Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới lên kỷ lục 7 triệu đồng/lượng

Trong phiên giao dịch sáng ngày 17/2 (mùng 6 Tết), giá vàng trong nước hiện cao hơn tới 7 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Giá vàng quốc tế đã giảm mạnh, xuyên mức 1.800 USD/ounce do giới đầu tư chuyển sang các kênh khác như USD, chứng khoán.
giá vàng miếng SJC
 Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện lên mức cao kỷ lục 7 triệu đồng/lượng

Cụ thể, vào lúc 9h30, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết tại khu vực Hà Nội ở mức 56,3 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC tại mức 56,35 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,9 triệu đồng/lượng (bán ra). Chênh lệch giữa giá mua và bán tại các đơn vị kinh doanh vàng lớn tại Việt Nam hiện ở khoảng 600.000 đồng/lượng; giá vàng trong nước giảm khoảng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua (16/2, mùng 5 Tết).

Tuy nhiên, mức giảm của giá vàng trong nước hiện không đáng kể so với xu hướng lao dốc của giá vàng thế giới. Vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đã giảm mạnh xuống còn 1.790 USD/ounce – mức thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết hiện tại thì giá vàng thế giới tương đương 49,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn đến 7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Giá vàng quốc tế chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh giá USD tăng cao. Chỉ số đo lường sự biến động của đồng USD với các loại tiền tệ chính trên thế giới là USD Index đã tăng thêm 0,37 điểm lên 90,57 điểm. Bên cạnh đó, giới đầu tư quốc tế đẩy mạnh bán vàng ra đã khiến giá vàng mất ngưỡng chống cự 1.800 USD/ounce. Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR đã bán ra 5,54 tấn vàng.

Ông Daniel Ghali - chiến lược gia hàng hóa tại hãng chứng khoán TD Securities cho biết "Vàng đang chuyển từ công cụ phòng trừ lạm phát, như những gì đã diễn ra năm 2020, để thành công cụ phòng trừ rủi ro".

Vàng được coi là công cụ phòng trừ lạm phát nảy sinh từ gói kích thích kinh tế khổng lồ của Hoa Kỳ nhằm chống lại các tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chính gói này lại kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm tăng lên, từ đó khiến vàng kém hấp dẫn, do không trả lãi. Hiện lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Bên cạnh đó, giới đầu tư đang chuyển hướng từ kênh vàng sang thị trường chứng khoán trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục tăng kỷ lục. Theo Refinitiv – hãng thông tin dữ liệu thị trường hàng đầu thế giới, các nhà đầu tư đã bán ròng vàng qua 338 quỹ lên đến 1,4 tỉ USD trong tuần kết thúc vào ngày 10/2 và đầu tư 43,1 tỉ USD vào quỹ cổ phiếu khi chứng khoán toàn cầu tăng mạnh.

Trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, chỉ số S&P 500 chốt phiên giao dịch 16/2 giảm 0,1% về 3.932 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,3% về 14.047 điểm. Tuy nhiên, chỉ số trung bình công nghiệp Down Jones Industrial lại tăng 0,2% lên kỷ lục mới là 31.522 điểm.

Trong tháng này, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã tăng khá mạnh nhờ việc triển khai vaccine ngừa Covid-19, hoạt động kinh tế mở cửa trở lại và kỳ vọng Chính phủ Hoa Kỳ tung thêm kích thích tài khóa. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số trung bình công nghiệp Down Jones Industrial đã tăng 5,1%, S&P 500 tăng 5,9% và Nasdaq tăng 7,5%. Riêng S&P 500 năm nay đã 10 lần lập đỉnh chốt phiên.

Quang Đặng