Chấn chỉnh phối hợp trong công tác điều hành an toàn đập thủy điện

Đó là chia sẻ của ông Lê Hồng Tịnh – Phó Chủ nhiệm UB KHCNMT Quốc hội trong Hội nghị quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy điện vừa được Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/3 tại Đà Nẵng. Ông

Theo ông, vì thủy diện nhỏ không thể đầu tư hệ thống quan trắc qui mô như thủy điện lớn, nhiều thủy điện còn không có hồ chứa, nên hay xảy ra các sự cố nhỏ nhặt, gây hiệu ứng không tốt trong niềm tin của người dân. Nhưng thủy điện lại là tài nguyên, là nguồn năng lượng sạch vô giá, do đó, nếu khắc phục được các hạn chế thì các thủy điện nhỏ sẽ phát huy hết vai trò quan trọng của nó trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và điều tiết lũ vùng hạ du. Vì vậy, điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phối hợp với nhau như thế nào để vận hành an toàn, hiệu quả các thủy điện là điều rất quan trọng và cần chấn chỉnh sớm.

Không chỉ ông Tịnh mà tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị đều đồng tình về việc, dù Bộ Công Thương đã cuộc tổng rà soát từ năm 2013, nhưng với thực tế hoạt động hiện nay của các thủy điện vẫn cần một cuộc tổng kiểm tra, rà soát lại tất cả các thủy điện và cần sự vào cuộc của nhiều bên liên quan để đảm bảo an toàn trong vận hành thủy điện.

Về phía các địa phương, đa số đều thể hiện sự lo ngại khi hệ thống quan trắc tại các đập hoạt động khá yếu kém. Thông tin khí tượng thủy văn không kịp thời cũng gây ảnh hưởng không nhỏ cho công tác phối hợp điều hành quản lý đập. Ông Lê Trí Thanh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thực tế có khi lũ về hồ rồi nhưng vẫn chưa có thông báo của khí tượng thủy văn nên rất khó khăn trong việc quyết định xả lũ kịp thời. Một việc nữa là cũng chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là trường hợp bất thường, thế nào là trường hợp đặc biệt để căn cứ vào đó, cấp nào sẽ ra quyết định việc tích nước, hoặc xả lũ… gây lúng túng trong công tác phối hợp giữa địa phương và chủ hồ.

Ngoài ra, theo Quyết định số 285/2006/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2007, UBND tỉnh chỉ có thẩm quyền phê duyệt Quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện có quy mô dung tích dưới một triệu mét khối (1.000.000m3). Do vậy, theo đại diện Sở Công Thương Gia Lai, quy định đã gây khó khăn cho địa phương trong quá trình kiểm tra việc thực hiện cũng như trong công tác chỉ đạo thực hiện quy trình khi xảy ra các điều kiện thời tiết bất thường. Cụ thể, các quy trình vận hành đơn hồ của các hồ chứa thủy điện thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba và sông Sê San đến nay vẫn chưa được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy trình liên hồ. Do vậy, địa phương và các chủ đập thủy điện này gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Trong trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Trần Quang Hoài – Uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai đề nghị, các địa phương cần chú trọng việc xây dựng quy hoạch các công trình thủy lợi, đảm bảo hành lang thoát lũ cho thủy điện hoạt động. Vì hiện nay, trong phạm vi hành lang thoát lũ một số hồ chứa thủy điện có đông dân cư sinh sống, sản xuất nông nghiệp, công trình xây dựng... gây cản trở khả năng thoát lũ và có thể gây mất an toàn cho vùng hạ du khi các hồ chứa thủy điện vận hành xả lũ.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định trong các cuộc làm việc của đoàn liên bộ tới đây sẽ xem xét toàn diện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các chủ tịch UBND, của Sở Công Thương và của các chủ đập từ việc xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo lụt bão, đến việc đôn đốc kiểm tra và điều hành xả lũ liên hồ, phòng chống lụt bão. Ngoài ra, sẽ đề nghị và có phương án phối hợp để ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác vận hành, quản lý hồ thủy điện theo hướng đồng bộ hóa giữa các bộ, ngành, địa phương để việc quản lý, vận hành các công trình thủy điện được an toàn và hiệu quả.

Ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN

Ông Đặng Hoàng An – Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Cần xem xét sửa đổi các quy trình vận hành liên hồ chứa

Nhằm hạn chế những ảnh hưởng không mong muốn trong việc vận hành các hồ chứa thủy điện, EVN xin kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa đổi các quy trình vận hành liên hồ chứa. Cụ thể:

- Chia thời kỳ mùa lũ của hồ chứa thành các thời kỳ lũ sớm, lũ chính vụ và lũ muộn với mức nước trước lũ, mức nước đón lũ tương ứng trong từng thời kỳ.

- Xem xét bỏ các điều khoản qui định huy động tối đa tất cả các nhà máy có hồ chứa đang làm nhiệm vụ giảm lũ, do việc huy động phải tuân thủ các qui định về vận hành hệ thống điện và thị trường điện (đặc biệt đối với các nhà máy tham gia thị trường điện) và điều kiện vận hành thực tế của hệ thống.

- Xem xét sửa đổi quy định thời đoạn vận hành 10 ngày để phù hợp với các qui định về khung thời gian lập kế hoạch hiện hành (năm, tháng, tuần).

- Bổ sung qui định cho phép ngừng/giảm các yêu cầu cấp nước hạ du trong các ngày thứ 7, chủ nhật hoặc dịp lễ, tết để đảm bảo hiệu quả khai thác hồ chứa.

- Bổ sung qui định cho phép chỉ đáp ứng đối với các hồ chứa lớn, các hồ chứa ở bậc thang dưới chỉ vận hành theo lưu lượng nước về của nhà máy bậc trên.

- Không qui định cứng về lượng nước cấp cho hạ du (cung cấp nước theo trung bình ngày thay vì liên tục theo các giờ đã ấn định trước), đặc biệt vào thời kỳ cuối mùa khô để đảm bảo tỉ lệ dự phòng điện năng và công suất toàn hệ thống, cùng với đó yêu cầu lưu lượng nước cấp cho hạ du cần phù hợp với đặc tính vận hành tuabin để đảm bảo vận hành an toàn tổ máy phát điện.

- Quy định rõ những trường hợp khẩn cấp mà Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai trực tiếp chỉ đạo vận hành hồ chứa.


Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Ông Lê Trí Thanh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Phải thống nhất xây dựng bản đồ chung ngập lụt vùng hạ du

Là lãnh đạo địa phương, tôi quan tâm rất nhiều đến hai vấn đề: quan trắc thượng nguồn và xây dựng bản đồ hạ du. Hiện nay, tại Quảng Nam có hồ Phú Ninh được dự án nước ngoài tài trợ năm 2012 với 40km2/trạm quan trắc, dự báo trước 36 tiếng. Cho nên, trong khi chờ đợi có qui định cụ thể, chúng tôi đã họp các chủ hồ yêu cầu lấy tiêu chuẩn hồ Phú Ninh để chủ động làm theo, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác vận hành thủy điện được an toàn.

Theo qui định, từ 15/11 – 15/12 hàng năm, căn cứ nhận định thời tiết của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương thì đưa mực nước hồ về mực nước dâng bình thường và khi có dự báo có khả gây mưa lũ thì hạ xuống mực nước báo cáo lũ. Nhưng đây là thời kỳ cực kỳ nguy hiểm, nó ảnh hưởng đến mùa thủy điện phải tưới nước cho hạ lưu. Vì vậy, qui định mực nước cần linh hoạt hơn để trong quá trình điều hành địa phương có thể hạ nước, nhưng không cần đến mức nước báo cáo lũ để có thể tích nước phục vụ cho quá trình tưới tiêu.

Đối với khu vực hạ lưu của sông Thu Bồn và Vu Gia hiện cũng qui định, mỗi thủy điện phải xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du, trong khi toàn bộ vùng hạ lưu này chịu ảnh hưởng của toàn hệ thống, nên các hồ thủy điện đều phải tham gia điều tiết với cả các thủy điện bậc thang nhỏ. Do đó, phải thống nhất xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du có tính kịch bản chung chứ không làm riêng từng hồ.