Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chưa thể thực hiện thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại trụ sở người nộp thuế (NNT), Bộ Tài chính yêu cầu Cơ quan thuế các cấp tiếp tục tăng cường thực hiện công tác kiểm tra tại trụ sở Cơ quan thuế; không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2021 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm, để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra thuộc kế hoạch năm 2021 đã được giao cần thực hiện phân tích dữ liệu, rà soát, ưu tiên triển khai sớm những DN có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn, …, đồng thời việc thực hiện phải đảm bảo an toàn, phù hợp với diễn biến thực tế của dịch Covid-19.

Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) do dịch bệnh Covid 19 gây ra như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản; Tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra;...

Bộ cũng yêu cầu cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho NSNN.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Bộ TTTT, các Sở TTTT để tập trung xây dựng CSDL, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...

Triển khai hiệu quả công tác quản lý thu nợ, tiếp tục thực hiện chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp gồm:

Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng tại địa phương; phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn để cơ quan thuế và các ngành, các cấp cùng phối hợp trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý.

Thực hiện hiệu quả công tác xử lý nợ theo Nghị quyết 94 của Quốc hội, giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Tổ chức rà soát kịp thời đối với NNT không thuộc diện được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP để đôn đốc kịp thời NNT nộp đúng, đủ, kịp thời số thuế phải nộp vào NSNN; Rà soát đối với NNT thuộc đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất tuy nhiên còn nợ thuế để tổ chức đôn đốc, thuyết phục thu kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN.