnh vực công thương vượt qua được những khó khăn trong thời gian vừa qua.

co.op
Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op chuẩn bị đủ lượng hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá phục vụ người tiêu dùng

5 thách thức với chuỗi cung ứng hàng Việt thời gian tới

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng trong thời gian tới, sẽ có 5 thách thức đối với chuỗi cung ứng hàng Việt.

Thứ nhất, xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, xanh, sạch, sinh thái... đang bị chững lại. Theo ông Đức, thời gian trước, chúng ta đã đầu tư cho việc tuyên truyền, phổ biến tới người tiêu dùng về quy trình sản xuất, lợi ích của việc tiêu dùng các sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ… có lợi. Tuy nhiên, sau dịch bệnh, xu hướng này có dấu hiệu chậm lại; một bộ phận người tiêu dùng không quá phân biệt, quan trọng về sản phẩm hữu cơ, xanh, sạch... so với những sản phẩm khác. Thực tế này đòi hỏi chúng ta cần có các chương trình, hoạt động xúc tiến, truyền thông mạnh mẽ trở lại với lĩnh vực tiêu dùng này.

Thứ hai, việc ứng dụng số hóa, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh trên thực tế còn nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ nguồn lực về tài chính, kiến thức, nhân sự… để thực hiện. Mục tiêu số hóa, online hóa hàng Việt vẫn còn những cản trở nhất định.

Thứ ba, thách thức từ hoạt động kích cầu hàng Việt, đặc biệt sau đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư. Lần đầu tiên trong 2 - 3 năm qua, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong quý III/2021 chỉ ở mức 105 điểm, thấp hơn nhiều so với chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở mức 126 điểm của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là điều các doanh nghiệp cần lưu ý bởi không phải cứ giảm giá là người tiêu dùng mua hàng, bởi khả năng và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, khả năng kinh doanh B2B, B2C có những biến động, thay đổi khác nhau. Do đó đòi hỏi hàng Việt cần có sự sáng tạo, kết nối mang tính đặc thù hơn để có thể kích cầu hàng Việt mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thứ tư, công tác dự báo, kế hoạch kinh doanh hàng Việt cho thời gian sắp tới sẽ có nhiều xáo trộn. Qua trao đổi thì nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp không dự báo được tình hình, diễn biến sắp tới; đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán và năm 2022 nhưng không ít doanh nghiệp lo lắng, chưa có định hướng rõ nét về kế hoạch và tình hình sắp tới. Do đó cần có sự hỗ trợ, tác động từ các Bộ, ngành để công tác kế hoạch, dự báo cần sát thực hơn, cụ thể hơn, định hướng cho chuỗi cung ứng hàng Việt, cho các khâu kết nối cung cầu hàng Việt trong thời gian tới và tạo niềm tin cho các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ đối với hàng Việt.

Thứ năm, việc đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ ở từng khâu đang xảy ra sau đợt bùng phát dịch thứ tư và dự báo sẽ còn tiếp tục xảy ra. Ví dụ, hàng hóa nông sản không thiếu nhưng lại thiếu bao bì cho các mặt hàng đó nên nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang bán theo kg, theo lố như cách thức cũ, không phù hợp với xu thế kinh doanh hiện đại hiện nay. Nguyên nhân là do đứt gãy ở nguồn cung ứng nguyên liệu để sản xuất bao bì cho các mặt hàng đó.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, đặt trong tổng thể chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng Việt, chúng ta cần xem xét các yếu tố để đảm bảo mỗi thành phẩm cuối cùng có giá trị gia tăng, không làm sụt giảm uy tín và thương hiệu hàng Việt đã được gây dựng thời gian qua đối với thị trường và người tiêu dùng.

sieu thi co.op
Nhân viên siêu thị Co.opmart soạn hàng cho khách đặt hàng online

Lãnh đạo Saigon Co.op cũng đề xuất một số kiến nghị để đảm bảo mối liên kết, nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng hàng Việt.

Một là, cần đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại hiện đại, các kênh phân phối tiên tiến đối với tiêu thụ hàng Việt, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới như: online, e-commerce, thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc...

Hai là, để chuỗi cung ứng hoạt động nhịp nhàng và chuỗi giá trị hàng Việt thể hiện được vị thế của mình, cần có sự liên kết chặt chẽ theo vùng, có sự phân công chuyên môn hóa giữa các địa phương trong việc phát triển sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt; tránh sự chồng chéo, cục bộ giữa từng địa phương, từng ngành trong phát triển chuỗi giá trị thương hiệu Việt nói chung.