Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực bán lẻ của Singapore

THS. LÊ THU THỦY (Viện Kinh tế và Quản lý - Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Ngành bán lẻ toàn cầu đang chứng kiến những biến động lớn, nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng ngày càng tăng, trong khi mong muốn của họ thay đổi nhanh chóng theo trào lưu. Cuộc cách mạng kỹ thuật số tạo ra các phương thức mua sắm mới như website, ứng dụng trên các thiết bị điện tử hoặc thậm chí là các thị trường thương mại điện tử, nên người tiêu dùng không chỉ còn dựa vào các cửa hàng bán lẻ truyền thống để mua sắm. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ càng cần phải có khả năng thích nghi với những thay đổi mới về công nghệ và cơ hội hợp tác để tìm ra con đường mới cho tăng trưởng. Chính phủ Singapore đã xây dựng chương trình hỗ trợ các DNVVN trong lĩnh vực này từ năm 2016 với những bước đi bài bản. Bài viết này phân tích chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực bán lẻ của Singapore, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khác như Việt Nam nhằm nỗ lực hỗ trợ các DNVVN trong lĩnh vực bán lẻ.  

Từ khóa: Bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Singapore, thương mại điện tử, kỹ thuật số hóa ngành bán lẻ.

1. Bối cảnh DNVVN trong lĩnh vực bán lẻ ở Singapore

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, DNVVN được coi là xương sống của nền kinh tế Singapore, chiếm đến 99% tổng số doanh nghiệp ở quốc gia này. DNVVN đóng góp hơn một nửa vào GDP của Singapore và quan trọng nhất là DNVVN tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm. Trong khi đó, ngành bán lẻ có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Singapore, gồm khoảng 22.000 cơ sở kinh doanh, đóng góp khoảng 1,4% GDP, và sử dụng xấp xỉ 3% lực lượng lao động của quốc gia này. Theo nghiên cứu của Google và Temasek, thương mại điện tử của Singapore sẽ có giá trị 7,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, tăng gấp 5 lần so với giá trị thương mại điện tử hiện nay.

2. Các chương trình hỗ trợ DNVVN trong ngành bán lẻ phát triển thương mại điện tử của chính phủ Singapore

Chương trình kỹ thuật số ngành bán lẻ là chỉ dẫn cho các DNVVN trong ngành bán lẻ ở Singapore số hóa hoạt động kinh doanh, tăng cường kỹ năng và tham gia vào các dự án thử nghiệm trong ngành bán lẻ. Đây là một phần của chương trình chuyển đổi kỹ thuật số dành cho các DNVVN của chính phủ Singapore, nằm trong khuôn khổ của Bản đồ chuyển đổi ngành bán lẻ do chính phủ Singapore ban hành năm 2016.

Các DNVVN trong ngành bán lẻ được hưởng lợi từ chương trình này bao gồm các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng bán lẻ thời trang và đồ dùng thể thao, các cửa hàng bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng, bách hóa tổng hợp, các cửa hàng bán lẻ trang sức và đồng hồ, cửa hàng bán lẻ đồ nội thất và gia dụng.

Kế hoạch kỹ thuật số ngành bán lẻ đưa ra hướng dẫn từng bước để các DNVVN áp dụng các giải pháp kỹ thuật số trong từng giai đoạn phát triển, đánh giá mức độ sẵn sàng về kỹ thuật số của doanh nghiệp, xác định cơ hội chuyển đổi kỹ thuật số và đào tạo để nâng cao kỹ năng của nhân viên. Kế hoạch này kỳ vọng sẽ tạo ra ngành bán lẻ sôi động của Singapore, bao gồm những nhà bán lẻ đa kênh hiệu quả cao, những chủ thương hiệu nội địa nhưng có hàng hóa bán ở khắp nơi trên thế giới, được hỗ trợ bởi lực lượng lao động lành nghề và có chuyên môn tốt.

Có một số các dịch vụ tư vấn và quản lý dự án điện tử cho các DNVVN. Ở cấp độ cơ bản nhất, các DNVVN có thể tiếp cận các cố vấn của trung tâm DNVVN để được phân tích và tư vấn miễn phí về các giải pháp kỹ thuật số liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Với những DNVVN đòi hỏi cố vấn chuyên sâu về các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến hơn, họ sẽ được trung tâm cố vấn kinh doanh DNVVN giới thiệu tới các tư vấn viên chính ở trung tâm công nghệ kỹ thuật số của DNVVN. Các DNVVN cũng có thể sử dụng dịch vụ quản lý dự án điện tử để hỗ trợ họ trong quá trình thực hiện các giải pháp kỹ thuật số. Những người quản lý dự án có thể giúp các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc và thiết kế lại công việc để các doanh nghiệp có thể hưởng lợi nhiều nhất và có kết quả bền vững hơn từ việc tham gia vào thị trường thương mại điện tử.

