TÓM TẮT:

Bài viết tập trung nghiên cứu cơ cấu tổ chức của loại hình công ty cổ phần được thiết kế theo mô hình đặc trưng của Cộng hòa Pháp. Cụ thể là vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan trong cơ cấu tổ chức của loại hình công ty cổ phần này. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về cơ cấu tổ chức của loại hình công ty này tại Việt Nam.

Từ khóa: cơ cấu tổ chức, công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp, Cộng hòa Pháp, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Hệ thống pháp luật công ty của Cộng hòa Pháp có tác động và ảnh hưởng đến khá nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Riêng về công ty cổ phần, từ năm 1867, pháp luật của Pháp đã quy định rõ loại hình công ty này.[1] Sau này, trải qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay, các quy định về công ty cổ phần tại Pháp rất chi tiết và đầy đủ. Đặc biệt, các quy định về cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần tại Pháp được xây dựng rất khoa học, chặt chẽ, vì vậy, hoạt động của công ty này luôn ổn định và hiệu quả. Tuy nhiên, trái ngược với pháp luật Pháp, cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần tại Việt Nam mặc dù đã trải qua một số lần sửa đổi, bổ sung, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.[2] Chính vì vậy, nghiên cứu về cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần theo quy định của pháp luật Pháp càng trở nên cần thiết và quan trọng, bởi, từ đó tìm ra các hạn chế, bất cập và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần tại Việt Nam.

2. Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần tại Cộng hòa Pháp

“Công ty cổ phần là loại hình điển hình của công ty đối vốn”.[3] Đặc trưng của công ty này là kết nạp thành viên thường dễ dàng, vì vậy, công ty có thể “có số lượng thành viên rất đông”.[4] Tuy nhiên, chính từ việc công ty cổ phần thường có nhiều thành viên nên dẫn đến “vấn đề tổ chức quản lý công ty này luôn phức tạp”.[5] Vì thế, để có thể tổ chức và quản lý điều hành các hoạt động của công ty, đòi hỏi cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần phải có sự tham gia của nhiều cơ quan với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau.

Hiện nay, pháp luật của Pháp quy định những thiết chế tổ chức quản lý bắt buộc đối với công ty cổ phần như sau: Đại hội đồng, các cơ quan quản lýcơ quan kiểm soát. Tuy nhiên, cần lưu ý, tại Pháp, công ty cổ phần được pháp luật phân định thành 2 loại hình công ty khác nhau: Công ty cổ phần công khai gọi vốn (những công ty có tham gia thị trường chứng khoán kể từ ngày đăng ký; hoặc những công ty phải nhờ sự giúp đỡ của các ngân hàng, các cơ sở tài chính, những người môi giới hối đoái hay thông qua các biện pháp quảng cáo để bán bất kể loại chứng khoán nào); và Công ty cổ phần không công khai gọi vốn (công ty mà một số người do quen biết đã quyết định tiến hành việc thành lập giữa họ với nhau).[6]

Về cơ bản, hai loại hình công ty này chỉ khác nhau về thủ tục thành lập và việc có thể phát hành chứng khoán ngay khi thành lập hay không. Mặt khác, “từ năm 1966, những người sáng lập công ty vô danh (công ty cổ phần) có thể lựa chọn cách thức điều hành theo kiểu Pháp - có Hội đồng quản trị; hoặc theo kiểu Đức - có Ban giám đốc và Ban kiểm tra… tuy nhiên, công thức Ban giám đốc và Ban kiểm tra là bắt chước luật Đức”.[7] Do đó, phạm vi nghiên cứu của bài viết chỉ tập trung vào cơ cấu tổ chức của loại hình công ty cổ phần được thiết kế theo mô hình đặc trưng của Cộng hòa Pháp. Cụ thể, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan trong cơ cấu tổ chức của loại hình công ty cổ phần này như sau:

* Về Đại hội đồng: “Một trong những đặc điểm của công ty cổ phần là quản lý tập trung thông qua cơ cấu hội đồng”.[8] Vì vậy, tương tự quy định tại các quốc gia khác, tại Pháp, Đại hội đồng là cơ quan có quyền hạn cao nhất của công ty cổ phần. Đối với các công ty cổ phần công khai gọi vốn, pháp luật Pháp quy định Đại hội đồng có các nhiệm vụ: “Tiến hành các biện pháp kiểm tra và thông qua điều lệ công ty; bổ nhiệm các kiểm soát viên và các ủy viên quản trị đầu tiên”.[9] Mặt khác, cần phải nói đến sự khác biệt giữa pháp luật của Pháp với Luật Doanh nghiệp năm 2020 của Việt Nam ở chỗ, pháp luật Pháp tổ chức Đại hội đồng thành 3 loại hình: Đại hội đồng thường kỳ, Đại hội đồng bất thườngĐại hội đồng đặc biệt:

- Đối với Đại hội đồng thường kỳ (hay Đại hội đồng hàng năm): Đại hội được tổ chức ít nhất một lần trong năm nhưng cũng có thể triệu tập bất thường khi có các vấn đề quan trọng của công ty cần phải được thông qua. Đối tượng được quyền tham dự bao gồm những cổ đông có tên và nhận được thư gửi riêng. Để có thể biểu quyết hợp lệ đòi hỏi số lượng cổ đông có mặt hoặc giấy ủy quyền phải đại diện cho ít nhất ¼ các cổ phần có quyền biểu quyết và nếu như không đủ số lượng thì phải hoãn và tổ chức họp lần thứ hai. Về nguyên tắc, cuộc họp lần thứ hai sẽ được tiến hành và không bị phụ thuộc vào số cổ đông tham gia.

Trong cuộc họp, Hội đồng quản trị và các kiểm soát viên sẽ trình bày các báo cáo liên quan đến hoạt động của công ty và kết quả giám sát về tài chính của công ty. Đồng thời, trong các cuộc họp, Đại hội đồng sẽ tiến hành biểu quyết những đề nghị của Hội đồng quản trị và các kiểm soát viên hoặc bổ nhiệm các ủy viên quản trị và kiểm soát viên nếu khuyết chỗ. Bên cạnh đó, Đại hội đồng còn phải xem xét và phê chuẩn các biểu quyết toán hàng năm của công ty.[10]

- Đại hội đồng bất thường: Về nguyên tắc, cổ đông chỉ cần có ít nhất một cổ phần đều được quyền tham dự Đại hội đồng bất thường. Tuy nhiên, để có thể tiến hành họp đòi hỏi phải có sự tham dự của số cổ đông đại diện ½ cổ phần có quyền biểu quyết và nếu không đủ phải hoãn và tiến hành họp lần thứ hai sau đó. Cuộc họp lần thứ hai được tiến hành với ¼ cổ phần có quyền biểu quyết. Nhiệm vụ của Đại hội đồng bất thường chủ yếu liên quan đến việc xem xét, sửa đổi các vấn đề liên quan đến Điều lệ công ty cổ phần. Để việc biểu quyết được thông qua, đòi hỏi phải đạt được 2/3 số phiếu của các cổ đông có mặt hoặc người đại diện của cổ đông có mặt.[11]

- Đại hội đồng đặc biệt: Đối tượng tham dự và điều kiện tổ chức Đại hội đồng đặc biệt tương tự như Đại hội đồng bất thường. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu của Đại hội đồng đặc biệt “liên quan đến sự thay đổi quyền lợi của một loại cổ phần nào đó chỉ trở thành nhất định sau khi đã được các cổ đông có loại cổ phần này thông qua”.[12]

* Về các cơ quan quản lý: Pháp luật của Pháp phân chia cơ quan quản lý thành 2 thiết chế: Hội đồng quản trị; và Chủ tịch - Tổng giám đốc. Với cơ cấu quản lý này, có quan điểm cho rằng, “người ta gọi nhầm tổ chức theo kiểu Pháp là nhất nguyên, thực ra là nhị nguyên vì có một Hội đồng quản trị và một Chủ tịch - Tổng giám đốc, có quyền hạn riêng biệt”.[13] Trong đó, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của 2 thiết chế này có sự khác nhau như sau:

