Cộng đồng Kinh tế ASEAN chủ động thúc đẩy hợp tác ngoại khối

Thông qua các tuyên bố chung, sáng kiến hợp tác, ASEAN đang thể hiện vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề toàn cầu cũng như tinh thần chủ động thích ứng với những thách thức khu vực và thế giới, cùng các đối tác vượt qua đại dịch trong thời gian ngắn hạn và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Gắn kết và chủ động thích ứng

Ngày 22-29/8/2020, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52) đã diễn ra tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến.

Đây là một trong những sự kiện nổi bật của cộng đồng kinh tế ASEAN trong năm 2020, đồng thời khẳng định sự chủ động, linh hoạt của chủ nhà Việt Nam trong chuyển đổi hình thức tổ chức các sự kiện từ trực tiếp sang trực tuyến, không để tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác nội - ngoại khối.

Chia sẻ với báo chí bên lề AEM-52, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đẩy mạnh hợp tác ngoại khối đa tầng về kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN.

“ASEAN là một khu vực kinh tế năng động và có sức phát triển hướng tới mục tiêu bền vững nhất trên thế giới. Do đó, phải tiếp tục tăng cường và đảm bảo vai trò trụ cột của ASEAN như đối tác kinh tế lớn, quan trọng của tất cả các nền kinh tế toàn cầu”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52

Với mục tiêu này, trong khuôn khổ AEM-52, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã liên tiếp tổ chức nhiều Hội nghị tham vấn trực tuyến với các đối tác ngoại khối, bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Nga, ASEAN+3, Canada, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Hàn Quốc, thể hiện rõ ràng tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” của các nước ASEAN với vai trò dẫn dắt của Việt Nam trên ghế Chủ tịch ASEAN 2020.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đều ghi nhận những nỗ lực chung của các bên trong thực hiện triển khai các khung khổ hợp tác song phương như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư giai đoạn 2019-2020 (TIFA) và Kế hoạch Hành động thực hiện Sáng kiến Hợp tác Thương mại mở rộng (E3) giữa ASEAN và Hoa Kỳ; Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư (AHKIA) giữa ASEAN và Hồng Kông, Trung Quốc;…

Đặc biệt, cho tới nay, RCEP vẫn là ưu tiên hàng đầu của ASEAN về hợp tác ngoại khối trong năm 2020.

Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 8 diễn ra ngày (27/8/2020) ghi nhận những kết quả tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định
Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 8 khẳng định RCEP vẫn là ưu tiên của ASEAN về hợp tác ngoại khối trong năm 2020

Điều đáng ghi nhận là các cuộc họp, thảo luận chuyên sâu theo hình thức trực tuyến của các bên tham gia đàm phán RCEP vẫn được tiến hành theo đúng tiến độ, bất chấp sự bùng phát kéo dài của đại dịch Covid-19.

Nhờ vậy, tiến trình đàm phán Hiệp định này đang diễn ra ổn định, dự kiến sẽ được ký kết tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 14 vào tháng 11 năm nay.

Theo các Bộ trưởng, việc tiếp tục thực thi có hiệu quả và toàn diện các chương trình hợp tác này sẽ là cơ sở quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các bên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại hai chiều và đóng góp đáng kể cho sự phát triển tích cực của kinh tế khu vực sau đại dịch.

“Mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới, là tiếp tục tìm kiếm và tăng cường hơn nữa cơ hội kết nối với những đối tác, đối tượng tiềm năng trong kinh tế - thương mại để tạo ra thêm nhiều khung khổ thuận lợi hơn nữa cho nền kinh tế và doanh nghiệp ASEAN.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng các Quỹ để thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống hạ tầng kết nối trong khung khổ ASEAN với đối tác”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đại diện Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) tại Hội nghị tham vấn trực tuyến của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với ASEAN BAC chiều 24/8/2020
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đại diện Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) tại Hội nghị tham vấn trực tuyến của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với ASEAN BAC chiều 24/8/2020

Chung vai ứng phó dịch bệnh

Cũng tại các Hội nghị tham vấn, Bộ trưởng Kinh tế các bên đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về đại dịch Covid-19 bởi sự ảnh hưởng lan rộng tới đời sống người dân cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đặc biệt, du lịch, vận tải, sản xuất, bán lẻ và các ngành dịch vụ khác là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cùng với các ngành cung ứng và thị trường tài chính. ASEAN cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Do vậy, các Bộ trưởng ASEAN và đối tác đều nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phối hợp, chung tay, góp sức của các nước trong khu vực cũng như trên toàn thế giới nhằm đối phó với đại dịch.

Kết quả, ASEAN và các đối tác đã nhất trí sẽ cố gắng không áp dụng các biện pháp hạn chế luồng chu chuyển của các hàng hóa thiết yếu, bao gồm cả các biện pháp phi thuế quan nhằm giải quyết những khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại, đồng thời tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh khả năng phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam, trên ghế Chủ tịch ASEAN 2020, đã đề xuất và thúc đẩy triển khai nhiều sáng kiến hợp tác nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong lĩnh vực kinh tế
Việt Nam, trên ghế Chủ tịch ASEAN 2020, đã đề xuất và thúc đẩy triển khai nhiều sáng kiến hợp tác nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong lĩnh vực kinh tế

Bên cạnh việc triển khai 13 sáng kiến về hợp tác kinh tế của ASEAN cho năm 2020 do Việt Nam đề xuất, từ đầu năm đến nay, với vai trò chủ động thúc đẩy của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN, các nước ASEAN đã tích cực thảo luận, xây dựng các sáng kiến hợp tác nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong lĩnh vực kinh tế, thể hiện tại các tuyên bố chung và kế hoạch hành động về ứng phó với dịch Covid-19 trong nội - ngoại khối.

Nội dung chính của tuyên bố chung và kế hoạch hành động là cam kết duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trường thương mại và đầu tư, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đặc biệt là các thủ tục hải quan ở cửa khẩu nhằm đảm bảo tạo thuận lợi cho dòng lưu chuyển hàng hóa trong khu vực, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu.

Hội nghị tham vấn trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Australia - New Zealand
Hội nghị tham vấn trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Australia - New Zealand

ASEAN cũng khẳng định sẽ cùng các đối tác ngoại khối tiếp tục củng cố mạng lưới sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng khu vực bền vững, phát huy ứng dụng công nghệ để kịp thời điều chỉnh các phương thức kinh doanh thích ứng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó giúp ASEAN trụ vững trong giai đoạn dịch bệnh, duy trì đà tăng trưởng cũng như đưa ASEAN trở thành một cộng đồng kinh tế vững mạnh, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong tương lai.

Thông qua các tuyên bố chung, sáng kiến hợp tác này, một lần nữa ASEAN đã thể hiện vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề toàn cầu cũng như tinh thần chủ động thích ứng với những thách thức khu vực và thế giới.

Đây cũng chính là cơ sở quan trọng giúp ASEAN và các nước đối tác triển khai các giải pháp cần thiết, cùng nhau vượt qua đại dịch trong thời gian ngắn hạn và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Tiếp nối các Tuyên bố chung, Kế hoạch hành động về ứng phó dịch Covid-19 đã được thông qua tại các Hội nghị trước, Bộ trưởng các nước sẽ đưa ra hai Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52) nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa giữa ASEAN và các Đối tác Cộng Ba cũng như giữa ASEAN và Hàn Quốc để cùng nhau vượt qua đại dịch, nhanh chóng hồi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch, bao gồm:

(i) Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19

(ii) Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch Covid-19

Thy Thảo