Cơ quan phát triển thông tin truyền thông Singapore IMDA đưa ra một số giải pháp có sẵn, được đánh giá là hiệu quả, tiết kiệm và đã được chứng minh trên thị trường để các DNVVN dễ dàng áp dụng. Những giải pháp này sẽ còn được bổ sung thêm để các DNVVN có thể sử dụng giải pháp kỹ thuật số trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Bên cạnh đó, các DNVVN cũng có thể tham gia vào các dự án kỹ thuật số thử nghiệm những giải pháp công nghệ kỹ thuật số mới, qua đó, đem lại lợi ích cho toàn ngành bán lẻ.

Ngoài ra, chính phủ Singapore còn cho ra mắt Sáng kiến đổi mới, tập trung vào việc đưa ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, cả online và offline; đồng thời, tập hợp các bên liên quan khác nhau như các bên bán buôn, thị trường thương mại điện tử, để tạo điều kiện cho người bán lẻ không chỉ bán từ cửa hàng vật lý, mà còn có sức cạnh tranh online và thực hiện giao hàng hiệu quả.

Đặc điểm của giải pháp này bao gồm:

- Tạo điều kiện cho nhà bán lẻ trở nên dễ tìm kiếm hơn với khách hàng trong khu vực hoạt động của họ, nhờ đó, tăng khả năng bán được hàng nhờ thời gian giao hàng cực ngắn và am hiểu khách hàng.

- Tạo điều kiện cho nhà bán lẻ quản lý kho, nhận đơn đặt hàng và đưa thông tin về hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử.

- Giới thiệu các mô hình kinh doanh mới cho các nhà bán lẻ bằng cách tích hợp các nền tảng điện tử. Ví dụ, thông qua việc tích hợp thương mại điện tử và nền tảng tủ đựng bưu kiện được xây dựng trên toàn quốc, các nhà bán lẻ có thể lựa chọn đặt tủ đựng bưu kiện tại chính cửa hàng của mình để tăng lượng khách đến cửa hàng. Chương trình thử nghiệm lắp đặt các tủ đựng bưu kiện đã bắt đầu từ tháng 12 năm 2018 và có kế hoạch nhanh chóng mở rộng lên 1.000 trạm tủ đựng bưu kiện trên toàn bộ lãnh thổ Singapore vào cuối năm 2022. Những người mua hàng từ các nền tảng này có thể nhận bưu kiện từ các tủ đựng bưu kiện chỉ cách nhà 5 phút đi bộ.

Ngoài ra, một số cơ quan của chính phủ Singapore cùng hợp tác trong chiến dịch 99% SME. Trong đó, họ củng cố thị trường thương mại điện tử 99% SME để giúp các nhà bán lẻ truyền thống tham gia vào bán lẻ đa kênh. Chiến lược này cũng được định hình là một thực thể kinh tế độc lập, có thể thương mại hóa và bán các giải pháp và dịch vụ sang các nước lân cận.

3. Lộ trình số hóa ngành bán lẻ của Singapore

Chính phủ Singapore cho rằng ngành bán lẻ cần có chiến lược tốt để bắt kịp với sự chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng và kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng. Họ xây dựng định hướng hoạt động chuyển đổi và trang bị cho các DNVVN các giải pháp kỹ thuật số thông qua 3 bước.

