Chỉ số tồn kho, tiêu thụ của ngành Công Thương 10 tháng đầu năm 2014

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tại thời điểm ngày 01 tháng 10 năm 2014, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,4% so với thời điểm ngày 01 tháng 9 năm 2014.
Chỉ số tồn kho tăng 2,4%

Tại thời điểm ngày 01 tháng 10 năm 2014, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,4% so với thời điểm ngày 01 tháng 9 năm 2014. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao là: chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản (tăng 13,9%); sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (tăng 45,8%); may trang phục (trừ trang phục từ da, lông thú) (tăng 28,4%); dệt (tăng 12,3%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 34,5%); sản xuất sắt, thép, gang (tăng 34,8%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 16,8%)...

Về tình hình tiêu thụ, trong tháng 9 năm 2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 14,3% so với tháng 9 năm 2013. Tính chung 9 tháng đầu năm 2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm hàng chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản (tăng 14,1%); sản xuất đường (tăng 15,8%); sản xuất vải dệt thoi (tăng 18%); sản xuất giày, dép (tăng 23,4%); sản xuất mỹ phẩm, xà phòng chất tẩy rửa (tăng 9,1%); sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét (tăng 16,5%); sản xuất các cấu kiện kim loại (tăng 15,3%); sản xuất linh kiện điện tử (tăng 38,1%); sản xuất thiết bị truyền thông (tăng 45,4%); sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện (tăng 10,6%); sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác (tăng 21,3%), sản xuất xe có động cơ (tăng 19,5%)... Những nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ là sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự (giảm 31,2%); sản xuất thuốc lá (giảm 8,8%); sản xuất hàng may sẵn (giảm 12,8%); sản xuất mô tô, xe máy (giảm 10,2%)...

Tổng mức bán lẻ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 10 năm 2014 ước đạt 251.195 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước, tính chung 10 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ ước đạt 2.399.480 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013, tăng thấp hơn so với mức tăng 12,6% của năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do sức mua yếu. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 10 tháng năm 2014 đạt mức tăng 6,4%.

Về cơ cấu ngành kinh tế, ngành du lịch đạt mức tăng cao nhất là 16,6%, nhóm khách sạn, nhà hàng và dịch vụ đạt mức tăng vừa phải lần lượt là 10,8% và 11,8%, ngành thương nghiệp đạt mức tăng thấp nhất là 11%. Xét về loại hình kinh tế, nhóm kinh tế nhà nước và nhóm kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 9,4 - 11,0%, đặc biệt nhóm kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20%. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2014 tăng 0,11% so với tháng trước. Như vậy CPI 10 tháng đầu năm 2014 đã tăng 4,47% so với cùng kỳ năm 2013 (đây là mức tăng thấp so với các năm trước, CPI cùng kỳ năm 2013 đạt mức tăng 6,83%), trong đó 02 nhóm tăng cao nhất là nhóm thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giáo dục (tăng lần lượt là 5,99% và 10,56%) do việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế và phí dịch vụ giáo dục tại một số địa phương lớn trên cả nước; các nhóm hàng khác không có biến động lớn, giá gas, xăng dầu trong 10 tháng đầu năm được điều chỉnh theo sự biến động của thị trường, có tăng có giảm nên CPI các nhóm hàng chịu tác động trực tiếp từ các mặt hàng này cũng có sự tăng giảm hợp lý. Ngoài ra, CPI 10 tháng đầu năm của các nhóm hàng khác phần lớn tăng dưới mức tăng chung (là 4,47%), riêng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,58% do giá cả vật liệu xây dựng có xu hướng giảm.