TÓM TẮT:

Để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững đồng, thời bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới thì công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số là tất yếu và bắt buộc đối với mọi lĩnh vực và mọi chủ thể trong nền kinh tế. Không ngoại lệ, quá trình chuyển đổi số đối với ngành Du lịch Việt Nam là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số. Chính vì lý do đó, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thực hiện chuyển đổi số đối với ngành Du lịch là vô cùng cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Từ khóa: vai trò chuyển đổi số, ngành Du lịch, giải pháp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Công cuộc chuyển đổi số là một công cuộc mang tính tổng thể, tất yếu và vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Công cuộc chuyển đổi số diễn ra trên tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề, từ các doanh nghiệp đến các cá nhân. Không nằm ngoài quá trình chuyển đổi số chung của nền kinh tế, thời gian gần đây, việc chuyển đổi số trong ngành Du lịch Việt Nam đã được đề cập đến, một số địa phương và doanh nghiệp đã bắt đầu tiếp cận, tuy nhiên còn rải rác, chưa đồng bộ. Đặc biệt, trong tình hình của đại dịch Covid-19 hiện nay, ngành Du lịch càng cần thấy rõ hơn tầm quan trọng và cấp bách của việc chuyển đổi số. Công nghệ số giúp các doanh nghiệp du lịch vận hành gọn nhẹ, nhanh chóng và có hiệu quả cao. Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của công cuộc chuyển đổi số đối với sự phát triển của đất nước nói chung và ngành Du lịch nói riêng, chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ và toàn diện cho công cuộc chuyển đổi số đối với ngành Du lịch Việt Nam.

2. Mục đích, nội dung và phương pháp nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Nhận thấy được vấn đề là cần nhanh chóng thực hiện công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số trên các lĩnh vực của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng, vì vậy bài viết sẽ phân tích vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, để từ đó đề ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành này.

2.2. Nội dung nghiên cứu

Bài viết sẽ trình bày các vấn đề tổng quát về lý thuyết chuyển đổi số cùng những lợi ích của công cuộc chuyển đổi số đối với kinh tế - xã hội; Đặc điểm của ngành Du lịch trong thời đại mới hiện nay; Vận dụng lý thuyết để đánh giá vai trò chuyển đổi số đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng; Đề xuất các giải pháp chính sách để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các nước.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết dựa vào nguồn thông tin thứ cấp, các dữ liệu thu thập được, trên cơ sở đó sử dụng phương pháp phân tích định tính để đánh giá tình hình chuyển đổi số của ngành Du lịch Việt Nam.

3. Cơ sở lý thuyết  

3.1. Lý thuyết về chuyển đổi số

3.1.1. Định nghĩa về chuyển đổi số   

Hiện nay, định nghĩa về chuyển đổi số chưa có chuẩn hóa; đang được nhiều tổ chức, cá nhân đưa ra các định nghĩa riêng của mình.

Theo Gartner - Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đưa ra định nghĩa về chuyển đổi số như sau: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”.

Đối với FSI - doanh nghiệp chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IOT),… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…”.

3.1.2. Những lợi ích từ việc chuyển đổi số

Chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, cụ thể như sau:

- Trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh: Nếu áp dụng công nghệ số hóa trong việc quản lý vận hành doanh nghiệp sẽ làm giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, tiếp cận nhanh chóng và nhiều khách hàng hơn. Nhà quản lý doanh nghiệp sẽ có cơ sở đưa ra những quyết định chính xác và kịp thời nhờ dữ liệu số hóa, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên,... Chính những điều này không những giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà còn góp phần hoàn thiện công tác tổ chức quản lý mang tính hệ thống có tính cạnh tranh.

- Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: Chuyển đổi số đã dẫn đến một cuộc cách mạng trong các vấn đề tài chính - ngân hàng. Qua các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, người ta có thể kiểm tra các khoản thanh toán của họ, thực hiện các dịch vụ tài chính một cách dễ dàng nhanh chóng và tiện lợi. Ngoài ra, các hoạt động giao dịch tài chính khác như mua bán tiền tệ và cổ phiếu có thể được xử lý trực tuyến. Việc giao dịch tài chính trong nước và quốc tế diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn trong tương lai. Hơn nữa, nhờ công nghệ số hóa ngành Tài chính - Ngân hàng đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ và các mô hình kinh doanh mới, không những làm phong phú, đa dạng các hoạt động của ngành này, mà còn rút ngắn thời gian, tăng năng suất lao động.

