Chuyện làm giàu ở làng mộc Đông Giao

Thôn Đông Giao, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương hầu như không còn người làm ruộng. Nghề mộc trở thành nghề chính, cho thu nhập cao và ngày càng phát triển.

Làng đồ gỗ mỹ nghệ Đông Giao vốn đã nổi tiếng từ xa xưa, các thợ giỏi trong làng đều được triệu vào Huế để phục vụ cung đình. Hiện nay, làng nghề vẫn đang phát triển và thường xuyên xuất hàng sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông...

Anh Đào Văn Mão – nghệ nhân nổi tiếng của làng mộc Đông Giao cho biết, cách đây mấy chục năm về trước, làng Đông Giao chuyên làm sập, gụ, tủ chè. Ai muốn mua đều phải tìm đến làng Đông Giao đầu tiên, nhưng bây giờ phải bỏ vì đầu ra khó khăn. Nhưng hiện nay, các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của làng mộc Đông Giao khá đa dạng, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng.

Anh Đào Văn Mão – nghệ nhân nổi tiếng của làng mộc Đông Giao đang hoàn thành bức chướng "Phu thê viên mãn"

Theo anh Mão, mẫu mã, mặt hàng nào cũng chỉ tồn tại được một, hai năm rồi lạc hậu. Vì vậy, những người thợ Đông Giao luôn phải tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều mẫu mã mới. Nếu như trước đây là đồ gia dụng (bàn ghế, giường tủ...) và đồ thờ cúng (ngai ỷ, hương án, bát bửu...) thì nay người thợ sản xuất cả những sản phẩm mỹ thuật nội thất mang phong cách phương Nam (tủ chùa, sa lông, gạt tàn thuốc lá, con giống trang trí các loại...).

Để hoàn thành một tác phẩm, mỗi người thợ làng Đông Giao phải sử dụng hơn 40 đục các loại

Đặc biệt, ở làng Đông Giao, mặt hàng nổi tiếng nhất và tinh tế nhất là tranh hoa, lá, chim muông. Mỗi tác phẩm của người nghệ nhân Đông Giao gắn liền với yếu tố tâm linh và văn hóa của người Việt. Các tác phẩm không chỉ để trưng bày mà còn chứa đựng một ước muốn may mắn, hạnh phúc, ấm no  trong cuộc sống .

Với mẫu mã phức tạp, cầu kỳ, người thợ phải mất 200 công đề làm ra sản phẩm.Trong hình là bức "Tứ dân" miêu tả cuộc sống, sinh hoạt của người lao động "Sỹ-nông-công-thương"

Nghề điêu khắc gỗ chủ yếu làm bằng tay nên ngoài năng khiếu, người thợ phải được đào tạo bài bản qua trường lớp hoặc trải qua thời gian dài làm việc tại các làng nghề thì mới có khả năng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, vừa lòng khách hàng. Người thợ không chỉ có sức khoẻ tốt, bàn tay khéo léo, kiên trì mà còn phải có khả năng mẫn cảm, tái hiện đề tài theo mẫu và sáng tạo mẫu mới. Để hoàn thành một bức chạm có thể mất hàng tháng là chuyện bình thường, nếu không kiên trì thì không thể theo nghề được.

Để làm ra một sản phẩm gỗ thủ công theo lối truyền thống, người thợ phải tự vẽ lên những phác thảo đầu tiên trên chính bức tranh. Sau đó sử dụng những chiếc đục lớn để tạo ra những đường nét thô sơ ban đầu. Với những đường nét nhỏ và tinh xảo, người thợ sử dụng những chiếc đục nhỏ hơn. “Một người thợ phải sở hữu trong tay đến 40 chiếc đục có kích thước, mũi đục khác nhau, để tạo nên sản phẩm. Người thợ lành nghề phải thể hiện được cái tôi của người sáng tạo với những đường nét, chi tiết có hồn và phải thực sự tâm đắc với nghề”, nghệ nhân Đào Văn Mão chia sẻ.

Để làm ra một sản phẩm gỗ thủ công theo lối truyền thống, người thợ phải tự vẽ lên những phác thảo đầu tiên trên chính bức tranhViệc di chuyển các tác phẩm nghệ thuật là chuyện không dễ dàng

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương, tính đến năm 2015 làng nghề Đông Giao có tới 97% số hộ tham gia nghề mộc với trên 400 thợ nam, nữ từ người già đến trẻ em. Thu nhập thấp nhất của một người làm thuê ở những công đoạn đơn giản là từ 5-6 triệu/tháng. Những người thợ lành nghề có thu nhập từ 10-12 triệu/tháng. Còn với các hộ gia đình có thu nhập từ 30-40 triệu/tháng.

Hiện nay, ở làng mộc Đông Giao, nhiều máy móc đã được đưa vào sản xuất, thúc đẩy quá trình chế tác nhanh hơn. Theo nghệ nhân Đào Văn Mão, dù máy có chế tạo ra những hoa văn tinh xảo đền đâu thì vẫn cần bàn tay con người thổi hồn vào cho tác phẩm...Nghệ nhân Đào Văn Mão đứng mày, lập trình những hoa văn cần thiết kế

Không chỉ thanh niên trong làng mới làm nghề được mà ngay cả các cô, các chị rồi đến các em nhỏ ai ai cũng có thể làm được. Người xẻ gỗ, trạm khắc, đánh bóng, phun sơn… họ cần mẫn làm việc suốt cả ngày dài.

Với sự đam mê và sáng tạo không ngừng của những người nghệ nhân nơi đây, nghề mộc Đông Giao đang ngày càng phát triển, có nhiều tác phẩm độc đáo và có tiếng ra đời. Với sự nỗ lực ấy, làng nghề mộc Đông Giao đang tạo được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ làng nghề trong nước và khu vực.


Hoàng Hòa