Cơ hội cho chiến lược phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may ở Việt Nam

TS. Hà Sơn Tùng (Trưởng bộ môn Quản trị doanh nghiệp, Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

Tóm tắt:
Phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may là một trong những mấu chốt quan trọng trong chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Dệt may Việt Nam. Theo đó, nhận diện các cơ hội là một trong những công việc quan trọng để hiện thực hóa việc bền vững chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam. Thông qua phân tích môi trường chính trị, pháp luật, kinh tế và tự nhiên, bài báo đã chỉ ra những cơ hội nhất định cho chiến lược phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may ở Việt Nam.
Từ khóa: Chiến lược phát triển bền vững, chuỗi cung ứng dệt may, ngành Dệt may Việt Nam.

1. Đặt vấn đề
Trong quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành ngày 11/4/2014, Bộ Công Thương đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển ngành Dệt may phải gắn với bảo vệ môi trường và xu thế dịch chuyển lao động nông nghiệp, nông thôn; chuyển mạnh sản xuất từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, đảm bảo nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và lấy xuất khẩu làm phương thức cơ sở cho sự phát triển của ngành…”. Theo đó, một chuỗi cung ứng bền vững sẽ là cơ sở cho sự thành công trong chiến lược phát triển ngành. Trong bối cảnh hội nhập và thực thi FTA thế hệ mới, liệu có cơ hội nào để hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may ở Việt Nam?. Bài báo sẽ nhận diện, phân tích những cơ hội đến từ các góc độ khác nhau.
2. Hiểu về chuỗi cung ứng bền vững
Trước hết, chuỗi cung ứng không còn là khái niệm xa lạ, được phát triển từ những năm 1980s (Oliver & Webber, 1992). Các nghiên cứu về chuỗi cung ứng sau đó được phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cung ứng, hậu cần, vận tải, sản xuất, hay cả những lĩnh vực như Marketing, quản trị chiến lược (Chen, Paulraj, 2004). Song dù áp dụng trong lĩnh vực nào thì chuỗi cung ứng đều thể hiện mối quan hệ giữa một doanh nghiệp và nhà cung ứng (Helper, 1991; Morgan & Monczka, 1996) hay liên quan đến chiến lược của doanh nghiệp (Harland và cộng sự, 1999). Chuỗi cung ứng bền vững được Svensson (2007) khẳng định cần đảm bảo “nổi bật được các khía cạnh môi trường, xã hội, kinh tế trong hoạt động kinh doanh”.
Chuỗi cung ứng dệt may bền vững không nằm ngoài ngoại lệ đó. Điều đó đồng nghĩa, ở từng khâu trong chuỗi từ cung ứng nguyên vật liệu đầu vào đến khâu thiết kế, sản xuất, khâu phân phối vận chuyển, thu hồi, tái chế đều cần đảm bảo cả 3 góc độ nhằm tạo nên tính bền vững chung của toàn chuỗi.
3. Cơ hội phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam từ các góc nhìn
3.1. Từ góc độ chính trị
Ý thức được sự cần thiết phải phát triển bền vững chuỗi cung ứng, nhiều địa phương như Đồng Nai, Huế hạn chế thu hút các doanh nghiệp dệt nhuộm sử dụng công nghệ thiết bị kém thân thiện môi trường, chỉ ưu tiên các doanh nghiệp chú trọng, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Hay một trong hai đô thị đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, thuộc vùng dệt may lớn nhất cả nước đã xác định rõ tầm nhìn: “Phát triển ngành Dệt may phải gắn với bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất được tập trung trong khu, cụm công nghiệp đủ điều kiện xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Phát triển dệt may theo hướng ổn định, gắn chặt với việc bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững”. Ngoài ra, nhiều địa phương trong nước đã chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện đổi mới công nghệ, áp dụng các giải pháp xử lý môi trường gắn với các chương trình khoa học công nghệ, khuyến công, sản xuất sạch hơn hay tiết kiệm năng lượng.
Những quan điểm định hướng, mục tiêu chung như vậy là những “điểm sáng”, làm tiền đề, cơ hội phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam trong tương lai.
3.2. Từ góc độ công nghệ
