Tham dự Hội nghị còn có đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Công đoàn Công Thương Việt Nam, Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục, Vụ, Văn phòng, các Trường thuộc Bộ Công Thương; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Văn phòng đại diện KOSEN tại Việt Nam.

Những điểm sáng trong bức tranh giáo dục đào tạo của ngành

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, năm học 2021-2022, đánh dấu sự nỗ lực của các trường thuộc Bộ Công Thương, hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa đảm bảo chương trình đào tạo. Trong đó, tuyển sinh đạt hơn 91% kế hoạch đề ra, thích ứng và đa dạng ngành nghề đào tạo theo yêu cầu thị trường. Song song với đó, các đơn vị chú trọng và đầu tư nghiêm túc, bài bản, có lộ trình cho việc kiểm định Trường, kiểm định chương trình, nghiên cứu khoa học có nhiều kết quả vượt trội với hơn 18 ngàn sản phẩm do giáo viên, sinh viên thực hiện,…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị 

Tại Hội nghị, các trường đã chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số, về xây dựng trường chất lượng cao và trung tâm thực hành vùng. Việc áp dụng thí điểm mô hình đào tạo kỹ sư thực hành của Nhật Bản tại Việt Nam đã hoàn thành chặng đường 5 năm, đạt được kết quả cơ bản làm nền tảng cho phát triển mô hình này trong giai đoạn tới…

Một số đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Cục Xuất nhập khẩu đã bước đầu hỗ trợ tích cực các Trường trong đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực logistic cho ngành Công Thương. Đó là những điểm sáng trong bức tranh giáo dục đào tạo của ngành.

Bên cạnh đó, qua báo cáo tổng kết và tham luận của các trường đã chỉ ra một số những khó khăn của các Trường. Cụ thể, công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng vẫn là bài toán khó đối với một số Trường phía Bắc; Ngành nghề đào tạo mở mới theo nhu cầu xã hội nhưng chất lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, sinh viên thiếu kỹ năng, yếu về thái độ và kỷ luật lao động; ¼ số Trường chưa tự đánh giá và kiểm định chất lượng.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, hoạt động nghiên cứu khoa học đã được chú trọng nhưng chủ yếu tập trung ở các Trường đại học tự chủ, chưa có sản phẩm mang tính đột phá, giá trị ứng dụng cao trong ngành Công Thương; Hoạt động hợp tác quốc tế cũng chỉ tập trung ở một số trường do thiếu đội ngũ đủ năng lực, trình độ ngoại ngữ; Một số dự án vay vốn nước ngoài chậm triển khai do nhiều quy trình thủ tục và cách thức quản lý trong nước.

Việc thành lập hội đồng trường còn chậm, vai trò của hội đồng trường còn mờ nhạt; Đầu tư, cấp ngân sách chưa thực sự gắn với kết quả đầu ra nên hiệu quả chưa cao; Việc hợp tác doanh nghiệp với Trường cần được xây dựng theo các mô hình có tính liên kết và tổ chức cao hơn, theo chiều sâu; Chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo nhu cầu nhân lực, sàn giao dịch tuyển dụng và đào tạo, kênh thông tin kết nối 3 chiều: Doanh nghiệp - nhà trường- sinh viên, nhằm minh bạch, thông suốt thông tin đa chiều, mang lại biến chuyển tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Công Thương nói riêng và kinh tế- xã hội nói chung.

Tại Hội nghị, để đóng góp cho việc xác định phương hướng năm học tới, ở góc độ quản lý nhà nước, đại diện các đơn vị trong Bộ đã gửi bài tham luận, trực tiếp trao đổi, thảo luận và đưa ra nhận định về nhu cầu, định hướng phát triển nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực chủ đạo của ngành Công Thương như: ngành điện, ngành thương mại trong nước, thương mại điện tử và kinh tế số.

Tôi hy vọng những ý kiến trao đổi hôm nay sẽ góp phần tạo định hướng và chuyển biến tích cực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của các cơ cở đào tạo Bộ Công Thương. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo

Trên cơ sở phân tích đánh giá một số thành tựu đã đạt được, những hạn chế vướng mắc và nguyên nhân; căn cứ các mục tiêu phát triển nhân lực ngành Công Thương và phương hướng năm học 2022 - 2023 của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các Trường triển khai nhiệm vụ theo phương hướng trọng tâm.

Các cơ sở giáo dự đại học (GDĐH) tiếp tục triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu gắn với giải trình, công khai, minh bạch; hoàn thiện tổ chức bộ máy; đổi mới và nâng cao năng lực quản trị ĐH, hướng tới quản trị ĐH 4.0; ổn định phương thức tuyển sinh; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; tăng cường phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật- công nghệ, đảm bảo yêu cầu Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại diện các đơn vị trong Bộ đã gửi bài tham luận, trực tiếp trao đổi, thảo luận tại Hội nghị

Đối với cơ sở giáo dự nghề nghiệp (GDNN) đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp; thực hiện chuyển đổi số và đổi mới phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.