- Hội đồng quản trị: không chỉ tại Pháp mà tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, Hội đồng quản trị luôn được xác định là “cơ quan quyền lực mang tính hạt nhân trong công ty cổ phần”.[14] Chính vì vậy, Hội đồng quản trị là nơi tập trung rất nhiều quyền hạn quan trọng và là cơ quan được trao quyền quản lý điều hành việc kinh doanh hàng ngày của công ty cổ phần. Do Hội đồng quản trị giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nên để có thể trở thành thành viên của Hội đồng quản trị, ứng viên bắt buộc phải đáp ứng rất nhiều điều kiện phức tạp, như: là thành viên của công ty và phải có số cổ phần tối thiểu được Điều lệ công ty cổ phần quy định rõ; không thuộc trường hợp bất kiêm nhiệm (là công chức) hoặc không có năng lực hành vi dân sự, bị tuyên bố phá sản mà chưa được phục quyền;…

Ngoài ra, pháp luật của Pháp còn quy định số ủy viên quản trị đã quá 70 tuổi không thể nhiều hơn 1/3 tổng số ủy viên quản trị đương chức. Về số lượng thành viên của Hội đồng quản trị, trước đây Hội đồng quản trị phải có ít nhất 3 thành viên và nhiều nhất là 12 (có thể là 15 nếu là công ty lớn có tham gia thị trường chứng khoán).[15] Còn hiện nay, “số lượng thành viên của Hội đồng quản trị do Điều lệ công ty quy định”, ít nhất là 3 thành viên và nhiều nhất là 18 thành viên (Bộ luật Thương mại, Điều L. 225 - 17, được sửa đổi bởi Luật NRE, Điều 104).

Trong trường hợp sáp nhập, thành viên Hội đồng quản trị của công ty bị sáp nhập được trở thành thành viên của công ty sáp nhập và trong trường hợp này, số lượng thành viên của Hội đồng quản trị được vượt quá 18 trong thời hạn 3 năm kể từ ngày sáp nhập, nhưng không được vượt quá 24 thành viên”.[16] Mặt khác, điểm khác biệt lớn so với pháp luật của Việt Nam chính là, pháp luật của Pháp cho phép một người làm công ăn lương của công ty cổ phần có thể được bổ nhiệm là ủy viên quản trị nếu hợp đồng lao động đã được ký kết ít nhất 2 năm trước ngày bổ nhiệm. Mặc dù vậy, Đại hội đồng thường kỳ có thể quyết định bãi nhiệm các ủy viên quản trị bất cứ lúc nào mà không cần phải nêu lý do hoặc buộc phải bồi thường thiệt hại cho những người này.

Về thời hạn làm việc của ủy viên Hội đồng quản trị sẽ tùy thuộc Điều lệ công ty quy định (3 năm và có thể được cử lại) hoặc Đại hội đồng quy định (6 năm và có thể được bầu lại). Các ủy viên quản trị có quyền hoạt động nhân danh công ty. Tuy nhiên, các ủy viên quản trị không thể trở thành người làm công ăn lương của công ty cổ phần và cũng không thể ký kết hợp đồng lao động với công ty trừ phi được Hội đồng quản trị cho phép và phải được Đại hội đồng phê chuẩn.[17] Diễn đạt theo cách khác, “một người làm công ăn lương có thể trở thành quản trị viên nhưng một quản trị viên không thể trở thành người làm công ăn lương, trừ phi phải mất chức quản trị viên trước”.[18] Ngoài ra, pháp luật tại Pháp còn quy định các trách nhiệm dân sự của ủy viên quản trị như phải chịu trách nhiệm liên đới về những sai lầm trong quản lý, cũng như các vi phạm Điều lệ công ty và pháp luật trước các chủ nợ và trước các cổ đông.

