Chương trình Mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng (TKNL) 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2025 và từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2030, cụ thể các ngành xi măng, sắt, thép, giấy, nhựa… dao động từ 6-25% tùy từng ngành. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây là một mục tiêu khá tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các bộ ban ngành, địa phương mà đặc biệt cần các giải pháp  đầu tư để thay đổi dây chuyền công nghệ đang sử dụng tại các doanh nghiệp. Trong suốt các giai đoạn VNEEP1, VNEEP2, các doanh nghiệp đã đầu tư các giải pháp TKNL cơ bản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, muốn tiết kiệm thêm nữa, cần các giải pháp lớn hơn, mang tính chất đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất, đòi hỏi một chi phí lớn hơn rất nhiều. Điều đó cần nguồn vốn không hề nhỏ mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được.

Cơ chế tài chính góc nhìn doanh nghiệp
Mỗi năm, NatsteelVina dành hàng tỉ đồng để đầu tư cho các dự án TKNL

 

Nhưng kết quả khảo sát của VECEA đã cho thấy, bản thân các doanh nghiệp thường ngại làm các giải pháp đầu tư lớn, khi họ lo ngại không biết các giải pháp đó có thực sự đem lại hiệu quả hay không. Còn khi triển khai các giải pháp lớn thì đa số doanh nghiệp chọn phương án dùng vốn tự có để đầu tư thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi còn nhiều rào cản khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà.

Dự án TKNL khó tiếp cận các nguồn vốn đầu tư

Khác với đầu tư vào lĩnh vực khác, các dự án TKNL thường có quy mô nhỏ, ngay cả khi lợi nhuận đầu tư cho hạng mục TKNL đạt mức cao thì tổng lợi nhuận tài chính của những dự án quy mô nhỏ cũng không lớn và không hấp dẫn đối với các nhà quản lý, các ngân hàng thương mại. Chưa kể,  nội dung kỹ thuật của các dự án TKNL rất đa dạng, giải pháp kỹ thuật áp dụng trong diện hẹp, việc thẩm định phê duyệt các dự án TKNL cũng đòi hỏi phải có các chuyên gia có kinh nghiệm. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều không tự mình tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, mà thường chỉ biết đến sau khi đã tham gia vào các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và cũng phải được sự hỗ trợ tích cực của các cán bộ tham gia dự án mới có thể tiếp cận nguồn vốn. Đó chính là nguyên nhân hiện nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp tự chủ động kinh phí cho các giải pháp TKNL.

Ông Lê Khắc Giang - Phó Trưởng phòng Sản xuất Công ty NatsteelVina – một đại diện của doanh nghiệp ngành Thép cho biết, sau một thời gian dài áp dụng các giải pháp nhỏ, những năm gần đây, mỗi năm Công ty dành hàng tỉ đồng để đầu tư cho các giải pháp TKNL lớn hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Là một công ty liên doanh với nước ngoài (đối tác Singapore) nên việc tiết giảm chi phí sản xuất là điều Công ty rất quan tâm, trong đó đặc biệt chú trọng tới các giải pháp TKNL. Hàng năm, Công ty đều có những cải tiến, hoặc đầu tư lắp đặt trang thiết bị TKNL với số vốn lớn. Mặc dù biết có rất nhiều nguồn tài chính thông qua các công cụ tài chính quốc tế và chính phủ, các tổ chức phi chính phủ có thể giúp Công ty trong các hoạt động đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tuy nhiên, hiện các giải pháp được triển khai tại Công ty đều dùng vốn tự có. Nguyên nhân là do những dự án của Công ty thường có kế hoạch rất chi tiết, được đối tác nước ngoài phê duyệt, có thời gian triển khai thực hiện rất rõ ràng. Vì vậy, Công ty thường chủ động sắp xếp nguồn vốn theo kế hoạch, do ngại các quy trình thủ tục rườm rà khi làm hồ sơ vay vốn ưu đãi.

Ông Giang chia sẻ thêm, là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cán thép, sử dụng năng lượng lớn, Công ty có tiềm năng lớn về TKNL như điện năng, hơi, thu hồi nhiệt. Trong thời gian tới, nếu như có thể tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để thúc đẩy áp dụng các giải pháp nhanh hơn, sẽ đạt hiệu quả TKNL lớn hơn.

Trường hợp tại Khách sạn Majestic thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon tourist) cũng là một ví dụ tương tự. Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn – Cán bộ quản lý năng lượng của Khách sạn cho biết, Majestic là một khách sạn có tuổi đời khá lâu năm, có rất nhiều thiết bị tiêu hao năng lượng lớn. Do đó việc cải tạo để khách sạn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn là việc rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, để chủ động cho việc đầu tư thực hiện các giải pháp TKNL, Khách sạn phải dựa hoàn toàn vào nguồn vốn từ Quỹ Khoa học Công nghệ của Saigon tourist chứ không vay các Ngân hàng thương mại. Kế hoạch cải tạo được trình lên Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, khi được phê duyệt sẽ tiến hành đầu tư theo quy định, Tổng công ty sẽ cấp vốn từ Quỹ Khoa học Công nghệ để triển khai thực hiện.

