Con đường phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam - Bài học từ chính sách kinh tế Mỹ

ThS. LƯU VĂN ANH DŨNG (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nghiên cứu sinh Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Năm 2020, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu sắc đến không chỉ Việt Nam, mà là cả thế giới nói chung trong đó có Hoa Kỳ. Với 25 năm quan hệ thương mại toàn diện, bài viết phân tích các chính sách kinh tế mới của Mỹ, từ đó rút ra kinh nghiệm cho con đường phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Từ khóa: chính sách kinh tế, phát triển bền vững, đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam, kinh tế Hoa Kỳ.

1. Bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay

Đầu năm 2020, giới chuyên gia từng lạc quan đưa ra dự báo về những gam màu sáng trong bức tranh triển vọng kinh tế thế giới. Đối với Việt Nam, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đây là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị, tạo đà cho Kế hoạch 5 năm 2021-2025 cùng với Chiến lược 10 năm 2021-2030. Cách mạng Công nghiệp 4.0 lan rộng và sự “góp mặt” của các Hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, giúp cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Sự bùng phát của đại dịch Covid -19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, được dự báo sẽ có những tác động đáng kể đến sự phát triển nền kinh tế Việt Nam từ nay về sau. Phần lớn các nền kinh tế năm qua đều tăng trưởng âm, ngoại trừ Trung Quốc (GDP tăng 2,3%), Ai Cập (GDP tăng 2,8%) và Việt Nam (tăng 2,91%). Theo kinh tế học Keynes, khi suy thoái xảy ra, sự can thiệp của chính phủ vào thị trường là cần thiết để kích thích chi tiêu, từ đó tạo đà khôi phục nền kinh tế. Tại Việt Nam, các gói kích thích kể từ lúc đại dịch xảy ra vừa mang tính thận trọng, vừa hiệu quả, việc duy trì mức lạm phát mục tiêu và lãi suất dương, nợ công 55,3% GDP (so với 100% GDP của Mỹ) cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để điều hành nền kinh tế.

Một số ý kiến cho rằng, khi virus được khống chế, nền kinh tế thế giới sẽ dễ dàng hồi phục hơn như sau mỗi lần khủng hoảng trước đây. Về lý thuyết, sự phục hồi có thể diễn ra theo biểu đồ dạng chữ V. Tuy nhiên, sự chủ quan này đã khiến cho một số khu vực của nền kinh tế dường như phải trả cái giá quá đắt; Ấn Độ đang chứng kiến sự gia tăng kinh hoàng số lượng người dân nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 ở Phillipines đã vượt con số 1 triệu, tăng gấp 2 lần chỉ trong 3 tháng và dẫn đầu thế giới là Mỹ với hơn 31,4 triệu ca nhiễm và hơn 563 ngàn ca tử vong.

Nhìn tổng thể năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về khả năng tự chủ, tự cường, thành công trong kiểm soát sự lây lan của đại dịch

Covid-19; linh hoạt và khai thác hiệu quả các cơ hội từ sự dịch chuyển và tái định vị các chuỗi cung ứng trong khu vực và quốc tế, thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững. Theo ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng tại VinaCapital: "Chính phủ Việt Nam đã xử lý rất tốt đối với các đợt bùng phát Covid-19 hiện nay. Do đó, kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 6,5-7% so với mức 2,91% năm 2020". Với độ mở thị trường ngày càng lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam nằm ở sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu; nếu nền kinh tế toàn cầu phục hồi, tăng trưởng sẽ tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng của Việt Nam và ngược lại. Sau 25 năm bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại Việt Nam - Mỹ đã tăng trưởng vượt bậc; Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ. Trong lĩnh vực giáo dục, tính đến tháng 3/2019, có hơn 30.900 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, Việt Nam hiện đang đứng đầu trong số các nước ASEAN và đứng thứ 8 trên thế giới về số lượng lưu học sinh học tập tại Mỹ.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã chính thức chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài 11 năm liên tiếp - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ; để đối phó với đại dịch đồng thời phát triển bền vững nền kinh tế số 1 thế giới - tân Tổng thống thứ 46 của Mỹ - Joe Biden đã ban hành hàng loạt chính sách kinh tế mới. Nếu tận dụng tốt các chính sách kinh tế này, cùng bài học kinh nghiệm từ những nhà làm chính sách Mỹ, Việt Nam có thể đạt được những thành tựu xanh trong tương lai không xa.

2. Quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ trong 25 năm qua

Những năm gần đây, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đã trở thành những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại vượt 1,4 nghìn tỷ USD mỗi năm. Với Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã tăng vọt từ mức 450 triệu USD năm 1995 lên 75,7 tỷ USD vào cuối năm 2019. Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, kim ngạch thương mại song phương 2 nước vẫn đạt hơn 90 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 77,08 tỷ USD, tăng 25,7% so với năm 2019 và chiếm 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã thay đổi theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng và tạo đà tăng trưởng bền vững. Nhìn chung, trong 25 năm qua, hầu hết các doanh nghiệp lớn của Mỹ đều đã có mặt ở Việt Nam.

Về phía Mỹ, khi đại dịch xảy ra, Mỹ đã tuyên bố hỗ trợ hơn 87 triệu USD cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp, thuốc men và các dịch vụ khác để đối phó với Covid -19 tại khu vực ASEAN. Mỹ cũng đề xuất hỗ trợ tài chính để phát triển và đào tạo Giám đốc điều hành theo chương trình thuộc Đại học Fulbright Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Việc chú trọng vào công nghệ, đổi mới và hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy Mỹ rất quan tâm đến vấn đề đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong tiến trình nghiên cứu và đổi mới, mà kinh tế là một điểm sáng cho mối quan hệ song phương.

Gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, với những thành tựu trong việc truy vết và kiểm soát dịch bệnh, giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương, Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Google và Apple. Hiện nay, Tập đoàn Ford đã quyết định gia tăng năng lực sản xuất bằng việc đầu tư nhà máy lắp ráp tại Hải Dương; General Electric cũng đã tăng vốn đầu tư vào nhà máy Tua bin gió ở Hải Phòng,...

Nhìn chung, năm 2020 được đánh giá là bước ngoặt trong phát triển quan hệ song phương Mỹ - Việt, đồng thời thu hút được sự tham gia của Mỹ trong các hoạt động của ASEAN. Trong nhiệm kỳ 2021-2025, Tổng thống Joe Biden đã ban hành nhiều chính sách kinh tế điển hình, bao gồm: “The American Rescue Plan” trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và “The Infrastructure Plan” trị giá 2,3 nghìn tỷ USD, với một số điểm đáng chú ý sau:

- Đối phó với đại dịch Covid-19 là ưu tiên quốc gia.

- Phục hồi kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm, gia tăng mức lương tối thiểu từ 7,25 USD/giờ lên 15 USD/giờ, qua đó nâng cao chất lượng nguồn lao động - đặc biệt là lao động trẻ.

- Bảo vệ môi trường, ngưng sử dụng nhiên

liệu hóa thạch, chống biến đổi khí hậu là ưu tiên quốc gia.

- Đầu tư vào đổi mới cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng, điện sạch, ngành công nghiệp xe điện: Đạt được mức không phát thải vào năm 2050; Chi tiêu 400 tỷ USD hàng năm cho nghiên cứu và phát minh về năng lượng sạch; Tăng gấp 2 lần sản lượng gió ngoài khơi năm 2030; Giảm 50% lượng khí thải carbon trong ngành Điện vào năm 2035; Thêm 500.000 trạm sạc xe điện vào năm 2030 và ưu đãi thuế xe điện.

- Cải thiện, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, điện và internet băng thông rộng.

- Tài trợ cho lĩnh vực giáo dục từ mẫu giáo đến hết lớp 12, phổ cập mầm non cho tất cả trẻ em 3 và 4 tuổi; nâng cao chất lượng các trường Đại học công lập, Cao đẳng cộng đồng.

- Thuế quan: Đánh thuế an sinh xã hội 12,4% đối với những người kiếm được hơn 400.000 USD/năm; tăng thuế suất thuế TNDN lên 28%; đồng thời sẽ đánh thuế phần thu nhập từ đầu tư vốn dài hạn và thu nhập từ cổ tức trên 1 triệu USD với mức thuế suất 39,6%; đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập sổ sách của các công ty lớn.

- Thương mại: ưu tiên lĩnh vực năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo và công nghệ pin của xe điện.

3. Con đường phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam

Năm 2020, đại dịch Covid -19 không chỉ thay đổi, xáo trộn chiến lược phát triển của các doanh nghiệp, mà còn khiến mức tăng trưởng kinh tế suy giảm nghiêm trọng và đảo lộn các định hướng, tầm nhìn của cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, tăng trưởng GDP Việt Nam quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, sụt giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất của quý I trong hơn 10 năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp kỷ lục - chỉ còn 0,5%, trong khi nhập khẩu âm gần 2%. Tính chung cả 6 tháng năm 2020, tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,81% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020. Các chỉ số về tiêu dùng, xuất khẩu đều giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3% so với cùng kỳ năm 2019, còn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%.

Tuy nhiên, nhờ vào việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, Việt Nam đã trở thành điểm sáng hiếm hoi khi giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91%. Việc hạ lãi suất 3 lần các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2%/năm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Do đó, mức tác động đến cung tiền trong năm 2020 không quá lớn so với việc bơm tiền trực tiếp như các ngân hàng trung ương trên thế giới, hay các gói kích thích tài khóa lịch sử của Mỹ. Kể từ năm 2001 đến nay, VND luôn trong xu hướng giảm giá so với USD về mặt danh nghĩa, trung bình mỗi năm khoảng 2,5%. Tuy nhiên, năm 2020 là năm ngoại lệ khi giá USD không những không tăng, mà thậm chí còn giảm nhẹ so với VND.

Có thể thấy xu hướng giảm giá của đồng USD trên thị trường thế giới hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, mức giảm giá hơn 10% của đồng USD trong thời gian qua chưa lớn; điều này phản ánh các chính sách kinh tế thời kỳ Tổng thống Joe Biden và lý thuyết tiền tệ hiện đại mà họ đang áp dụng triệt để, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thờ ơ đối với lạm phát tạm thời, nợ công nghiêm trọng, giữ cho lãi suất ổn định dao động quanh mức 0%. Về phía Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo nguyên tắc linh hoạt, không cố định, theo cơ chế thả nổi có quản lý, ở một khía cạnh nào đó, Việt Nam cũng có thể mở rộng một chút cung tiền, nhưng phải cẩn thận với “bóng ma” lạm phát.

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động và sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thúc đẩy đà tăng trưởng và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đất nước bền vững giai đoạn 5 năm 2021-2025. Theo đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bên cạnh đó, để đạt được phát triển bền vững trong quá trình xây dựng chính sách, chiến lược, Chính phủ và tiếp đến là các doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ vai trò, ý nghĩa của việc làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong phục hồi xanh; hạn chế tác động xấu đến thiên nhiên gây ra những thảm họa về khí hậu và môi trường cũng gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế - xã hội.

Mục tiêu trước mắt là thực hiện cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng chuyển dịch và nâng cấp chuỗi giá trị, tăng cường khả năng chống chịu, liên kết ngành đảm bảo tăng trưởng xanh và bao trùm; Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thân thiện môi trường như năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái,… Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường và chuyển đổi sang nền kinh tế dựa vào đổi mới - sáng tạo, thâm dụng vốn và tri thức.

Một số định hướng lớn về phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII như sau:

- Đến năm 2025, tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100%, nông thôn là 93 - 95%; tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%.

- Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

- Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Nhìn chung, định hướng phát triển bền vững trong giai đoạn mới của Việt Nam khá tương quan với Mỹ. Tuy nhiên, con đường phát triển bền vững nền kinh tế của Việt Nam không nên giống Mỹ, bởi thuyết tiền tệ hiện đại đang gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới khoa học, khi mà việc in tiền ồ ạt để trả nợ công sẽ gây xói mòn giá trị của đồng USD, đồng thời vô hiệu hóa chức năng của Ngân hàng Trung ương khi chính sách tiền tệ mất đi vai trò của nó.

Bên cạnh đó, “cỗ xe tam mã” của Chính phủ bao gồm: đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu thì xuất khẩu và tiêu dùng chưa chắc chắn có thể tạo ra đột phá vì còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên quy mô toàn cầu. Do đó, công cụ tài khóa chắc chắn nhất hiện giờ của Chính phủ có lẽ là đầu tư công. Chỉ cần đầu tư công được đẩy mạnh một cách hợp lý, các tác động sẽ đến đủ sớm để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế. Đồng thời, để đảm bảo cho tính hiệu quả của chính sách tài khóa mở rộng thông qua đầu tư công, chính sách tiền tệ cũng cần có những bước đi phù hợp nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo mức lạm phát mục tiêu đã đề ra.

Vấn đề Việt Nam đang gặp không phải là thiếu vốn đầu tư, mà là chất lượng đầu tư và thiếu đầu tư vào những lĩnh vực Việt Nam đang cần. Chính phủ cần phải rà soát lại nguồn đầu tư nước ngoài để chú trọng hơn về chất lượng; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực giúp hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng, đẩy mạnh liên kết dọc; nâng tỷ lệ nội địa hóa; khuyến khích các dự án xanh bằng các biện pháp ưu đãi thuế, ưu đãi tín dụng. Nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn suy thoái, một chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ để gia tăng đầu tư công vào lĩnh vực nào đó sẽ mang lại tác động định hướng, tạo ra hiệu ứng số nhân dương, từ đó thu hút đầu tư trong khu vực tư nhân; nền kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng mà Chính phủ các quốc gia mong muốn - hiệu ứng “Crowding In”.