Còn về trách nhiệm hình sự, các ủy viên quản trị có thể bị xử lý trong các trường hợp như dùng tài sản và quỹ của công ty để làm việc trái với lợi ích của công ty (công bố bản tổng kết tài sản không đúng hoặc phân chia các lợi tức giả tạo). Điều này cho thấy, pháp luật của Pháp rất chú trọng vấn đề xem xét trách nhiệm cá nhân của ủy viên quản trị trong việc quản lý điều hành công ty cổ phần. Bên cạnh đó, điểm đặc biệt của pháp luật tại Pháp là cho phép một cổ đông có thể yêu cầu Tòa thương mại chỉ định một ủy viên quản trị lâm thời trong trường hợp có sự mâu thuẫn lớn và kéo dài giữa các ủy viên quản trị với các cổ đông gây ảnh hưởng đến quyền lợi của công ty cổ phần.[19]

Về chức danh Chủ tịch - Tổng giám đốc: Tại Pháp, người giữ chức vụ “vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị, vừa là Tổng giám đốc do đó có tên gọi thông thường là Chủ tịch - Tổng giám đốc”.[20] Còn tại Việt Nam, người giữ chức danh kiêm nhiệm này thường được gọi đầy đủ là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Nghiên cứu cho thấy, ở Pháp, “chức danh Chủ tịch - Tổng giám đốc (P-DG - Président-Directeur Général) được tạo nên bởi Luật ngày 16/11/1940. Luật về các công ty thương mại năm 1966 đã thay thế nó bằng chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (Président du Conseil d’administration). Trên thực tế, người ta không sử dụng tên gọi mới mà thông thường họ vẫn giữ theo tên cũ và chắc chắn là do uy tín của ký hiệu P-DG”.[21] Thẩm quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm chức danh này thuộc về Hội đồng quản trị.

Bên cạnh đó, tùy theo yêu cầu của công ty, Hội đồng quản trị cũng có thể bổ nhiệm thêm một phó Tổng giám đốc và đương nhiên có thể miễn nhiệm chức danh này. Về nguyên tắc, Chủ tịch - Tổng giám đốc có tất cả các quyền hạn để lãnh đạo công ty và có tư cách doanh nhân. Mặc dù vậy, sau đó, “Luật NRE ngày 15/5/2001 đã đưa vào khả năng có thể tách rời chức năng của Chủ tịch và Tổng giám đốc. Việc lựa chọn này sẽ theo một trong 2 cách thức: (1) Tách bạch giữa 2 chức năng: Chủ tịch là người đại diện cho hội đồng mà mình tổ chức và điều hành công việc trong khi Tổng giám đốc đại diện cho công ty với người thứ ba và được trao những quyền rộng rãi nhất để hoạt động trên cương vị của mình; (2) Gộp hai chức năng: Chủ tịch Hội đồng quản trị đảm bảo việc quản lý chung cả công ty. Trong trường hợp này những quy định liên quan đến Tổng giám đốc được áp dụng đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị”.[22]

Mặt khác, trách nhiệm và sự ràng buộc của Chủ tịch - Tổng giám đốc với công ty cổ phần hết sức chặt chẽ. Bởi nếu công ty cổ phần bị tuyên bố phá sản thì người này cũng bị tuyên bố phá sản theo. Trong trường hợp này chỉ có ngoại lệ duy nhất khi Chủ tịch - Tổng giám đốc chứng minh được bản thân không thể bị buộc phải chịu trách nhiệm do sai phạm lỗi cá nhân về những hành vi đã làm cho công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Chủ tịch - Tổng giám đốc còn có quyền yêu cầu cử ra 1 ban tư vấn để góp ý kiến khi cần thiết.[23]

* Các cơ quan kiểm soát của công ty cổ phần: Tại Pháp, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý điều hành của Hội đồng quản trị được trao cho các kiểm soát viên (kiểm toán viên). Nhiệm vụ của các kiểm soát viên phải chứng nhận các bản quyết toán hàng năm là hợp lệ, trung thực và phản ánh đúng đắn kết quả hoạt động của tài khóa đã qua hay tình hình tài chính và tài sản của công ty cổ phần ở cuối tài khóa ấy. Để thực hiện được quyền hạn của mình, pháp luật của Pháp cho phép các kiểm soát viên có thể tiến hành mọi công việc kiểm tra mà họ cho là cần thiết vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Đồng thời, kiểm soát viên có trách nhiệm phải báo cáo với Đại hội đồng về việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Nhằm khẳng định tầm quan trọng của các báo cáo do kiểm soát viên thực hiện, pháp luật quy định, việc biểu quyết của Đại hội đồng sẽ vô hiệu nếu được tiến hành trước khi nghe báo cáo của các kiểm soát viên. Mặt khác, để có thể thực hiện quyền hạn và không bị lệ thuộc với Hội đồng quản trị, pháp luật Pháp còn cho phép các kiểm soát viên có thể triệu tập Đại hội đồng bất cứ lúc nào nếu họ thấy tình hình công ty trở nên nghiêm trọng và có quyền đề nghị bãi nhiệm các ủy viên quản trị. Đây là sự khác biệt rất lớn so với quy định tại Việt Nam hiện nay. Bởi theo Luật Doanh nghiệp 2020, nếu muốn triệu tập Đại hội đồng cổ đông, trước hết Ban kiểm soát phải yêu cầu Hội đồng quản trị tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp nếu Hội đồng quản trị không triệu tập họp thì trong thời hạn 30 ngày tiếp theo Ban kiểm soát mới có quyền trực tiếp triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông.[24]

Nói cách khác, tại Việt Nam hiện nay, Ban Kiểm soát chưa có quyền trực tiếp triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Về trách nhiệm của các kiểm soát viên, pháp luật tại Pháp quy định, các kiểm soát viên cũng có thể phải chịu trách nhiệm trước các chủ nợ của công ty về các sai lầm mà họ phạm phải trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hay phải chịu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp đã cung cấp hoặc xác nhận các tin tức dối trá về tình hình của công ty hoặc đã không tố giác với ủy viên công tố những hành vi phạm tội mà họ biết đã xảy ra.[25] Do đó, khác với Việt Nam, các kiểm soát viên trong các công ty cổ phần tại Pháp có trách nhiệm rất nặng nề với công việc mà họ đảm nhiệm.

Tóm lại, “những hình thức công ty của Pháp gần như là đã tập hợp tất cả những đặc điểm của cách tổ chức công ty của nền kinh tế hàng hóa ở nhiều nước trên thế giới”[26]. Trong đó, các quy định về cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần được thiết kế rất chi tiết, chặt chẽ và đầy đủ. Đây là cơ sở cho các quốc gia đang trong quá trình tìm tòi, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật công ty như Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu và học hỏi.

3. Kiến nghị

Pháp luật tại Pháp đề cao tính dân chủ và xã hội khi cho phép người lao động cũng có quyền trở thành ủy viên quản trị của Hội đồng quản trị. Đây là điểm mới và là sự sáng tạo rất lớn của pháp luật Cộng hòa Pháp và làm cho mô hình công ty cổ phần trở nên gần gũi, thân thiện với những người lao động của công ty. Ưu điểm của quy định này giúp cho người lao động có thêm tiếng nói để đóng góp cho công ty và ngoài ra, người lao động còn có thể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhờ việc được phép tham gia vào Hội đồng quản trị, người lao động sẽ càng gắn bó chặt chẽ hơn với công ty và từ đó, có thể cố gắng cống hiến, tận tụy, đóng góp nhiều hơn. Trên thực tế, không chỉ pháp luật Pháp mà ngay tại Cộng hòa liên bang Đức, pháp luật quốc gia này cũng cho phép “người làm công của công ty cổ phần được quyền lập Hội đồng xí nghiệp là cơ quan có vị trí độc lập, đóng vai trò quan trọng trong tổ chức các quan hệ giữa giới chủ và người làm công”.[27] Do đó, , các quốc gia châu Âu rất chú trọng việc gắn kết người lao động với công ty cổ phần thông qua việc đề cao vai trò và quyền hạn của người lao động khi được phép tham gia vào các cơ quan quản lý lãnh đạo cao nhất của công ty này.

Tuy nhiên, khác với pháp luật của Cộng hòa Pháp, pháp luật Việt Nam lại theo xu hướng của Hoa Kỳ, tức là: “quyền lực của công ty tập trung chủ yếu vào các cổ đông lớn và những người quản lý điều hành công ty (Managers)”.[28] Do đó, đối với công ty cổ phần của Việt Nam,  người lao động không được phép tham gia vào các cơ quan quản lý lãnh đạo của công ty. Công ty cổ phần tại Việt Nam được xác định là công ty của các cổ đông và mọi quyền hạn quan trọng sẽ thuộc về các cổ đông lớn, hoặc nhóm cổ đông có nhiều vốn góp.

