ong cuong
 Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) 

TCCT: Xin ông cho biết tính sẵn sàng của các doanh nghiệp trong Tập đoàn trong tiếp cận với công nghiệp 4.0 đã được chuẩn bị như thế nào về mặt nhận thức, nguồn nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng?

Ông Nguyễn Phú Cường: Để đón bắt những cơ hội, đồng thời giải quyết những thách thức lớn do CMCN 4.0 đặt ra, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia các nhiệm vụ, hoạt động theo kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 như:

Nhận diện, đánh giá các tác động, thách thức, cơ hội và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong việc tiếp cận với CMCN 4.0; Tìm hiểu, nghiên cứu về CMCN 4.0 vận dụng vào lĩnh vực/hoạt động đặc thù để đề xuất lựa chọn công nghệ, sản phẩm và xây dựng thí điểm mô hình nhà máy thông minh để ứng dụng thành quả của CMCN 4.0; Tham gia các chương trình khảo sát, thảo luận, chia sẻ nhận thức, kinh nghiệm triển khai thực hiện; Tham gia các hoạt động thông tin, tuyên truyền về CMCN 4.0…

Tập đoàn đã đưa nội dung tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 thành chủ đề thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, thành nội dung nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn, Hội đồng Thành viên đã quán triệt tới các đơn vị thành viên của Tập đoàn nhằm đẩy mạnh tìm hiểu, nghiên cứu về CMCN 4.0 và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng này.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp của Tập đoàn đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động, nội dung cụ thể và thiết thực. Tuy nhiên xét trên tổng thể, tính sẵn sàng của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn trong tiếp cận với CMCN 4.0 hiện mới tập trung ở một số doanh nghiệp đi đầu. Vì vậy, để tạo bước chuyển biến căn bản, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

  • Cập nhật các thông tin về CMCN4.0 liên quan tới ngành giúp xây dựng định hướng và kế hoạch kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tế.
  • Nỗ lực sử dụng năng lực hiện có để tiếp nhận các thay đổi trong các quy trình sản xuất, các sản phẩm hóa chất và các hoạt động của chuỗi cung ứng, đồng thời tích cực chuẩn bị để dần chuyển dịch sang các ứng dụng mới, phức tạp và tiên tiến hơn.
  • Các năng lực cần thiết phục vụ phát triển ngành hiện có thể phân tán tại các lĩnh vực, chức năng sản xuất kinh doanh khác nhau. Do đó, cần tạo ra một đội ngũ đa ngành/chức năng nhằm tập trung vào việc vận dụng các cơ hội của CMCN 4.0.
  • Xây dựng và phát triển hệ thống năng lực đa dạng đáp ứng yêu cầu của các cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn, các yêu cầu về năng lực quản lý, tích hợp, thẩm định và phân tích để có thể triển khai các ứng dụng của CMCN 4.0.
  • Trước yêu cầu thực tế phải tương tác kết nối với các đối tác, cần tập trung xây dựng năng lực và thực hiện/triển khai các chính sách, công nghệ bảo mật và quản lý rủi ro.
  • Tận dụng khả năng hỗ trợ quốc tế và/hoặc hợp tác với các đối tác có trình độ cao trên thế giới tạo điều kiện chia sẻ, học hỏi và nắm bắt kiến thức/kinh nghiệm qua đó nhanh chóng tiếp cận và bắt kịp nhịp độ phát triển của CMCN 4.0.

Các giải pháp nói trên hướng tới mục tiêu bao quát là nâng cao khả năng tích hợp các quy trình sản xuất quan trọng, các quy tắc tiếp thị cốt lõi của doanh nghiệp nhằm chuyển dịch hoạt động và tạo khả năng vận hành các chuỗi cung ứng, các nhà máy thông minh cũng như các mô hình kinh doanh mới, đủ sức cạnh tranh trong dòng chảy của CMCN 4.0.

pinaco
Dây chuyền sản xuất ắc quy của Pinaco

TCCT: Trên thực tế đã có những công nghệ tiên tiến nào đầu tư và khai thác có hiệu quả tại các thành viên của Tập đoàn?