Bước 1: Chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế kỹ thuật số

Ở bước này, các DNVVN trong ngành bán lẻ số hóa các giải pháp kinh doanh và tối ưu hóa nguồn lực để tăng hiệu quả kinh doanh, ví dụ như thanh toán điện tử, điểm bán hàng tích hợp, thương mại điện tử, quản trị kho hàng. Điểm bán hàng tích hợp là công cụ kết hợp thu tiền hàng với quản lý kho hàng, ghi chép dữ liệu khách hàng và kế toán. Qua đó, các nhà bán lẻ có thể theo dõi theo thời gian thực việc giao dịch với khách hàng, lượng hàng có sẵn trong kho và hoàn thiện đơn hàng ở tất cả các cửa hàng của mình. Các nhà bán lẻ cũng có thể đồng bộ tồn kho hàng hóa với hoạt động kinh doanh. Thanh toán điện tử tạo điều kiên cho các phương thức thanh toán khác nhau như thanh toán bằng thẻ, chuyển khoản, ví điện tử và mã QR. Qua đó, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn về phương thức thanh toán, tiết kiệm thời gian xử lý tiền mặt và phải ra ngân hàng trong khi nhân viên thủ quỹ của các nhà bán lẻ cũng lại tạo ra dịch vụ khách hàng có nhiều giá trị gia tăng hơn. Thương mại điện tử giúp khách hàng mua hàng hóa trên mạng internet ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ khi nào. Nhà bán lẻ hưởng lợi từ việc sản phẩm được trưng bày trên các kênh trực tuyến và giảm chi phí hàng tồn vì hàng hóa được chuyển trực tiếp từ kho hàng. Quản trị kho hàng giúp giám sát sự di chuyển của hàng hóa một cách thuận tiện nhờ có hệ thống giám sát. Nhà bán lẻ vì thế biết được mức độ tồn kho, di chuyển hàng hóa và vị trí của hàng hóa theo thời gian thực, từ đó, đưa ra quyết định có cơ sở về giá cả hàng hóa, xúc tiến bán và mua sắm. Quản trị kho hàng cũng giúp giảm lãng phí do hàng hóa hết hạn hoặc tồn quá nhiều, tối ưu hóa không gian và chi phí lưu kho.

Bước 2: Phát triển nền kinh tế kỹ thuật số

Ở bước này, các DNVVN được hỗ trợ để nắm bắt các thị trường tiêu dùng mới, song song với việc giảm chi phí hoạt động nhờ các nền tảng tích hợp và giải pháp thông qua thiết bị di động. Hoạt động của DNVVN sẽ ngày càng tự động hóa trong khi khách hàng sẽ được khuyến khích tự phục vụ nhiều hơn thông qua các ứng dụng kỹ thuật số. Một số ví dụ về các giải pháp này là thanh toán qua thiết bị di động, tự thanh toán, tối ưu hóa sơ đồ cửa hàng, nền tảng tích hợp nguồn lực. Thanh toán qua thiết bị di động cho phép khách hàng thanh toán nhờ vào các thiết bị di động mà họ có, từ đó, giảm thời gian xử lý tiền mặt và thời gian đến ngân hàng để thực hiện giao dịch, giảm thời gian chờ đợi để thanh toán. Đặt hàng qua thiết bị di động tại cửa hàng cho phép khách hàng mua hàng hóa đã xem tại cửa hàng nhờ có các thiết bị di động. Cách đặt hàng này tạo điều kiện lưu kho ở địa điểm khác, không phải là cửa hàng, tối ưu hóa không gian cửa hàng để bày nhiều hàng hóa hơn, nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng tại cửa hàng vì không còn phải xếp hàng để thanh toán và trong quá trình mua sắm, khách hàng được cập nhật những chương trình xúc tiến bán mới nhất. Tối ưu hóa sơ đồ cửa hàng cung cấp thông tin dựa vào dòng lưu thông tại cửa hàng nhờ các công nghệ như phân tích video.

Tối ưu hóa sơ đồ cửa hàng giúp tối ưu hóa vị trí sắp xếp và trưng bày hàng hóa, qua đó, trải nghiệm của khách hàng tốt hơn và thời gian khách lưu lại cửa hàng tăng lên. Các nền tảng tích hợp nguồn lực cho phép kết hợp và chia sẻ nguồn lực như lưu kho, nhân sự, giao hàng. Đây chính là cơ sở để các nhà bán lẻ tối ưu hóa sử dụng tài sản và nhân lực, mua sắm hàng hóa, dịch vụ với chi phí rẻ hơn thông qua các bên điều hành các nền tảng. Tự thanh toán tiền hàng giúp khách hàng không phải phụ thuộc vào nhân viên thu ngân, giảm thời gian xếp hàng và nhân viên thu ngân sẽ thực hiện những công việc đem lại giá trị gia tăng lớn hơn.

