Châu Âu: Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao, giảm phát quay trở lại

Dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong tháng 8/2020 đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp. Đồng thời, các quốc gia thành viên Eurozone đối mặt tình trạng giảm phát trước các tác động của đại dịch Covid-19.
Nhà hàng tại Châu Âu thời dịch Covid-19
Giới phân tích nhận định các doanh nghiệp tại Châu Âu thuộc những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch Covid-19 như nhà hàng - khách sạn dự kiến sẽ phải trải qua một thời gian dài kinh doanh yếu kém, dẫn đến tình trạng người lao động bị sa thải (Ảnh: Financial Times)

Dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại 19 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong tháng 8/2020 đã tăng lên mức 8,1% so với mức 7,8% trong tháng 7/2020. Tính riêng trong tháng 8/2020, Eurozone đã ghi nhận 13,2 triệu người thất nghiệp và có thêm 251.000 người lao động mất việc làm.   

Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone đã tăng tháng thứ năm liên tiếp trong bối cảnh ngày càng nhiều người lo ngại các chương trình bảo vệ việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp trả lương cho người lao động của các quốc gia Châu Âu có thể không kéo dài mãi khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khi các chương trình này chấm dứt thì thị trường lao động sẽ đối mặt với làn sóng người thất nghiệp mới tăng vọt. Tính đến thời điểm hiện tại, chính phủ các quốc gia Châu Âu đã chi hàng nghìn tỷ EUR để giúp các doanh nghiệp tồn tại, qua đó đảm bảo việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, số ca nhiễm mới Covid-19 tại nhiều quốc gia Châu Âu đã tăng cao trở lại khiến một số nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp vốn chỉ vừa mới phục hồi yếu ớt sau làn sóng dịch bệnh lần 1.

Tại Đức, nền kinh tế đầu tàu của khối Eurozone, ước tính có khoảng 3,7 triệu lao động đang phụ thuộc vào chương trình cứu trợ việc làm quy mô lớn của Chính phủ Đức. Chính phủ Đức cũng đã phải ra quyết định kéo dài thời gian các khoản cứu trợ đến cuối năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã bơm 1.350 tỷ euro (1.570 tỷ USD) vào nền kinh tế khu vực để giữ các khoản cho vay ở mức lãi suất thấp.

Mặc dù những biện pháp trên đã làm chậm lại sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, song giới phân tích nhận định tình trạng mất việc làm tại các quốc gia Châu Âu vẫn có xu hướng gia tăng và dự kiến sẽ duy trì trong nhiều tháng nữa. Các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch Covid-19 như hàng không, du lịch và các nhà hàng dự kiến sẽ phải trải qua một thời gian dài kinh doanh yếu kém, dẫn đến tình trạng người lao động bị sa thải.

Dữ liệu của Eurostat cũng cho thấy mức lạm phát của Eurozone đã giảm sâu và rơi xuống dưới ngưỡng 0% hay nói cách khách chuyển sang tình trạng giảm phát do nhu cầu chi tiêu giảm thấp, người tiêu dùng giữ tâm lý phòng thủ và đẩy mạnh tiết kiệm trước các ảnh hưởng kinh tế của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, lạm phát của Eurozone trong tháng 9/2020 chỉ ở mức -0,3%, giảm mạnh so với mức 0,2% trong tháng 8/2020 và còn cách rất xa so với mức lạm phát mục tiêu 2%. Tình trạng giảm phát xuất biện sẽ buộc ECB phải đưa ra thêm các gói kích thích kinh tế và khuyến khích các chính phủ quốc gia thành viên gia tăng chi tiêu.

Các dự báo mới của ECB cho thấy mức lạm phát trung bình của khu vực Eurozone trong năm 2022 sẽ chỉ đạt 1,3% - thấp hơn nhiều so với mục tiêud đề ra. Bên kia bờ Đại Tây Dương, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), vào cuối tháng 8/2020, đã chính thức thay đổi chính sách, theo đuổi gia tăng lạm phát nhằm giúp nền kinh tế tạo ra nhiều việc làm hơn.

Quang Đặng (Tham khảo AP)