Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá thế nào về EVFTA và vai trò của Bộ Công Thương?

Trước sự kiện Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã dành cho Tạp chí Công Thương buổi trao đổi về ý nghĩa của Hiệp định, Chương trình làm việc của Ủy ban để giám sát việc thực thi Hiệp định và vai trò của Bộ Công Thương trong đàm phán ký kết và chuẩn bị thực thi Hiệp định. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Quốc hội Vũ Hồng Thanh
evfta

TCCT: Theo ông, EVFTA sẽ tác động thế nào đến việc thực hiện 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 theo Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội?

Ông Vũ Hồng Thanh: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được xem là một Hiệp định toàn diện, tiêu chuẩn cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khi được thực thi, Hiệp định được kỳ vọng sẽ là cú hích quan trọng cho Việt Nam trong nhiều khía cạnh như tăng cường tiếp cận thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng cao, dòng vốn đầu tư và tiếp cận công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến của các nước thành viên EU.

Qua đó, góp phần giúp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu với các cú sốc và rủi ro, thách thức của nền kinh tế toàn cầu hiện nay (nhất là các thách thức, rủi ro trong thương mại, đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu, việc suy giảm tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trong khu vực), đồng thời thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh toàn cầu của nước ta. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, giúp Việt Nam có cơ hội thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

EVFTA được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến việc thực hiện hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2020, nhất là các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo việc thực hiện EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng thêm khoảng 20% và kim ngạch nhập khẩu từ EU tăng khoảng 15,28% trong năm 2020 so với khi không có Hiệp định; góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023. EVFTA cũng sẽ tác động tích cực tới việc tăng việc làm, khoảng 146.000 lao động mỗi năm. Qua đó, tạo nguồn lực cho việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội khác của Việt Nam.

Tọa đàm Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp
Tọa đàm Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp

Ngoài ra, EVFTA cũng tác động đến các động lực tăng trưởng dài hạn, bền vững của nền kinh tế. EVFTA điều chỉnh nhiều vấn đề về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững.

Qua đó, sẽ thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thông qua việc thực hiện EVFTA và IPA, nhà đầu tư EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam với những đối xử ưu đãi hơn, giúp thúc đẩy quan hệ giữa EU với từng nước ASEAN nói riêng và cả khối ASEAN nói chung, qua đó Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của mình trong khu vực ASEAN, đóng góp vào quá trình xây dựng ASEAN phát triển bền vững.

TCCT: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ có chương trình làm việc như thế nào để giám sát việc thực thi Hiệp định EVFTA?

Ông Vũ Hồng Thanh: Việc giám sát quá trình tổ chức thực hiện EVFTA sẽ được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong năm 2020, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban Kinh tế sẽ tham gia cùng Ủy ban Đối ngoại giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”. Hoạt động giám sát nhằm xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên, trong đó có EVFTA; đánh giá tình hình tổ chức các FTA này và đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các FTA trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng sẽ xem xét, đánh giá tình hình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và việc tổ chức thực hiện EVFTA trong quá trình theo dõi, chuẩn bị ý kiến thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020, cũng như đánh giá cả giai đoạn 5 năm 2016-2020. Qua đó, xác định những vấn đề bất cập và kiến nghị giải pháp, nhiệm vụ đối với Chính phủ trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, việc thực hiện EVFTA nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU tại lễ ký EVFTA tại Hà Nội, ngày 30/6/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký EVFTA

TCCT: Theo ông, thời gian qua Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để doanh nghiệp trong nước tiếp cận với Hiệp định này một cách thực chất nhất và thời gian tới cần quan tâm vấn đề gì?

Ông Vũ Hồng Thanh: Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận với EVFTA, sau khi đàm phán kết thúc, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan đã tổ chức nhiều Hội nghị phổ biến về Hiệp định hướng tới nhiều đối tượng khác nhau ở các địa phương và các thành phố lớn để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để tổ chức triển khai Hiệp định theo các cam kết của Việt Nam. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), phê chuẩn Công ước 98 của ILO (về quyền tổ chức và thương lượng tập thể) và đang trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và các luật khác có liên quan, tập trung vào rà soát, sửa đổi để phù hợp với cam kết của Việt Nam tại EVFTA, cũng như CPTPP và các cam kết quốc tế khác.

Đối với Bộ Công Thương, tôi đánh giá cao Bộ trong chủ trì, cùng các bộ, ngành khác đã đàm phán thành công EVFTA, đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới ký hiệp định này với EU. Hiếm có một FTA nào như EVFTA khi đảm bảo được lợi ích cân bằng cho hai bên vốn rất chênh lệch về trình độ phát triển. Với EVFTA, về cơ bản những mặt hàng mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam đã giành được sự ưu đãi ở mức cao, trong khi những mặt hàng mà Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh đã có được một lộ trình thực thi hợp lý.

Cái thứ hai, Bộ Công Thương đã có một quá trình dài thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế, đã có nhiều kinh nghiệm, nhất là trong việc xây dựng chính sách gắn với phục vụ doanh nghiệp, người dân và hướng dẫn thực thi các cam kết kinh tế quốc tế. Sau khi Hiệp định này được ký kết, Bộ Công Thương đã tập trung xây dựng Bộ hồ sơ trình Quốc Hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA để sớm đưa Hiệp định này vào đời sống.

Ngày 30 tháng 10 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) do ông Lange Bernd - Chủ tịch INTA làm Trưởng đoàn tại trụ sở của Bộ Công Thương
Ngày 30 tháng 10 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) do ông Lange Bernd - Chủ tịch INTA làm Trưởng đoàn tại trụ sở của Bộ Công Thương

Song song với việc đó, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng chương trình hành động tổng thể, toàn diện, tập trung vào công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người dân, giúp mọi thành phần của nền kinh tế nắm bắt các nội dung, cam kết, trách nhiệm và đặc biệt là tập trung làm rõ các cơ hội, thách thức trong Hiệp định EVFTA.

Để Chương trình hành động này được xây dựng thực chất và bám sát những nội dung của FTA, chúng tôi thấy trong thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan như phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định hướng cho những nội dung quan trọng trong vấn đề liên quan đến mua sắm công, các vấn đề về cải cách doanh nghiệp nhà nước, những nội dung phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Phối hợp với Bộ Y tế để cụ thể hóa những nội dung liên quan đến mở cửa thị trường về quản lý công, dược phẩm, dịch vụ chăm sóc y tế; phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để giới thiệu thông tin chi tiết và định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp về cắt giảm thuế quan, lộ trình, quy mô, ý nghĩa cũng như những vấn đề phối hợp đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, nhất là môi trường kiểm soát của hải quan trong hoạt động thương mại; phối hợp với Bộ Tư pháp giới thiệu về tiến trình thực hiện cải cách và các nhiệm vụ hoàn thiện khung khổ pháp luật căn cứ trên các cam kết hội nhập…

Đồng thời, gặp gỡ, giới thiệu, trao đổi với các hiệp hội, ngành hàng, các tổ chức doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực lớn mà ngành nghề doanh nghiệp đang bị tác động và sẽ chịu tác động trực tiếp từ EVFTA.

Đó chính là những hoạt động chuẩn bị để doanh nghiệp trong nước tiếp cận với Hiệp định này một cách thực chất nhất.

TCCT: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hà, Quỳnh Yên (thực hiện)