4. Kết luận

Trong giai đoạn bình thường, mục tiêu hàng đầu của các quốc gia là tăng trưởng nền kinh tế mà đôi khi xem nhẹ giá trị bảo vệ môi trường sống. Kể từ sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thói quen của con người đã thay đổi, vấn đề sức khỏe, bảo vệ môi trường lại trở nên quan trọng...  Điều Việt Nam cần làm lúc này là vượt qua đại dịch, xây dựng một cơ chế phát triển bền vững, chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và sẵn sàng đối phó với các thảm họa có thể xảy ra trong tương lai - bắt đầu một giai đoạn bình thường mới.

Những nghiên cứu sâu hơn về phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam có thể tập trung vào giải quyết bài toán hiệu quả kinh tế đối với các dự án xanh, phát triển hệ thống xe điện và các trạm sạc điện hướng tới mục tiêu không phát thải.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Matt Stie. (2021). What Is in Joe Bidens $1.9 Trillion Stimulus Package Plan? New York Magazine. [online] Avalibale at: https://nymag.com/intelligencer/2021/03/whats-in-joe-bidens-stimulus-package-plan.html
  2. Luis Melgar & Ana Rivas. (2021). Bidens Infrastructure Plan Visualized: How the $2.3 Trillion Would Be Allocated, The Wall Street Journal. [online] Avalibale at: https://www.wsj.com/articles/bidens-infrastructure-plan-how-the-2-3-trillion-would-be-allocated-11617234178
  3. Đào Vũ (2021). Vẫn có thể mở rộng cung tiền, cẩn thận "bóng ma" lạm phát, Tạp chí điện tử VnEconomy, truy cập tại https://vneconomy.vn/van-co-the-mo-rong-cung-tien-can-than-bong-ma-lam-phat.htm
  4. Nguyễn Hoàng (2021). Các định hướng lớn về phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII, Báo điện tử của Chính phủ, Báo điện tử của Chính phủ, truy cập tại http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Cac-dinh-huong-lon-ve-phat-trien-dat-nuoc-trong-giai-doan-20212030-theo-Nghi-quyet-Dai-hoi-XIII/424242.vgp
  5. Thanh Thủy (2021). Kinh tế Việt Nam năm 2021: Từ giữ thăng bằng đến phát triển bền vững, Báo điện tử của Chính phủ, truy cập tại https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Kinh-te-Viet-Nam-nam-2021-Tu-giu-thang-bang-den-phat-trien-ben-vung/422333.vgp
  6. Như Trần & Cảnh Toàn (2021). Chủ tịch World Bank: Sau đại dịch là thách thức nhiên liệu sạch, Zing news, truy cập tại https://zingnews.vn/chu-tich-world-bank-sau-dai-dich-la-thach-thuc-nhien-lieu-sach-post1202014.html
  7. Nguyễn Đức Độ (2021). “Bắt mạch” tỷ giá VND/USD năm 2021, Thời báo Tài chính Việt Nam, truy cập tại http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2021-02-07/bat-mach-ty-gia-vnd-usd-nam-2021-99537.aspx
  8. K.D (2020). 25 năm quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/kinh-te/25-nam-quan-he-kinh-te-thuong-mai-viet-nam-hoa-ky-568166.html
  9. Lê Hiệp (2020). 25 năm quan hệ Việt - Mỹ: Từ cựu thù tới đối tác toàn diện, Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/thoi-su/25-nam-quan-he-viet-my-tu-cuu-thu-toi-doi-tac-toan-dien-1249561.html
  10. Minh An (2020). 25 năm quan hệ thương mại Việt - Mỹ, Tạp chí Con số và Sự kiện, http://consosukien.vn/25-nam-quan-he-thuong-mai-viet-my.htm

THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT 

PATH FOR VIETNAM’S ECONOMY 

              - EXPERIENCE FROM THE US ECONOMIC POLICIES                    • Master. LUU VAN ANH DUNG

University of Social Sciences and Humanities

Vietnam National University of Ho Chi Minh City

PhD student, University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The emergence of the Covid-19 as a global pandemic in 2020 has caused tremendous impacts on the world, especially the United States. US - Vietnam economic and trade have expanded rapidly over the last 25 years. This paper analyzes some economic policies of the US to gain experience in sustainable development for Vietnam’s economy.

Keywords: economic policy, sustainable development, the Covid-19 pandemic, Vietnam’s economy, the US economy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]