- Trong đời sống xã hội: Chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Công nghệ kỹ thuật số giúp không những giúp chúng ta dễ dàng liên lạc với nhau mà còn giúp chúng ta làm việc từ xa mà vẫn đạt được hiệu quả cao. Chúng ta có thể làm việc, học tập, trao đổi, thảo luận, hội họp trong môi trường trực tuyến, không tiếp xúc mà vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài ra, chúng ta có thể giao lưu, kết bạn qua nền tảng của các mạng xã hội. Chúng ta có tiếp cận được nguồn dữ liệu thông tin vô cùng to lớn một cách nhanh chóng và chính xác dựa trên ứng dụng công nghệ mới (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud),…

- Đối với Nhà nước: Chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ số hóa sẽ làm thay đổi mô hình quản lý nhà nước từ mô hình quản lý truyền thống nặng về giấy tờ sang mô hình quản lý hiện đại phi tiếp xúc. Người dân có thể thực hiện các yêu cầu của mình thông qua các dịch vụ của cơ quan nhà nước cung cấp với cách thức và quy trình nghiệp vụ mới. Dựa trên nền tảng số hóa và mô hình hoạt động tương ứng, các cơ quan nhà nước và nhân dân sẽ rút ngắn thời gian hoàn thành công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân và doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chánh. Cung cấp đầy đủ, kịp thời và nhanh chóng thông tin cần thiết cho việc ra quyết định.

3.2. Ngành Du lịch

3.2.1. Định nghĩa

 Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourist Organization), du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá 1 năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền. Du lịch là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư.

3.2.2. Đặc điểm ngành Du lịch

 Ngành Du lịch là một ngành dịch vụ có đặc điểm là sản phẩm không tồn tại dưới dạng vật chất, sản phẩm của ngành Du lịch chính là giúp du khách vừa được nghỉ ngơi, giảm stress, vừa biết thêm nhiều điều hay, mới lạ. Sự phát triển của ngành này sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, làm tăng thu nhập cho mọi người, giới thiệu với thế giới về nền văn hóa bản sắc dân tộc của nước nhà,… Hiện nay, ngành Du lịch đang phát triển rất mạnh ở các nước trên thế giới. Mặc dù đây là ngành công nghiệp không khói, nhưng ít nhiều gây ô nhiễm môi trường, vì vậy phát triển ngành Du lịch cũng cần phải chú trọng đối với vấn đề bảo vệ môi trường sống.

3.2.3. Du lịch thông minh và những lợi ích mang lại

Trong bối cảnh hiện nay, các nước đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng là công nghệ số, do đó, trong lĩnh vực du lịch xuất hiện khái niệm “du lịch thông minh” và ngày càng phổ biến. Du lịch thông minh (Smart tourism) là hoạt động du lịch được xây dựng trên nền tảng của công nghệ số hóa và hệ thống công nghệ thông tin phát triển cụ thể là đường truyền Internet. Nhờ đó, giúp cho sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách, đồng thời giúp cho hoạt động của doanh nghiệp đạt hiệu quả hơn. Điểm đến thông minh và khách du lịch là những vấn đề cốt lõi trong khái niệm du lịch thông minh. Nhờ có một lượng dữ liệu lớn về thông tin các điểm đến du lịch và các doanh nghiệp du lịch, du khách có thể dễ dàng lựa chọn cách thức du lịch phù hợp với mình và trri nghiệm với những hình thức du lịch thú vị, nâng cao chất lượng sản phẩm của ngành Du lịch. Ngoài ra, du lịch thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới sẽ tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá tiếp thị sản phẩm của ngành Du lịch, góp phần thay đổi hành vi của du khách. Đây là những ưu điểm quan trọng mà du lịch thông minh mang lại.