Mặc dù vậy, quy định hiện nay của Việt Nam không tạo thuận lợi và thu hút những người lao động cống hiến và đóng góp cho công ty cổ phần. Hơn nữa, việc trao toàn quyền quyết định mọi vấn đề cho các cổ đông lớn thì các cổ đông nhỏ hay người lao động sẽ rất khó có cơ hội và điều kiện để bày tỏ ý kiến, quan điểm về các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty cổ phần.

Hiện nay, tương tự Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục ghi nhận cả 2 mô hình tổ chức quản trị điều hành của công ty cổ phần. Trong đó, mô hình thứ nhất: “Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và Giám đốc/Tổng giám đốc - mô hình truyền thống hay mô hình tổ chức điều hành kinh điển của công ty cổ phần”.[29] Mô hình thứ hai gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc với ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban Kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.[30]

Đối với mô hình cơ cấu tổ chức thứ hai, trong Hội đồng quản trị đã xuất hiện thêm thành viên độc lập là “những người không được nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong công ty cổ phần (ví dụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc, Phó Giám đốc/Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng…). Vì có như vậy, thành viên độc lập mới không bị ảnh hưởng, chi phối bởi những lợi ích từ việc đang nắm giữ các chức vụ, quyền hạn trong công ty”.[31] Có lẽ Luật Doanh nghiệp 2020 của Việt Nam muốn tăng cường tính dân chủ, khách quan trong việc quản lý lãnh đạo công ty cổ phần, nên cho phép thành viên độc lập tham gia Hội đồng quản trị.

Mặc dù vậy, trên thực tế, để có thể trở thành thành viên độc lập lại không phải việc dễ dàng. Bởi lẽ, từ thực tiễn cho thấy, “điều này lại mâu thuẫn rất lớn vì những cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ ít cổ phần thì rất khó đủ điều kiện để trở thành thành viên của Hội đồng quản trị. Vì nguyên tắc ưu tiên số phiếu bầu, nên thông thường những cổ đông được tham gia vào Hội đồng quản trị chủ yếu là các cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn”.[32] Do đó, những cổ đông thiểu số hoặc nhóm cổ đông thiểu số khó có đủ số lượng phiếu bầu cần thiết để trở thành thành viên độc lập.

Vì thế, thực chất, mọi quyền hạn quyết định vẫn chỉ nằm trong tay các cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn. Từ đó, theo tác giả, cần nghiên cứu và áp dụng theo quy định của Cộng hòa Pháp trong việc cho phép những người lao động của công ty cổ phần cũng được phép cử người tham gia vào Hội đồng quản trị. Trong đó, cần quy định cụ thể các tiêu chuẩn, điều kiện đối với người lao động khi trở thành thành viên của Hội đồng quản trị.

Theo đó, cần phải có các tiêu chí, như: người lao động phải có một số năm làm việc liên tục tại công ty; vị trí đảm nhiệm khi làm việc tại công ty; mức độ hoàn thành công việc hàng năm; khả năng chuyên môn, trình độ quản lý; tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc… Về tỷ lệ người lao động trong Hội đồng quản trị, theo tác giả, cần tiếp tục nghiên cứu và tìm ra một tỷ lệ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các công ty cổ phần tại Việt Nam hiện nay. Có như vậy, cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản trị mới đảm bảo tính dân chủ, khách quan và giảm bớt sự chuyên quyền của các cổ đông lớn, hoặc nhóm cổ đông lớn.

TÀI LIỆU CHÚ DẪN:

[1] Maurice Cozian và Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec. 1988, Viện nghiên cứu Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, tr. 7.

[2] Nguyễn Vinh Hưng (2019), Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 24, tr. 23.

[3] Nguyễn Như Phát (chủ biên 2011), Giáo trình Luật Kinh tế Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội, NXB. Công an nhân dân, tr. 107.

[4] Lê Minh Toàn (chủ biên 2006), Luật Kinh tế Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia, tr. 215.

[5] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam tập I, sđd, tr. 205.

[6] Francis Lemeunier (1992), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại Luật Kinh doanh, NXB. Chính trị quốc gia, tr. 208.

[7] Maurice Cozian và Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec. 1988, sđd, tr. 16, 44.

[8] Lê Học Lâm và Lê Ngọc Đức (2010), Luật Kinh doanh, NXB. Thống kê, tr. 135.

[9] Francis Lemeunier (1992), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại Luật Kinh doanh, sđd, tr. 221.

[10] Francis Lemeunier (1992), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại Luật Kinh doanh, sđd, tr. 222.

[11] Francis Lemeunier (1992), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại Luật Kinh doanh, sđd, tr. 223.

[12] Francis Lemeunier (1992), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại Luật Kinh doanh, sđd, tr. 223.

[13] Maurice Cozian và Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec. 1988, sđd, tr. 16 - 17.

[14] Phạm Duy Nghĩa (2009), Luật Doanh nghiệp - Tình huống - Phân tích - Bình luận, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 146.

[15] Maurice Cozian và Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec. 1988, sđd, tr. 17.

[16] Lê Minh Phiếu (2006), Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Pháp, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 4.

[17] Francis Lemeunier (1992), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại Luật Kinh doanh, sđd, tr. 224 - 225.

[18] Maurice Cozian và Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec. 1988, sđd, tr. 18.

[19] Francis Lemeunier (1992), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại Luật Kinh doanh, sđd, tr. 225 - 226.

[20] Maurice Cozian và Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec. 1988, sđd, tr. 22.

[21] Lê Minh Phiếu (2006), Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Pháp, tlđd, số 4.

[22] Lê Minh Phiếu (2006), Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Pháp, tlđd, số 4.

[23] Francis Lemeunier (1992), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại Luật Kinh doanh, sđd, tr. 227.

[24] Khoản 3, Điều 140 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[25] Francis Lemeunier (1992), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại Luật Kinh doanh, sđd, tr. 227 - 231.

[26] Maurice Cozian và Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec. 1988, sđd, tr. 3.

[27] Friedrich Fubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, NXB. Pháp lý, tr. 48.

[28] Friedrich Fubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, sđd, tr. 50.

[29] Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật Kinh tế, NXB. Công an nhân dân, tr. 247.

[30] Điểm b, khoản 1, Điều 137 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[31] Nguyễn Vinh Hưng (2019), Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, tlđd, tr. 27.

[32] Nguyễn Vinh Hưng (2019), Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, tlđd, tr. 28.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Maurice Cozian và Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec. 1988, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp.
  2. Friedrich Fubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, NXB. Pháp lý.
  3. Nguyễn Vinh Hưng (2019), Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 24.
  4. Lê Học Lâm và Lê Ngọc Đức (2010), Luật Kinh doanh, NXB. Thống kê.
  5. Francis Lemeunier (1992), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại Luật Kinh doanh, NXB. Chính trị quốc gia.
  6. Phạm Duy Nghĩa (2009), Luật Doanh nghiệp - Tình huống - Phân tích - Bình luận, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Phạm Duy Nghĩa (2015), Giáo trình Luật Kinh tế, NXB. Công an nhân dân.
  8. Nguyễn Như Phát (chủ biên 2011), Giáo trình Luật Kinh tế Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội, NXB. Công an nhân dân.
  9. Lê Minh Phiếu (2006), Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Pháp, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 4.
  10. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp năm 2014.
  11. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp năm 2020.
  12. Lê Minh Toàn - chủ biên (2006), Luật Kinh tế Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia.

The organizational structure of joint stock companies

in France and some recommendations for Vietnam

Ph.D Nguyen Vinh Hung

Faculty of Law, Vietnam National University - Hanoi Campus

Lawyer, Nguyen Hoang Yen

University of Technology and Management

ABSTRACT:

This paper presents the organizational structure of joint stock companies in France. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to enhance the effectiveness of Vietnamese legal provisions on the organizational structure of joint stock companies in Vietnam.

Keywords: organizational structure, joint stock company, Law on Enterprise law, the French Republic, law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]