Bước 3: Nhảy vọt

Ở bước này, các DNVVN tận dụng công nghệ tiên tiến và các nền tảng kỹ thuật số như mô hình bán hàng đa kênh để vươn tới thị trường toàn cầu. Có thể điểm qua một số công nghệ như thị trường thương mại điện tử toàn cầu, rô bốt hỗ trợ thông minh, hợp tác quảng cáo kỹ thuật số, xác thực sản phẩm,... Các doanh nghiệp tham gia vào nhiều kênh bán hàng khác nhau như bán tại cửa hàng, bán hàng trực tuyến, bán hàng qua ca ta lô và trên các phương tiện truyền thông xã hội, qua đó, họ có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn và giới thiệu sản phẩm trên nhiều kênh khác nhau. Xác thực sản phẩm cho phép khách hàng kiểm tra đặc điểm riêng có của sản phẩm. Đây chính là cách hiệu quả để bảo vệ thương hiệu, tránh hàng giả, hàng nhái, xây dựng niềm tin của khách hàng vào thương hiệu. Hợp tác quảng cáo kỹ thuật số giúp những doanh nghiệp có tư duy kinh doanh tương đồng, chia sẻ nguồn lực với nhau để nâng cao thương hiệu và tầm ảnh hưởng qua các phương tiện kỹ thuật số như các nền tảng truyền thông xã hội, và hiển thị quảng cáo do các nền tảng thực hiện. Qua đó, các doanh nghiệp này có thể giảm chi phí quảng cáo, trong khi vẫn tăng cường hiển thị thương hiệu và giới thiệu sản phẩm.

Ngoài ra, hợp tác quảng cáo kỹ thuật số lại tạo điều kiện cho bán chéo với các sản phẩm bổ trợ hoặc các nhà bán lẻ dịch vụ. Rô bốt hỗ trợ thông minh là những rô bốt tự thực hiện các hoạt động chăm sóc khách hàng như hướng dẫn mua sắm, nhận đơn đặt hàng,.... Bằng cách này, khách hàng có thể mua sắm mà không cần thêm nhân viên hỗ trợ, trong khi dịch vụ chăm sóc khách hàng vẫn được đảm bảo và có thể kéo dài thời gian hoạt động của doanh nghiệp. Thị trường thương mại điện tử toàn cầu giúp khách hàng ở nước ngoài mua hàng qua mạng internet. Doanh nghiệp có thể tận dụng những thị trường thương mại điện tử sẵn có để tăng doanh thu nhờ lượng khách hàng và khả năng hiển thị sản phẩm tăng trên phạm vi toàn cầu.

Bước 4: Lộ trình về kỹ năng và đào tạo

Khi ngành bán lẻ mở rộng và phát triển, các kỹ năng kỹ thuật số trở nên cần thiết. Các vị trí việc làm sẽ đòi hỏi tăng cường kỹ năng để bắt kịp tiến trình số hóa và do đó, kế hoạch kỹ thuật số của chính phủ Singapore đưa ra 2 loại khóa học, gồm khóa cơ bản và khóa nâng cao. Khóa cơ bản cần thiết cho tất cả mọi người vì khóa học này cung cấp nền tảng kiến thức quan trọng về kỹ thuật số. Người sử dụng thường làm công việc hỗ trợ bán lẻ hoặc phụ trách hoạt động doanh nghiệp. Trong ngành bán lẻ, những người này thường đảm nhận vị trí về marketing, quản lý đơn hàng, bán hàng. Khóa nâng cao phù hợp với những người mong muốn am hiểu hơn về kỹ năng kỹ thuật số. Những người này thường là những chuyên viên kinh doanh, sử dụng giải pháp kỹ thuật số để đạt được mục tiêu kinh doanh, ví dụ như CEO, giám đốc hoạt động bán lẻ,...

Ngoài ra, các DNVVN cũng được hỗ trợ thông qua các dịch vụ tư vấn cơ bản hoặc chuyên môn ở các Trung tâm hỗ trợ DNVVN và các trung tâm công nghệ kỹ thuật số dành cho các DNVVN. Các dịch vụ này gồm có bản liệt kê tự đánh giá mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi kỹ thuật số, tư vấn cung cấp dịch vụ cố vấn kỹ thuật số hoặc thông tin quản lý dự án,...