4. Vai trò và xu hướng của chuyển đổi số đối với sự phát triển ngành Du lịch ở Việt Nam

4.1. Vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế ở Việt Nam

Đặc điểm quan trọng của quá trình chuyển đổi số là dựa trên công nghệ số hóa và áp dụng vào trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội - hành chính. Thực hiện công cuộc chuyển đổi số thành công sẽ góp phần gia tăng năng suất lao động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%. Cũng theo nghiên cứu của Microsoft và IDG tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động của chuyển đổi số đến GDP là 6% vào năm 2017, năm 2019 là 25% và đến năm 2021 sẽ chiếm khoảng 60%. Kết quả nghiên cứu của McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%; với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Như vậy, khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.

Đối với Việt Nam, việc phát triển và áp dụng các mô hình quản lý sản xuất - kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số sẽ mang lại nhiều lợi ích như thúc đẩy hoạt động phổ biến và ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sử dụng nguồn lực; giảm chi phí sản xuất, kích thích tiêu dùng và đầu tư, thúc đẩy thương mại quốc tế, giảm chi phí giao dịch; tạo nền tảng bắt kịp các nước phát triển bằng việc nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng, kịp thời; giảm sự mất cân đối thông tin giữa người mua và nhà cung cấp, giảm chi phí môi giới,…

Với dân số gần 100 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, cùng với hạ tầng viễn thông -công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng khắp mọi nơi, các chuyên gia đã đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ sở cho thấy, trong tương lai, công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam sẽ thành công và tỷ lệ đóng góp của chuyển đổi số vào GDP sẽ đáng kể.

4.2. Vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển ngành Du lịch ở Việt Nam

Trong tình hình hiện nay, công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng và lan rộng ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngành Du lịch là một trong những ngành mũi nhọn góp phần không nhỏ vào GDP của Việt Nam, vì vậy, sự năng động và sự đổi mới trong kinh doanh là việc cần thiết phải làm trong lúc này. Sự năng động được thể hiện với những hoạch định chính sách về kích cầu của ngành, kết hợp với công cuộc chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành là điều kiện cần thiết để ngành Du lịch Việt Nam đứng vững và phát triển trong bối cạnh tranh khốc liệt với ngành Du lịch của nước trên thế giới.

Việc ứng dụng công nghệ số hóa tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ sở thích, thị hiếu và nhu cầu khách hàng, từ đó cung cấp các gói sản phẩm du lịch phù hợp với từng nhóm, cá nhân các khách hàng. Ngày nay, với các công nghệ mới như (Big Data), Internet ứng dụng vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…,  các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác để giúp việc phục vụ khách hàng một cách hiệu quả hơn. Hệ thống dữ liệu trên Internet vạn vật sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu, thói quen du lịch và một số đặc điểm khác để có thể chuyển đến khách hàng tiềm năng những thông tin mà họ thật sự quan tâm. Việc khai thác các dữ liệu Internet vạn vật không những giúp doanh nghiệp tăng khả năng bán được sản phẩm, mà còn biết rõ và hiểu rõ khách hàng hơn. Đồng thời, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian tìm kiếm và thực hiện các thao tác để mua sản phẩm mà họ mong muốn.

Doanh nghiệp du lịch quy mô vừa và lớn thường có  nhiều quy trình phức tạp như quy trình quản lý bán hàng, marketing, quy trình quản lý điều hành, kết nối đối tác, kế toán, quyết toán,... Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ số hóa giúp các quy trình này được chuẩn hóa hơn, khoa học hơn, tiết kiệm thời gian thực hiện, từ đó nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, một vấn đề không kém phần quan trọng là việc ứng dụng công nghệ số hóa mà cụ thể là hệ thống dữ liệu thông tin khổng lồ trong marketing quảng bá sản phẩm thông qua phát triển nội dung trên các trang web của doanh nghiệp sẽ giúp khách hàng có những thông tin hữu ích về các sản phẩm du lịch mà không tốn nhiều thời gian và chi phí đi lại. Khách hàng có thể phản ánh các ý kiến của họ một cách nhanh chóng thông qua nền tảng các mạng xã hội hay các trang web du lịch, qua đó giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch hiểu rõ hơn mong muốn của du khách. Công cụ kỹ thuật này thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến chất lượng để tạo sự hài lòng cho du khách.

Đặc biệt trong ngành Du lịch, việc chuyển đổi số sẽ cho ra đời nhiều mô hình kinh doanh mới, điển hình là mô hình du lịch thông minh thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, hình thức du lịch này giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo.

Tóm lại, việc chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Thông qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch trong nước, tạo ra những thay đổi tích cực hơn, không những cho khách hàng mà còn cho các doanh nghiệp du lịch. Mặt khác, thực hiện thành công chuyển đổi số trong ngành Du lịch còn giúp cho ngành Du lịch Việt Nam bắt kịp với sự phát triển của các ngành Du lịch trên thế giới.

5. Một số giải pháp vĩ mô   

5.1. Những khó khăn của việc chuyển đổi số trong ngành Du lịch

Trong giai đoạn cách mạng công nghệ số hiện nay, đặc biệt là trước những tác động của đại dịch Covid-19, việc nhanh chóng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch là tất yếu và hết sức cần thiết, quyết định sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam hiện nay và trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số đối với ngành Du lịch không phải dễ dàng và thuận lợi như dự tính. Những khó khăn lớn hiện nay chủ yếu đến từ: thiếu hụt nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực); rào cản trong văn hóa doanh nghiệp; thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tầm nhìn người lãnh đạo; tâm lý trong việc tiếp cận và ứng dụng,… Chính những khó khăn đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuyển đổi số của ngành Du lịch Việt Nam.

5.2. Một số giải pháp vĩ mô trong chuyển đổi số của ngành Du lịch

Bước vào ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số trên các lĩnh vực, các ngành nghề; Việt Nam cũng cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để không bị tụt hậu so với các nước tiên tiến. Hiện nay tiến trình này được cho là có nhiều thuận lợi vì Chính phủ, cùng các Bộ, ngành và địa phương đã và đang có những bước đi thích hợp trong việc chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cùng với các ngành khác, ngành Du lịch Việt Nam cũng đã triển khai những nội dung chuyển đổi số, như: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong quảng bá các sản phẩm du lịch; Quản lý và phát triển điểm đến du lịch thông minh; Hoàn thiện hệ thống thông tin số ngành Du lịch; Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ số hóa trong ngành Du lịch.Để thực hiện thành công và nhanh chóng quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch, thời gian tới cần chú ý thực hiện một số giải pháp sau đây:

- Thứ nhất: Thay đổi nhận thức trong cộng đồng ngành Du lịch. Cấp quản lý ngành và các doanh nghiệp cần tuyên truyền và giải thích cho người lao động trong các doanh nghiệp du lịch về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong ngành này, cũng như những lợi ích to lớn của việc chuyển đổi số mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Ngành và các doanh nghiệp du lịch cần quán triệt tinh thần đổi mới, sẵn sàng cho phép thử nghiệm và ứng dụng công nghệ mới; liên kết chuyển đổi số với các cơ quan nhà nước, với hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin và hiệp hội ngành Du lịch.

- Thứ hai: Hoàn thiện khung pháp lý. Xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số trong ngành Du lịch ở Việt Nam. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số. Khuyến khích đổi mới doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên các ứng dụng công nghệ số, Internet vạn vật và không gian mạng.

- Thứ ba: Phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin số. Hạ tầng hệ thống thông tin số ngành Du lịch đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi số của ngành này. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, hạ tầng viễn thông cần phải được đầu tư đúng mức để tạo điều kiện phát triển nền tảng số hóa. Dựa trên nền tảng công nghệ di động mới nhất 5G, làm chủ hạ tầng điện toán đám mây (cloud), ngành Du lịch cần nhanh chóng phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch của mình là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.

- Thứ tư: Phát triển nền tảng số trong ngành Du lịch. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nhanh hơn ở chỗ các nền tảng đã sẵn sàng đưa vào sử dụng, dùng chung. Giảm chi phí ở chỗ không cần đầu tư kinh phí và thời gian phát triển mới từng phần mềm. Thông qua nền tảng số trong ngành Du lịch, hệ thống thông tin số trong ngành Du lịch được xây dựng hoàn chỉnh hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và khách hàng nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí. Xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong một số lĩnh vực có liên quan với ngành Du lịch như thương mại điện tử, y tế, giáo dục, giao thông, tài chính, ngân hàng,...

- Thứ năm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá sản phẩm du lịch. Nhà quản lý ngành Du lịch yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành nhanh chóng bắt kịp thời xu hướng mới hiện nay, chủ động áp dụng công nghệ số hóa trong hoạt động quảng bá sản phẩm, giao dịch, quản lý du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, ngành Du lịch cần thường xuyên mở các lớp tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý du lịch ở các địa phương và các doanh nghiệp du lich nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ du khách tìm những điểm đến an toàn, cơ sở cung cấp dịch vụ an toàn và cập nhật những thông tin, hoạt động của ngành Du lịch.

6. Kết luận

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai một cách sâu và rộng các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số như với nhiều nội dung như chính phủ số, kinh tế số, xã hội số,… Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới, cần phải thực hiện rất khẩn trương và nhanh chóng công cuộc chuyển đổi số quốc gia nếu không muốn bỏ lại phía sau. Việc chuyển đổi số trong ngành Du lịch ở nước ta dựa trên nền tảng công nghệ số hóa sẽ tác động sâu sắc đến hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, làm thay đổi cơ bản các mô hình hoạt động từ truyền thống sang trực tuyến không tiếp xúc, mang lại nhiều lợi ích như tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian hoàn thành công việc, tiết kiệm chi phí, sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn,… Đặc biệt,  quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch còn giúp cho các doanh nghiệp du lịch trong nước có thể vững vàng cạnh tranh với các doanh nghiệp du lịch nước ngoài. Nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của công cuộc chuyển đổi số đối với sự phát triển của đất nước nói chung và ngành Du lịch nói riêng trong thời gian tới, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương đúng đắn và kịp thời nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số mà cụ thể là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Song, việc nghiên cứu vai trò và giải pháp của chuyển đổi số đối với sự phát triển ngành Du lịch ở Việt Nam là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải nghiên cứu sâu hơn cho từng vấn đề cụ thể. Nghiên cứu này gợi mở cho các nghiên cứu tiếp sau, nhằm đi sâu hơn từng giải pháp cụ thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

  1. Chính phủ (2020). Quyết định số 749 QĐ - TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  2. FSI (2020). Chuyển đổi số là gì? Định nghĩa chuyển đổi số. Truy cập tại: https://fsivietnam.com.vn/chuyen-doi-so-la-gi/
  3. Thủy (2019). Chuyển đổi số là gì và quan trọng như thế nào trong thời đại ngày nay? Truy cập tại: https://dantri.com.vn/suc-manh-so/chuyen-doi-so-la-gi-va-quan-trong-nhu-the-nao-trong-thoi-dai-ngay-nay-20190814121247843.htm
  4. Phạm Thị Thùy Linh (2020). Du lịch thông minh - Xu hướng phát triển tất yếu của ngành Du lịch Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/du-lich-thong-minh-xu-huong-phat-trien-tat-yeu-cua-nganh-du-lich-viet-nam-71954.htm.
  5. Hoàng Lân (2020). Chuyển đổi số để phát triển du lịch: Xu hướng tất yếu. Truy cập tại: https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/981177/chuyen-doi-so-de-phat-trien-du-lich-xu-huong-tat-yeu.

THE ROLE OF DIGITAL TRANSFORMATION IN VIETNAM’S TOURISM INDUSTRY DEVELOPMENT AND POLICY SOLUTIONS

Master. Le Trung Cang 1

Master. Tran Ba Tho 1

1 University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

In order to achieve the goals of creating a strong and sustainable economic growth and keeping pace with the world’s development trend, it is important for Vietnam to promote all sectors and economic subjects accelerate the digital transformation. Without exception, the digital transformation is an inevitable and irreversible trend for Vietnam’s tourism industry. The implementation of digital transformation will help tourism businesses reach more customers, take better care of customers, reduce costs, improve business efficiency, and explore new digital transformation-based business models. As a result, it is necessary to research and seek solutions to help Vietnam’s tourism industry effectively implement digital transformation.

Keywords: the role of digital transformation, tourism, solutions, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 16, tháng 7 năm 2021]