Chứng nhận thương mại công bằng giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt

Sáng ngày 22/11/2016, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức chương trình tập huấn “Phát triển thương hiệu với thương mại công bằng (TMCB) cho doanh nghiệp”.

Thương mại công bằng là chứng nhận được công nhận toàn cầu và các doanh nghiệp nào muốn đạt được chứng nhận này thì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn mà tổ chức Tổ chức cấp nhãn thương mại công bằng quốc tế  (FLO) đề ra. Hiện nay, đã có khoảng 1,5 triệu nhà sản xuất và người lao động tại 1.200 tổ chức sản xuất trên 74 quốc gia tham gia vào phong trào thương mại công bằng.

Trao đổi tại buổi tập huấn

Thương mại công bằng được hiểu là sự hợp tác đặt trên nền tảng đối thoại, minh bạch và tôn trọng, hướng đến cân bằng thương mại quốc tế. Với mục đích xây dựng và phát triển hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên nguyên tắc bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh, thương mại công bằng góp phần vào sự phát triển bền vững bằng cách đề ra những điều kiện thương mại lành mạnh hơn và đảm bảo quyền lợi của các nhà sản xuất và người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng: Phát triển thương mại công bằng là vấn đề còn mới tại Việt Nam, song TMCB sẽ giúp doanh nghiệp và người sản xuất dễ dàng được nhận biết thương hiệu bởi phải đáp ứng yêu cầu cao hơn về sản xuất và kinh doanh một cách công bằng. Sự khác biệt này dựa trên cam kết và những yếu tố rất khó khăn cho những người muốn cạnh tranh.

Ví dụ, đối với các nhà sản xuất,TMCB giúp họ có được mức giá công bằng và ổn định cho sản phẩm của mình, tiền phúc lợi để đầu tư vào cộng đồng. Đối với doanh nghiệp, TMCB sẽ giúp dễ dàng được nhận diện, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Còn người tiêu dùng hàng hóa thương mại công bằng sẽ mua được những sản phẩm tốt, có nguồn gốc xuất xử rõ ràng…

Buổi tập huấn tập đã trung vào các nội dung chính như vai trò của phát triển của TMCB và thị trường TMCB, đề xuất chính sách phát triển TMCB tại Việt Nam…

Đại diện các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cho rằng: TMCB góp phần phát triển bền vững, thúc đầy tăng trưởng kinh tế nhưng cần nói về TMCB nhiều hơn cả đối với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các làng nghề... bởi đây là một vấn đề còn khá xa lạ ở thị trường Việt. TMCB còn chống lại sự bành trướng và bất công trong buôn bán của các công ty đa quốc gia. Ở các nước đang phát triển, phong trào này hỗ trợ người sản xuất bằng cách xác định một giá công bằng cho sản phẩm của họ, tổ chức các nhóm để nâng cao năng lực sản xuất và xúc tiến thị trường. Ở các nước đã phát triển, phong trào này hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo TMCB. Lúc đầu thì kêu gọi người tiêu dùng mua với một giá cao hơn để giúp người sản xuất ở các nước đang phát triển, sau đó tìm biện pháp để cải tiến chất lượng và người tiêu dùng trả giá đúng với chất lượng của hàng hoá.

10 nguyên tắc của TMCB:

-       Tạo cơ hội cho những người sản xuất khó khăn trong xã hội

-       Minh bạch và công khai

-       Thực hành TMCB

-       Trả mức giá công bằng

-       Đảm bảo khôn sử dụng lao động trẻ em và lao động ép buộc

-       Cam kết không phân biệt đối xử, bình đẳng giới và tự do lập hiệp hội

-       Đản bảo điều kiện làm việc tốt

-       Xây dựng năng lực

-       Xúc tiến TMCB

-       Bảo vệ môi trường

Hà Minh