Cơ hội và thách thức cho đào tạo kế toán tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong điều kiện hội nhập AEC

ThS. TRẦN THỊ HẰNG (Đại học Công nghiệp Hà Nội)

TÓM TẮT:

Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) kéo theo nhiều cơ hội và thách thức cho đào tạo kế toán. Vì vậy, đào tạo kế toán trong các trường đại học hiện nay phải thay đổi theo hướng tích cực là điều tất yếu. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (ĐHCNHN) là một trong những cơ sở đào tạo kế toán có uy tín ở Việt Nam và trong khu vực. Bài viết bàn về những cơ hội và thách thức cho đào tạo kế toán ở các trường đại học Việt Nam nói chung và Trường ĐHCNHN nói riêng.

Từ khóa: Đào tạo kế toán, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Cộng đồng kinh tế ASEAN.

1. Tác động của AEC đến đào tạo kế toán tại các trường đại học Việt Nam

Ngày 22/11/2015 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur, thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Theo hiệp định ASEAN: “Các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân, hướng tới tự do hóa lao động có kỹ năng trong ASEAN”. Tám ngành nghề lao động gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch sẽ được tự do di chuyển trong cộng đồng ASEAN. Điều đó giúp lao động kế toán Việt Nam đa dạng hóa, có cơ hội làm việc và học hỏi kinh nghiệm tại các nước trong khu vực ASEAN. Các cơ sở đào tạo kế toán nói chung và các trường đại học đào tạo kế toán nói riêng là nơi trực tiếp cung cấp lực lượng lao động kế toán cho xã hội. Vì vậy, khi Việt Nam gia nhập AEC thì các trường đại học cũng chịu tác động trực tiếp của việc hội nhập kinh tế này.

Việc gia nhập AEC giúp các trường đại học có cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, cơ hội tiếp cận liên kết, hợp tác đào tạo với các trường đại học danh tiếng có nền giáo dục hiện đại trong khu vực như Đại học Quốc gia Singapore về tổ chức đào tạo, chương trình đào tạo kế toán thông qua việc cử giảng viên đi học tập nâng cao trình độ, trao đổi giảng viên, sinh viên giữa các trường đại học. Từ đó, các trường có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phương thức tuyển sinh, chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo,... Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo kế toán tại các trường đại học ở Việt Nam có cơ hội nâng cao còn do nội lực cạnh tranh về đào tạo kế toán trong thời buổi hội nhập khu vực tạo ra. Nếu các trường đại học không tìm cách đổi mới và hòa nhập với xu thế chung thì sẽ bị đào thải. Khi gia nhập AEC, các trường đại học còn giúp cho sinh viên kế toán ra trường có việc làm trong khu vực ASEAN thông qua mối quan hệ với các doanh nghiệp, các trường đại học trong nước và trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, khi Việt Nam gia nhập AEC cũng tạo ra không ít thách thức cho đào tạo kế toán tại các trường đại học Việt Nam hiện nay. Năng lực cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực về điều kiện học tập, chất lượng đào tạo,... là thách thức đầu tiên cần bàn tới. Xuất phát điểm của giáo dục Việt Nam nói chung và đào tạo kế toán nói riêng là khá thấp, nguồn lực đầu tư cho đào tạo kế toán còn thấp, môi trường vĩ mô còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, một số nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia,... là những nước có nền giáo dục phát triển, có sự đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở vật chất hạ tầng giáo dục, chương trình đào tạo hiện đại, chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu.

Ngoại ngữ - được coi là chìa khóa mở cánh cửa hội nhập, cũng chính là thách thức thứ hai mà các trường đại học phải đối mặt. Theo các nhà lãnh đạo ASEAN, để xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ, cần hướng tới việc lựa chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chung cho cộng đồng ASEAN. Nếu như ở các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan,... sinh viên sử dụng thành thạo tiếng Anh, thì ở Việt Nam sinh viên ngành Kế toán còn yếu tiếng Anh. Mặc dù mấy năm trở lại đây các trường đại học đã chú trọng hơn việc giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên, nhưng hiệu quả chưa được cao. Nếu như các trường đại học không tăng cường sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy thì sẽ không đủ sức cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực, vì đây thực sự là rào cản lớn đối với các trường đại học. Trình độ chuyên môn của cử nhân kế toán có đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hội nhập hay không cũng là một thách thức được đặt ra. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia lần lượt đạt 4,94 và 5,59 điểm. Vì vậy, các trường đại học tại Việt Nam phải nhanh chóng có sự thay đổi trong chương trình, nội dung đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kế toán để đáp ứng yêu cầu của xã hội.

