TÓM TẮT:

Liên kết Đại học - Công nghiệp là một trong những yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của các trường đại học cũng như các doanh nghiệp. Để có thể đẩy mạnh mối liên kết này hơn nữa, các trường đại học cần có những chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ các rào cản hiện hữu và góp phần gắn kết quan hệ giữa hai bên thông qua việc triển khai các hoạt động hợp tác. Với vai trò là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TP. HCM) đã triển khai nhiều chính sách thiết thực và hiệu quả nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Bài nghiên cứu sẽ phân tích cụ thể về sự thành công của chính sách này thông qua kết quả thực tế đạt được và sự đánh giá từ phía các doanh nghiệp đối tác. Bên cạnh đó, các đề xuất, giải pháp thiết thực cũng sẽ được nêu ra nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa mối liên kết hợp tác giữa các trường đại học và khối công nghiệp.

Từ khóa: Liên kết Đại học - Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa, chuyển giao công nghệ.

1. Phần giới thiệu

Liên kết Đại học - Công nghiệp (Doanh nghiệp) là một trong những vấn đề nghiên cứu được chú trọng trong thời gian gần đây khi các vấn đề về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ đã và đang trở thành mục tiêu hướng đến của cả các trường đại học và các doanh nghiệp. Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) - ĐHQG-TP. HCM là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam. Với uy tín và kinh nghiệm triển khai nhiều chương trình hợp tác, Nhà trường đã nhận thức được tầm quan trọng trong mối quan hệ win-win cùng các đối tác công nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh “tự chủ đại học là xu thế tất yếu”, các trường đại học phải tự mình vượt ra giới hạn “bảo trợ” của Nhà nước để tự quyết định con đường phát triển của mình nhằm hòa nhập với thị trường. Điều này có nghĩa là các trường đại học phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường mà phần lớn là các doanh nghiệp. Việc kết nối cung - cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ then chốt trong xu thế mà các trường đại học đang hướng đến hiện nay. Vấn đề chính yếu là phải thúc đẩy mối liên kết hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp lên một tầm cao mới với chiến lược và mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo kết nối nhu cầu và lợi ích của các bên tham gia. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG-TP.HCM đã triển khai chính sách đẩy mạnh liên kết hợp tác với các đối tác công nghiệp được thể hiện trong Chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, chính sách của Nhà trường là đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn lực.

Trong nội dung bài phân tích này, tác giả sẽ giới thiệu và phân tích các bước trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách nêu trên và từ đó đề xuất các giải pháp giúp Trường ĐHBK nói riêng và các trường đại học, cao đẳng nói chung đẩy mạnh hơn nữa mối liên kết giữa đại học và công nghiệp. Giới thiệu mô hình mẫu của Trường ĐHBK đến các cơ sở đào tạo khác nhân rộng nhằm lan tỏa giá trị tốt đẹp mà giáo dục mang đến cho xã hội. Các nội dung phân tích bao gồm:

  • Khởi sự chính sách: tiền đề để Nhà trường đề xuất và triển khai chính sách, các vấn đề cấp thiết để đề xuất chính sách.
  • Hoạch định chính sách: xây dựng kế hoạch triển khai.
  • Thực thi chính sách: hiện thực hóa chính sách.
  • Đánh giá chính sách: đánh giá kết quả đạt được và đề xuất giải pháp.

2. Khởi sự chính sách

Giai đoạn khởi sự chính sách được triển khai thông qua 3 bước: xác định vấn đề, thu thập thông tin và thiết lập chương trình nghị sự. Về lý thuyết thì 3 bước này sẽ theo thứ tự như được nêu. Tuy nhiên, với chính sách này, Nhà trường đã có sự đảo ngược giữa việc thu thập thông tin và xác định vấn đề. Từ việc thu thập, tổng hợp thông tin để có những đánh giá về tình hình triển khai, Nhà trường nhận thấy được vấn đề cốt lõi cần phải có chính sách để tiếp cận đến kết quả như mong muốn:

Quá trình thu thập thông tin: đây là khâu quan trọng, tạo tiền đề để đề xuất chính sách phù hợp và khả thi. Phòng Quan hệ Đối ngoại phụ trách tổng hợp tất cả các thông tin liên quan về tình hình hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước giai đoạn 2011-2015. Trong đó, các nội dung về loại hình đối tác, hình thức hợp tác đang triển khai, đánh giá hiệu quả... được cụ thể hóa thông qua các bảng thống kê, biểu đồ nhằm thể hiện được rõ nét và có sự so sánh tương quan.

Chính sách được khởi xướng trong bối cảnh Nhà trường đánh giá các kết quả đạt được cho giai đoạn 2011-2015 để có những hoạch định cho giai đoạn tiếp theo. Theo đó, mặc dù mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đã được chú trọng nhưng phần lớn kết quả chỉ tập trung vào việc tạo cơ hội thực tập thực tế cho sinh viên, các chương trình học bổng khuyến học của doanh nghiệp, tuyển dụng... Các liên kết hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hội thảo tư vấn tiếp cận công nghệ mới... chỉ mới được triển khai nhỏ lẻ ở cấp độ các Khoa và từ những mối quan hệ cá nhân. Một trong những rào cản lớn đó là giữa Nhà trường và doanh nghiệp đang thiếu thông tin tiếp cận của nhau. Sự khác biệt về văn hóa tổ chức, mục tiêu và định hướng nghiên cứu cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tự thân của trường đại học và doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây cản trở việc thúc đẩy mối liên kết đại học - doanh nghiệp thêm bền vững và thắt chặt hơn. Vì vậy, sau khi đúc kết kinh nghiệm và nhìn nhận thực tiễn, Nhà trường đã xác định được vấn đề cốt lõi là phải đề xuất và thực thi chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy mối liên kết hợp tác lên một tầm cao mới với kế hoạch hành động thiết thực, gắn kết được nhu cầu và mục tiêu của hai bên.

Thiết lập chương trình nghị sự: Áp dụng mô hình thống nhất, sau khi xác định được vấn đề chính sách, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đưa nội dung chính sách đề xuất này ra thảo luận tại các cuộc họp giao ban hàng tháng cũng như các cuộc họp liên quan đến các đơn vị phụ trách triển khai, bao gồm: Phòng Quan hệ Đối ngoại, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Phòng Khoa học Công nghệ và Dự án. Nhận thức được tầm quan trọng của quan hệ hợp tác với các đối tác công nghiệp trong quá trình chuẩn bị cho giai đoạn tự chủ và hướng đến xây dựng mô hình trường đại học định hướng nghiên cứu, Ban Giám hiệu cũng như các đơn vị liên quan đã đồng quan điểm thống nhất phải có kế hoạch cụ thể, theo lộ trình để đảm bảo chính sách được thực thi một cách hiệu quả và phù hợp với tình hình. Các chỉ tiêu, kế hoạch cũng như giải pháp thực hiện đã được các đơn vị thảo luận và đề xuất trên cơ sở thống nhất và đồng thuận. Trong đó, nội dung trọng tâm nhất là bên cạnh việc duy trì các loại hình hợp tác đã và đang triển khai, cần phải tập trung đẩy mạnh các hình thức hợp tác liên quan đến nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chia sẻ nguồn lực cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.

3. Hoạch định chính sách

Giai đoạn hoạch định chính sách theo đúng quy trình sẽ được triển khai bao gồm 5 bước: lựa chọn chính sách; xây dựng chính sách; phản biện chính sách; tổng hợp và hoàn thiện chính sách; ban hành chính sách.

Tuy nhiên, đối với chính sách này, các bước trong giai đoạn hoạch định lại chưa được phân chia rõ ràng, việc xây dựng chính sách được cụ thể hóa trong kế hoạch triển khai theo từng năm cũng như kế hoạch tổng thể cho cả giai đoạn 2016-2020. Chính sách chưa được ban hành theo dạng văn bản riêng mà được tích hợp trong chiến lược tổng thể chung của Trường.

Phòng Quan hệ Đối ngoại là đầu mối chính phụ trách việc lập kế hoạch chi tiết các nội dung sẽ triển khai trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp, bổ sung từ các đơn vị liên quan bao gồm: Phòng Khoa học Công nghệ và Dự án, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ và các Khoa. Sau đó, đề xuất sẽ được trình đến Ban Giám hiệu cho ý kiến quyết định và Ban Đảm bảo Chất lượng sẽ đưa vào dự thảo chiến lược phát triển Trường Đại học Bách khoa, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, các chương trình cụ thể mà Nhà trường cần triển khai để đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước như sau:

  • Tiếp tục duy trì các hợp tác nhằm hỗ trợ cho sinh viên thông qua các chương trình học bổng, thực tập, tuyển dụng,...
  • Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ: tăng số lượng và chất lượng các hướng nghiên cứu mũi nhọn theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Nhà trường cần ban hành các quy định, chính sách cụ thể trên cơ sở kết hợp các yêu cầu và hướng dẫn từ các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trong quá trình triển khai các đề tài nghiên cứu.
  • Kêu gọi sự hợp tác từ các doanh nghiệp trong việc thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm chuyên sâu.
  • Tổ chức các hội thảo kết nối Đại học - Doanh nghiệp.
  • Mời các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo: phối hợp hướng dẫn sinh viên làm luận văn, nghiên cứu; tham gia xây dựng chương trình đào tạo;...
  • Đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
  • Xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối nhà trường và doanh nghiệp.
  • Xuất bản tập san quảng bá năng lực nghiên cứu của Nhà trường.

4. Thực thi chính sách

Thực thi chính sách là một giai đoạn rất quan trọng của chu trình chính sách bởi sự thành công của một chính sách tùy thuộc vào kết quả của quá trình thực thi.

Chính sách này đã được thực thi theo hướng tiếp cận tổng hợp vừa từ trên xuống và từ dưới lên theo mô hình chương trình hành động. Các Khoa/Trung tâm/Phòng thí nghiệm (Khoa/TT/PTN) sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình đẩy mạnh liên kết hợp tác với doanh nghiệp trên cơ sở điều phối và hỗ trợ từ Phòng Quan hệ Đối ngoại (QHĐN), Phòng Khoa học Công nghệ và Dự án (KHCN&DA), Phòng Đào tạo Sau đại học (ĐTSĐH), Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ. Các hợp tác được cụ thể hóa thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể theo định hướng phát triển chung của Nhà trường mà Đảng ủy và Ban Giám hiệu đã đề ra.

Quá trình thực thi chính sách đã được phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo đạt được các kết quả như mong đợi. Theo đó, kết quả thực thi đã mang đến một số thành công bước đầu như sau:

  • Thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp từ 20 quốc gia trên thế giới bên cạnh các doanh nghiệp trong nước.
  • Năm 2017, lần đầu tiên Nhà trường tổ chức hội thảo quốc tế về liên kết đại học - công nghiệp với chủ đề “Tăng cường liên kết đại học - công nghiệp hướng đến hội nhập và phát triển bền vững”. Từ đó, hoạt động này đã được đưa vào kế hoạch triển khai hàng năm và thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
  • Xuất bản tập san kỹ thuật quảng bá năng lực nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa đến các doanh nghiệp và địa phương. Tập san là danh mục các hướng nghiên cứu trọng điểm kèm thông tin của các nhà nghiên cứu tiêu biểu của mỗi đơn vị đào tạo và nghiên cứu của Trường.
  • Các hoạt động về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo: tổ chức các lớp đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho hơn 200 giảng viên và hơn 2.000 sinh viên; 849 thành viên tham gia lớp khởi nghiệp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; 623 thành viên tham gia lớp nâng cao năng lực về khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp (Startup Insider Talent Hunt, Swiss Innovation Challenge, Creation Ideas Contest, Bach Khoa Innovation); tham gia các dự án về khởi nghiệp. Thông qua các hoạt động này, giảng viên và sinh viên của Trường đã được tiếp cận trực tiếp đến các doanh nghiệp để chia sẻ các ý tưởng, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội để hiện thực hóa các ý tưởng của mình dưới sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp.
  • Các nghiên cứu hợp tác với công nghiệp đã từng bước đi vào chiều sâu và mang lại nhiều kết quả mong đợi. Các nhà nghiên cứu dưới sự hỗ trợ từ các đơn vị chuyên trách liên quan đã góp phần giải quyết các vấn đề về công nghệ theo đúng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu từ các đề tài này đã góp phần đóng góp vào thành công của hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường. Trong giai đoạn 2016-2020, Nhà trường đã triển khai gần 30 đề tài nghiên cứu trên cơ sở hợp tác và hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
  • Cử cán bộ phụ trách quan hệ doanh nghiệp tham dự khóa tập huấn về đẩy mạnh liên kết đại học - công nghiệp. Thông qua các khóa tập huấn này, các ứng viên sẽ được trang bị các kiến thức, kinh nghiệm trong việc triển khai hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu.

5. Đánh giá chính sách

Đánh giá chính sách là việc kiểm tra thực tế, có hệ thống những kết quả do việc thực hiện các giải pháp chính sách mang lại và so sánh nó với mục tiêu ban đầu để xác định liệu có đạt được mục tiêu mong muốn hay không.

Với những kết quả đạt được kể từ khi triển khai có thể cho thấy được sự thành công của quá trình thực thi chính sách đã đề ra. Số lượng các đối tác công nghiệp tăng lên theo từng năm và có xu hướng chiếm ưu thế hơn so với các loại hình đối tác khác. Trong giai đoạn 2016-2020, Trường Đại học Bách khoa đã ký kết thỏa thuận hợp tác cấp Trường với gần 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước, tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Các kết quả được thể hiện trong phần thực thi chính là đầu ra của chính sách. Để đánh giá được kết quả chính sách, chúng ta cần xem xét đến những tác động, ảnh hưởng của chính sách đối với chiến lược phát triển chung của toàn Trường và đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Với những kết quả đạt được, chính sách đẩy mạnh liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp là một trong những chìa khóa vàng cho lộ trình tiến đến tự chủ đại học của Trường Đại học Bách khoa. Bên cạnh đó, các hình thức hợp tác về học bổng, thực tập, tài trợ phòng thí nghiệm, đồng hướng dẫn luận văn tốt nghiệp… đã góp phần trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, giúp các bạn sinh viên có thể tích lũy thêm những kiến thức thực tế và kĩ năng mềm cần thiết làm hành trang cho con đường sự nghiệp tương lai. Các kết quả này đã được ghi nhận thông qua ý kiến đánh giá từ các doanh nghiệp đối với sinh viên đã tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa. Theo đó, 631 doanh nghiệp đã tham gia vào khảo sát ý kiến được thực hiện bởi Trường Đại học Bách khoa năm 2018. Theo kết quả khảo sát, 73.53% doanh nghiệp phản hồi hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa, trong khi tỉ lệ rất hài lòng là 19.49%.

Qua quá trình triển khai, chính sách đã nhận được sự đánh giá tích cực từ các đơn vị và cá nhân liên quan. Chính sự phối hợp và hỗ trợ từ các đơn vị chuyên trách đã góp phần thúc đẩy các Khoa, Trung tâm, Phòng thí nghiệm thể hiện được vai trò của mình trong việc tìm kiếm, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực nghiên cứu. Thực tế đã cho thấy có những mối quan hệ hợp tác được xây dựng từ dưới lên và đã mang đến những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, việc đánh giá thực hiện chính sách chỉ mới được thể hiện thông qua việc thống kê các kết quả đạt được và so sánh với giai đoạn trước. Nhà trường vẫn chưa xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá cụ thể cho các hoạt động được triển khai. Vì vậy, quá trình điều chỉnh chính sách sẽ gặp khó khăn do thiếu cơ sở đánh giá thực tế.