4. Kết luận

Những sự kiện mang tính bước ngoặt như dịch bệnh viêm phổi cấp n-Covid cho thấy sự sụp đổ của rất nhiều đế chế bán lẻ trên thế giới. Những DNVVN trong lĩnh vực này với nguồn lực hạn chế còn gặp khó khăn gấp bội. Chính sách hỗ trợ của chính phủ Singapore giúp cho các DNVVN trong ngành bán lẻ ở quốc gia này có được lợi thế cạnh tranh đáng kể trong cuộc chiến thương mại điện tử và đem lại một số bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khác như Việt Nam.

Thứ nhất, cần xây dựng lộ trình kỹ thuật số cho ngành bán lẻ nói chung, từ đó, xây dựng các chương trình hỗ trợ cho các DNVVN tham gia vào lộ trình này. 

Thứ hai, thành lập cơ quan chuyên trách hỗ trợ và tư vấn cho DNVVN trong ngành bán lẻ. Nội dung hỗ trợ và tư vấn bao gồm cả cơ bản và chuyên sâu, kỹ thuật và nhân lực với các quy trình được lập sẵn.

Thứ ba, cần phối hợp với các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp sở hữu các phần mềm, nền tảng, ứng dụng trên thiết bị di động,... để tạo điều kiện thuận lợi cho DNVVN trong lĩnh vực bán lẻ trong quá trình chuyển đổi. Ví dụ, Tổ chức doanh nghiệp Singapore ESG hợp tác với Amazon, Lazada Singapore, Qoo10 và Shopee để các nhà bán lẻ được giảm đến 90% chi phí khi tham gia với số tiền hỗ trợ tối đa là 9.000 đô la và nền tảng thị trường thương mại điện tử sẽ trực tiếp hoàn trả chi phí này. Các bên cung cấp nền tảng thương mại điện tử làm việc với nhà bán lẻ để hỗ trợ và đăng ký sản phẩm trong 6 tháng, tham gia vào các chiến dịch quảng bá sản phẩm, hoàn thiện đơn hàng và phân tích dữ liệu bán hàng.

Thương mại điện tử là tương lai phát triển tất yếu của ngành bán lẻ. Những DNVVN được hỗ trợ phù hợp và kịp thời sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho ngành bán lẻ và qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia đó trên phạm vi toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Infocomm Media Development Authority (2017). Retail industry digital guide for SMEs.
  2. Infocomm Media Development Authority (2017), Annex E Fact Sheet, Innovative Innitiative in Retail.
  3. Infocomm Media Development Authority (2020) https://www.imda.gov.sg/programme-listing/smes-go-digital/industry-digital-plans/retail-idp, truy cập ngày 8/5/2020.
  4. Lester Wong (2020), https://www.straitstimes.com/singapore/1000-parcel-locker-stations-to-be-rolled-out-nationwide-by-end-2022, truy cập ngày 8/5/2020.
  5. Jean Iau (2020), https://www.straitstimes.com/singapore/help-for-sme-retailers-to-start-selling-online, truy cập ngày 8/5/2020.
  6. Jamie Lee (2020), https://www.businesstimes.com.sg/government-economy/singapore-budget-2019/singapore-budget-2019-smes-go-digital-programme-to-be, truy cập ngày 8/5/2020.
  7. Guide me Singapore (2020). https://www.guidemesingapore.com/business-guides/industry-guides/ecommerce-industry/singapore-e-commerce-initiatives, truy cập ngày 8/5/2020.
  8. 3e Accounting (2020). https://www.3ecpa.com.sg/resources/singapore-industry-digital-plans/retail-industry-digital-plan/ truy cập ngày 8/5/2020.
  9. 3e Accounting (2020). https://www.3ecpa.com.sg/resources/guide-to-setup-singapore-business/smes-in-singapore/ truy cập ngày 8/5/2020.

 The Government of Singapore’s support policies for small and medium-sized retailers

Master. Le Thu Thuy

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

The global Retail industry has experienced massive changes in customer behaviors with increasing and ever-changing customer demand and expectation The digital revolution has resulted in new shopping methods such as website, mobile-based apps or even e-commerce markets which have gradually replaced brick-and-mortar businesses. Small and medium-sized retailers should actively adopt new technological changes and take advantage of partnership opportunities to grow. In 2016, the Government of Singapore introduced well-planned support programs for Singaporean small and medium-sized retailers. This article is to analyze the Singaporean government’ support policies for small and medium-sized retailers, therenby drawing lessons for other countries like Vietnam.

Keywords: Retail industry, small and medium-sized enterprises (SME), Singapore, e-commerce, digitalization in retail industry.  

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]