Có CPTPP – công đoàn không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động

Ngày 08/3/2018 vừa qua, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng đại diện 10 quốc gia thành viên khác. Nhân sự kiện trọng đại này, ông Ngọ Duy Hiểu, Đại

PV: Về bản chất, Hiệp định CPTTP dựa trên cơ sở của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được bổ sung thêm sở hữu trí tuệ và mua sắm tài sản công, quyền người lao động, DN Nhà nước. Vậy những điểm khác nhau cơ bản giữa Hiệp định CPTPP và Hiệp định TPP là gì thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Qua nghiên cứu, tôi thấy có 3 điểm khác biệt lớn giữa TPP và CPTPP, ngoài tên gọi đã có sự khác nhau, Hiệp định sau bổ sung Hiệp định trước, cụ thể: Về số lượng thành viên, trong Hiệp định TPP có 12 thành viên bao gồm: Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, với 800 triệu dân, chiếm 40% GDP, 30% thương mại toàn cầu; trong khi đó Hiệp định CPTPP còn 11 thành viên (Mỹ rút) với 500 triệu dân, chiếm khoảng 15% GDP, 15% tổng thương mại toàn cầu.

Về nội dung, TPP có 30 chương bao quát rộng về thương mại, thuế quan, đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường… CPTPP cơ bản giữ nguyên nội dung đã đàm phán của TPP, nhưng có thêm 2 phụ lục: Phụ lục thứ nhất về Danh mục 20 nghĩa vụ tạm hoãn thực thi của TPP và 4 nội dung cần đàm phán lại; Phụ lục thứ hai về 7 điều liên quan đến những điểm kỹ thuật của Hiệp định mới.

Về điều kiện có hiệu lực, theo quy định của TPP, để Hiệp định có hiệu lực thì tổng GDP của các nước triển khai bằng 85% tổng GDP của 12 nước đã ký; trong khi theo CPTPP, chỉ cần ít nhất 6 quốc gia thành viên ký phê chuẩn, thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ký.

PV: Vậy nội dung về lao động – công đoàn được quy định trong Hiệp định CPTPP có những vấn đề nào lớn cần quan tâm, thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: CPTPP là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, bởi không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm công, DN nhà nước, xóa đói, giảm nghèo.

Trong lĩnh vực lao động, công đoàn, Hiệp định CPTPP đề cập đến các nội dung cơ bản (có liên quan đến Việt Nam) gồm: Thực hiện tất cả các tiêu chuẩn lao động quốc tế; thời gian không áp dụng trừng phạt thương mại là 5 năm kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với việc thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở (ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam), thời gian không trừng phạt thương mại là 7 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với nghĩa vụ cho phép các tổ chức của người lao động tại cơ sở được phép liên kết với nhau. Ngoài ra còn các vấn đề như đàm phán thỏa thuận lao động tập thể, lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu...

PV: Rõ ràng, trong các nội dung về lao động – công đoàn được Hiệp định đề cập, ta thấy xuất hiện những thách thức không hề nhỏ đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Thách thức đó là những gì thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Đối với tổ chức công đoàn Việt Nam, thách thức lớn nhất là trong tương lai không xa, ở cấp cơ sở, sẽ xuất hiện các tổ chức đại diện khác của người lao động (hay còn gọi là đa công đoàn). Công đoàn Việt Nam khi đó không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động. Vấn đề cạnh tranh để giữ chân và thu hút mới đoàn viên công đoàn là điều tất yếu sẽ xảy ra giữa Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện khác của người lao động. Việc phát triển đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ gặp khó khăn. Nguồn lực đảm bảo cho hoạt động công đoàn, nhất là nguồn tài chính bị chia sẻ và đương nhiên sẽ bị giảm sút. Môi trường hoạt động công đoàn có thay đổi lớn do quan hệ lao động sẽ có diễn biến phức tạp.

Một cuộc cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng theo pháp luật khi Công đoàn Việt Nam có nhiều ưu thế, song cũng còn không ít vấn đề cần khắc phục. Tổ chức Công đoàn Việt Nam có bề dày truyền thống; được tổ chức thống nhất, rộng khắp gồm 4 cấp; có đội ngũ cán bộ công đoàn hùng hậu; những năm qua đã có nhiều hoạt động mang lại lợi ích, bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của người lao động. Song mô hình tổ chức còn bất cập; một bộ phận cán bộ công đoàn còn nặng tư tưởng bao cấp, hành chính hóa, làm phong trào thuần túy, chậm thích ứng với tình hình mới; hiệu quả hoạt động còn hạn chế ở nhiều công đoàn cơ sở sẽ là những thách thức khi cuộc cạnh tranh sắp đến gần. Nhưng tôi nghĩ, với bản lĩnh và trí tuệ của những người cán bộ Công đoàn Việt Nam, như cha ông ta đã tổng kết “cái khó ló cái khôn”, tôi tin rằng, Công đoàn Việt Nam sẽ vượt qua thách thức, tận dụng tốt cơ hội để làm mới mình nhờ gia nhập CPTPP.

PV: Trước những cơ hội và cả thách thức đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Trong quá trình Chính phủ đàm phán Hiệp định TPP, sau này là CPTPP, Tổng LĐLĐ Việt Nam theo sát tình hình, có nhiều ý kiến đóng góp, tham mưu kịp thời và chất lượng. Cùng với đó là sự chuẩn bị các phương án ứng phó của tổ chức Công đoàn Việt Nam để thích ứng với tình hình mới. Trong rất nhiều công việc phải làm, chúng tôi tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn và đoàn viên về cơ hội, thách thức khi Chính phủ ta tham gia ký kết Hiệp định CPTPP và nâng cao năng lực, khẳng định quyết tâm của toàn hệ thống thích ứng với tình hình mới.

Hai là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo tổ chức và hoạt động của công đoàn các cấp theo hướng quyết liệt, kịp thời, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh vào các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn như chăm lo lợi ích, đại diện, bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của người lao động. Công đoàn phải chứng minh được sự khác nhau về quyền và lợi ích của người là đoàn viên công đoàn và người không phải là đoàn viên công đoàn bằng các hoạt động thực tiễn thiết thực ở cơ sở.

Ba là, đổi mới mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn, linh hoạt, khoa học, hoạt động hiệu quả; làm rõ mối quan hệ giữa công đoàn ngành và liên đoàn lao động các địa phương; đảm bảo tính độc lập tương đối và quyền chủ động trong quản lý đội ngũ cán bộ công đoàn (trừ các chức danh phối hợp với cấp ủy quản lý).

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở thông qua việc xác định rõ nhiệm vụ của cấp này, đổi mới cơ chế lựa chọn chủ tịch công đoàn cơ sở, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; nâng cao năng lực chỉ đạo, hỗ trợ của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với công đoàn cơ sở; làm cho công đoàn cơ sở thực sự là người bạn, người đồng hành, chỗ dựa tin cậy của đoàn viên.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tư duy sáng tạo. Hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp: Bản lĩnh, tâm huyết, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp; gắn bó, sâu sát với cơ sở; có năng lực tư vấn, thuyết phục, đối thoại, thương lượng và bảo vệ người lao động.

Hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, tập trung chuẩn bị sửa đổi Điều lệ Công đoàn trình Đại hội XII, tham mưu với Đảng ban hành các chủ trương, nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Có thể nói, Công đoàn Việt Nam đã chủ động đón nhận tình hình, đưa ra nhiều giải pháp, coi đây là cơ hội để đổi mới toàn diện tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!