6. Giải pháp đề xuất đẩy mạnh hơn nữa liên kết đại học - công nghiệp

Qua phân tích nêu trên, chúng ta có thể thấy được chính sách đẩy mạnh liên kết đại học - doanh nghiệp của Trường Đại học Bách khoa là một trong những chính sách thành công góp phần vào tiến trình phát triển và nâng cao vị thế của Nhà trường. Tuy nhiên, để có thể phát huy hơn nữa tính hoàn thiện của chính sách, các nhà hoạch định chính sách nên thực hiện đúng và đủ các bước trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, cụ thể như sau:

6.1. Giai đoạn khởi sự chính sách

  • Giai đoạn này cần thiết phải có sự tham gia đầy đủ của các chủ thể liên quan của chính sách, bao gồm: Ban Giám hiệu, các phòng ban chuyên trách liên quan, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu và các doanh nghiệp đối tác của Trường. Bên cạnh đó, bản thân mỗi giảng viên, nhà nghiên cứu cũng cần tham gia vào quá trình xác định vấn đề để góp phần đề xuất chính sách, mục tiêu hướng đến sát với thực tiễn hơn.
  • Thông tin là yếu tố quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách. Để một chính sách có thể được hoạch định đúng và khả năng thực thi cao thì thông tin đầu vào cần phải đầy đủ và chính xác. Vì vậy, các chủ thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách cần tổng hợp và phân tích thông tin từ nhiều nguồn và phương tiện khác nhau để có thể có cái nhìn đa chiều và toàn diện trước khi đưa vấn đề chính sách vào chương trình nghị sự.
  • Chương trình nghị sự hệ thống là giải pháp tối ưu trong việc hoạch định chính sách của các trường đại học. Khi đó, các bên tham gia sẽ cùng thảo luận các vấn đề liên quan trong các cuộc họp để cùng đưa ra các đề xuất, giải pháp phù hợp cho chính sách.

6.2. Giai đoạn hoạch định chính sách

  • Trong giai đoạn hoạch định chính sách, các vấn đề, đề xuất sẽ được chuyển thể thành các chương trình hành động. Hoạch định chính sách bao gồm việc xác định các mục tiêu phải đạt được của chính sách và xem xét các hoạt động khác nhau để thực thi (Fischer, F., & Miller, G. J. (Eds.), 2017). Vì vậy, đây là giai đoạn có yếu tố quyết định đến việc hiện thực hóa ý tưởng chính sách.
  • Trong quá trình hoạch định, việc cụ thể hóa từng nội dung thực hiện kèm theo vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan nên được quy định trong văn bản được ban hành bởi Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường để làm cơ sở cho hoạt động đánh giá chính sách về sau.

6.3. Giai đoạn thực thi chính sách

Quy trình lý tưởng của việc thực thi chính sách công bao gồm các thành tố: chi tiết hóa chương trình, phân bổ nguồn lực (tài chính, nhân lực,…) và các quyết định đưa ra cho từng hoạt động được triển khai (Fischer, F., & Miller, G. J. (Eds.), 2017). Quá trình thực thi cần phải đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất giữa các chủ thể tham gia theo đúng những gì đã hoạch định ban đầu. Bên cạnh đó, các phương án dự phòng để giải quyết các tình huống phát sinh cũng nên được xem xét đến.

6.4. Đánh giá chính sách

  • Việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá kèm theo chính sách là một trong những điều kiện cần để đảm bảo chính sách được triển khai theo đúng quy trình. Việc đánh giá chính sách phải được triển khai cho nhiều đối tượng liên quan đến chính sách để có thể đưa ra những thay đổi kịp thời nhằm hoàn thiện chính sách và hướng đến tính tối ưu.
  • Việc thành lập bộ phận đánh giá chính sách tại các trường đại học là cần thiết. Bộ phận này có thể được hình thành cho từng chính sách hoặc cũng có thể được giao cho Phòng Thanh tra - Pháp chế phụ trách quản lý chung.