Liên quan đến công nghệ, nhiều cơ hội phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may đang được mở ra, đặc biệt gắn với quá trình phát triển và đổi mới khoa học công nghệ cùng xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Xu hướng ứng dụng đo, cắt tự động, thậm chí máy móc hóa, sử dụng robot may hàng loạt công đoạn khó như ghép cổ, vào tay, măng séc... nhằm đáp ứng được độ chính xác của sản phẩm, số lượng đơn hàng nhanh, giảm các chi phí đầu vào đang được áp dụng (Việt Âu, 2017). Hay sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới, có thể tăng năng suất từ 400-500 vòng/phút lên tới 1.000-1.200 vòng/phút sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả kinh tế hơn. Xu hướng đưa giá trị gia tăng vào khâu thải bỏ và tái chế, ứng dụng công nghệ tự động hóa, thông minh hóa nhằm gia tăng yếu tố xanh trong từng bước của chuỗi được các doanh nghiệp thể giới ứng dụng ngày một nhiều là những bước tiến dài, góp phần phát triển bền vững các khâu trong chuỗi cung ứng.
Ở khâu dệt nhuộm, nhiều công nghệ mới cũng đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng trên thế giới như công nghệ nhuộm khô, không dùng nước và hóa chất, giúp hạn chế xả thải ra môi trường các chất độc hại. Mặc dù chi phí đầu từ thiết bị công nghệ này khá lớn, có thể lên tới 4 triệu đô la Mỹ cho một chiếc máy nhuộm nhưng công nghệ này đang góp phần không nhỏ trong việc bền vững hóa chuỗi cung ứng ở góc độ môi trường.
Ở khâu thiết kế, sản xuất, nhiều công nghệ tự động hóa và trao đổi dữ liệu công nghệ sản xuất đã và đang mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp. Với nhiều thiết bị hiện đại, có thể chỉ trong vài giây, nhiều máy in kỹ thuật số tích hợp tốc độ cao có thể in hình hoa văn, họa tiết, phông chữ lên hàng chục chiếc áo, hay những tấm vải lớn. Các mẫu hình được in tự động đúng quy chuẩn, qua đó giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực, đạt hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Công nghệ mới cũng giúp các doanh nghiệp có thể tái chế phế liệu từ ngành Dệt may. Hiện nay, nhiều công nghệ có thể tái chế phế liệu ngành Dệt may thành nguyên liệu mới cho ô tô, đồ nội thất, nệm, thô sợi, đồ nội thất, giấy hay phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Điều này giúp bền vững hơn chuỗi cung ứng dệt may so với phương pháp đốt hay chôn lấp trước đây. Những ứng dụng công nghệ mới này giúp Dệt may Việt Nam đến gần hơn chiến lược phát triển bền vững bởi lợi ích môi trường cũng như lợi ích kinh tế. Ở góc độ môi trường, việc hạn chế chôn lấp vừa không làm tăng quỹ đất, vừa giảm phát thải khí nhà kính từ một số sản phẩm sợi khó phân hủy, khi chôn lấp có khả năng tạo ra khí mêtan gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Việc tái chế cũng giúp doanh nghiệp trong chuỗi hạn chế các chi phí xử lý chất thải, chi phí tiêu thụ nước và tạo ra được sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Một ví dụ được nêu ra ở đây là trường hợp công ty thời trang “EcoGear” của Nhật Bản đã giới thiệu ra thị trường một loại vải tái sinh từ vô số vải vụn, vải thừa, vải phế liệu từ các xưởng may; đây là một khái niệm hoàn toàn mới so với các khái niệm vải tái sinh từ trước đến nay trong khoa học. Vải cũng có màu sắc nhưng không hề sử dụng hóa chất độc hại hay thuốc nhuộm, tẩy (Nguyễn Thị Thu Huyền, 2004).
3.3. Từ góc độ pháp luật
Đến nay, rất nhiều quyết định, chính sách đã được ban hành là động lực, cơ hội phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam. Có thể kể tới như:
Thứ nhất, quy hoạch phát triển ngành Dệt may theo Quyết định số 3218/QĐ-TTg ngày 11/4/2014 thể hiện sự cấp thiết, ý nghĩa của việc phát triển và làm chủ nguyên liệu dệt may. Quy hoạch này xác định rõ định hướng phát triển nguồn nguyên liệu xơ bông, các loại cây có xơ sợi, xơ sợi nhân tạo và phụ liệu, cụ thể nhấn mạnh:“Triển khai chương trình phát triển cây bông, trong đó chú trọng xây dựng các vùng trồng bông có tưới nhằm tăng năng suất và chất lượng bông xơ trong nước, cung cấp cho ngành dệt; lựa chọn, đầu tư bổ sung các nhà máy sản xuất xơ sợi nhân tạo, từng bước chủ động đáp ứng nhu cầu của ngành Dệt về chủng loại, chất lượng, số lượng, nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa”. Đây là một cơ hội không chỉ giảm áp lực phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu mà còn khép kín hóa được các khâu trong chuỗi cung ứng, từ trồng bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải, may sản phẩm, từ đó nâng cao tính bền vững chuỗi cung ứng.