Ông Nguyễn Phú Cường: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam luôn chú trọng thực hiện quan điểm chủ đạo và xuyên suốt là đổi mới, cập nhật công nghệ, máy móc thiết bị theo hướng tiên tiến và hiện đại, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực tương xứng về năng lực, trình độ và kinh nghiệm nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phát triển và yêu cầu của CMCN 4.0.

Đối với một số dự án phát triển có quy mô lớn và thuộc lĩnh vực quan trọng của Tập đoàn là sản xuất kinh doanh phân bón, Tập đoàn đã chú trọng chuẩn bị nguồn lực và đội ngũ nhân lực đủ trình độ, năng lực và kinh nghiệm để tiếp nhận, làm chủ các công nghệ, thiết bị tiên tiến và hiện đại được chuyển giao từ các đối tác hàng đầu trên thế giới (Sản xuất phân đạm: công nghệ khí hóa than của hãng Shell-Hà Lan, công nghệ tinh chế khí của hãng Linde-CHLB Đức, công nghệ tổng hợp ammoniac của hãng Haldor Topsoe - Đan Mạch, công nghệ tổng hợp urê của hãng Snamprogetti-Ý; Sản xuất DAP: công nghệ sản xuất axít sulfuric của hãng Monsato-Hoa Kỳ, công nghệ sản xuất axit phốt phoríc của hãng Prayon-Bỉ, công nghệ sản xuất DAP của hãng Incro-Tây Ban Nha).

Đối với các lĩnh vực khác, có thể kể tới một số công nghệ tiêu biểu đã được đầu tư và đang được khai thác, phát huy hiệu quả, như:

- Dây chuyền điện phân theo công nghệ màng trao đổi ion (Membrane) của Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam và Công ty CP Hóa chất Việt Trì, tạo ra bước ngoặt về chỉ tiêu kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao nguyên liệu, điện năng, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường, góp phần tăng cường năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

- Công nghệ sản xuất lốp ôtô Radial đã được Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP công nghiệp cao su miền Nam áp dụng cho phép tạo ra các sản phẩm lốp Radial với những tính năng mới, ưu việt, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (DOT của Mỹ, JIS của Nhật và EMARK của Châu Âu), tạo khả năng cạnh tranh, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

- Công nghệ sản xuất các loại ắcquy không bảo dưỡng (Maintenance Free- MF/Complet Maintenance Free-CMF) được Công ty cổ phần Pin ăcquy miền Nam và Công ty cổ phần Ăcquy Tia Sáng đầu tư với dây chuyền sản xuất hiện đại khép kín, sử dụng thiết bị tiên tiến (Đức, Mỹ, Áo, Hàn Quốc) tạo ra các sản phẩm ắcquy có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu, có giá thành cạnh tranh, vừa chiếm lĩnh thị trường trong nước, vừa xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Một số loại hình công nghệ gắn với những đặc trưng cơ bản của CMCN 4.0 như: tin học, kỹ thuật số, tự động hóa,… cũng đã được các doanh nghiệp của Tập đoàn nghiên cứu và áp dụng. Một số ví dụ như sau:

- Công ty CP Bột giặt Lix đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm Hệ thống Quản lý Kênh phân phối (Distribution Management System-DMS) cho phép giám sát chuỗi các hoạt động từ khâu bán hàng, quản lý hàng tồn kho đến khâu đặt hàng từ các nhà phân phối và đã đem lại lợi ích thiết thực như: Hiệu quả kinh doanh được nâng lên nhờ gia tăng sản lượng bán hàng; Kế hoạch sản xuất, chiến lược/chương trình bán hàng có thể được xây dựng, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế giúp cho việc quản lý nguồn nguyên vật liệu, bao bì đầu vào được hiệu quả hơn, duy trì tồn kho thành phẩm ở mức thấp nhất nhưng vẫn đáp ứng kịp thời yêu cầu đặt hàng, không để thiếu hụt hàng hóa.