Để thực hiện theo phương hướng đó, cần chủ động tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân gợi mở một số vấn đề.

Thứ nhất, đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình. Các Trường chưa tự chủ 100% chủ động rà soát và lên kế hoạch, lộ trình hướng tới tự chủ toàn diện. Các Trường đã tự chủ 100% tăng cường phân cấp, minh bạch thông tin, tăng cường giám sát, đánh giá của xã hội.

Thứ hai, chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trong Trường (tái cấu trúc hoạt động) theo hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học liên ngành, ứng dụng thực tiễn; kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Thứ ba, cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý bằng nhiều biện pháp như: xây dựng chỉ số đánh giá hiệu quả công việc; kết quả nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên khởi nghiệp, thực hành tại doanh nghiệp nên là một trong số các chỉ tiêu xếp loại giảng viên; thông qua hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế để học tập, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm, khả năng nghiên cứu, ngoại ngữ, công nghệ thông tin,.. cho đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giảng viên chương trình chất lượng cao nâng cao.

Thứ tư, tăng cường các điều kiện đảm bảo và quản lý chất lượng đào tạo như: đầu tư cho cơ sở vật chất, đội ngũ, nâng cao năng lực quản lý đào tạo; đổi mới chương trình giáo trình; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng; gắn kết doanh nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu trong mọi hoạt động (từ tư vấn việc làm, tuyển sinh, xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình giáo trình, thực hành, thực tập, giảng dạy, đánh giá tốt nghiệp, tuyển dụng); chủ động nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động trình độ cao, sự phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo để xác định ngành nghề đào tạo phù hợp, hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, phát triển chương trình đào tạo mới, đổi mới công nghệ trong đào tạo các ngành kỹ thuật của trường, hình thành các ngành thế mạnh truyền thống; hình thành kênh thông tin 3 chiều giữa người đào tạo- người học- người tuyển dụng

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ: Xây dựng Chiến lược KHCN phù hợp Chiến lược tổng thể của quốc gia, của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; từng bước hình thành các nhóm nghiên cứu và định hướng nghiên cứu phù hợp với quy mô, năng lực, thế mạnh của từng Trường, kết hợp giữa Trường với Viện, Trường – Viện – Doanh nghiệp.

Thứ sáu, thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế thông qua việc củng cố các kỹ năng ngoại ngữ cho giáo viên, giảng viên, nhân viên và cán bộ quản lý; mở rộng các hình thức liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam; xây dựng các chương trình đào tạo hướng tới chuẩn quốc tế; đầu tư kiểm định chương trình bởi các tổ chức quốc tế có uy tín,…

Thứ bảy, tăng cường nguồn lực đầu tư và sử dụng có hiệu quả. Huy động vốn của cá nhân tổ chức trong nước thông qua hình thức đào tạo theo đặt hàng, liên kết đào tạo Trường- Doanh nghiệp, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu,... Huy động vốn của của các tổ chức quốc tế, của chính phủ, phi chính phủ hoặc các công ty, tập đoàn kinh tế và các cá nhân nước ngoài... bằng các hình thức: liên doanh, liên kết, quyên góp, cho tặng dưới các hình thức khác nhau.

Thứ tám, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo: Xây dựng giải pháp tổng thể ứng dụng CNTT của nhà trường; Đưa vào quy hoạch phát triển Trường, kế hoạch 5 năm và hàng năm về ứng dụng CNTTvà tổ chức thực hiện; Triển khai các điều kiện đảm bảo, trong đó ưu tiên kiện toàn đội ngũ chuyên trách CNTT.

Thứ chín, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp: Từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp qua việc chuyển giao các đề tài, dự án nghiên cứu sinh viên, giảng viên thành các mô hình, dự án khởi nghiệp có giá trị cao cho doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội; đẩy mạnh thông tin, truyền thông và hỗ trợ đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ vốn cho dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Thứ mười, đẩy mạnh truyền thông và quản trị “thương hiệu” của mỗi cơ sở giáo dục đào tạo: thành lập bộ phận truyền thông chuyên biệt; xây dựng hệ thống tryền thông đa chiều; sử dụng hiệu quả các công cụ digital marketing để tiếp thị trên các mạng xã hội và các ứng dụng công nghệ khác; lựa chọn thông điệp giáo dục phù hợp tác động trực tiếp vào nhận thức của người học;  đẩy mạnh hoạt động nội bộ, tích cực tương tác với những người quan tâm nhằm lan truyền các thông tin tốt.