Thứ hai, Quyết định số 2146 ngày 01/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm chuyển dịch cơ cấu sản phẩm ở các ngành: dệt may; Nhanh chóng hình thành các cụm dệt may, tạo mạng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong ngành, phát triển chuỗi của ngành; hình thành các liên minh và các tổ chức hợp tác giữa các công ty dọc theo chuỗi cung ứng từ cung ứng nguyên liệu đến phân phối sản phẩm may mặc”. Với quyết định này, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có thể đảm bảo được hiệu quả kinh tế, đặc biệt các doanh nghiệp dệt nhuộm bởi các doanh nghiệp này thường có xu hướng tìm kiếm địa điểm đầu tư tại các khu tập trung, đảm bảo hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Hơn nữa, theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may, do đặc thù đa phần là các doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và vừa, sản xuất theo phương thức gia công, Quyết định này sẽ tạo cơ hội lớn để tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi.
Thứ ba, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó bao hàm công nghiệp hỗ trợ dệt may. Nghị định này được đánh giá tạo nền tảng pháp lý quan trọng để phát triển các lĩnh vực còn yếu và tắc nghẽn của ngành, tạo điều kiện phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may. Căn cứ theo Nghị định số 111, một số địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành các chính sách có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dệt may.
Thứ tư, Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11/01/2016, phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về chương trình hành động với chuỗi cung ứng bền vững đã xác định rõ mục tiêu: “Hình thành, phát triển các mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng một số sản phẩm nông sản thực phẩm, đồ uống, dệt may và da giầy”. Theo đó, nhấn mạnh việc cần thiết đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa các nhà cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trong việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.
Thứ năm, thuế là một trong những yếu tố tạo ra cơ hội nhất định cho doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam. Cụ thể, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 22% từ ngày 01/01/2014 và giảm xuống còn 20% từ ngày 01/01/2016 trừ các trường hợp quy định khác và các trường hợp được ưu đãi thuế suất; áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỉ đồng, doanh thu này được căn cứ vào doanh thu của năm trước liền kề, mức thuế suất này được áp dụng từ ngày 01/7/2013; hay doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá 5 năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ (Thông tư số 78/2014/TT-BTC). Lộ trình cắt giảm thuế này tạo ra những hỗ trợ nhất định cho doanh nghiệp, nhờ đó doanh nghiệp có thể điều` kiện hơn để tập trung vào các khía cạnh khác nhằm phát triển bền vững chuỗi cung ứng.
Thứ sáu, sau CPTPP, việc ký hiệp định EVFTA chuẩn bị bước vào những giai đoạn cuối cùng. Theo đó, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD năm 2018 hoàn toàn khả thi, trong đó các hiệp định thương mại tự do đóng vai trò lớn. Riêng đối với EU, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành, sau Mỹ hứa hẹn sẽ giúp ngành Dệt may tăng trưởng mạnh trong năm 2018. Đóng góp cho đà tăng trưởng một phần do Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN - EAEU) được ký kết ngày 29/5/2015 và có hiệu lực ngày 5/10/2016. Vì vậy, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ càng tạo đà cho ngành Dệt may phát triển. Khi EVFTA được ký kết, mức thuế suất giảm xuống còn 0 thì "tốc độ tăng trưởng ở thị trưởng này có thể lên tới 7-8%/năm (Đức Quỳnh, 2018). Cùng với đó, nhiều dòng sản phẩm phải chịu mức thuế cao trên 30%, nếu được giảm hoặc miễn còn 0% thì ngành Dệt may Việt Nam rõ ràng sẽ lợi thế hơn rất nhiều so với Trung Quốc và những quốc gia khác khi tiến vào thị trường Hoa Kỳ. Những cơ hội này giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, tăng doanh thu, nhờ đó có điều kiện hơn quan tâm tới các yếu tố môi trường, xã hội, làm bền vững hơn chuỗi cung ứng.