2. Thực trạng đào tạo kế toán

2.1. Giới thiệu chung về Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Trường ĐHCNHN được thành lập ngày 02/12/2005 theo Quyết định số 315/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà nội, là trường đại học trực thuộc Bộ Công Thương, đang phát triển để trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế. Hiện nay, nhà trường đào tạo đa ngành, nghề, đa cấp bậc (01 ngành Tiến sĩ, 08 ngành Thạc sĩ, 24 ngành Đại học, 22 ngành Cao đẳng, 15 nghề Trung cấp nghề, 17 nghề Cao đẳng nghề, 13 ngành đào tạo liên thông, 3 ngành đào tạo quốc tế), chưa kể loại hình đào tạo không chính quy và đào tạo liên kết. Trường có 3 cơ sở đào tạo với tổng diện tích gần 50 hecta, với hơn 300 phòng học lý thuyết, 200 phòng thực hành, thí nghiệm với đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho đào tạo khoảng 40.000 sinh viên. Sinh viên kế toán hệ đại học chính quy chủ yếu học tại cơ sở 2 (Phường Tây Tựu - Quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội), với hệ thống giảng đường, phương tiện hỗ trợ giảng dạy hiện đại, 05 phòng thực hành kế toán đáp ứng cơ bản chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, trung tâm thư viện có kết nối internet, với nhiều đầu sách chuyên ngành kế toán, tạo điều kiện học tập tốt cho sinh viên.

3.2. Thực trạng đào tạo kế toán tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

3.2.1. Quy mô đào tạo

Khoa Kế toán - Kiểm toán được nhà trường giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán. Tiếp bước truyền thống đào tạo, Khoa Kế toán - Kiểm toán đang đào tạo hàng nghìn sinh viên ngành Kế toán ở các cấp trình độ từ cao đẳng đến thạc sỹ. (Xem bảng 1)

Quy mô đào tạo kế toán của Trường ĐHCNHN khá lớn. Để có thể đảm bảo được chất lượng đào tạo kế toán, trường ĐHCNHN nói chung và Khoa Kế toán - Kiểm toán nói riêng cần không ngừng đổi mới công tác đào tạo kế toán theo xu hướng hội nhập để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội.

3.2.2. Chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo

Trường ĐHCNHN xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cơ sở các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình đào tạo ngành Kế toán được thiết kế theo hướng ứng dụng, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà tuyển dụng, đảm bảo tỷ lệ thực hành các học phần chuyên ngành trên 35%. Trong những năm qua, chương trình đào tạo của trường ĐHCNHN nói chung, chuyên ngành Kế toán nói riêng thường xuyên đổi mới, cập nhật, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu và thích nghi với xu thế hội nhập quốc tế. Nhà trường cũng đã xây dựng chuẩn đầu ra cho ngành Kế toán. Đối với sinh viên ngành Kế toán, để đáp ứng yêu cầu hội nhập, ngoài chuẩn đầu ra về chuyên môn còn phải đáp ứng chuẩn đầu ra về tiếng Anh, TOIEC 450. (Xem bảng 2)

Chương trình đào tạo chuyên ngành Kế toán tại trường ĐHCNHN hiện nay đã cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về chuyên ngành và sinh viên được tiếp cận với kiến thức thực tế thông qua các học phần như tham quan thực tế, thực tập cơ sở ngành, thực tập tốt nghiệp.

