Khó khăn ở phía trước

Sau hơn 3 năm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước trong CPTPP thu về những kết quả khá ấn tượng. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 6 tỷ USD.

Nhìn trên con số kim ngạch xuất khẩu, có thể nói, bước đầu chúng ta đã tận dụng CPTPP tương đối hiệu quả, những gì làm được trong hơn 3 năm qua là một bước chạy đà rất tốt. Tuy nhiên, đứng từ góc độ toàn cảnh, thời gian tới doanh nghiệp phải sẵn sàng trước những thách thức mới.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, thời gian qua, Việt Nam tương đối có lợi thế của người “một mình một chợ”. Bởi các nước đối thủ cạnh tranh ở khu vực châu Á chưa có FTA với các nước Canada hay Mexico. Nhưng từ tháng 8/2022, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada được khởi động, nếu ký kết đi vào thực thi, thì vị trí cạnh tranh của Việt Nam so với một số nước như Indonesia hay Philippine sẽ không còn như hiện nay.

Mặt khác, thời gian gần đây, một số nền kinh tế như Vương quốc Anh, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) Ecuador, Costa Rica... đã bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP. Nếu được chấp nhận, bản đồ cạnh tranh trong CPTPP sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực đến lợi thế của Việt Nam trong khu vực này.

Nhìn trên góc độ kỹ thuật và pháp luật, Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông thuộc VASEP nêu những thách thức cụ thể, về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) hay Hiệp định Kiểm dịch động thực vật (SPS). Nhưng đó không phải là thách thức lớn với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Bởi vì, chúng ta đã chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, hay Nhật Bản, Australia. Khó khăn thực sự trong CPTPP là các điều khoản liên quan đến lao động, môi trường và phát triển bền vững.

thuy san
Nhập chú thích ảnh

Ví dụ như lao động, làm thế nào để không xảy ra những vi phạm về lao động trẻ em trong nghề cá? Làm sao để gỡ thẻ vàng IUU? Đối tác CPTPP là Nhật Bản cũng bắt đầu áp dụng những quy định xuất xứ đối với một số loài thủy sản khai thác, sau này có thể là những thị trường khác tiếp theo nối quy định. Do đó, doanh nghiệp phải quan tâm và có những điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong CPTPP.

Hoặc với những nước châu Mỹ xa xôi, thách thức lớn nhất là chi phí và thời gian vận chuyển. Ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết hiện nay thị trường hứa hẹn phát triển trong lĩnh vực vật liệu xây dựng có thể là Chile, Mexico và Peru nhưng khó khăn đối với những thị trường này là vấn đề vận tải do vị trí rất xa. Ngoài ra, trở ngại nữa là ngôn ngữ, hầu hết các nước Mỹ Latinh là họ sử dụng ngôn ngữ tiếng Tây Ban Nha trong giao tiếp, kinh doanh.

Vượt qua thách thức

Thách thức luôn đi cùng cơ hội ở bất cứ FTAs nào. Các chuyên gia đã khuyến nghị nhiều giải pháp mà doanh nghiệp có thể áp dụng ngay khi khai thác thị trường CPTPP. Liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa, ông Trần Thanh Hải,  Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin: Đối với CPTPP, ngoài các quy định chung như xuất xứ thuần túy, xuất xứ không thuần túy, thay đổi theo hàm lượng khu vực, cũng như thay đổi về quá trình sản xuất, có chuyển đổi cơ bản giữa các dòng thuế, thì trong một số các trường hợp, Hiệp định này cũng yêu cầu mô tả thêm các quy trình cụ thể của hoạt động sản xuất. Từ đó, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị, khi các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nào, cần phải tìm hiểu kỹ. Nếu như đã làm được một lần, lần sau về mặt thủ tục sẽ không có khó khăn nữa.

Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, tuy châu Mỹ địa lý xa xôi, nhưng doanh nghiệp có thể tận dụng các nước đối tác CPTPP làm bàn đạp để mở thị trường sang các nước không phải là thành viên CPTPP. Bà lấy ví dụ về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA), gồm Mỹ, Canada, Mexico, doanh nghiệp có thể xem xét, kết hợp, hợp tác sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu nguyên phụ liệu sang Mexico chẳng hạn, sau đó cùng hợp tác sản xuất và hoàn thiện sản phẩm, để tiếp tục xuất khẩu sang một nước khác mà Mexico có FTA.

Đối với Chile, một nước có nền kinh tế có độ mở rất là cao và Peru cũng như vậy. Thông qua Chile và Peru, chúng ta có thể tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu sang khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), khối Liên minh Thái Bình Dương (AP), gồm các nước Mexico, Chilê, Colombia, Peru; Cộng đồng Andean (CAN), gồm Peru, Colombia, Ecuador, Bolivia…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, khẳng định, đối với doanh nghiệp, nhiệm vụ sống còn là phải tăng giá trị, phải có vải, không thể mãi dừng lại ở bước gia công. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động đầu tư vào thượng nguồn nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, về phía Nhà nước, cần quy hoạch cụ thể về đất đai, các nhà máy công suất lớn tại các vùng miền. Và cũng cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương các thủ tục pháp lý cho đầu tư, ban hành chính sách cụ thể, thống nhất xử lý nước thải, chất thải rắn để địa phương có căn cứ chấp thuận những dự án đầu tư vào dệt, nhuộm, hoàn tất vải - những khâu quan trọng trong hình thành nguồn nguyên phụ liệu nội địa.