Công ty đã đầu tư trang thiết bị máy móc phòng thí nghiệm đầy đủ, có khả năng đánh giá được hiệu quả tẩy rửa của các công thức trên các nền mô phỏng vết bẩn khác nhau và bề mặt khác nhau đồng thời đầu tư hàng loạt các hạng mục: băng tải chuyển bột tự động vào máy đóng gói; cánh tay robot vào thùng; dán thùng tự động; và đang nghiên cứu đưa vào sử dụng hệ robot xếp hàng trên một số dây chuyền chủ lực trong thời gian tới…

- Công ty CP Cao su Đà Nẵng đầu tư một số dây chuyền sản xuất hiện đại theo hướng vận dụng mô hình “nhà máy sản xuất thông minh”, nâng cao khả năng quản lý và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu biểu là: Dây chuyền luyện kín công suất 270 lít, cung cấp cao su bán thành phẩm với chất lượng ổn định; Hệ thống ép đùn mặt lốp; Hệ thống máy thành hình lốp ô tô; Hệ thống máy lưu hoá lốp ô tô, tự động vào ra lốp và kiểm soát thời gian lưu hoá... Các dây chuyền sản xuất này là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ vận hành.

TCCT: Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa ra giải pháp “Nâng cao vai trò, trách nhiệm và chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh sắp xếp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty trong tập đoàn”. Giải pháp này sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong lĩnh vực đổi mới công nghệ của toàn Tập đoàn trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Phú Cường: Để cụ thể hóa giải pháp nói trên trong lĩnh vực đổi mới khoa học, công nghệ của Tập đoàn, cần chú trọng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo về nhiệm vụ phát triển, đổi mới khoa học, công nghệ. Theo đó, đã xác định rõ các định hướng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể như sau:

  • Về nguồn lực con người: Chú trọng xây dựng, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch đội ngũ cán bộ đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của công tác khoa học, công nghệ, đảm bảo tính kế thừa cho phép luôn duy trì, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ vừa có nhiệt huyết, vừa có năng lực sáng tạo và trình độ chuyên môn cao.
  • Về vận dụng các cơ chế, chính sách, nguồn lực: Chủ động nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả các cơ chế chính sách, đặc biệt là vận dụng các chính sách ưu tiên, ưu đãi về tài chính cho khoa học, công nghệ như tham gia các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm của nhà nước, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính được ưu tiên trích lập cho công tác khoa học, công nghệ như Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp…
  • Về nhiệm vụ trọng tâm của công tác khoa học, công nghệ: Chú trọng tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề của thực tiễn sản xuất tại các doanh nghiệp của Tập đoàn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, tiết giảm chi phí trong sản xuất, đảm bảo an toàn môi trường, sức khỏe con người.
  • Về tăng cường hợp tác phát triển khoa học, công nghệ: Chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác có trình độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao ở trong và ngoài nước nhằm trao đổi, chia sẻ học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
  • Về tăng cường năng lực tiếp cận và tham gia vào cuộc CMCN 4.0: Chú trọng nâng cao nhận thức, nhận biết những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, đồng thời cần nắm bắt, vận dụng hiệu quả các chủ trương, chính sách và định hướng của quốc gia để từ đó xây dựng cho Tập đoàn một chiến lược phát triển lâu dài với những bước đi cụ thể, phù hợp và vững chắc.
  • Về tạo khả năng dần chuyển dịch sản xuất của ngành công nghiệp hóa chất: Từng bước tạo tiền đề cho sự chuyển dịch từ cơ cấu sản xuất các sản phẩm hóa chất lượng lớn, giá trị gia tăng thấp, sang sản xuất các sản phẩm hóa chất lượng nhỏ, có giá trị gia tăng cao.

TCCT: Trân trọng cảm ơn ông!