7. Kết luận

Mục tiêu cuối cùng của chính sách là hướng đến sự tối ưu, góp phần mang lại lợi ích và giá trị cho cộng đồng và xã hội. Qua phân tích nêu trên có thể thấy rõ được rằng Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP. HCM đã thành công trong việc hoạch định và triển khai chính sách đẩy mạnh liên kết đại học - công nghiệp trong thời gian vừa qua. Các kết quả đạt được là sự ghi nhận đóng góp to lớn của Ban Giám hiệu, các đơn vị chuyên trách hỗ trợ, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu cũng như đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường. Mô hình kiểu mẫu này nên được chia sẻ và nhân rộng đến các cơ sở đào tạo khác nhằm lan tỏa giá trị tốt đẹp mà giáo dục mang đến cho xã hội. Chính mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà trường và doanh nghiệp đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế trong quá trình học tập của sinh viên, giúp doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí trong công tác đào tạo lại khi chất lượng đào tạo từ các trường đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Cầu nối hợp tác này cũng góp phần vào việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu có thể đưa các kết quả nghiên cứu của mình ứng dụng trong thực tiễn, giải quyết được các vấn đề về khoa học công nghệ mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Tuy nhiên, để có thể tối ưu hóa hiệu quả của chính sách, các chủ thể của quá trình xây dựng và thực thi chính sách cần tuân thủ đầy đủ các bước trong quy trình hoạch định chính sách. Trong đó, vai trò của khâu đánh giá chính sách cũng không kém phần quan trọng so với bước khởi sự và thực thi.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Fischer, F., & Miller, G. J. (Eds.). (2017). Handbook of public policy analysis: Theory, politics, and methods. Routledge.
  2. Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2016). Báo cáo tự đánh giá cấp trường giai đoạn 2011-2015.
  3. Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (2017). Chiến lược phát triển Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
  4. Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2020). Báo cáo tham luận “Liên kết U-I: Chìa khóa vàng cho lộ trình tự chủ đại học” trong hội thảo quốc tế lần 3 về liên kết đại học - công nghiệp của Trường Đại học Bách khoa.
  5. Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2018). Báo cáo khảo sát ý kiến của doanh nghiệp về sinh viên tốt nghiệp của Trường Đại học Bách khoa.

 

POLICIES PROMOTING THE COLLABORATIVE UNIVERSITY -

INDUSTRY LINKAGES DURING THE UNIVERSITY AUTONOMY PROCESS

IN VIETNAM: A CASE OF HO CHI MINH CITY UNIVERSITY

OF TECHNOLOGY, VIETNAM NATIONAL UNIVERSITY -

HO CHI MINH CITY CAMPUS

NGUYEN THI PHO

Ho Chi Minh City University of Technology

Vietnam National University - Ho Chi Minh City Campus

Master’s student, Public Management Program

International University, Vietnam National University – Ho Chi Minh City Campus

Assoc. Prof. MAI NGOC KHUONG (PhD.)

School of Business, International University

 Vietnam National University - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

Collaborative University - Industry linkage is one of the key factors playing an important role in the development of universities and also businesses. In order to strengthen this linkage, universities need to have appropriate policies to remove existing barriers and contribute to the collaboration between both sides through the implementation of collaborative activities and programs. As one of the leading technical universities in Vietnam, Ho Chi Minh City University of Technology (HCMUT) – Vietnam National University – Ho Chi Minh City Campus has implemented many effective policies to promote collaboration between the university and business. This paper specifically analyzes the success of these policies through the achieved results and the positive evaluations from the partner companies. In addition, proposals and practical solutions are proposed to further promote the collaboration among universities and businesses.

Keywords: collaborative University - Industry linkage, Ho Chi Minh City University of Technology, technology transfer.