TÓM TẮT:

Vấn đề cổ phần hóa của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã được đặt ra trong khoảng 5 năm trở lại đây. Việc cổ phần hóa sẽ mang tới nhiều lợi thế cho Agribank khi có thể nâng độ minh bạch, tái cấu trúc hoạt động theo hướng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc Nhà nước chỉ giữ lại tối thiểu 65% vốn tại Agribank có thể ảnh hưởng tới chính sách vay, các vấn đề trong kiểm kê đối chiếu các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân, bàn giao các khoản nợ đã xử lý rủi ro cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC)… và bài toán “ngân hàng phục vụ cho chính sách nông nghiệp” đang là những rào cản đối với việc cổ phần hóa. Chính vì thế, Agribank cần phải sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tăng năng lực tài chính, tự chủ hơn trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh, làm tròn sứ mệnh phát triển “tam nông” thì mới có thể đạt mục tiêu cổ phần hóa thành công.

Từ khóa: Cổ phần hóa, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Agribank.

1. Đặt vấn đề

Agribank là một trong những ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò chủ lực trong việc dẫn dắt hệ thống các tổ chức tín dụng thực thi nghiêm túc, có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia và các chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bước vào lộ trình tái cơ cấu giai đoạn 2, thực hiện chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, Agribank đang cố gắng để được cổ phần hóa nhằm giúp ngân hàng mang tới nhiều lợi thế hơn khi có thể nâng cao độ minh bạch và tái cấu trúc hoạt động theo hướng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay của Agribank đang bị chậm lại do còn vướng rất nhiều vấn đề liên quan tới việc Nhà nước chỉ giữ lại tối thiểu 65% vốn tại Agribank gây ảnh hưởng tới chính sách vay, các vấn đề trong kiểm kê đối chiếu các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân, bàn giao các khoản nợ đã xử lý rủi ro cho DATC… và bài toán “ngân hàng phục vụ cho chính sách nông nghiệp”. Trên tinh thần đó, báo cáo này sẽ tập trung phân tích tình hình thực hiện cổ phần hóa của ngân hàng, từ đó tìm ra những thách thức làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh cổ phần hóa cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

2. Cơ sở lý luận về cổ phần hóa

2.1. Khái niệm

Theo các văn bản pháp luật về doanh nghiệp, có thể đưa ra khái niệm về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là việc chuyển doanh nghiệp mà chủ sở hữu là Nhà nước (doanh nghiệp đơn sở hữu) thành công ty cổ phần (doanh nghiệp đa sở hữu), chuyển doanh nghiệp từ hỗ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo các quy định về công ty cổ phần trong luật doanh nghiệp.

2.2. Vai trò của cổ phần hóa

- Tạo nên sự thúc đẩy trong sản xuất và kinh doanh của nhân viên trong doanh nghiệp. Thay vì hoạt động vì mục đích chung thì họ lao động cho chính họ vì lợi nhuận của họ ứng với số vốn mà họ đã đầu tư.

- Huy động được nguồn vốn của người lao động và nhân dân giảm bớt được gánh nặng tài chính đè lên vai các cơ quan nhà nước.

- Trách nhiệm của người lãnh đạo và nhân viên trong công ty sẽ được gắn kết vào lợi ích của công ty. Do đó, trách nhiệm trong công việc sẽ nhiều hơn giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn của các cơ quan nhà nước.

3. Tình hình thực hiện cổ phần hóa ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam

3.1. Tổng quan tình hình phát triển của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) được thành lập theo Nghị định số 53-HĐBT ngày 26/03/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Trải qua mỗi thời kỳ phát triển với những tên gọi gắn với sứ mệnh khác nhau, xuyên suốt 32 năm xây dựng và phát triển, Agribank luôn khẳng định vị thế, vai trò của một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, đi đầu thực hiện chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, luôn đồng hành cùng sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.

Thời kỳ đầu mới thành lập, với điểm xuất phát thấp, tổng tài sản chưa tới 1.500 tỷ đồng; tổng nguồn vốn 1.056 tỷ đồng, trong đó vốn huy động chiếm 42%, còn lại 58% vay từ Ngân hàng Nhà nước; tổng dư nợ 1.126 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên 10%; khách hàng là những doanh nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã phần lớn làm ăn thua lỗ, sáp nhập, giải thể, tự tan rã… Sau 32 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Agribank là NHTM Nhà nước hàng đầu Việt Nam trên mọi phương diện, là NHTM duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Agribank có gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng, miền, là NHTM duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, gần 40.000 cán bộ, người lao động. Đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; Nguồn vốn đạt trên 1,34 triệu tỷ đồng; Tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay nền kinh tế đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng. Dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ trọng trên 70%/tổng dư nợ. Vốn tín dụng Agribank chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Agribank có quan hệ ngân hàng đại lý với gần 1.000 ngân hàng tại gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Hiện nay, Agribank đang triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách, cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, có đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Với tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm trên 70% dư nợ của ngân hàng và trên 50% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng, các chương trình tín dụng của Agribank đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tính đến ngày 31/7/2019,  tổng thu nhập của Agibank đạt  70.759 tỷ đồng, tăng 11.627 tỷ đồng, tương đương hơn 20% so với cùng kỳ năm 2018; Tổng chi phí trước thuế đạt 62.559 tỷ đồng, tăng 8.503 tỷ đồng tương đương hơn 16% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó chi phí hoạt động tín dụng tăng 19,6%. Lợi nhuận trước thuế của Agribank sau 7 tháng đầu năm 2019 đạt 8.200 tỷ đồng (sau khi tạm phân bổ các khoản phải trích), tăng 127% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn luôn duy trì trên 70% tổng dư nợ và chiếm trên 50% thị phần tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam. Với quy mô tài sản, nguồn vốn, đầu tư tín dụng đều trên 1 triệu tỷ đồng, dẫn đầu toàn hệ thống và thực hiện vai trò chủ đạo trong tín dụng nông nghiệp nông thôn, hàng năm tăng trưởng tín dụng từ 11-14% để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp.

Với những đóng góp tích cực, Agribank được vinh danh trong bảng xếp hạng TOP10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019 (theo công bố của VN Report), đồng thời đứng vị trí thứ nhất trong các ngân hàng thương mại Việt Nam trong bảng xếp hạng TOP500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2019.

3.2. Những chủ trương của Đảng về cổ phần hóa ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam

Cổ phần hóa là chủ trương lớn được Đảng ta đề ra từ năm 1992, tại Chỉ thị số 202/CT ngày 08/6/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về tiếp tục làm thí điểm chuyển một số DNNN thành CTCP và được bổ sung bằng Nghị định số 28/CP ngày 07/5/1996 về chuyển một số DNNN thành CTCP.

Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Theo quyết định này, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam thuộc diện Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ trở lên sau khi tiến hành cổ phần hóa.

Ngày 3/6/2017, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng ta đã ra Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Nhằm đáp ứng yêu cầu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới, ngày 17/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1232/QĐ-TTg, về “Phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017- 2020”.

Quán triệt chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Đảng, ngày 15/11/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 53/QĐ-NHNN phê duyệt “Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013 - 2015”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Agribank đã ban hành văn bản số 02/HĐTV-TCTL về Phương án trưng tập cán bộ có thời hạn để sắp xếp lại lao động theo Đề án tái cơ cấu; đồng thời ban hành Nghị quyết số 68A/NQ-HĐTV về “Một số giải pháp trọng tâm triển khai Đề án Tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013 - 2015”.

4. Những thách thức khi cổ phần hóa ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam

Thời hạn thực hiện cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã cận kề, tuy nhiên quá trình này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, khó khăn lớn nhất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là việc xác định giá trị tài sản khi tiến hành cổ phần hóa. Với hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, Agribank hiện có 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu m2. Đây là nguồn tài sản lớn của ngân hàng và nếu tính gộp vào giá trị của Agibank thì giá trị của Ngân hàng khi thực hiện cổ phần hóa là quá lớn, điều này sẽ làm cho việc bán cổ phiếu gặp nhiều khó khăn, quá trình cổ phần hóa khó thực hiện đúng tiến độ.

Thứ hai, quá trình cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn đang gặp phải là vốn điều lệ đang ở mức rất thấp, không đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính. Trong gần 10 năm trở lại đây, vốn điều lệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn Việt Nam thay đổi không đáng kể, từ 26.000 tỷ đồng năm 2012, lên 29.000 tỷ đồng năm 2019. Đáng chú ý, trong tổng số vốn điều lệ 29.000 tỷ đồng hiện nay thì có 3.590 tỷ đồng được cấp bằng trái phiếu đặc biệt từ 2003, lãi suất 3,3%, thời hạn kết thúc vào năm 2023 (20 năm). Khi đến hạn, số trái phiếu này hết giá trị thì vốn điều lệ của ngân hàng còn giảm đáng kể. Mức vốn điều lệ nhiều năm không được cải thiện đáng kể đã kéo tụt Agribank từ vị thế đứng đầu hệ thống về tiêu chí vốn xuống cuối cùng trong số bốn ngân hàng thương mại nhà nước và chỉ ngang bằng vốn ở một số ngân hàng cổ phần. Quá trình này đang làm cho vị thế và năng lực cạnh tranh của Agribank gặp nhiều khó khăn, gây cản trở lớn cho quá trình cổ phần hóa.

Thứ ba, khả năng cải thiện năng lực tài chính của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng ta đều biết rằng, ngoài các nhiệm vụ giống như các ngân hàng thương mại khác, Ngân hàng Agribank còn phải thực hiện chủ trương lớn của Đảng là phát triển “Tam nông” nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong khi đó, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo. Đây là chủ trương nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên lại là áp lực đối với Agribank khi tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 70% và chủ yếu là cho vay không có tài sản bảo đảm. Điều này dẫn đến quy mô tài sản có rủi ro tăng mạnh, trung bình mỗi năm có khoảng 70-80 nghìn tỷ đồng mỗi năm được đưa vào diện nợ xấu. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến năng lực tài chính của Agribank gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, làm cho quá trình cổ phần hóa khó thực hiện đúng tiến độ.

Thứ tư, ngay cả khi quá trình cổ phần hóa thành công thì quá trình vận hành để đảm bảo được tôn chỉ, mục tiêu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là một dấu hỏi lớn. Chúng ta đều biết rằng, nông nghiệp, nông thôn và nông dân là nguồn đầu tư chính nhưng quá trình này đang phải gánh chịu những rủi ro khá cao do tình hình thiên tai, dịch bệnh ngoài ý muốn. Quá trình này lại càng khó khăn hơn khi nguồn vốn nhà nước trong Agribank giảm xuống. Bởi theo tinh thần Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thuộc diện Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ trở lên sau khi tiến hành cổ phần hóa. Với 65% vốn của nhà nước và phải thực hiện các hoạt động tín dụng đối với các đối tượng có thể mang lại nhiều rủi ro thì việc đảm bảo các tôn chỉ, mục tiêu của Agribank xem ra khó thực hiện.

5. Giải pháp đẩy nhanh cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là chủ trương lớn của Đảng ta nhằm tạo cơ chế để ngân hàng huy động vốn, tăng khả năng tài chính, đồng thời góp phần kích thích sự năng động, sáng tạo, linh hoạt của hệ thống ngân hàng thương mại, tạo vốn cho nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp phải nhiều khó khăn cần được tháo gỡ cả về góc độ chuyên môn và sự chung tay của chính quyền nhà nước. Để góp phần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nên tách phần giá trị quyền sử dụng đất của 294 cơ sở ngân hàng có quyền sử dụng đất ra khỏi giá trị cổ phần hóa bằng cách nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất và cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thuê lại quyền sử dụng đất. Tiền thuê đất do Ngân hàng trả cho Nhà nước và thực hiện theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo không làm tăng giá trị tài sản của ngân hàng khi cổ phần hóa, dẫn đến làm tăng giá trị cổ phần, gây khó cho quá trình cổ phần hóa.

Thứ hai, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước kịp thời phát hành các loại trái phiếu có kỳ hạn để huy động vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từng bước tăng vốn điều lệ của mình, góp phần nâng cao năng lực tài chính trong quá trình cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác. Công việc này phải được tiến hành nhanh chóng để khi 3.500 tỷ trái phiếu đến kỳ hạn phải thanh toán vào 2023 thì ngân hàng đã có một nguồn vốn mới thay thế, đảm bảo không bị giảm vốn điều lệ. Chính phủ cần đề xuất lên Quốc hội cấp vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp để tăng nguồn vốn điều lệ trước khi hoàn thành cổ phần hóa, tạo cơ sở để nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác cơ cấu lại nợ, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách cho vay theo từng sản phẩm riêng biệt, theo từng lĩnh vực, ngành hàng phù hợp với quá trình sản xuất, chế biến, từng loại cây trồng, vật nuôi. Từng bước chuyển dần sang đầu tư theo mô hình khép kín, trọn gói từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến khâu thu mua, chế biến, xuất khẩu; gắn đầu tư tín dụng với bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác đối với một khách hàng. Kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay, nâng cao chất lượng tài sản, chất lượng nguồn nhân lực; chủ động công tác truyền thông; có lộ trình sắp xếp tổ chức mạng lưới, xử lý các chi nhánh yếu kém.

Thứ tư, triển khai áp dụng công nghệ thông tin, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ ngân hàng; xây dựng triển khai hệ thống thông tin quản trị trên nền tảng của hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế; Tăng thêm tiện ích đối với các sản phẩm dịch vụ hiện có, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thẻ, thanh toán chuyển tiền, trả lương qua tài khoản, SMS Banking, dịch vụ Agripay,… Phát triển các dịch vụ internet banking, mobile banking, bảo hiểm nông nghiệp, tổ chức thu tiền điện nước, trả lương qua tài khoản,… lành mạnh hóa tài chính, thông qua việc cải thiện chất lượng tài sản, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả nguồn vốn, tăng lợi nhuận cho ngân hàng, từ đó dành một phần để thực hiện tốt mục tiêu đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà không quá trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ năm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên Agribank để tăng cường khả năng quản lý, giảm dần tỷ lệ nợ xấu mà lâu nay ngân hàng phải gánh chịu do tính chất đặc thù của thị trường.

6. Kết luận

Cổ phần hóa nói chung, cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nói riêng là quá trình không đơn giản, liên quan đến các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Những khó khăn của quá trình này có thể xuất phát từ nội tại của chính ngân hàng Agribank và có thể xuất phát từ những tác động khách quan. Việc chỉ ra những thách thức trong quá trình cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là để chúng ta có cách nhìn toàn diện và quyết tâm cao hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa theo hướng hiệu quả nhất. Để làm được điều đó, sự quyết tâm của nội bộ ngân hàng thôi chưa đủ, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của nhiều bên liên quan. Từ các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, đến sự quyết tâm của các Bộ, Ban, Ngành nhằm đẩy nhanh quá trình định giá tài sản, tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và sự hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, các mô hình, dự án kinh doanh nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
  2. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2016), Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.
  3. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2017), Quyết định số 1232/QĐ-TTg, về “Phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017- 2020”.
  4. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (2019), Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Agribank năm 2019.
  5. Quốc hội (2003), Luật số 14/2003/QH11 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật doanh nghiệp Nhà nước.
  6. Quốc hội (2014), Luật số 68/2014/QH13 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014, Luật Doanh nghiệp.
  7. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (2013), Quyết định 53/QĐ-NHNN phê duyệt “Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013 - 2015”.
  8. Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2012), Quyết định số 254/QĐ-TTg về “Phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”.

 

EQUITIZATION – THE SIGNIFICANT CHALLENGE TO VIETNAM BANK FOR AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT

Master. NGUYEN THI AI THO

Vice Director, Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development - Cho Lon Branch

Ph.D VONG THINH NAM

Lecturer, Ho Chi Minh City University of Technology and Education

ABSTRACT:

The equitization problem of the Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development (Agribank) has been raised in the past 5 years. The equitization would bring many advantages for Agribank by increasing the bank’s transparency and restructuring its operations to make the bank more efficiency. However, if the Government of Vietnam only retains at least 65% of Agribank’s charter capital, the equitization would affect the bank’s borrowing policies, checking deposits of individual customers, handing non-performing loans and other problems. The equitization would also affect the bank’s objective of becoming the bank for the agricultural sector. Hence, it is necessary for the bank to quickly handle difficulties, increase its financial capacity, become more active at managing business operations, fulfill its mission of developing the “Tam Nong” (Agriculture, Rural areas and Farmers ) policy, helping the bank’s equitization to be done successfully.

Keywords: Equitization, Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development, Agribank.