Cơ chế tài chính góc nhìn doanh nghiệp
Canon Việt Nam luôn có nguồn vốn dành riêng cho các dự án TKNL. Ảnh: Thái Uyên/baobacninh.com.vn

 

Chia sẻ về cơ chế tài chính để triển khai các giải pháp TKNL, ông Phạm Minh Tân - Trưởng phòng Môi trường Công ty Canon Việt Nam cũng cho biết, Công ty luôn dành những khoản đầu tư để thực hiện các dự án TKNL, thực hiện theo chính sách của Việt Nam cũng như yêu cầu của Tập đoàn Canon bên Nhật. Cụ thể, tại Canon yêu cầu mỗi năm phải tiết kiệm được 1,5% so với năm trước, do đó các khoản đầu tư giải pháp TKNL luôn được ưu tiên dành một ngân quỹ nhất định theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Lỡ thời cơ đầu tư do thời gian phê duyệt vốn dài

Một nguyên nhân khác mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải chính là lo ngại thời gian thẩm định phê duyệt dự án quá dài, khiến Công ty lỡ mất cơ hội đầu tư, thậm chí nhiều dự án liên quan đến công nghệ, chỉ năm trước, năm sau, công nghệ đã khác, do đó các doanh nghiệp cảm thấy lo ngại.

Như tại Công ty CP Hóa chất Việt Trì, những năm gần đây, Công ty đã tập trung đầu tư lớn cho việc đổi mới công nghệ với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng và đổi lại, năm 2020, Công ty đã tiết kiệm được gần 39% năng lượng so với năm 2019, là doanh nghiệp đạt giải nhất Giải thưởng "Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2021". Qua làm việc với nhóm cán bộ quản lý năng lượng của Công ty được biết, mặc dù các công nghệ Công ty mới đầu tư đều xuất phát từ thực tế và những giải pháp được đề xuất từ báo cáo kiểm toán năng lượng trước đó, nhưng Công ty đều phải bố trí nguồn vốn tự có mà chưa tiếp cận được bất kỳ nguồn vốn ưu đãi nào liên quan đến lĩnh vực đầu tư các dự án TKNL.

Ông Văn Đình Hoan – Tổng giám đốc Công ty cho biết, các dự án đầu tư của Công ty đều phải lập kế hoạch chi tiết và được Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất phê duyệt, bố trí kinh phí từ Quỹ Khoa học Công nghệ của Tập đoàn. Các mốc đầu tư đều phải tuân thủ chặt chẽ theo đúng tiến độ. Trong khi nếu vay vốn từ nguồn ưu đãi, bên cạnh việc phải có rất nhiều hồ sơ, chứng từ, thời gian thẩm định, phê duyệt vốn cũng kéo dài từ 6 tháng có khi đến cả năm thì không đáp ứng được tiến độ của Công ty. Hiện Công ty có nhu cầu cải tạo hệ thống sản xuất Axit có thu hồi nhiệt, hệ thống sản xuất bột tẩy cần vốn đầu tư lớn khoảng 210 tỷ đồng… công nghệ tiên tiến, rất TKNL. Nếu có một cơ chế tài chính phù hợp để Công ty có thể được vay vốn ưu đãi thì việc đầu tư sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, giảm bớt gánh nặng lo vốn cho Công ty.

Cơ chế tài chính góc nhìn doanh nghiệp
Liên tục triển khai các dự án TKNL, nhưng CASUMINA không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nào

 

Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (CASUMINA) cũng là một trường hợp như vậy. Mỗi năm, Công ty dành hàng tỉ đồng đầu tư các giải pháp TKNL xuất phát từ thực tế sản xuất. Đại diện CASUMINA cho biết, Công ty biết có các quỹ tài chính cho các dự án TKNL, nhưng không biết tiếp cận như thế nào. Thậm chí, việc vay vốn ưu đãi có thể thay đổi cả kế hoạch đầu tư do các thủ tục phê duyệt gặp nhiều rào cản, nên Công ty thường chọn phương án dùng vốn tự có để đỡ mất thời gian. Thực tế triển khai các dự án TKNL liên tục trong các năm, doanh nghiệp nhận thấy, bản thân các ngân hàng cũng ngại cho vay các dự án TKNL do hiệu quả nhỏ và thời gian thu hồi vốn lâu. Do đó, doanh nghiệp rất cần một văn bản cụ thể của các Bộ, ngành liên quan để nhìn vào đó, doanh nghiệp thấy dự án của mình có thuộc đối tượng được cho vay ưu đãi hay không, cần làm những gì để được hỗ trợ cho vay, như vậy sẽ đỡ mất thời gian cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Để dần hoàn thiện cơ chế tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE), Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF) đã được thành lập. Quỹ có tổng quy mô lên tới 75 triệu USD. Dự án do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản quản lý. Quỹ RSF, nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các dự án TKNL của Việt Nam thông qua Đơn vị thực hiện chương trình (PIE). Số tiền bảo lãnh sẽ dùng để thanh toán cho các dự án mất khả năng chi trả và được PIE xác nhận đủ điều kiện để bồi hoàn.

Theo thông tin từ Ban quản lý dự án, Quỹ RSF sử dụng nguồn viện trợ ODA có hoàn trả của Quỹ Khí hậu Xanh thông qua Ngân hàng Thế giới. Với việc nhận bảo lãnh RSF, các tổ chức tài chính sẽ giảm thiểu được rủi ro khi thực hiện các khoản cho vay với mục đích đầu tư TKNL. Mặt khác, doanh nghiệp được tăng khả năng tiếp cận vốn nhằm thực hiện các khoản đầu tư liên quan đến mua sắm, lắp đặt, chạy thử hoặc trang bị thêm hay cải tạo, nâng cấp thiết bị để tăng hiệu suất sử dụng năng lượng. 

Bảo lãnh RSF được cấp lên tới 50% giá trị khoản vay của các doanh nghiệp, đơn vị ESCO.