Chuyện chiều thứ 6: Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh…

Bà ngoại biết ông ngoại dạo này có tuổi nên hay xúc động. Nhớ mùa đông vừa rồi, cái Bình – con gái thứ hai của ông bà – nhắn ông sang đón thằng cu Hưng vì bố nó đi công tác chưa về còn mẹ nó đi làm chiều đột xuất, ông sang đến nơi mở cửa chẳng thấy cháu đâu, chỉ thấy đống quần áo vứt ngoài cửa còn toilet thì đóng chặt.

Trời nắng tháng 6 như đổ lửa, tiện thể đi mấy việc ông ngoại “xung phong” đưa cháu ngoại đi học thêm, về đến nhà ông ngồi thừ ra bảo với vợ: “Tôi đi đường mà cứ nghĩ thương con quá bà ạ. Công nhận con An nhà mình giỏi thật đấy, thằng Min dạo này lớn như thanh niên, to nặng ghê gớm, thế mà hai mẹ con vẫn kẽo kẹt chở nhau. Rồi nắng, rồi mưa…”

Bà ngoại vội nói át đi không cho ông ngoại cơ hội bi lụy: “Ôi dào, ông cứ hay nghĩ ngợi. Con nó nó chả chở thì ai chở. Không phải là nó khỏe mà là ông già rồi thì phải yếu đi chứ”. Nói rồi bà vội rảo bước ra ngoài ngõ để đi chợ còn mua thêm ít đồ ăn vì con An vừa gọi điện về bảo hai vợ chồng nó và thằng cu Min tối nay ở lại ăn cơm với ông bà.

Bà ngoại biết ông ngoại dạo này có tuổi nên hay xúc động. Nhớ mùa đông vừa rồi, cái Bình – con gái thứ hai của ông bà – nhắn ông sang đón thằng cu Hưng vì bố nó đi công tác chưa về còn mẹ nó đi làm chiều đột xuất, ông sang đến nơi mở cửa chẳng thấy cháu đâu, chỉ thấy đống quần áo vứt ngoài cửa còn toilet thì đóng chặt. Ông vội mở cửa ra thì thấy thằng cháu trần như nhộng bên trong đang tự rửa ráy sau khi đi ị. Trời rét căm căm, nhìn thằng cháu bé tị co ro tự lập trong một chiều mùa đông ảm đạm, ông ngoại nén lòng ôm cháu vào lòng mặc vội quần áo cho nó rồi nuốt nước mắt vào trong nhớ lại tuổi thơ côi cút của mình. Xưa mẹ ông cũng vất vả chợ búa ngược xuôi, thêm cảnh chồng mất sớm cũng chán chường nên đi suốt, bỏ ông lại nhờ ông bà ngoại nuôi nấng. Ông cũng có những buổi chiều mùa đông tự lập đơn côi như vậy…

Ông ngoại chở cu Hưng về rồi thuật lại cho bà ngoại nghe giọng buồn như tiếng thở dài. Bà ngoại thương cháu, thương chồng nhưng lại phải át đi: “Ông ngoại rõ là hay liên tưởng cu Hưng nhỉ. Tối bố mẹ cháu về đón, lại tha hồ tíu tít. Gớm thời đói khổ qua lâu rồi ông ơi…”. Ông ngoại lại cười, hiền khô.

Bữa tối có thêm vợ chồng cái An và thằng cu Min ở lại ăn cơm ngôi nhà đầy tiếng cười. Ăn xong thì nhà chị Bình cũng sang chơi. Ông bà ngoại phấn khởi tiết lộ kế hoạch đi thăm vợ chồng anh Thời – người con trai đầu của ông bà đang sống ở Sài Gòn. Cả nhà sôi nổi bàn tán rồi gọi điện face time cho ông bà ngoại nói chuyện với vợ chồng anh Thời rôm rả hết buổi tối.

Hai anh con rể nháy nhau ra phòng ngoài bàn việc riêng, thái độ nom rất lạ. Chẳng ai biết được điều này mãi đến hôm ông bà ngoại vừa lên đường ra sân bay vào Sài Gòn buổi sáng sớm thì đến 9h sáng có mấy bác thợ xây xuất hiện ở nhà ông bà. Thì ra họ đến để cải tạo lại cái nhà vệ sinh cho ông bà ngoại theo chỉ đạo của hai anh con rể. Bấy lâu nay cái nhà vệ sinh cũ, nên hơi trơn và xuống cấp, hai ông bà cứ dùng mà cũng chả mấy khi kêu ca gì cả, lại cứ ở nhà suốt nên các con cũng khó “làm cách mạng”. Kế “điệu hổ ly sơn” của các con trai con gái con rể kể cũng là “bước đường cùng” bởi ông bà lúc nào cũng nước mắt chảy xuôi, không muốn phiền con phiền cháu…

Ông bà ngoại ngỡ ngàng trở về sau 1 tuần Nam tiến. Nhìn cái toilet mới toanh, sạch đẹp thấy xúc động trong lòng vì con cái quan tâm mình quá đi mất. Sáng sáng, ông ngoại vẫn chờ các cú điện thoại “chỉ đạo” của các con gái con rể để alo bà ngoại thổi cơm phục vụ các cháu. Đang vui như thế thì đùng cái bà ngoại ốm đi viện vì sốt virus…

Bệnh xoàng thôi nhưng cũng mất thời gian. Làm xong thủ tục đưa bà vào viện, cái Bình con gái lớn nhận phần trông bà trong mấy ngày đầu, còn cái An đưa bố về nhà nấu nướng, chuẩn bị cơm nước cho rồi gọi grab mang cơm vào cho mẹ và chị. An lẩm nhẩm tính toán ngày đầu cứ thế đã rồi mai kia tính tiếp. Chắc bà cũng chỉ vài hôm là bớt sốt rồi về nhà thôi…

Mãi đến 12h hơn hai bố con cùng cu Min, cu Hưng mới ngồi vào ăn bữa cơm trưa. Không biết sao ông ngoại ho sặc ho sụa, nghẹn lên nghẹn xuống. Hai thằng cu nhìn ông ngạc nhiên vì bấy lâu ông ngoại lúc nào cũng từ tốn, nhẹ nhàng, vậy mà hôm nay ông như đứa trẻ, vội vàng, hấp tấp gì đâu…

Bọn nó thì thầm vào tai nhau: “Chắc là ông ngoại nhớ bà ngoại đấy mà”.  

Thấy các con hiểu chuyện, An ứa nước mắt...

Đào Phai