Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc: Vì một môi trường kinh doanh thương mại, dịch vụ văn minh, lành mạnh

Phát huy truyền thống 57 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng quản lý thị trường, cùng sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, Sở Công Thương, sự phối hợp kịp thời của các cấp, các lực lượng

Tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, các đối tượng làm ăn phi pháp bất chấp quy định của pháp luật, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tuy có giảm về quy mô so với năm 2013, song tính chất, mức độ vi phạm vẫn xảy ra với những thủ đoạn tinh vi, trốn tránh các lực lượng kiểm tra. Các đối tượng đặt hàng mẫu mã, bao bì, kể cả nguyên liệu từ nước ngoài về Việt Nam đóng gói, lắp ráp, gắn nhãn hàng hóa của các doanh nghiệp Việt nổi tiếng để lừa dối người tiêu dùng. Hàng hóa vi phạm rất đa dạng, tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị chênh lệch lớn giữa trong nước và ngoài nước, mức thuế nhập khẩu cao như: rượu, bia, bánh kẹo, đường ăn, vải, quần áo may sẵn, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm… gây khó khăn trong hoạt động kiểm tra, phát hiện và xử lý của các lực lượng chức năng trên địa bàn.

Cùng với đó, nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng. Hàng giả không những được sản xuất trong nước mà còn sản xuất từ nước ngoài, sau đó được đưa vào địa bàn tiêu thụ. Đáng chú ý là tình trạng hàng Trung Quốc sản xuất giả xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, với các loại hàng giả chủ yếu là: mỳ chính, bột giặt, hóa mỹ phẩm, mũ bảo hiểm… Đặc biệt, trên địa bàn nổi lên các hành vi gian lận thương mại, như: ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, không đủ các nội dung bắt buộc; hàng đóng gói sẵn không đủ định lượng ghi trên bao bì, không thực hiện niêm yết giá…

Vi phạm trong lĩnh vực ATTP chủ yếu vẫn là việc người lao động không được trang bị kiến thức về ATTP, cơ sở sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP…

Thiết lập trật tự, kỷ cương trong kinh doanh

Trước diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại trên địa bàn, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh và trực tiếp là Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường đã xây dựng và triển khai nhiều phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường theo quy định của pháp luật. Chi cục đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thường xuyên điều tra, trinh sát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh; đồng thời chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định đối với hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu kém phẩm chất, quá hạn sử dụng, hàng giả, hàng không đảm bảo ATTP, hàng không rõ nguồn gốc và vi phạm quy định về giá, về khuyến mại hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng.

Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2014, toàn Chi cục đã kiểm tra 1.115 lượt vụ, phát hiện và xử lý 203 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt hành chính hơn 513 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu tiêu hủy gần 94 triệu đồng.

Điểm nổi bật trong công tác kiểm tra, xử lý của Chi cục là sự phối hợp kịp thời, đồng bộ với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng, lĩnh vực như: phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút lây sang người, sở hữu trí tuệ, hoạt động kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại, kiểm tra việc đăng ký hợp đồng theo mẫu, hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối, mũ bảo hiểm… Hoạt động kiểm tra, kiểm soát của Chi cục Quản lý thị trường không chỉ bảo vệ người tiêu dùng, mà còn thiết lập trật tự, kỷ cương trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn tỉnh; cũng như hạn chế được tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tạo sự chuyển biến rõ nét

Với mục tiêu vì một môi trường kinh doanh thương mại, dịch vụ văn minh, lành mạnh, trong thời gian tới Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ văn phòng thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Vĩnh Phúc; tham mưu, đề xuất với Ban chỉ đạo các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Lực lượng quản lý thị trường luôn theo dõi sát diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng hàng ngày của người dân như: xăng dầu, gas, lương thực, thực phẩm… thu thập, xử lý thông tin kịp thời, chính xác để phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát; đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ trên diện rộng hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu và không đảm bảo ATTP; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đặc biệt là khó khăn về biên chế cán bộ công chức, nhưng tập thể CBCNVC Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quyết tâm, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.