Thứ bảy, thủ tục hải quan cũng có tác động lớn tới chi phí của doanh nghiệp dệt may. Một cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp trong ngành là Nghị quyết số 19 của Chính phủ đã đơn giản hóa quy trình thủ tục và chính thức triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế, phấn đấu thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% xuống còn 15%.
Thứ tám, cũng cần nói thêm về chính sách phát triển nhiên liệu sinh học vẫn tiếp tục được chú trọng hoàn thiện theo hướng tăng cường sử dụng xăng E5, từng bước nghiên cứu phát triển và ứng dụng dầu sinh học B5 trong các phương tiện vận tải nhằm góp phần giảm thiểu phát thải KNK (phát thải khí nhà kính). Tuy vậy, những nhiên liệu này thường có giá cao hơn so với các nhiên liệu thông thường, trong khi do dịch vụ logistics chiếm khá cao trong chi phí sản xuất, chi phí logistics hiện đang chiếm tới gần 1/3 giá thành mỗi sản phẩm xuất nhập khẩu dệt may. Nếu giảm được chi phí này, có nghĩa dệt may Việt Nam có thể tiết kiệm hơn 1 tỷ USD/năm. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may khi xuất hàng vẫn chưa kết hợp được việc nhập luôn nguyên phụ liệu về hoặc khi nhập nguyên phụ liệu về lại chưa kết hợp với việc xuất hàng đi. Bởi, thường các lô hàng hóa chỉ có một chiều hoặc là xuất hoặc nhập, chiều còn lại đều là phải chuyên chở container rỗng nên khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Vì vậy, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển là cách cho các doanh nghiệp dệt may và logistics "gặp" được nhau. Nhưng, thực tế việc xuất và nhập khẩu của các doanh nghiệp dệt may thường mạnh ai nấy làm, doanh nghiệp phải tự đi tìm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics mà chưa có sự liên kết phối hợp chặt chẽ từ phía các nhà quản lý. Để giải quyết tình trạng trên cần sự đồng thuận từ doanh nghiệp hai phía và sự điều phối của một đơn vị cầm trịch (Hằng Trần, 2016). Do vậy, cơ hội để bền vững hóa ở khâu này là chưa khả thi, mặc dù trong chuỗi cung ứng dệt may, khâu phân phối vận chuyển không phải là khâu tạo ra giá trị cao nhất.
Ngoài ra, một tín hiệu đáng mừng nữa cho các doanh nghiệp dệt may là Quyết định số 1513/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/9/2015 về đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”. Thực tế, hoạt động marketing và phân phối vẫn là khâu yếu của ngành Dệt may Việt Nam. Hoạt động này chủ yếu mới được triển khai ở trong nước. Không nhiều sản phẩm dệt may Việt Nam với thương hiệu riêng được tiếp thị và phân phối trong mạng lưới toàn cầu. Rất ít doanh nghiệp Dệt may Việt Nam có được các hợp đồng trực tiếp từ các nhà bán lẻ để cung cấp sản phẩm của mình. Một số doanh nghiệp Dệt may thì thông qua các văn phòng đại diện ở Việt Nam của các thương hiệu nổi tiếng để cung cấp sản phẩm. Do vậy, đề án sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho các doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam.
3.4. Từ góc độ kinh tế
Nhằm khuyến khích các chủ đầu tư vay vốn thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2017, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã hạ mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 3,6%/năm xuống còn 2,6%/năm đối với các dự án thuộc các lĩnh vực xử lý nước thải tập trung khu/cụm công nghiệp. Việc áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi như vậy đối với các dự án xử lý nước thải đơn thuần vừa hỗ trợ các chủ cơ sở thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường, vừa góp phần mang lại hiệu quả môi trường chung cho toàn xã hội do kích thích đầu tư được các hệ thống xử lý tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng.
Một cơ hội nữa, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, là riêng CPTPP đã giúp cho Việt Nam tăng trưởng 1% GDP (Dệt may, da giày thêm cơ hội từ CTPP, 2018). Đây là một tín hiệu tốt, một số nước sẽ thấy lợi ích của CPTPP và sẽ tiếp tục tham gia. Điều này sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn hơn thị trường hiện có, góp phần nhất định trong chiến lược phát triển bền vững chuỗi cung ứng Dệt may Việt Nam.
3.5. Từ góc độ tự nhiên
Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, có nhiều cơ hội để phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường. Việc sở hữu nguồn nguyên liệu như các sợi tre, bột gỗ thiên nhiên, tơ tằm dâu, sợi bông thiên nhiên… có thể giúp các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm từ nguyên liệu này. Thực tế đã chứng minh những dòng sản phẩm sơ mi làm từ chất liệu Tencel, một trong những chất liệu vải sinh học mới, làm từ bột gỗ được Mattana đưa vào sử dụng, đã được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao. Gỗ sử dụng nên các sợi Tencel được nhà sản xuất tự trồng và khai thác, hoàn toàn không xâm phạm tới các khu rừng tự nhiên, quá trình sản xuất hoàn toàn không sử dụng các hóa chất, vô hại đối với con người, không xả chất thải ra môi trường, không sinh ra các thay đổi hóa học và tác dụng phụ. Hơn nữa, chất liệu này có thể tái sử dụng gần như toàn bộ và nhiều lần (Vinatex.com). Hay dòng sản phẩm khăn bông cao cấp Mollis của Phong Phú đã chiếm tỷ trọng đáng kể tại thị trường Nhật Bản, chỉ sau doanh nghiệp nội. Đây là những cơ hội mà nếu khai thác tốt, tạo nên thương hiệu mạnh, có thể mang lại giá trị kinh tế lớn cho các doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có điều kiện phát huy hơn ở góc độ môi trường và xã hội.
4. Kết luận
Những phân tích cho thấy cơ hội để hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững chuỗi cung ứng không phải là không có. Điều quan trọng là tận dụng, nắm bắt các cơ hội đó thế nào. Điều đó phụ thuộc vào các doanh nghiệp, cơ quan ban ngành có liên quan trong ngành. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả mong muốn cung cấp góc nhìn đa chiều về cơ hội phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam, làm tiền đề để xây dựng phương án nắm bắt các cơ hội này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Dệt may, da giày thêm cơ hội từ CTPP, (2018), truy cập lần cuối ngày 6/5/2018, từ http://www.bvsc.com.vn/News/2018328/567985/det-may-da-giay-them-co-hoi-tu-cptpp.aspx
2. Đức Quỳnh, 2018, ngành Dệt may sẽ được gì từ EVFTA? truy cập lần cuối ngày 11/4/2017, từ http://ndh.vn/nganh-det-may-se-duoc-gi-tu-evfta--20180328063837406p4c150.news
3. Hằng Trần, 2016, Ngành Dệt may bắt tay với logistics để nâng cao sức cạnh tranh, truy cập lần cuối ngày 6/5/2018, từ http://baoquangbinh.vn/kinh-te/201612/nganh-det-may-bat-tay-voi-logistics-de-nang-cao-suc-canh-tranh-2141391/
4. Nguyễn Thị Thu Huyền, 2004, Vải vụn không vô dụng, Thời báo Kinh tế Việt Nam.
5. Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, ngày 28/4/2016.
6. Quyết định số 4300/QĐ-UBND, phê duyệt dự án Quy hoạch Phát triển ngành Công nghiệp dệt may thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, định hướng dệt may thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, ngày 27/8/2014.
7. Quy hoạch phát triển ngành Dệt may đến 2020, tầm nhìn 2030, truy cập lần cuối ngày 10/5/2017, từ http://business.gov.vn/tabid/98/catid/10/item/13167/quy-ho%E1%BA%A1ch-ng%C3%A0nh-d%E1%BB%87t-may-%C4%91%E1%BA%BFn-2020-t%E1%BA%A7m-nh%C3%ACn-2030.aspx
8. Trước thời cơ mới, dệt may Việt Nam phải có chuỗi cung ứng, truy cập lần cuối ngày 6/5/2018, từ http://www.phongphucorp.com/news/truoc-thoi-co-moi-det-may-viet-nam-phai-co-chuoi-cung-ung.html
9. Việt Âu, 2017, ngành Dệt may thay đổi để bắt kịp xu hướng - Bài 2: Giải pháp sống còn, truy cập lần cuối ngày 10/5/2018, từ http://bnews.vn/nganh-det-may-thay-doi-de-bat-kip-xu-huong-bai-2-giai-phap-song-con/72238.html

OPPORTUNITIES FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF TEXTILE SUPPLY CHAIN IN VIETNAM

PhD. HA SON TUNG

Head of Enterprise Management Division, Business Administration Faculty

National Economics University

ABSTRACT:

Developing sustainable supply chains plays a key role in the strategy of Vietnams Textile and Garment industry.  Identifying opportunities is one of the important tasks to realize the sustainability of Vietnam's textile and garment supply chain. By analyzing political, legal, economic, and environmental factors, the paper points out some significant opportunities for developing sustainable supply chains of Vietnams Textile and Garment industry.

Keywords: Sustainable development strategy, textile supply chain, Vietnam textile and garment industry.