3.2.3. Đội ngũ giảng viên

Đội ngũ giảng viên Khoa Kế toán - Kiểm toán hiện nay có gần 100 người, trong đó phần lớn có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo trong và ngoài nước. Hầu hết giảng viên trong Khoa còn trẻ có trình độ chuyên môn vững, có trình độ tin học, ngoại ngữ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tâm huyết với nghề. Các giảng viên đã từng bước nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Theo nghiên cứu (Đặng Ngọc Hùng, 2015) cho thấy 88,5% ý kiến phản hồi giảng viên có trình bày mục tiêu bài giảng; 70% ý kiến phản hồi nội dung bài giảng phù hợp theo các tiêu chí đánh giá cụ thể; 64,7% ý kiến của sinh viên đánh giá phương pháp giảng dạy của giảng viên ở mức khá; 80,45% ý kiến phản hồi về trách nhiệm và sự nhiệt tình của giảng viên ở mức tốt theo các tiêu chí cụ thể. Đội ngũ giảng viên của Khoa là một tập thể đoàn kết, luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Với đội ngũ giảng viên hiện tại, Khoa Kế toán - Kiểm toán đang dần nâng cao chất lượng đào tạo kế toán cho nhà trường.

4. Khuyến nghị

Xuất phát từ những cơ hội và thách thức công tác đào tạo kế toán đang phải đối mặt khi Việt Nam gia nhập AEC, từ thực trạng đào tạo kế toán tại Trường ĐHCNHN, tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị dưới đây nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường ĐHCNHN.

4.1. Đối với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nhưng không nên đầu tư dàn trải. Đặc biệt, đối với các học phần thực hành nhà trường nên tạo điều kiện để sinh viên có môi trường thực hành tốt nhất, gần với thực tiễn nhất. Đồng thời, tìm biện pháp sử dụng tối ưu các tài sản nhà trường đã đầu tư.

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hệ thống văn bản pháp quy quy định, chính sách.

- Tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp, các tổ chức liên quan để hỗ trợ tốt việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

- Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý đào tạo.

4.2. Đối với Khoa Kế toán - Kiểm toán

- Chương trình đào tạo:

+ Đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo kế toán, thường xuyên cập nhật các văn bản mới nhất, đổi mới theo hướng trang bị những kiến thức và kỹ năng cho sinh viên phù hợp với thực tế. Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với chuẩn mực kế toán quốc tế ISA, IFRS.

+ Tăng cường hợp tác, trao đổi, học hỏi các trường đại học trong nước và nước ngoài trong việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho sinh viên giữa các trường giao lưu với nhau.

+ Tăng cường giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên. kết hợp nhuần nhuyễn lý thuyết và thực tế, cho sinh viên tiếp cận thực tế thường xuyên để nâng cao khả năng thực hành. Thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành”.

+ Thiết kế tài liệu giảng dạy nên được thiết kế lại phù hợp và có cập nhật thường xuyên các chuẩn mực kế toán ban hành.

- Đội ngũ giảng viên: Khoa cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ giỏi, đạo đức tốt, có kiến thức thực tế, trình độ ngoại ngữ tốt và đáp ứng được mục tiêu phát triển của Khoa và Nhà trường. Khoa cần chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. http://www.vacpa.org.vn/Page/Detail.aspx?newid=5206

2. https://egov.haui.edu.vn

3. https://www.haui.edu.vn/vn

4. Đặng Ngọc Hùng, 2015, “Thực trạng và khuyến nghị nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân kế toán trong điều kiện hội nhập AEC - Nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”.

OPPORTUNITIES AND CHALLENGES FOR THE ACCOUNTING TRAINING OF HANOI UNIVERSITY OF INDUSTRY WHEN VIETNAM PARTICIPATED IN  THE AEC

Master. TRAN THI HANG

Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

The joining of Vietnam into the ASEAN Economic Community (AEC) brings not only opportunities but also challenges for accounting training of Vietnams universities. Therefore, Vietnams universities need to change their training of accounting towards positive ways. Hanoi University of Industry (HaUI) is one of the most well-known universities for the accounting training in Vietnam as well as in the region. This study discusses the opportunities and challenges for the accounting training of Vietnamese universities in general and HaUI in particular.

Keywords: Accounting training, Hanoi University of Industry, ASEAN Economic Community.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây